Nơi người dân nói như chim hót
Nếu hai người Diêm Điền (Quảng Bình) nói chuyện với nhau bằng 100% từ ngữ và giọng điệu của họ, người ngoài dù lắng tai nghe cũng không hiểu. Họ nói líu lo và rất nhanh, nghe như chim hót.
Người làng Diêm Điền thuộc phường Đức Ninh Đông (TP Đồng Hới, Quảng Bình) có gốc gác ở các tỉnh phía Bắc như Thanh Hoá, Thái Bình… di cư vào Đồng Hới từ hơn 400 năm trước. Làng nằm trên doi đất dài, như ngón chân con chim khổng lồ duỗi ra. Nhiều người nói vui là có lẽ do vậy nên người Diêm Điền mới có tiếng nói tựa như… chim hót.
Ngay người làng Diêm Điền cũng thừa nhận là họ nói líu lo và rất nhanh. Họ phát âm sai nhiều từ, ngữ âm, thổ âm quá nặng, khi nói lại lên bổng xuống trầm, nhấn mạnh, đãi dài ra… liên tục. Nếu hai người Diêm Điền nói chuyện với nhau bằng 100% từ ngữ và giọng điệu của họ, người ngoài làng dù có lắng tai nghe cũng không hiểu.
Ông Hoàng Mạnh Châm, người làng Diêm Điền, giải thích người làng không nói đúng được các chữ có từ đứng đầu như s, tr, d… Với các từ này họ sẽ nói sang th, t, r. Hoặc chữ l, n thì nói như một số tỉnh phía Bắc sang n, l. Thanh ngang nhiều lúc họ phát âm như thanh huyền, như không thành ra khồng, ăn thành ằn, ba thành bà… Ngược lại, trong một số trường hợp, đôi khi chữ có thanh huyền họ phát âm ra thành thanh ngang, như ngày lại nói thành ngay…
Chữ có dấu hỏi, dấu ngã là khó nói nhất nên người dân thường phát âm chữ hỏi thành ra lơ lớ giữa hoi, hói, hòi, hoặc chữ ngủ nghe na ná chữ ngù, ngũ, ngụ… như đang luyến láy một nốt nhạc. Bởi vậy, người Diêm Điền đi ra khỏi làng hoặc khi tiếp xúc với người khác thường chuyển sang nói bằng giọng Bắc, hay giọng các làng khác ở Đồng Hới. Người đi làm việc cho Nhà nước, hay đi làm ăn xa cũng phải vậy để giao tiếp được dễ dàng hơn.
Nhưng dù có đi xa, người Diêm Điền luôn ý thức giữ gìn giọng nói của mình. Nhà bà Hoàng Thị Hường (81 tuổi) nằm sát ngay ranh giới hai làng Diêm Điền và Nam Lý (thuộc phường Nam Lý) và chỉ cách nhau cái ngõ nhỏ. Vậy nhưng chưa bao giờ bà quên giọng nói gốc gác Diêm Điền của mình. Khi “sang” chơi với người Nam Lý bà nói giọng Nam Lý, về nhà bà lại nói với cháu con giọng gốc của mình. “Quê ai lói giọng quê lấy, khồng có chuyện tháo tộn qua nại chi hết”, bà Hường nói.
Chính việc phát âm sai chính tả và ngữ điệu, âm điệu như chim của người Diêm Điền mà có biết bao chuyện vui được truyền tụng trong cộng đồng. Ông Phạm Phước, người Diêm Điền, vốn vẫn hay trào lộng về tiếng nói của làng mình, kể: “Có cô gái người làng Diêm Điền đi chơi với người yêu ở làng khác, nói chuyện với bạn trai cô nói toàn giọng Bắc. Chơi một lúc, anh con trai với tay ôm cô gái, cô hoảng quá, quên mất mình là người Diêm Điền đang nói giọng Bắc, vậy là nói luôn giọng Diêm Điền: khồng được khồng được, thả tớ ra kẻo vê nha mạ tớ mắng, đánh tớ u tôốc thì nàm thao (không được không được, thả tớ ra kẻo về nhà mẹ tớ mắng, đánh tớ u đầu thì làm sao)!”.
Người Diêm Điền có nghề truyền thống là xây và mộc. Ảnh: báo Quảng Trị.
