Nỗi lòng những bậc cha mẹ có con là sát thủ
“Còn nước, còn tát mà, nó phạm tội nhưng nó là con mình, là người mà mình yêu thương. Lỗi một phần cũng do tôi, vì lo làm ăn kiếm cơm hai bữa nên việc chăm sóc, bảo ban dạy dỗ nó tôi không làm tròn. Tôi đã chạy đôn chạy đáo nhờ những đồng đội cũ xác nhận để mong con được giảm án… biết làm như vậy là không nên nhưng nghĩ đến lúc nó bị tử hình tôi thấy đau không chịu nổi !”.
Một đối tượng đang chờ ngày thi hành bản án tử hình cho tội ác mà mình đã gây ra; còn một đối tượng khác đang đang trốn chui trốn nhủi trước sự tầm nã của lực lượng công an sau khi vừa gây ra vụ giết người dã man.
Hai đối tượng, hai cách gây án khác nhau nhưng nguyên nhân dẫn đến giết người cũng chỉ vì nguyên nhân vớ vẩn. Chỉ tội cho những ông bố già, bà mẹ – những người đau khổ gấp bội, không tin rằng những đứa con mình dứt ruột đẻ ra lại có ngày gây ra tội ác mà trời không dung, đất khó tha.
Có người cha hi vọng “còn nước còn tát” để giành giật mạng sống của đứa con trai của mình; có bà mẹ vẫn ngày đêm nằm khóc, nhắn tin, gọi điện mong con sớm ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
“Mong con sớm về, dù là tù tội mẹ cũng không bỏ con”
Những ngày này dãy nhà trọ trên đường 23, khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM vẫn còn râm ran về vụ giết người kinh hoàng mà họ chứng kiến. Ở một góc phòng trọ có một người phụ nữ một nách ôm con, tay kia dìu đứa trẻ học lớp 4 lặng lẽ đốt nhang cho chồng.
Nhìn xéo về hướng phòng trọ của hung thủ, người đàn bà hai con này chỉ còn biết khóc khi thủ phạm vẫn đang lẫn trốn ngoài vòng xã hội. Riêng mẹ của hung thủ thì đã rời bỏ khu nhà trọ này, cửa đóng then cài im ỉm và cũng đang đau khổ trước những tội ác mà đứa con trai của mình đã gây ra.
Hiện trường vụ giết người ở phòng trọ quận Thủ Đức, TP.HCM
Người đàn bà ấy đã khóc cạn nước mắt khi con trai của mình gây ra cái chết của một người hàng xóm. Bà vẫn đang ngày đêm nhắn tin, gọi điện, tìm cách liên lạc để khuyên nhủ đứa con trai của mình ra đầu thú, nhưng đang… vô vọng.
Con trai của bà không ai khác là Hồ Đức Thắng (tự Cò, SN 1992, ngụ quận Tân Phú, tạm trú quận Thủ Đức, TP.HCM).
Ông Lê Hoàng Sang – phó ban điều hành khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh – kể lại: Trong đêm đó (đêm 12/2) các dân phòng đang ngồi trực tại đầu hẻm thì thấy đứa con 4 tuổi của anh Trần Khắc Hào (SN 1973, ngụ phòng số 6 trong dãy trọ nói trên) chạy đến hớt hải, mếu máo”
“Ba cháu bị chú Cò dùng dao chém bị thương chảy máu quá trời!”. Ngay lập tức ông Sang cùng 5 dân phòng chạy vào trong khu nhà trọ.
Một cảnh tượng hãi hùng trong khuôn viên dãy nhà trọ, anh Hào bị ba vết chém nằm sõng soài trên vũng máu, kế anh là Nguyễn Thanh Bình (SN 1986, ngụ tỉnh Thanh Hóa) cũng bị ba vết chém trên người.
Khi sờ vào người Hào, anh Sang thấy hơi thở đã yếu nhưng vẫn cùng mọi người đưa hai nạn nhân vào bệnh viên cấp cứu. Vết thương mất quá nhiều máu, Hào không qua khỏi. Lúc này trong đám đông, Thắng (tức Cò) người dính dầy máu lững thững bỏ đi.
