Nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất cả nước
Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) là nơi lưu giữ, bảo quản 16 bảo vật quốc gia trên tổng số 104 bảo vật được Thủ tướng ký quyết định công nhận qua 4 đợt.
Mộ thuyền Việt Khê làm bằng gỗ và đồng, dài 476 cm, rộng 77 cm, dày 60 cm, sâu 39 cm. Mộ được phát hiện tại công trường đào đất Việt Khê, xã Phù Ninh (Thủy Nguyên, Hải Phòng) vào năm 1961. Được xác định thuộc nền văn hóa Đông Sơn cách đây 2.500 năm, mộ thuyền là loại quan tài bằng thân cây khoét rỗng, tương đối nguyên vẹn. Hai đầu được bịt kín bằng ván hình bán nguyệt. Trong mộ thuyền có chứa 107 đồ tùy táng quý hiếm của văn hóa Đông Sơn như rìu, giáo, lao, kiếm, bình, muôi, chuông đồng…
Trống Ngọc Lũ được đúc bằng đồng, có đường kính mặt 79,3 cm, đường kính chân 80 cm, cao 63 cm, niên đại 2.000-2500 năm, thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Trống có màu xanh xám, bao gồm mặt, tang, thân và chân trống. Giữa mặt trống đúc nổi ngôi sao 14 cánh, từ tâm ra có 16 vành hoa văn. Tang trống phình trang trí hoa văn hình thuyền, người, chim… Trong hàng nghìn chiếc trống được phát hiện, trống Ngọc Lũ vẫn là hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn, có kiểu dáng và kích thước hài hòa, đề tài trang trí đẹp và phong phú nhất, phản ánh nhiều nét đặc trưng văn hóa của cư dân Lạc Việt. Trong sinh hoạt, trống đồng vừa là nhạc khí, vừa là biểu tượng quyền lực của tầng lớp thống trị thời kỳ Hùng Vương.
Cùng nhóm với trống đồng Ngọc Lũ, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng thời dựng nước của dân tộc Việt Nam là chiếc trống đồng Hoàng Hạ. Trống có đường kính mặt 78,5 cm, đường kính chân 79,9 cm, cao 61,5 cm. Chính giữa mặt trống có hình ngôi sao nổi 16 cánh, tính từ tâm có 15 vành hoa văn, 6 chiến thuyền chuyển động từ trái sang phải, trong có các chiến binh tay cầm vũ khí, cảnh giết tù binh…
Thạp Đào Thịnh bằng đồng cao 98 cm, có niên đại từ 2.000-2.500 năm, thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Chiếc thạp hình trụ, nắp đậy hình nón cụt, ở giữa có hình mặt trời 12 tia, xung quanh có 11 vành hoa văn. Nắp thạp có 4 cặp tượng trai gái đang giao hợp (hiện còn 2 cặp). Người con trai xõa tóc, ngang hông đeo dao găm, đóng khố; người con gái mặc váy ngắn. Thạp đồng Đào Thịnh là bản thông điệp của quá khứ gửi cho thế hệ mai sau về cuộc sống vật chất và quan niệm phồn thực, khát vọng sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật của cư dân nông nghiệp lúa nước. Ngoài trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Đào Thịnh có kích thước lớn nhất trong những hiện vật khai quật được đến nay.
Tượng hai người cõng nhau thổi khèn thuộc nền văn hóa Đông Sơn, có niên đại khoảng 2.000-2.500 năm. Người cõng trong tư thế cong lưng, hai chân nhún nhảy, hai chân choàng ra ôm lấy người ngồi trên lưng. Tóc người cõng được búi cao, tai đeo khuyên tròn, rủ xuống ngang vai. Người ngồi lên lưng miệng ngậm khèn, một tay ôm lấy người cõng, một tay đỡ khèn. Đây là tiêu bản hiếm hoi về nghệ thuật tượng tròn thời Đông Sơn, phản ánh sinh động một khía cạnh của xã hội phát triển về mọi mặt, đặc biệt là âm nhạc truyền thống. Hình thức sinh hoạt âm nhạc ấy đến nay vẫn còn đọng lại ở nhiều dân tộc thiểu số.