Video đang HOT
Ông Hoàng Mạnh Châm kể tiếp chuyện vui: “Có chàng trai người Diêm Điền hẹn hò với cô gái khác làng dưới ánh trăng, bất ngờ chàng nói tiếng làng mình: Hồm này tời thao thưa, tăng tháng thủa em hè” (Hôm nay trời sao sưa, trăng sáng sủa em nhỉ)! Té ra anh chàng vì quá hồi hộp nên quên mất tiếng… phổ thông. Năm 1972, một lần đơn vị mình hành quân đêm giữa rừng, mình phát hiện tước mặt có một cái hố thâu, bèn tuyền ra thau hang quân là phía tước có hố! Chẳng hiểu giọng nói của mình nàm thao mà các bố nính nại tưởng là mình nói phía tước có hổ, thế nà cả bọn ho nhau chạy tán noạn cả”.
Một thợ xây người Diêm Điền góp chuyện, thợ Diêm Điền ở trên mái nhà nói với một thợ người làng khác đứng phía dưới là “May ném cho tớ cái rựa (như dao quắm) với!”. Anh thợ ở dưới cứ nói với lên: “Khi nãy tao bỏ một cái trên đó rồi, ngay dưới chân mi đó”. Nói qua nói lại không được, tìm quanh tìm quất mãi vẫn không thấy cái rựa đâu, anh thợ người Diêm Điền phải trèo xuống lấy lên. Té ra do giọng nói của anh thợ người Diêm Điền ở tiếng “rựa” đã được nhấn mạnh, nặng nề nghe cứ na ná như “rưa”, “rửa”, “rữa”… nên anh kia cứ tưởng là đang cần… bật lửa hút thuốc.
Và đây là câu chuyện có thật. Một thanh niên làng bên lấy cô gái người Diêm Điền. Một lần đưa cô đi khám bệnh đau bụng, ra khỏi phòng khám nước mắt cô vòng quanh. Tưởng mắc bệnh gì nặng lắm, hỏi mãi cô mới nói: “Họ hoi lúc tháng đã ằn uống nhi chưa để nàm xét nghiệm máu. Nói với họ nà có đi uống nhiều nần nước tong (nước trong) rồi. Rứa ma họ cứ bóp bụng nói nà đã bị tiêu chảy vi ngộ độc thức ăn. Em bảo nà không phải, lói mãi lói mãi thi họ mắng: đã đi ra nước tong tỏng rồi mà còn khồng phải nà tiêu chảy!”.
Nghiên cứu về văn hóa dân gian, ông Nguyễn Văn Tăng, Chánh văn phòng Hội Di sản văn hóa văn nghệ tỉnh Quảng Bình, cho rằng trong từng vùng đất vẫn có nhiều giọng nói, lẫn lộn và xen kẽ nhau… Theo gia phả của người Diêm Điền, họ di cư từ phía Bắc vào, mang theo thổ ngữ của vùng đất mà họ sống từ xa xưa. Đã bao đời họ sống giữa lòng thành phố Đồng Hới nhưng vẫn giữ được tiếng nói và ngôn ngữ gốc, điều đó cho thấy tính bền vững của ngôn ngữ gốc.
“Khi đi làm ăn xa, người Diêm Điền phải giữ được tiếng nói, ngôn ngữ riêng của mình, nếu mất đi họ sẽ mất gốc. Sự gắn kết cộng đồng của người làng rất chặt chẽ, tính quần cư của họ rất cao. Đó là yếu tố quan trọng để họ có tiếng nói khác lạ với xung quanh như hiện giờ”, ông Tăng giải thích.
Theo VNE
600 năm bạc mặt vì bạc
Nghề chạm bạc từng một thời bị xếp vào "xó bếp" rồi cũng lận đận ngoi ngóp góp mặt trên thị trường kim hoàn.
Người trong nghề kim hoàn chạm bạc nước ta thực chẳng ai mà không biết Đồng Xâm ở Kiến Xương, Thái Bình. Đây không chỉ là cái nôi của nghề chạm bạc danh bất hư truyền mà còn là "linh hồn" của thứ nghề rất ít người biết đến. Nhưng, ai đã đa mang lấy nghề chạm bạc thì dù muốn bỏ, muốn rời xa cũng khó khi đã trót lấy nghiệp vào thân.
