Nỗi lo sợ của những người ủng hộ trung thành Donald Trump
Một số người ủng hộ tận tụy cho Donald Trump đã từ bỏ ứng viên này vì các bê bối, trong khi những người khác ngày càng lo sợ ông sẽ bị đánh bại.
Một người ủng hộ Donald Trump tại Nevada. Ảnh: Reuters
Buổi sáng sau cuộc tranh luận phó tổng thống Mỹ, Cathy Frasca thức dậy lúc 5h và viết tay một lá thư dài 4 trang cho Donald Trump rằng: “Rõ ràng ông có thể dễ dàng thua trong cuộc bầu cử này”.
Bà cụ 89 tuổi kêu gọi ông Trump công khai hồ sơ thuế, phớt lờ những tranh cãi mà bà Hillary Clinton muốn khơi ra, dừng việc đăng bài trên Twitter lúc 3h sáng (ông Trump chỉ trích cựu hoa hậu hoàn vũ trên Twitter vào 3h sáng) và hãy nhớ rằng: “Bill Clinton không chạy đua vào Nhà Trắng, vì vậy đừng sử dụng số thời gian quý báu còn lại để nói về đời sống tình dục của ông ấy”. Frasca cho rằng ông Trump nên dùng thời gian đó để nói về cách ông sẽ cải thiện đất nước, theo Washington Post.
“Ông biết phải làm gì nhưng thời gian không còn nhiều”, bà viết ở đoạn kết. “Tôi luôn cầu nguyện cho ông”.
Khi ông Trump liên tục vướng vào các bê bối và các cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton đang giành ưu thế, ngày càng nhiều người ủng hộ tận tụy nhất của ông Trump nhận ra rằng ông có thể thua trong cuộc bầu cử. Họ vẫn hy vọng ông sẽ giành chiến thắng và ý tưởng bà Clinton lên làm tổng thống Mỹ khiến họ sợ hãi, tức giận. Họ đổ lỗi cho đảng Cộng hòa đã không tích cực hỗ trợ ứng viên của mình, nhưng họ cũng thấy ông Trump đã mắc sai lầm.
Khi Frasca theo dõi cuộc tranh luận tổng thống thứ hai ngày 9/10, bà vui vì thấy ông Trump dường như chuẩn bị tốt hơn và ông đã xin lỗi về video khoe khoang sàm sỡ phụ nữ năm 2005. Bà hài lòng khi nghe ông Trump dọa bỏ tù bà Clinton, nhưng bà không hiểu tại sao tỷ phú lại kéo theonhững người phụ nữ đã cáo buộc ông Bill Clinton tấn công hoặc quấy rối tình dục.
Sáng 10/10, bà Frasca mặc một chiếc áo màu vàng in hình Hillary Clinton đang la hét và dòng chữ: “Kẻ dối trá! Kẻ dối trá! Quần áo bà đang bốc cháy” (dựa trên câu nói thường được trẻ em Mỹ sử dụng khi chế nhạo người nói dối). Bà Frasca và một vài người bạn từ cộng đồng hưu trí tại Sewickley đã đi vài km về phía bắc, đến một phòng thể chất của trường trung học ở Ambridge, Pennsylvania, để tham dự sự kiện vận động cho ông Trump.
Người ủng hộ hò reo khi Donald Trump đến sự kiện vận động ở Ambridge, Pennsylvania hôm 10/10. Ảnh: Reuters
Pam Butler, 59 tuổi, người tham gia cùng bà Frasca, cũng đang lo lắng ông Trump sẽ thua cuộc. Bà đổ lỗi cho đảng Cộng hòa. Butler sửng sốt khi thấy Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan hôm 10/10 tuyên bố sẽ không bảo vệ ông Trump nữa. “Tôi cảm thấy ghê tởm”, bà nói. “Họ sẽ phải hối tiếc. Tôi hy vọng vậy. Cử tri rồi sẽ rời bỏ họ”.
Video đang HOT
Tại những sự kiện vận động, ông Trump có thể sống trong thế giới mà ông vẫn giành thế thượng phong. Ông được giới thiệu là “tổng thống tương lai” và được chào đón bởi một đám đông 2.500 người hò reo, ông nói rằng còn hàng nghìn người khác đợi bên ngoài.
Những đám đông như vậy là lý do để ông Trump không rời khỏi cuộc đua, là bằng chứng cho thấy ông vẫn có thể giành chiến thắng. Ông Trump đã giành được sự ủng hộ nhiệt tình của họ, tuy nhiên, nếu tỷ phú muốn thắng chung cuộc, ông vẫn phải thu hút thêm nhiều người khác nữa.
