Nỗi lo “khát” nước ngọt
Tuy không gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp như tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng xâm nhập mặn đang khiến TP Hồ Chí Minh lo lắng vì nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của hàng triệu người dân.
Xâm nhập mặn có thể khiến người dân TP Hồ Chí Minh thiếu nước sinh hoạt.
Thiếu nước sinh hoạt, sản xuất
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP Hồ Chí Minh – Sở NN&PTNT, xâm nhập mặn tại các sông, rạch trong thành phố đang ở mức báo động. Cụ thể, trên hệ thống sông Nhà Bè – Đồng Nai, độ mặn cao nhất lên tới 13,67o/oo; hệ thống sông tại khu vực Bình Chánh độ mặn lên tới 13,65o/oo. Điều đáng lo ngại là nồng độ mặn tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2015 và diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của triều cường.
Trước tình hình xâm nhập mặn như hiện tại, mức nước hồ Dầu Tiếng và hồ Phước Hòa (những hồ dự trữ nước đầu nguồn) lại thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát của Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, hồ Dầu Tiếng hiện chỉ tích trữ được 76% dung tích thiết kế (thiếu hụt khoảng 300 triệu mét khối), hồ Trị An chỉ tích được khoảng 80%, dẫn đến lưu lượng nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai giảm và các hồ thiếu nước xả để đẩy mặn. Từ đầu năm đến nay, hồ Phước Hòa liên tục chuyển nước bổ sung cho hồ Dầu Tiếng, nhưng do nắng hạn gay gắt mức nước hồ thấp hơn mực nước chết 1,4m nên hiện tại không còn khả năng chuyển nước bổ sung cho hồ Dầu Tiếng. Mức nước như trên của hồ Dầu Tiếng chỉ bảo đảm phục vụ tưới tiêu cho 2/3 diện tích vụ đông xuân năm 2016.
Khô hạn và đặc biệt là xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến các nhà máy xử lý nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân TP Hồ Chí Minh. Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), từ cuối tháng 1-2016 đến nay độ mặn thường xuyên vượt ngưỡng 150mg/ lít/ngày. Nhiều thời điểm, độ mặn vượt quy chuẩn buộc Nhà máy nước Tân Hiệp (Hóc Môn) phải điều chỉnh chế độ vận hành và ngừng lấy nước thô trong nhiều giờ. Xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Bình An (Biên Hòa, Đồng Nai). Trong nhiều ngày độ mặn liên tục tăng vượt 250mg/lít trong khoảng 4-10 giờ/ngày (cao nhất đến 600mg/lít) buộc Nhà máy nước Bình An phải tạm ngừng khai thác nước thô. Ngoài ra, lưu lượng dòng chảy và mực nước sông giảm cũng làm tăng chi phí vận hành bơm nước thô dẫn đến tăng chi phí sản xuất của các nhà máy nước.
Đáng ngại hơn, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP Hồ Chí Minh cảnh báo, thời điểm hiện tại chưa phải là đỉnh điểm khô hạn của năm 2016 (theo dự báo đỉnh điểm mùa khô 2016 tập trung trong tháng 3 và kéo dài tới tháng 6). Thời điểm sắp tới tình hình xâm nhập mặn trên các sông, rạch trong thành phố vẫn còn tăng và diễn biến phức tạp hơn.
Sẵn sàng tình huống khẩn cấp
Video đang HOT
Trước tình hình trên, ông Bùi Thanh Giang – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, trước mắt công ty tăng cường giám sát chặt chẽ, liên tục diễn biến chất lượng nước giúp cảnh báo sớm xâm nhập mặn và ứng phó kịp thời. Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hồ đầu nguồn (hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng), đề nghị vận hành xả nước kịp thời để đẩy mặn khi độ mặn nước sông lên cao; điều phối vận hành các nhà máy nước và mạng lưới cấp nước hợp lý để bảo đảm cung cấp nước sạch đầy đủ, liên tục đến người dân. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp cấp nước trong điều kiện khẩn cấp (như cấp nước bằng xe bồn, cấp nước từ các giếng lẻ,…).
Để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân lâu dài, Sawaco đang cải tiến và tối ưu hóa công nghệ xử lý nước mặn của các nhà máy để bảo đảm hoạt động sản xuất kể cả khi xâm nhập mặn sâu. Công ty cũng nâng dung tích của các công trình chứa nước sạch, chuyển đổi các công trình khai thác nước ngầm sang chế độ dự phòng và đưa vào kế hoạch cấp nước cho các tình huống khẩn cấp. Để chủ động lấy nước thô, Sawaco cũng xây dựng các hồ dự trữ nước thô nhằm chủ động trong khả năng lấy nước, trữ nước cung cấp cho nhà máy nước. Đồng thời, tổng công ty cũng đã có kiến nghị thành phố về chủ trương đầu tư hồ dự trữ nước thô cho nhà máy nước sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn tại khu vực Củ Chi cho trước mắt và trung hạn. Về dài hạn, thành phố cũng đã xem xét và đang thúc đẩy nghiên cứu triển khai giải pháp khai thác trực tiếp nước từ hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An.
Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP Hồ Chí Minh cho biết vừa có công văn khẩn cảnh báo về xâm nhập mặn gia tăng trong thời gian gần đây đến UBND các huyện vùng ven thành phố và các đơn vị thành viên, yêu cầu các quận, huyện vùng ven duy tu, sửa chữa các cống ngăn mặn đã xuống cấp. Các đơn vị quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa cũng cam kết thực hiện chặt chẽ các giải pháp tưới tiết kiệm, bảo đảm cung cấp nước cho TP Hồ Chí Minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho các nhà máy nước.
Tiến Thành
Theo_Hà Nội Mới
Dân miền Tây điêu đứng trong vòng vây hạn, mặn
Người dân ở vùng ĐBSCL đã quen với việc dự trữ nước ngọt để dùng trong mùa khô. Năm nay, hạn hán đến sớm và xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng khiến cho cuộc sống của một số người dân đảo lộn.
Sống chung với...mặn
Theo một sống người dân sống trên địa bàn tỉnh Bến Tre, hàng năm cứ vào khoảng tháng 2, tháng 3 thì nước mặn tràn về. Nguồn nước sinh hoạt hằng ngày được bà con dự trữ trước đó. Tuy nhiên năm nay, hạn, mặn đến sớm khiến nhiều người không kịp trở tay. "Khoảng tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) là nước đã mặn rồi, sớm hơn mọi năm khoảng hai, ba tháng. Tình trạng này cũng từng xảy ra nhưng chênh lệnh khoảng mười bữa, nữa tháng là cùng. Chưa năm nào nước mặn tràn về sớm như vậy. Nhiều người ở đây không kịp dự trữ nước ngọt để xài", ông Nguyễn Văn Quý (ngụ xã Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết.
Khô hạn làm rộng đồng nứt nẻ
Người dân ở 3 huyện ven biển (Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri) của tỉnh Bến Tre đã quá quen thuộc với việc thiếu nước ngọt trong mùa khô hạn. Nhiều hộ gia đình phải chắt chiu từng giọt nước ngọt để xài. Năm nay, mặn sớm khắc nghiệt khiến nước ngọt quý như vàng. Thậm chí, sống chung với... mặn được xem là giải pháp hiệu quả để tiết kiệm nước ngọt của người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Mười (ngụ xã Lộc thuận, huyện Bình Đại) chia sẻ với PV Người Đưa tin, mùa này, nước ngọt ở đây quý lắm. Xài cũng không dám, chỉ để uống, nấu ăn, tắm cho mấy đứa nhỏ. Còn người lớn, sức khỏe tốt thì tắm nước mặn rồi dội lại một ca nước ngọt rửa cái mặn trên người để không bị ngứa thôi. Mấy lu nước bà dự trữ chắc xài không đủ.
Hạn, mặn khiến cho 60.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre phải xài nguồn nước nhiễm mặn. Việc đào giếng ở các giồng cát để có nguồn nước ngọt dùng e chừng cũng không mấy khả quang. Bởi lẽ, việc khai thác quá mức khiến cho nguồn tài nguyên này đang dần cạn kiệt chưa kể sẽ gây ra hậu quả sụt, lún sau này.
Không chỉ thế, tình trạng xâm nhập mặn khiến cho nhiều diện tích lúa ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại nặng nề. Gần 100% diện tích lúa của tỉnh Bến Tre bị thiệt hại hoàn toàn. Một số ít lúa đang trổ bị nghẹn đồng, nông dân ra sức dưỡng lại với hi vọng "thu được hạt nào hay hạt đó". Ông Hồ Văn Nam (ngụ xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri,tỉnh Bến Tre) cho biết: "Nghe nói năm nay nước mặn sớm nên tôi tranh thủ thu hoạch xong là xuống giống liền, vậy mà cũng không tránh khỏi. Giờ bất lực nhìn lúa chết dần chết mòn. Còn bao nhiêu thì cứu bấy nhiêu để vớt vát lại".
Tại tỉnh Trà Vinh, tình trạng nước mặn cũng đang bao vây, toàn bộ hệ thống cống phải đóng kín để tránh việc nước mặn tiến sâu vào nội đồng. Tuy nhiên, điều này khiến cho hơn 1000 ha lúa bị mất trắng, thiệt hại ước tính khoảng 30% đến 70%. Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết: "Nước mặn theo hai nhánh song Hậu và sông Cổ Chiên lên giáp ranh tỉnh Vĩnh Long cách biển khoảng 80 km nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề. Đây được xem là đợt hạn, mặn khắc nghiệt nhất từ trước đến nay".