Đồng Xâm vốn là tên làng, một làng nhỏ chăm chú với nghề lúa nước thuộc xã Hồng Thái bây giờ. Nhưng thương hiệu bạc Đồng Xâm thì không chỉ gói gọn trong cái làng nhỏ ấy mà dàn trải sang cả làng và xã khác như Lê Lợi. "Nghề lành lan rộng nên người dân khu vực cũng thạo nghề lắm, nhà nào cũng biết nghề, đứa trẻ con cũng biết chạm bạc, thế nên đất lúa mà nông nghiệp chỉ là nghề phụ", lời ông Phạm Quang Ngừng, đương kim Chủ nhiệm HTX chạm bạc cho biết như vậy.
Thế nhưng, nếu chỉ nhìn qua sự phát triển hiện thời với những nhà tầng mái cao san sát nhau thì người ngoài dễ nhầm sự thịnh vượng của nghề chạm bạc. Tôi cũng từng nhầm khi xuýt xoa với ông chủ nhiệm. Nhưng thực tế không phải như vậy, dân Đồng Xâm đã 600 năm bạc mặt vì nghề chạm bạc. Ông Ngừng bảo, cái nghề này không làm ra thóc ra gạo, nó thuộc thứ nghề phục vụ người giàu nên lao đao lắm.
Phụ nữ cũng tham gia làm nghề
Từ khi ông tổ nghề tên là Nguyễn Kim Lâu học mót được nghề từ nước Đại Minh và đem về Đồng Xâm truyền dạy từ năm 1428 thì đã có biết bao biến động. "Nghề phục vụ vua chúa, người giàu có nhưng lại không giàu được. Thời vinh quang nhất thì cũng đã cách giờ quá lâu rồi. Thời ấy cụ Kim Lâu lập phường gồm 149 người tất thảy, trong đó có 1 trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ. Ngày trước để được học nghề cũng không đơn giản bởi các luật tục khắt khe đào tạo những người thực sự có tâm và tài để không làm ô danh nghề chạm bạc.
600 năm ấy cho đến bây giờ, cùng với những biến động lịch sử, những no đói của thời đại khiến thợ bạc Đồng Xâm không ít phen lao đao. Ông Ngừng bảo, nhiều lần nghề chạm bạc đi vào quên lãng, bếp lò các hộ làm nghề lạnh tanh, không có tiếng khò thổi lửa, không tiếng đục đẽo leng keng, tất cả như muốn quên đi thứ nghề đã khiến họ phải bạc mặt với đời.
Lửa lò nung bạc Đồng Xâm
Cầm tay chỉ việc
"Nghề chạm bạc dù bạc bẽo đến vậy nhưng cũng chẳng có sách vở nào dạy cách làm nghề. Những ai muốn học thì chỉ học mót bằng cách quan sát thợ lành nghề. Tất tần tật thợ chạm bạc Đồng Xâm từ xưa tới nay cũng chỉ được dạy bằng cách cầm tay chỉ việc, không có lý luận về nghề, càng không có khái niệm nghề chạm bạc là gì", khẳng định của ông Phạm Quang.
Hiện thời, 2 xã Hồng Thái và Lê Lợi là tập trung đông người làm nghề chạm bạc, một số HTX cũng được mở ra với mục đích duy trì nghề truyền thống và để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, số người gia nhập HTX là rất khiêm tốn, các thợ giỏi và người có vốn liếng thì họ tự mở xưởng tại gia, thu hút nhân lực và sản xuất theo đơn đặt hàng.
Một thợ chạm bạc đang tạo khuôn sản phẩm
Đồng Xâm cũng là thủ phủ lớn nhất nhì nước ta về kim hoàn chạm bạc với đủ mọi mặt hàng, từ nhẫn đeo tay đến đỉnh đồng mâm bạc. Đặc biệt, những chiếc dĩa bạc với cán cầm bằng sừng được chế tác rất công phu chỉ để xuất khẩu sang châu Âu với giá cao đang là mặt hàng được sản xuất nhiều nhất.