Thanh kiếm sáng loáng dài gần 60cm trên tay nhanh chóng được Thắng dấu vào trong áo và chui nhanh vào các lùm cây trên đường số 23 trước khi bị mọi người phát hiện.
Video đang HOT
Mệt mỏi sau nhiều ngày làm đám, mang thi thể chồng đi hỏa táng và trở lại khu nhà trọ lãnh lẽo, buồn tênh, chị Kim Chi (vợ anh Hào) vẫn còn hãi hùng khi nhớ lại vụ việc.
Đêm hôm đó, một số bạn anh Hào đến khu nhà trọ chơi và tổ chức tiệc ăn nhậu. Lúc này Cò đi làm về và chui vào phòng khóa cửa lại. Rượu vào lời ra, đám bạn anh Hào trong cơn quá chén đã gây ồn ào làm Cò không ngủ được.
Cò mở cửa phòng ra cửa nói xách mé với chị Chi. Khi người đàn bà này thuật lại lời của Cò với chồng, thì anh Hào can “Tính nó còn con nít chấp làm gì, người trong xóm không mà!”. Lúc này rượu còn nhưng mồi đã cạn nên anh Bình xung phong đi mua đồ nhậu.
“Mua mồi xong, Bình chạy xe vào khu phòng trọ thì đá chống dựng xe trước cửa phòng trọ của Cò. Vô tình chiếc xe máy bị ngã đập vào cửa phòng trọ của Cò. Thế là thằng Cò chạy ra đôi co với Bình.
Hai đứa cãi nhau quá trời, mấy người trong xóm bu lại khuyên can chúng mới dứt ra. Tưởng chuyện đã êm, nào ngờ…”- chị Kim Chi tức tưởi.
Cò vào phòng nhưng vẫn còn ấp ức vì tưởng Bình định trả đũa mình. Cò vớ lấy cây kiếm treo trong phòng chạy ra tìm Bình để chém. Bình chạy bán sống bán chết, nhưng không kịp do trong người có men rượu nên bị Cò thẳng tay chém nhiều nhát vào người.
Lúc này anh Hào chạy ra khuyên can “Không có gì đâu Cò ơi! Anh em không mà Cò!”. Trong cơn say máu, lời nói của anh Hào không can nổi Cò và người thanh niên này quay sang rượt đuổi, chém một nhát vào cổ và hai nhát vào người làm anh Hào gục xuống, ú ớ vài tiếng rồi ngất lịm.
Ông Sang cho biết, sau khi Cò, tức Hồ Đức Thắng gây án và bỏ trốn, mẹ của Thắng – là bà Vũ Thị Kim Loan, SN 1972 – cùng cô bạn gái của Cò cũng xin chuyển đi nơi khác vì không thể sống với những dư luận xung quanh, bởi những tội ác mà con trai, bạn trai của họ gây ra cho một gia đình.
“Con dại cái mang” những ngày qua bà Loan đã vất vả ngược xuôi lo tiền bạc để lo lắng giảm bớt tội ác mà con mình gây ra đối với gia đình nạn nhân. Ai bà cũng vay dù biết rằng số tiền mà bà kiếm được từ xe đẩy trái cây không thể nào bà trả được trong một sớm một chiều.
Ông Sang kể tiếp “Mấy ngày nay Cò dùng nhiều số điện thoại gọi về cho mẹ, bà ấy đã khuyên can Cò ra đầu thú nhưng dường như Cò còn sợ nên chưa dám…”. Theo những người sống trong dãy nhà trọ thì Tết này Cò vừa tròn 20 tuổi.
Từ quận Tân Phú dời về khu nhà trọ này cùng bà Loan, Thắng không hề xích mích với ai, buổi sáng dẫn xe đi, chiều lại về đóng cửa ngủ. Lâu lâu Cò cũng ra khỏi phòng nói đôi câu ba với những cô gái cùng dãy trọ.
Bà Loan thì vất vả buôn bán cả ngày, Cò chưa kiếm được việc làm ổn định nên ai thuê gì làm nấy. “Bản tính nó hiền, không rượu chè, không biết hút thuốc, nhìn cách chạy xe của nó như một người thanh niên đàng hoàng nhưng không ngờ nó lại gây ra cái tội tày trời như vậy!”- một người ở trọ cùng tặc lưỡi.