Bên ngoài trường trung học, khoảng vài chục người phản đối tỷ phú tụ tập. Một người đàn ông cầm tấm bảng: “Trump là một gã dâm ô”, trong khi ba phụ nữ trẻ hô: “Trump thiếu tư cách để làm tổng thống”.
Jamie Young, 49 tuổi, từng bầu cho ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở bang Pennsylvania và đã đến dự 5 cuộc vận động của tỷ phú, nói rằng bây giờ bà cảm thấy xấu hổ vì những điều đó.
“Giọt nước tràn ly với tôi là đoạn video ông ấy khoe khoang về việc sàm sỡ phụ nữ. Thế là quá đủ rồi”, bà nói.
Ở phía bên kia con đường bên ngoài trường trung học, một người ủng hộ Donald Trump hét lên: “Thế Bill Clinton thì sao? Clinton là một tên hiếp dâm”. Một người thì rao bán những tấm biển màu xanh có dòng chữ: “Trump, hạ ‘con mụ’ đó trước khi quá muộn”.
Bà Frasca hy vọng tỷ phú sẽ đọc lá thư của mình và áp dụng chiến lược bà nêu ra. Bà đã hứa với hàng xóm rằng nếu ông thắng cử, bà sẽ mở chai rượu đắt tiền của người chồng quá cố để mời mọi người.
“Đêm nào tôi cũng cầu nguyện ông Trump sẽ trở thành tổng thống”, bà nói. “Và đêm nào tôi cũng lo lắng rằng bà Clinton sẽ trở thành tổng thống”.
Phương Vũ
Theo VNE
Ngày chủ nhật bão tố của Donald Trump
Đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, bị đồng minh bỏ rơi đồng loạt, ông Trump cùng các cố vấn đã phải chiến đấu để không từ bỏ cuộc đua.
Người ủng hộ Donald Trump bên ngoài tòa tháp Trump ở New York hôm chủ nhật. Ảnh: Reuters
Ngay trước thềm cuộc tranh luận lần hai giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa và cả chiến dịch tranh cử của mình đã phải trải qua một ngày chủ nhật bão tố, sau khi xuất hiện đoạn video về những lời lẽ tục tĩu, xúc phạm phụ nữ của ông Trump từ năm 2005, theo NBC News.
Đoạn video đã khiến nhiều đảng viên Cộng hòa phẫn nộ, tuyên bố rời bỏ Trump và gia tăng sức ép đòi tỷ phú rút lui khỏi cuộc bầu cử, buộc đội ngũ tranh cử và các đồng minh ngày càng ít ỏi của ông phải gồng mình chống đỡ sóng gió khi cuộc đối đầu với đối thủ Hillary Clinton đã cận kề.
Tại tòa tháp Trump ở Manhattan, nơi ông Trump cố thủ suốt ngày thứ bảy sau khi đoạn video bị rò rỉ, giám đốc chiến dịch Steve Bannon và con trai Eric Trump của tỷ phú ra sức trấn an báo giới, nói rằng mọi thứ vẫn ổn để sẵn sàng cho cuộc tranh luận.
Thế nhưng cơn bão bên ngoài càng lúc càng mạnh lên, khi hàng chục đảng viên Cộng hòa cấp cao công khai tuyên bố "từ mặt" Trump. Các nguồn tin giấu tên của NBC News cho biết cả bộ máy tranh cử của ông Trump lúc đó chìm đắm trong tâm trạng bất an, mất phương hướng, khi không có một thông điệp thống nhất nào được đưa ra.
Một trợ lý của Trump mô tả bầu không khí lúc đó như "cuồng phong", và các nhân viên chiến dịch tranh cử vẫn đang cố gắng tìm hiểu mức độ hủy hoại của sự việc. Bản thân ông Trump dường như cũng mất bình tĩnh, tung ra những lời chỉ trích cay độc nhắm vào những thành viên đảng Cộng hòa đang ồ ạt rời bỏ ông.
"Thật nhiều những kẻ đạo đức giả ích kỷ. Nhìn số liệu khảo sát và bầu cử xem - đi xuống!", Trump viết trên Twitter.
Giữa cơn bão tố, Trump gần như chỉ còn lại một mình. Quản lý chiến dịch Kellyanne Conway, người thường đóng vai trò là nữ phát ngôn viên và là người ủng hộ nhiệt thành nhất của Trump, quyết định sẽ không xuất hiện trong các chương trình ngày chủ nhật của tỷ phú. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) Reince Priebus cũng vậy, khi ra tuyên bố lên án những bình luận tục tĩu của Trump.
