Nỗi lo lạm dụng chọc dò tủy sống ở bệnh nhi
Nhiều bà mẹ có con từng được chỉ định chọc dò tủy sống lo lắng về việc có hay không việc lạm dụng thủ thuật này.
“Tim tôi như xé ra từng mảnh khi đưa con lên phòng thủ thuật lấy dịch tủy sống vì bác sĩ nghi ngờ con tôi mắc bệnh viêm màng não. Không tin tưởng vào chỉ định này nên tôi đã xin cho bé không làm nữa và ký vào bản cam kết phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có gì xảy ra. Cuối cùng con tôi được ra viện với chẩn đoán viêm đường hô hấp”.
Một bà mẹ ở Q.6, TP.HCM có con nằm điều trị tại khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã phản ảnh như vậy.
1,5 tháng tuổi, bị chọc dò tủy sống 4 lần
Chị P.T.T., ở Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng rất băn khoăn, lo lắng khi con trai của chị mới hơn 2 tháng tuổi phải chọc tủy sống hai lần. Chị T. cho biết cách đây ba tuần con chị bị sốt, bụng trướng nên chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 và được nhập viện vào khoa tiêu hóa.
Bác sĩ lấy dịch xương sống để biết trẻ có bị viêm màng não hay không tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM sáng 19-11 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau hai ngày theo dõi, các bác sĩ đã chỉ định chọc dò tủy sống để xét nghiệm. Kết quả bé không bị viêm màng não. Sau khi điều trị bé hạ sốt và được xuất viện. Nhưng một tuần sau bé lại lên cơn sốt nên lại nhập khoa nội tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, các bác sĩ lại tiếp tục chọc dò tủy sống lần hai cho bé. Kết quả bé không bị viêm màng não mà bị nhiễm trùng máu.
Là thủ thuật cần thiết
Video đang HOT
TS.BS Lê Mạnh Hùng, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết chọc dò tủy sống là thủ thuật chọc vào những khe đốt sống để rút dịch não tủy ra chứ không phải lấy tủy sống. Nguy cơ của thủ thuật này là nhiễm trùng tại nơi chọc nếu không được đảm bảo vô trùng và tụt não, gây tử vong. Tuy nhiên, những tai biến này đều có thể tránh được khi tuân thủ đúng quy định về chọc dò tủy sống. Đây là thủ thuật cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân các bệnh lý hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não, tai biến mạch máu não…
T.Dương
Ngày 15-11, tại phòng 108 khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bà mẹ đang chăm sóc con nằm điều trị ở đây kể hầu hết bệnh nhi trong phòng đều phải chọc dò tủy sống. Bé T.T.K., hơn 1,5 tháng tuổi, ở Bình Chánh, TP.HCM đã bị chọc dò tủy sống đến bốn lần.
Lần đầu bé được xác định mắc bệnh viêm màng não, còn những lần sau là do bệnh không bớt nên các bác sĩ tiến hành chọc tiếp. Trong phòng còn có bé N.T.Đ., 4 tuổi, ở Bình Phước, cũng bị chọc dò tủy sống nhưng cuối cùng được chẩn đoán sốt siêu vi. Bé N.K.D., 7 tuổi, ở Long An, cũng được thực hiện thủ thuật này nhưng không bị viêm não hay viêm màng não.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết trung bình mỗi ngày khoa chọc dò tủy sống mười trường hợp, trong đó tỉ lệ mắc bệnh viêm màng não, viêm não là 30%.
20% người nhà bệnh nhi phản đối
Theo bác sĩ Khanh, cứ mười người nhận được chỉ định con họ cần lấy dịch xương sống (chọc dò tủy sống – PV) sẽ có hai người phản đối, không chịu thực hiện. Thông thường trẻ viêm màng não, viêm não có biểu hiện sốt cao, ói, nhức đầu, nặng hơn là co giật.
Trẻ bị viêm đường hô hấp hay nhiễm trùng đường ruột, sốt siêu vi đều bị sốt cao, ói, nhức đầu. Những bệnh khác có thể chờ theo dõi từ 24-48 giờ nhưng bệnh viêm màng não chỉ cần điều trị trễ 12 giờ thì tiên lượng của bệnh nhi sẽ xấu đi nhiều. Thực hiện thủ thuật lấy dịch xương sống không đơn giản vì cần có một bác sĩ và ba điều dưỡng, nên không thể lạm dụng kỹ thuật này.
Bác sĩ Khanh cho rằng sở dĩ nhiều người lo sợ về thủ thuật này là do chưa hiểu đúng. Nhiều người cho rằng chọc dò tủy sống sẽ lấy đi phần tinh túy trong cơ thể nhưng thật ra thủ thuật này chỉ lấy dịch xương sống. Dịch xương sống không phải là tinh túy hay tủy mà chỉ như “nước mắt” trong cơ thể, lấy đi không ảnh hưởng gì.
Có một số trường hợp viêm màng não do siêu vi cần lấy bớt dịch này ra thì bé mới hết nhức đầu. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang thay đổi ngôn ngữ để tránh sự hiểu nhầm. Cách gọi “chọc dò tủy sống” được thay bằng “lấy dịch xương sống” hoặc “chọc dò thắt lưng”.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bậc phụ huynh không nên lo lắng quá khi cho con nhỏ chọc dò tủy sống vì đó là thủ thuật lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm như những xét nghiệm thường quy khác.