Một người phụ nữ một nách hai con không biết sẽ sống ra sao khi người chồng là trụ cột chính trong gia đình ra đi bởi lưỡi kiếm dã man của hung thủ. Trong khi đó một người phụ nữ khác bươn chãi để kiếm tiền lo bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Ban đêm bà đã khóc, khóc rất nhiều vì sự hiếu thắng vì sự bộc phát của con trẻ và chỉ cầu mong thắng nhận ra tội lỗi của mình ra đầu thú. Nhiều người hàng xóm cho biết, bà Loan thường tâm sự, mong con ra đầu thú. Có lúc ở khóe mắt bà rưng rưng và nói “mong con sớm về, dù là tù tội mẹ cũng không bỏ con”.
“Cứ nghĩ đến lúc con bị tử hình mà mình thấy đau, đau lắm”
Trong một phiên tòa, tôi đã có dịp gặp ông – một người cha già có đau đớn tột cùng. Ông không thể tin vào tai mình khi nghe HĐXX hôm ấy phán quyết đứa con của mình đứt ruột đẻ ra lại là một đối tượng nguy hiểm cần bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Khi ấy ông đã gục xuống.
Mới đây người cha già ấy – cha ruột của tử tù Đặng Văn Thương (SN 1982, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) – tâm sự trong nỗi buồn:
“Còn nước, còn tát mà, nó phạm tội nhưng nó là con mình, là người mà mình yêu thương. Lỗi một phần cũng do tôi, vì lo làm ăn kiếm cơm hai bữa nên việc chăm sóc, bảo ban dạy dỗ nó tôi không làm tròn.
Tôi đã chạy đôn chạy đáo nhờ những đồng đội cũ xác nhận để mong con được giảm án… biết làm như vậy là không nên nhưng nghĩ đến lúc nó bị tử hình mình vẫn thấy đau!”.
Từ ngày Thương gây ra tội ác, cha của Thương đã phải chạy vạy vay mượn để kiếm tiền thang thuốc, đền bù ma chay cho gia đình nạn nhân. Nhìn thân hình tiều tụy, còm cõi của ông già ai cũng đau thương và cũng trách đứa con tội lỗi đó.
“Nó gây ra tội, nó phải chịu tội đó là lẽ công bằng của xã hội. Đau lắm chứ khi phải cắt bỏ đi núm ruột của mình. Nhưng tôi đau một thì gia đình nạn nhân đau gấp trăm, gấp ngàn lần.
Có bao nhiêu tiền, có đổi mạng thì con họ cũng không thể sống lại được. Tôi hiểu điều này mà…” – cha của tử tù Đặng Văn Thương tâm sự.
Con ông, tức Đặng Văn Thương ngẫm ra cũng chẳng phải là người đàng hoàng gì, nhưng với ông giờ mà bỏ nó thì không thể được. Chính vì vậy mà ông đang cố gắng tìm mọi cách, còn nước còn tát để giật lại mạng sống cho đứa con ấy.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cộng với bản tính đua đòi, lêu lổng nên Đặng Văn Thương sớm nghỉ học ở trình độ lớp 5, rồi tụ tập bạn bè phá làng phá xóm. Dù đã lớn nhưng lười lao động lại muốn có tiền tiêu xài nên Thương đã tụ tập những đám bạn xấu để thành một nhóm cướp.
Chỉ trong vòng một tháng, Thương và đồng bọn đã gây ra 7 vụ cướp tài sản. Thủ đoạn của băng nhóm này là đến những khu vực vắng vẻ nơi nhiều cặp tình nhân tâm sự để xin đểu; nếu nạn nhân không đồng ý chi tiền thì lập tức Thương và đồng bọn dùng hung khí để kề cổ uy hiếp, buộc nạn nhân phải làm theo ý chúng.
Nhưng chuyện không chỉ dừng lại ở đó, bản tính côn đồ, Thương đã ra tay một cách dã man khi tước đi mạng sống của một người khác trong hoàn cảnh đi cướp như thế.
Đó là khoảng một đêm đầu tháng 1/2010, Thương lận con dao lê trong áo mưa rồi gọi điện rủ Nguyễn Vũ Linh (SN 1991, ngụ huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, tạm trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) để… săn mồi như bình thường.