Cây đèn hình người quỳ là một trong 30 hiện vật đầu tiên được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia. Đèn cao 40 cm, rộng 27 cm, nặng 1,9 kg, có niên đại khoảng 1.700-2.000 năm. Cây đèn được phát hiện trong ngôi mộ số 3 ở Lạch Trường (Thanh Hóa), mang hình tượng một người đàn ông mình trần, đóng khố, hai tay nâng đĩa đèn trong tư thế quỳ. Trên đầu tượng được gắn vương miện, tóc để chỏm. Hai vai và sau tượng gắn 3 chữ S, mỗi chữ S đỡ một đĩa đèn và gắn một hình người đang quỳ. Trên hai đùi và đằng sau người đàn ông có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ, hai nhạc công đang thổi sáo. Đây là cây đèn hình người lớn nhất trong số ít cây đèn cùng loại, thể hiện kỹ thuật đúc khéo léo và phản ánh thẩm mỹ cao của cư dân cổ thời kỳ hậu văn hóa Đông Sơn.
Bia đá Võ Cạnh – tấm bia cổ nhất còn lại của Vương quốc cổ Chămpa. Bia được khắc bằng chữ Phạn cổ cho biết nhiều thông tin có giá trị về lịch sử vương triều tiền vương quốc Nam Chăm. Bia có niên đại thế kỷ 2-3, thuộc nền văn hóa Chămpa. Minh văn khắc trên bia được đánh giá là cổ nhất ở Đông Nam Á, 3 mặt khắc chữ Sanskrit. Nội dung minh văn “Ý tưởng về sự ổn định, đến rồi đi, ở thế giới này, lòng khoan dung đối với con người. Sự hy sinh vì lợi ích của người khác, tất cả những nét đó làm nổi bật sự phóng khoáng ở Cri-Mara, xuất phát từ một thần cảm Phật giáo rõ nét khiến người ta thoát khỏi ý nghĩ rằng vị thủ lĩnh này rao giảng học thuyết về sự khoan dung độ lượng. Những vị thủ lĩnh Braman đã làm rất nhiều cho những khu đền. Họ không bao giờ có những suy nghĩ đã chu cấp đầy đủ nhu cầu cho gia đình họ. Thừa nhận việc sở hữu số dư thừa trong tài sản của con người nói chung. Tinh thần của Acoka đã trở lại như trong chỉ dụ này. Nó cũng không tồn tại đến thời kỳ ban bố trước hội đồng trong những đêm trăng tròn, đây là một trong hai lễ hội hàng tháng của tín đồ Phật giáo”. Hiện tại, tấm bia bị mòn rất nhiều, chữ khó đọc.
Video đang HOT
Chuông Vân Bản bằng đồng, cao 127 cm, đường kính miệng 80 cm, có niên đại thế kỷ 13-14 dưới thời Trần. Chuông được trang trí bởi các cánh sen kép. Quai chuông có hai con rồng đấu lưng vào nhau, chỏm quai được tạo bởi hình búp sen, thân rồng trang trí vẩy cá chép. Hiện tại, chiếc chuông bị sứt mất chân rồng. Chuông Vân Bản được tìm thấy tại vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng) vào năm 1958. Đây là cổ vật độc bản, gắn với chùa Vân Bản, tháp Tường Long ở vùng Đồ Sơn, giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, chức danh và Phật giáo ở thời Trần.
Ấn đồng Môn Hạ Sảnh, được đúc năm 1377 dưới thời vua Trần Duệ Tông. Chiếc ấn hình vuông, có núm hình chữ nhật. Hai bên cạnh lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán. Bên phải có 4 chữ, phiên âm “Môn Hạ Sảnh ấn” (ấn của Sảnh Môn Hạ). Bên trái khắc 11 chữ, phiên âm “Long khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo” (chế tạo ngày 23 tháng 5, năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh). Môn Hạ Sảnh ấn được dùng để đóng trên những văn bản hành chính quan trọng của triều đình từ đời Trần Phế Đế về sau, là hiện vật liên quan đến tổ chức hành chính trung ương. Sảnh Hạ Môn là cơ quan nằm trong bộ ba “Tam sảnh” của chính quyền trung ương, gồm: sảnh Thượng thư, sảnh Trung thư và sảnh Môn hạ. Trong đó, sảnh Môn hạ là cơ quan thân cận nhà vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh của vua tới các quan và các công việc lễ nghi trong cung. Chức quan này do những đại thần tài giỏi đảm nhiệm.
Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga cao 56,5 cm, có niên đại triều Lê sơ (thế kỷ 15-16). Chiếc bình có 7 băng hoa văn: hoa dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân mây dải hình khánh, thiên nga, sóng nước, lá đề, phong cảnh, lá đề xen lẫn bốn chim thiên nga với các tư thế bay đậu khác nhau. Những hoa văn trang trí trên mang đậm truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, phản ánh đỉnh cao nghệ thuật chế tạo đồ gốm thời Lê sơ. Bình gốm thiên nga được sản xuất tại làng gốm Chu Đậu (nay thuộc Nam Sách, Hải Dương) – một trong những trung tâm sản xuất gốm lớn nhất nước thời ấy. Chiếc bình là một trong những cổ vật được khai quật tại tàu đắm ở Cù Lao Chàm (năm 1999-2000).
Bia điện Nam Giao là một trong những di vật có giá trị nhất còn lại của điện Nam Giao. Bia được dựng năm thứ 4, niên hiệu Vĩnh Trị, đời vua Lê Hy Tông (1679). Thân bia trang trí các đề tài đặc trưng của nghệ thuật thời Lê Trung Hưng và khắc bài ký điện Nam Giao cho biết rõ về ý nghĩa lịch sử và quá trình xây dựng điện – nơi vua và triều thần tiến hành đại lễ cầu quốc thái dân an vào đầu xuân hàng năm. Chứng kiến những thăng trầm lịch sử, bia đá Nam Giao là bằng chứng sống động về những giá trị thiêng liêng cua “Quôc lê” truyên thông.
Trống đồng Cảnh Thịnh có đường kính 49 cm, cao 37,4 cm được đúc vào năm 1800, thuộc triều đại Tây Sơn. Chiếc trống có 4 quai hình khuyên gắn cách đều trên thân. Xung quanh trống đúc nổi các băng hoa văn: nhũ đinh, lá đề, hồi văn chữ T và tứ linh long, ly, quy, phượng. Đây là tiêu bản duy nhất trong phức hợp trống Việt Nam và khu vực với sự mô phỏng loại trống da truyền thống Việt Nam. Minh văn trên trống nói về bà Nguyễn Thị Lộc, vợ của Tổng Thái giám Giao quận công dưới đời vua Lê Ý Tông (1736) góp công lập chùa Linh Ứng (nay là Chùa Nành).
Ấn Sắc Mệnh Chi Bảo được đúc vào năm 1827, năm Minh Mệnh thứ 8. Đây là hiện vật độc bản, có vị trí đặc biệt quan trọng trong thiết chế quân chủ phong kiến Việt Nam, là biểu trưng quyền lực của triều đình, dùng để đóng trên các loai sắc phong cua vương triêu. Ấn được chế tạo bằng vàng, đúc, khắc công phu.
Sách Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, dày 100 trang in lito, xuất bản ở Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1927. Sách tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc những năm 1925-1927 do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành bí mật và được chuyển về nước. Đường Kách Mệnh đề cập sâu sắc việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có tư cách đạo đức, trí tuệ của Đảng, là tài liệu định hướng cho mọi hoạt động của cách mạng Việt Nam ở thời điểm đó và các giai đoạn tiếp theo.
Tác phẩm Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) dày 79 trang, đã sờn mép, có nhiều vết ố do vết ghim để lại. Tập nhật ký bằng thơ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi chép trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ tại các nhà lao tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) từ tháng 8/1942 đến 9/1943. Ngục trung nhật ký phản ánh tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng không chịu khuất phục trước kẻ thù với những câu thơ đầy chất thépThân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần phải càng cao.
Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố ngày 19/12/1946. Bản thảo được viết tay trên 2 trang giấy rời, không có dòng kẻ, màu trắng ngà, mực màu nâu đen. Đây là hiện vật có giá trị đặc biệt, liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước và gắn bó với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, 16 bảo vật quốc gia này có ý nghĩa lớn bởi gắn bó với lịch sử hình thành quốc gia, dân tộc cùng quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Các bảo vật có ở nhiều thời kỳ, chủ yếu là thời kỳ văn hóa Đông Sơn có niên đại cách đây trên 2.500 năm. Đây là thời kỳ hình thành quốc gia, nhà nước sớm, đặt nền tảng tạo dựng nên nền văn hóa Việt Nam như trống đồng, thạp đồng. Có những hiện vật dưới thời phong kiến Trần, Lê, Nguyễn… gắn với thời kỳ quân chủ vừa xây dựng đất nước, vừa kiên cường chống giặc ngoại xâm, như bia đá Nam Giao, ấn Sắc Mệnh Chi Bảo… hay hiện vật gắn với sự đấu tranh giải phóng dân tộc, như Ngục trung nhật ký, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến…
“Những bảo vật này đều được bảo quản nghiêm ngặt và được phát huy trong điều kiện tốt nhất. Trong 16 hiện vật lưu giữ thì có 12 hiện vật được đưa ra trưng bày cố định và thường xuyên, phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước”, ông Cường thông tin.