Phương pháp này là phương pháp trực tiếp xác định bệnh nhân có bị viêm màng não hay không, không ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như sức khỏe của bệnh nhân. Những trường hợp không được chọc dò tủy sống là bệnh nhân tăng áp lực nội sọ (do có phù não, có khối u trong não), các chỉ số sinh hiệu không ổn định, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, nhiễm trùng ở vị trí chọc dò.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trước khi có chỉ định chọc dò tủy sống, các bác sĩ phải đánh giá lâm sàng cẩn thận để loại bỏ các yếu tố chống chỉ định. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiếp xúc với người nhà bệnh nhân và bệnh nhân để tư vấn và nhận được sự đồng ý mới tiến hành thực hiện.
Bước tiếp theo, các bác sĩ sẽ soi đáy mắt xem có phù gai thị hay không vì đó là một dấu hiệu quan trọng phản ánh tăng áp lực nội sọ. Lấy sinh hiệu, đánh giá để có những xử lý kịp thời.
Trường hợp có những bé được chọc dò tủy sống đến hai lần thậm chí ba, bốn lần, theo bác sĩ Tuấn, do kết quả một xét nghiệm chỉ có giá trị ở thời điểm lấy mẫu. Vì vậy nhiều trường hợp phải chọc dò tủy sống nhiều lần mới phát hiện trẻ bị viêm màng não.
Khi xác định bệnh nhân bị viêm màng não, nếu nhận thấy không đáp ứng tốt điều trị thì sau 48 giờ từ lần chọc thứ nhất bác sĩ sẽ chọc dò tủy sống một lần nữa để có những đánh giá chi tiết và đổi thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Theo THÙY DƯƠNG – NGỌC NGA (Tuổi trẻ)
TP.HCM: Nỗi lo gia tăng bệnh dịch từ chuột cống
Tuần qua, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM điều trị cho một bệnh nhân 55 tuổi ở phường 9, quận 3 - trường hợp đầu tiên bị nhiễm virus Hanta - một loại virus ở chuột có khả năng gây suy gan, suy thận cấp.
Ngay sau đó, các bác sỹ Viện Pasteur TP.HCM đã khẩn trương xác minh, bệnh nhân bị chuột cống cắn, song không đi tiêm phòng, khu phố bệnh nhân sinh sống rất nhiều chuột, ban đêm chúng vào ra các khu đất trống, các điểm tập kết rác, thậm chí đêm, chuột còn nhảy lên giường ngủ chung với người cắn nát các đồ dùng gia đình...
Không ít trường hợp tử vong do lây virus từ chuột
Tiến sỹ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, virus Hanta có trong chuột và có thể truyền cho người khi người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu chuột, đã có không ít trường hợp nhiễm Hanta tử vong rất nhanh do chứng suy gan, suy thận cấp.
Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM thỉnh thoảng tiếp nhận bệnh nhân dương tính với virus này song may mắn chưa có ai tử vong. Khó khăn nhất của bệnh là dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác và chưa có thuốc đặc trị. Cũng theo Tiến sỹ Siêu, trước kia, chuột chủ yếu hoành hành ở những khu nhà lá, xóm nước đen dọc các bờ kênh thuộc quận 7, 8, Bình Tân, 11, Hóc Môn... thì nay chúng tấn công cả những khu phố cao tầng, sạch sẽ.
Nguyên nhân là TP.HCM rác thải sinh hoạt quá nhiều, 6.000 tấn rác/ngày trong khi 2 bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) và Đa Phước (huyện Bình Chánh) chỉ đáp ứng được 1/3, các HTX thu gom rác 2-3 ngày mới đi thu gom khiến rất nhiều người dân thiếu ý thức đã biến các khu đất trống xung quanh khu dân cư, các kênh mương thành nơi đổ rác. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt đổ thẳng ra hệ thống kênh, sông cũng gây ô nhiễm hầu hết các quận nội, ngoại thành, đặc biệt khi triều cường, chuột từ hệ thống cống tràn lên tụ tập kiếm ăn trong các bãi đất hoang, các điểm chứa rác thải sinh hoạt...
Tiến sỹ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur thông tin, viện đã phối hợp với Sở Y tế TP.HCM có kế hoạch diệt chuột và tuyên truyền cho người dân phòng bệnh nhưng chuột quá nhiều, khôn và sống dưới hệ thống cống, đặt thuốc nhiều nhưng không hiệu quả... Cũng do ý thức người dân kém, xả rác, vứt lung tung nên đã trở thành mầm dịch đáng lo ngại các loại ruồi, muỗi, côn trùng độc hại phát triển mạnh do cuối năm mưa to dồn dập, nước ngập. Nhiều khu vực trong thành phố, người dân vẫn dùng nước ngầm... do đó nguy cơ các loại bệnh tiêu chảy cấp, chân tay miệng, sốt xuất huyết... gia tăng mạnh.
Vì vậy, để phòng bệnh, ngày 19-11, Sở Y tế TP.HCM đã họp, khuyến cáo người dân phải có ý thức phòng bị chuột và các loại côn trùng cắn, đốt bằng cách ngủ màn, dọn dẹp vệ sinh môi trường thật tốt, tránh để rác trong nhà. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các ban, ngành chức năng siết chặt quản lý các quán hàng rong, xe đẩy, tăng cường thu gom rác thải, tránh để số lượng lớn rác sinh hoạt lưu cữu lâu ngày làm lây lan mầm bệnh...
Theo Bảo Hà (An ninh thủ đô)
Xua tan nỗi lo bé biếng ăn - viêm đường hô hấp Chiều nay sau giờ làm, tôi đến đón thiên thần nhỏ của mình tại trường Chim non. Vừa đến cổng trường, thấy tôi con gái đã chạy ra chào: "A, mẹ, Con chào mẹ ạ!" Tôi cười:" Mẹ chào con yêu, hôm nay con có ngoan không? Đi học vui không con?". Con gái nhanh nhẹn đáp: "Vui lắm mẹ ạ! Hôm nay...