Hai tên chạy lòng vòng qua nhiều tuyến đường rồi bất ngờ chạy về hướng đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 theo hướng từ huyện Bình Chánh về quận 7. Trời vừa đổ cơn mưa nhỏ, nước trên mặt đường Nguyễn Văn Linh ướt sũng, đôi chỗ bị đọng lại thành vũng.
Chạy trước Thương là xe gắn máy do anh Lê Thanh T cầm lái chở anh Võ Kiến Tr. Lúc này anh T vô tình điều khiển xe gắn máy vào vũng nước mưa làm nước bắn lên đúng lúc xe Thương vừa tới.
Bị nước bắn ướt áo, Thương tức tối rồ ga đuổi theo ép xe anh T để hỏi tội. Bị bất ngờ, anh T dừng lại và xin lỗi. Lúc này ngồi phía sau, anh Tr buột miệng hỏi “Có chuyện gì không anh?” thì bị Thương rút dao lê ra đâm anh Tr một nhát làm anh Tr ngã xuống đường.
Ngồi sau chứng kiến đồng bọn đâm người nhưng Linh vẫn hất hàm hỏi anh T “Mày có tiền đưa tao 100 ngàn đi nhậu”. Anh T vừa lo lắng cho Tr, vừa trả lời “không có tiền!”.
Lúc này Thương rồ ga bỏ chạy vì thấy Tr không còn động đậy. Anh Tr đã chết trên đường đi cấp cứu do bị mất máu. Thương và Linh bị bắt ngay sau đó.
Vụ án nào cũng có nỗi đau cho những người liên quan. Nỗi đau đối với gia đình nạn nhân thì không có thể nào tả nỗi, bởi người thân của họ bị tước đi mạng sống một cách dã man. Nhưng ít ai biết được gia đình của sát thủ cũng có những nỗi đau khôn nguôi.
Cha của Thương cũng không bao giờ muốn con của mình gây ra tội ác, không bao giờ muốn nó mang lại nội đau cho người khác, đặc biệt là càng không muốn nghe đứa con của mình bị phải… vĩnh viễn cách ly ra khỏi đời sống xã hội.
Thế nhưng chuyện đó đã xảy ra, và bây giờ ông lại nhận lỗi do mình. Ông đổ lỗi do cái nghèo, do không có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ con một cách đàng hoàng, chu đáo. Thế mới thấy ở đời nước mắt bao giờ cũng chảy ngược…
Theo Phunutoday
Học hành như chạy đường dài
Con vào lớp 1, nhiều bậc cha mẹ vội cho con học thêm ngay để không thua kém bạn bè. Tuy nhiên, vẫn có những cha mẹ chấp nhận thứ hạng chưa cao của con chứ không gây áp lực, thúc đẩy con học hành quá sức.
Những người phụ huynh đó đã hiểu được rằng học hành là một con đường dài lâu chứ không nhất thời, nhất đoạn...
Dục tốc bất đạt
Chúng ta thử quan sát chặng đường đua 12 vòng sân vận động của các vận động viên đường dài. Qua năm vòng đầu tiên, một số vận động viên dốc sức ngay từ vạch xuất phát để chạy nhanh hơn và luôn dẫn đầu đoàn đua. Vậy đến những vòng cuối, có chắc rằng các vận động viên này sẽ tiếp tục dẫn đầu hay sớm kiệt sức, phải tụt lại phía sau hoặc bỏ cuộc nửa chừng? Trong khi đó, những vận động viên lúc đầu chỉ chạy đều ở tốp giữa, thì về cuối chặng đua, họ vẫn còn sức để có thể bứt phá và chiến thắng.
Việc phấn đấu của học sinh trong 12 năm học phổ thông cũng tương tự như cuộc đua 12 vòng sân vận động. Không ít học sinh bị cha mẹ thúc ép phải học thật giỏi ở bậc tiểu học, nhưng càng lên lớp cao, các em càng đuối sức, học hành sa sút, thậm chí có em bị suy nhược thần kinh phải dừng học dở dang... Song song đó, có những học sinh học bằng chính sức mình nên ban đầu chỉ đạt mức trung bình, khá, nhưng nhờ cha mẹ biết tiếp sức động viên con học đúng khả năng chứ không hám chuộng thành tích nên càng về sau, các em học hành tiến bộ hơn trong trạng thái vui vẻ, tự tin...