Các nguồn tin trong chiến dịch cho biết Priebus đã gặp Trump trong khoảng 90 phút ngày thứ bảy và trò chuyện "rất thẳng thắn" về hậu quả của sự việc. Hành động của Priebus càng củng cố tin đồn rằng các lãnh đạo đảng Cộng hòa có thể cắt mọi nguồn lực cho Trump để tìm cách cứu vớt chiến dịch tranh cử.
"Lúc đó chúng tôi như đang nhìn thấy cái kết trong chiến dịch của Trump", một quan chức đảng Cộng hòa cho biết. "Rõ ràng không ai kiểm soát được ông ta trong chiến dịch". Người này nói rằng các quan chức đảng Cộng hòa lúc đó đang chờ đợi chỉ thị từ RNC về cách thức phân bổ nguồn lực trong tháng tranh cử cuối cùng.
Một nguồn tin trong RNC nói rằng Chủ tịch Priebus đã yêu cầu các ủy viên "làm những gì tốt nhất cho bản thân", khi nhiều trợ lý ở các cấp khác nhau lo ngại rằng việc tiếp tục hợp tác với Trump có thể hủy hoại danh tiếng chính trị của họ. Điều họ lo ngại hơn là những video tai hại hơn của Trump có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong cuộc khủng hoảng.
"Ông ta đã xuất hiện trước công chúng trong 30 năm. Chắc hẳn là phải có thêm (video) nữa", nguồn tin này nói. Tuy nhiên, người phát ngôn RNC bác bỏ thông tin cho rằng ông Priebus đã cho phép các ủy viên từ bỏ Trump.
Chống đỡ
Trump nói chuyện qua điện thoại với phó tướng Mike Pence trên máy bay. Ảnh:Twitter
Khi hai quan chức quan trọng là Conway và Priebus đều vắng mặt, cựu thống đốc thành phố New York Rudy Giuliani buộc phải thay mặt Trump tham gia các sự kiện tranh cử ngày chủ nhật. Giuliani nói rằng quản lý Conway vẫn là một phần của chiến dịch, và ông chỉ được chọn để thay mặt cho Trump vào phút chót vì ông là người "sẵn sàng" làm việc này.
Giữa những giờ phút khó khăn đó, rất nhiều tin đồn đã rộ lên rằng lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ tìm cách thay thế Trump bằng phó tướng Mike Pence. Ông Pence cũng đã im lặng suốt ngày chủ nhật, sau khi tuyên bố hôm thứ bảy rằng những tuyên bố của Trump là "không thể bảo vệ được".
Dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn như vậy, Trump và các cố vấn vẫn xác định rằng họ chưa mất tất cả trong cuộc đua, và họ tin rằng tỷ phú vẫn có thể lấy lại được hình ảnh nếu thể hiện được sự ăn năn chân thành, bắt đầu bằng cuộc tranh luận với bà Clinton.
Trong cuộc tranh luận, Trump đã thực hiện thành công chiến thuật "ném bùn", tung ra vô số lời công kích, tố cáo để hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi bê bối của chính mình. Ông bắt đầu tranh luận bằng thế thủ, tìm mọi cách né tránh, đánh trống lảng khỏi vụ bê bối video gây sốc, và khi bị dồn ép, ông tuyên bố đó chỉ là "câu chuyện trong phòng thay đồ".
Thừa nhận rằng chiến thuật này của ông Trump đã khiến cuộc tranh luận với bà Clinton trở nên "lầy lội", bình luận viên Linda Feldmann củaCSMonitor cho rằng nó lại giúp tỷ phú cho mọi người thấy rằng ông sẽ không từ bỏ cuộc đua, ngay cả khi đương đầu với bão tố khủng khiếp nhất.
Cuối cuộc tranh luận, Trump khen ngợi bà Clinton là người kiên gan, nhưng bản thân ông cũng đã thể hiện được tinh thần quyết chiến đến cùng. "Có vẻ như ông đã học được kinh nghiệm từ một bậc thầy xử lý khủng hoảng chính trị, cựu tổng thống Bill Clinton, rằng khi vướng vào rắc rối, bạn không nên lẩn tránh một cách nhục nhã. Bạn kiên cường vượt qua, và tiếp tục giữ thế tấn công", Feldmann nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Đảng Cộng hòa liệu có thể truất quyền tranh cử của Donald Trump? Đảng Cộng hòa khó có thể khiến ông Trump dừng bước vì điều lệ đảng không quy định việc truất quyền tranh cử và thời gian đã quá gấp rút. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters Khi bê bối khoe khoang việc sàm sỡ phụ nữ của ông Trump nổi lên, nhiều thành viên quan trọng của đảng...