Hoàng Phương – Giang Huy
Theo VNE
Gần 100 linh vật cổ quý hiếm lần đầu tiên được giới thiệu
27 loại hình linh vật Việt Nam qua các thời kỳ lần đầu tiên được tập hợp, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Tượng Si Vẫn cùng gần 100 hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong triển lãm khai mạc sáng 28/10 tại Hà Nội.
Tượng làm bằng đất nung, có từ thời Lê Trung Hưng ở thế kỷ 17-18. Đây là linh vật xuất phát từ trí tượng tượng dân gian về một loại động vật biển đầu rồng, thân cá, đuôi cong tròn mỗi khi đập sóng là có mưa. Người xưa còn gọi Si Vẫn bằng tục danh là con Kìm, thường đắp lên trên các công trình kiến trúc với ý nghĩa để tránh hỏa hoạn.
Tượng rồng bằng vàng từ thời Nguyễn, khoảng thế kỷ 19-20. Bức tượng khá nhỏ, đặt vừa lòng bàn tay nhưng thể hiện độ tinh xảo, trình độ tạo hình xuất sắc đặc trưng của các hiện vật cung đình triều Nguyễn.
Tượng rồng bằng vàng trên ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo, niên hiệu Thiệu Trị 7 (năm 1847).
Linh vật là những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh hóa, được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tôn giáo. Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại khác nhau, do người Việt Nam sáng tạo hoặc giao lưu, biến thể từ các nền văn hóa bên ngoài.
Tượng nghê chầu gốm men trắng và xanh có từ thời Mạc, thế kỷ 16. Con nghê là hình tượng linh vật dân gian xuất phát từ trí tưởng tượng của người dân về một con vật pha trộn giữa con sư tử, con chó và con trâu. Tượng nghê chầu xuất hiện từ thời Lê sở (thế kỷ 15), trở nên phổ biến dưới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18), đến thời Nguyễn (thế kỷ 19-20) thì phổ biến dưới hình thức Sư tử chầu. Tượng nghê thường xuất hiện theo cặp trước cổng, cửa đền chùa, miếu mạo, thậm chí còn được đặt trước cổng làng.
Tượng con trâu (sửu) trong bộ sưu tập tượng 12 con giáp cổ bằng ngọc quý. Người xưa tin rằng linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ.
Tượng sư tử chầu bằng đất nung, có từ thời Lý. Đây là một trong những hiện vật có niên đại cổ nhất trong các hiện vật linh vật trưng bày lần này, khoảng thế kỷ 11-13. Hình tượng linh vật sư tử Việt Nam có nét khác biệt rõ rệt với hình tượng sư tử của Trung Quốc: Con vật thuần phục, hiền lành chứ không dữ tợn, uy nghi.
Tượng long mã - linh vật kết hợp giữa rồng và ngựa. Tượng được đúc bằng đồng có từ thời Nguyễn thế kỷ 19-20.
Cặp phượng chầu bằng gỗ, có từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17-18. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của mỗi thời kỳ lịch sử.
Bức tượng đầu sư tử đặc biệt quý hiếm bằng đất nung, có từ thời Lý, khoảng thể kỷ 11-13. Tượng thường được trang trí trên các công trình kiến trúc, xuất hiện phổ biến trong cả thời Trần, thế kỷ 13-14.
Cặp tượng rắn đầu người rất độc đáo bằng gốm men trắng có từ thời Nguyễn, thế kỷ 19-20.
Với gần 100 hiện vật quý hiếm về các linh vật Việt Nam, đây là cuộc tập hợp, trưng bày linh vật lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Triễn lãm sẽ kéo dài tới tháng 2/2016.
Quý Đoàn
Theo VNE
Hành trình tìm ba bảo vật quốc gia dưới đáy biển Để trục vớt ba khẩu thần công, hiện được công nhận bảo vật quốc gia, gần 30 thợ lặn đã làm việc liên tục trong 2 tuần, nhiều người ngất lịm vì kiệt sức. Theo Bảo tàng Hà Tĩnh, ba khẩu thần công có tên Bảo quốc an dân đại tướng quân, được đưa về bảo tàng vài năm trước. Mỗi khẩu nặng...