Đường dài mới biết ngựa hay
Trong thực tế, không phải mọi học sinh đều học giỏi, và cũng không hẳn học sinh nào mang danh hiệu học sinh giỏi cũng gặt hái thành công trong cuộc sống. Có một đôi vợ chồng dạy khiêu vũ rất nổi tiếng tại TP.HCM, họ luôn tươi trẻ nhờ công việc đầy thú vị, thường xuyên tiếp xúc với âm nhạc và thể hiện những động tác đầy nghệ thuật khi hướng dẫn học viên và biểu diễn trên sấn khấu. Do khẳng định được tài năng nên thu nhập của họ khá cao và họ đang có cuộc sống gia đình yên ấm, hạnh phúc. Họ đã thành đạt trong nghề nghiệp nhưng có thể hồi đi học, họ chỉ là học sinh trung bình hoặc khá vì chỉ có điểm cao ở hai môn được xem là môn phụ: âm nhạc và thể dục, chính là những môn khơi dậy tiềm năng nghệ thuật của họ, xây dựng nền tảng ban đầu để họ khẳng định tài năng trong hoạt động nghề nghiệp hiện nay...
Lớp 1 chỉ là những bước đi đầu tiên trong việc tạo dựng tương lai của con, cha mẹ cần hướng dẫn con biết chạy đua với đời một cách hiệu quả.
Trong khi đó, nhiều người tuy được điểm cao ở nhiều môn học, được đánh giá học lực giỏi nhưng không thể xác định được khả năng thực sự của mình vì đa số các môn đều nhờ học thêm mới có điểm tốt. Do vậy họ rất khó khăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân để có thể phát huy tối đa năng lực và thành công trong cuộc sống.
Vì vậy, các bậc cha mẹ đừng nóng vội, đừng mất bình tĩnh khi thấy con có vẻ thua sút bạn bè ở những năm học đầu tiên, nhất là khi sự "so tài" ấy không hề công bằng bởi vấn nạn học thêm tràn lan như hiện nay. Cha mẹ cần theo dõi để nhận biết sức học của con, từ đó đầu tư thích hợp, tránh xảy ra tình trạng "tiền mất tật mang" do ép con học hành quá sức đến đổ bệnh hoặc bơ phờ, mệt mỏi, ngán sợ việc học và đánh mất sự hồn nhiên đáng quý của thời thơ ấu. Cha mẹ cũng cần biết chấp nhận khả năng của con, không buồn rầu vì con mình không xuất chúng. Ngoài ra cha mẹ cũng cần giúp con tự tin phấn đấu trên quan điểm khuyến khích con "học hết sức mình" chứ không phải "học để có thứ hạng cao". Cha mẹ cần giúp con bộc lộ khả năng thật sự để có thể lựa chọn đúng ngành học và phấn đấu hiệu quả trong hoạt động nghề nghiệp sau này.
Đích đến của sự thành đạt còn xa, lớp 1 chỉ là những bước đi đầu tiên trong việc tạo dựng tương lai của con, cha mẹ cần hướng dẫn con biết chạy đua với đời một cách hiệu quả. Thông thường nếu chạy chậm, vừa sức thì ta sẽ chạy lâu hơn và đi được xa hơn. Cha mẹ đừng thiển cận, bắt con chạy quá sức chỉ để đạt các giải địa phương (danh hiệu hàng năm) mà phải bỏ cuộc nửa chừng một cách đáng tiếc!
Theo Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng
SGTT
Xôi đỗ "cháy" hàng trong ngày thi đầu tiên Mới từ tờ mờ sáng, phụ huynh cùng các sĩ tử từ các nơi đã tập kết trước cổng trường thi. Các hàng xôi, trà đá, lực lượng bán báo, đánh giầy ngay lập tức phát huy tính di động xen lẫn sự khoắc khoải chờ đợi của các bậc cha mẹ... 5h30 sáng 4/7, nhiều thí sinh đã chờ đợi trước cửa...