Những đứa trẻ chỉ 7 - 8 tuổi cũng lúi húi giúp bố mẹ bào sừng, cưa bạc hay đục đẽo những hoa văn họa tiết trên sản phẩm. Nhiều cụ già dù mắt mờ chân chậm vẫn hăng say vẽ mẫu và hướng dẫn con cháu cách nấu bạc, dập khuôn. Một số thanh niên đang học nghề được những người thợ cả chỉ dạy từ cách chọn bạc đến sự cách điệu trong tạo mẫu.
Ông Ngừng cho biết: "Cái nghề này đòi hỏi phải khéo tay, có óc thẩm mỹ cao độ và phải cực đam mê thì mới mong có những sản phẩm tuyệt đích. Nếu không có những yếu tố ấy, thứ làm ra chỉ rất bình thường, khô khan. Vì thế, để trở thành thợ chỉ mất 2 năm, nhưng nếu là thợ giỏi thì phải cả đời học hỏi không ngừng".
Đỉnh đồng với những hoa văn tinh tế nhất
Lửa bạc
"Nghề kim hoàn luôn gắn với lửa, lửa trong lò có cháy thì nghề chạm bạc mới có cơ may phát triển", ông Ngừng cho biết. Vậy là niềm vui của bạc Đồng Xâm lại có cơ hội không bị tụt lùi khi khách ta khách tây nườm nượp đặt hàng. Ông Ngừng nói văn vẻ: "Trong khi sự khủng hoảng kinh tế thế giới đẩy 60 doanh nghiệp làng nghề Việt Nam xuống hố thì làng chạm bạc Đồng Xâm vẫn sống khoẻ".
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan, Chủ tịch Hội chạm bạc Đồng Xâm cho biết: "Người thợ bạc phải tinh và ranh thì mới sống được, ngoài sự tinh tế về sản phẩm thì mình cũng phải đa dạng hoá thì mới có cơ hội tồn tại. Thợ chạm bạc của làng thu nhập cũng khá ổn định, từ 3 - 4 triệu đồng/tháng".
Khu trưng bày sản phẩm bạc Đồng Xâm
Chính sự khởi sắc làng nghề nên ở Đồng Xâm không lúc nào ngớt tiếp búa đập, tiếng đục đẽo kim hoàn. Lửa lò lúc nào cũng cháy đỏ rực, mùi ngai ngái của bạc tan chảy hoà vào những đam mê nghệ thuật. Thế nên, những đỉnh đồng, những quả cầu bạc được làm ra cũng như có hồn hơn.
Vậy mà, niềm vui ấy chỉ có được và giữ được ở Đồng Xâm, vì theo ông Phạm Quang Ngừng: "Bao nhiêu người tứ xứ đến đây học nghề thành thợ giỏi, thậm chí thành nghệ nhân rồi đem nghề chạm bạc đến nơi khác khởi nghiệp đều không thể tồn tại được. Các cụ tôi bảo, nghề chạm bạc muốn sống cũng phải có đất, khắp nước Nam cũng chỉ có Đồng Xâm là đất phát cho chạm bạc mà thôi".
"Hồn cốt của bạc Đồng Xâm ngoài tay nghề còn phải có "mẹo", tức là bí quyết. Đấy là điểm phân biệt tại sao người Đồng Xâm làm bạc bao giờ cũng đỉnh hơn người nơi khác. Đồng Xâm còn kết hợp với các làng nghề để sản xuất ra sản phẩm thương hiệu Made in Đồng Xâm như bức "tứ linh" đoạt giải Sao vàng Đất Việt và hàng loạt những công trình chạm bạc ở các chùa chiền. Thế giới cũng đang tìm về Đồng Xâm như một biểu tượng của tinh hoa chạm bạc".
Ông Phạm Quang Ngừng (Chủ nhiệm HTX chạm bạc Đồng Xâm)
Theo 24h
Lễ hội 'trâu rơm bò rạ' ngày xuân Mùng 4 tết hàng năm, người dân xã Đại Đồng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hóa trang thành những chú trâu, chú bò, giả trai, giả gái... vui vẻ đi cày trong lễ hội "trâu rơm bò rạ". Cụ Từ dâng hương trình Đức Thánh để bắt đầu lễ hội. Những con trâu, bò được bện từ rơm bên cạnh những vật dụng chuẩn...