Thậm chí, thắng cảnh du lịch nổi tiếng của tỉnh này là ao Bà Om trên địa bàn tỉnh nước cũng khô cạn, đáy ao nứt nẻ. Theo người dân nơi đây, đến mùa khô hạn thì mực nước dưới ao cũng còn xấp xỉ 1m. Hiện tượng ao Bà Om khô cạn không còn một giọt nước chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Ở những vùng được thiên nhiên ưu đãi, nước ngọt quanh năm nhưng năm nay cũng không tránh khỏi tình hình mặn tấn công. Vùng đất Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nổi tiếng với những vườn bưởi năm roi bạt ngàn, xanh tốt vì được tưới bởi nước sông mát, ngọt. Không ai nghĩ đến chuyện một ngày nào đó nước sông sẽ nhiễm mặn. Vậy mà điều đó đã xảy ra khiến không ít người ngỡ ngàng. "Từ nhỏ tới giờ tôi mới thấy nước sông mặn. Ở đây còn vậy, ở những vùng giáp biển chắc còn khủng khiếp hơn", chị Nguyễn Thị Hoa (xã Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang) chia sẻ.
Giá nước đắt như vàng
Nước mặn xâm nhập sớm và rộng khắp khiến hơn 1 triệu dân ở tỉnh Bến Tre phải chấp nhận sử dụng nước mặn trong sinh hoạt hằng ngày. Tình trạng này dẫn đến việc giá nước ngọt tăng vọt. Ông Hồ Văn Út, chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nói: "Tình hình khô hạn, nước mặn xâm nhập ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Những hộ khá giả có điều kiện xây hồ, sắm lu dự trữ nước ngọt thì còn đỡ. Những hộ nghèo đành chấp nhận đổi nước với giá cao về xài".
Người dân chắt chiu từng giọt nước ngọt
Ông Hồ Công Nam (ngụ xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, Tỉnh Bến Tre) có thâm niên gần 15 năm dùng xe bồn chở nước về bán cho bà con ở vùng khô hạn chia sẻ: "Nước ngọt chủ yếu lấy từ giếng khoan ở những vùng đất giồng cát. Năm nay, mới đầu mùa mặn giếng cũng đang cạn dần vì vậy giá nước mỗi ngày một tăng. Trung bình nước ngọt có giá 70 đến 80 ngàn đồng/m3. Ở những vùng xa xôi hẻo lánh, người dân phải trả từ 100 cho đến 150 ngàn đồng tùy nơi xa, gần".
Mấy tháng qua, gia đình bà Hồ Thị Nguyệt (ngụ xã Bình Thắng, Bình Đại, Bến Tre) đã mua hơn trên dưới 10 xe nước về xài (mỗi xe gần 2 m3). Gia đình đã khó khăn giờ thêm một khoảng chi tiêu khiến cuộc sống bà Nguyệt càng nên chật vật. "Không đổi nước thì lấy gì xài. Xài từng giọt mà tiền nước hơn cả tiền ăn. Tôi chỉ mong giá nước ổn định để dân nghèo như chúng tôi đỡ khổ".
Giá nước đắt đỏ là vậy, thậm chí một số nơi, người dân phải chi tiền mà vẫn không mua được để xài vì nước ngọt ngày một khan hiếm. Tại thị trấn Ba Tri, hàng ngàn hộ dân đang trong tình trạng "khát" nước ngọt trầm trọng phải chấp nhận mua nước ngọt với độ mặn 2 phần ngàn để sử dụng hàng ngày vì trạm cấp nước cũng bị nhiễm mặn. Tương tự, hơn 60 ngàn hộ dân trên địa bàn TP. Bến Tre cũng phải mua nước có độ mặn 1 phần ngàn về xài. Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Giám đốc Công ty cổ phấn cấp thoát nước tỉnh Bến Tre cho PV Người Đưa tin biết: "Để đáp ứng như cầu của người dân, công ty đã đẩy nhanh việc khai thác nước ngọt trên mặt rạch Cái Cỏ thuộc huyện Châu Thành chuyển về nhà máy nước Hữu Định và Sơn Đông trên địa bàn thành phố (TP) hòa với nguồn nước nhiễm mặn hiện nhằm hạ độ mặn xuống để cung cấp cho người dân".
Giá rơm tăng vọt Bên cạnh việc nước ngọt khan hiếm trầm trọng, giá bán mắc như giá vàng thì người dân vùng ĐBSCL còn phải chịu cảnh khan hiếm rơm. Giá rơm cũng đột ngột tăng cao do đây là một trong những nguồn thức ăn chủ yếu cho bò. Khô hạn cùng với tình trạng xâm nhập mặn khiến lúa bị thiệt hại vì vậy rơm cũng trở nên thiếu hụt. Hiện tại, giá rơm tại chợ rơm gần đập Ba Lai (huyện Ba Tri, Bến Tre) có giá khoảng 24.000đ tăng 7.000đ so với thường lệ.
An Nam
Theo_Người Đưa Tin
Hồ Dầu Tiếng ngưng xả nước 15 ngày Sau đợt xả tràn từ 18 đến 22/3, hồ Dầu Tiếng sẽ ngưng xả để chuẩn bị cho vụ hè thu. Ngày 17/3, Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết sẽ xả nước lần thứ 6 xuống sông Sài Gòn để đẩy mặn. Lần xả tràn này kéo dài 5 ngày (18-22/3) với lưu lượng 20 m3/s...