Nỗi lo của Trung Quốc về sức khỏe Kim Jong-un
Trung Quốc có thể “lòng như lửa đốt” khi xuất hiện nhiều đồn đoán về sức khỏe của Kim Jong-un, vì lo ngại về một tương lai bất ổn.
Trung Quốc được cho là đã điều phái đoàn gồm các chuyên gia y tế đến Triều Tiên để tư vấn về Kim Jong-un hôm 23/4, sau khi các đồn đoán về sức khỏe của ông bùng lên vì lãnh đạo Triều Tiên đã không xuất hiện kể từ ngày 11/4.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 1/2019. Ảnh: KCNA.
Trang Daily NK chuyên đưa tin về Triều Tiên trước đó dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng Kim Jong-un đã trải qua ca phẫu thuật tim hôm 12/4. CNN sau đó dẫn một quan chức giấu tên cho biết Washington đang tìm hiểu thông tin tình báo nói rằng lãnh đạo Triều Tiên trong tình trạng “nguy kịch” sau phẫu thuật.
Trung Quốc là đồng minh lâu năm, đối tác cung cấp lương thực chủ chốt và là thị trường trung gian để Triều Tiên duy trì kết nối giao thương với bên ngoài. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng mang đến những lợi ích chiến lược cho Bắc Kinh. Triều Tiên giống như vùng đệm ngăn cách Trung Quốc với Hàn Quốc và chục nghìn lính Mỹ đồn trú ở nước này. Trung Quốc còn có thể sử dụng sức ảnh hưởng của mình với Triều Tiên như đòn bẩy để gây sức ép với Mỹ trong quá trình đàm phán thương mại.
Sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là mối quan tâm lớn của Trung Quốc. Họ đã chuyển từ ủng hộ ngầm sang lên án và công khai ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế khi Bình Nhưỡng liên tiếp thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa năm 2017, đe dọa ổn định khu vực.
Video đang HOT
Nếu sức khỏe của ông Kim suy giảm, bất ổn có thể diễn ra ở Triều Tiên, dẫn đến hỗn loạn ở ngay sát biên giới Trung Quốc, vào thời điểm Bắc Kinh đang bận rộn với một loạt vấn đề như Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan, sáng kiến Vành đai và Con đường. Trung Quốc còn đang cố gắng tái thiết hình ảnh sau đại dịch Covid-19 bằng cách cung cấp vật tư y tế và hỗ trợ chuyên môn nhiều nước trên thế giới.
Ngày càng có nhiều người ở phương Tây cho rằng Trung Quốc cần chịu trách nhiệm vì giấu thế giới về mối nguy hiểm và bản chất lây nhiễm của Covid-19 khi nó bùng phát ở Vũ Hán. Lo ngại về sự phụ thuộc vào hàng hóa từ Trung Quốc, một số người đang kêu gọi thu hồi hoặc chuyển dây chuyển sản xuất mặt hàng quan trọng sang nước khác, đe dọa vị thế “công xưởng thế giới” vốn đã giúp Trung Quốc phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Vì vậy, bất ổn ở Triều Tiên là điều Trung Quốc không mong muốn. Một cuộc nội chiến hay nguy cơ nhà nước Triều Tiên sụp đổ có thể dẫn đến viễn cảnh hàng triệu người tràn qua biên giới xin tị nạn ở Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Cựu đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Joseph Yun nói rằng Trung Quốc sẽ gặp “vấn đề lớn” nếu sức khỏe của ông Kim xấu đi. Bất ổn là kịch bản xấu nhất, đe dọa khoảng trống quyền lực mà Hàn Quốc hoặc Mỹ có thể khai thác, Yun nói.
“Cơn ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc bên cạnh một cuộc chiến với Mỹ là Triều Tiên bất ổn”, Harry Kazianis, chuyên gia từ Trung tâm Lợi ích Quốc gia có trụ sở tại Mỹ, nói.
Ông cho rằng mặc dù lãnh đạo hai nước gần đây đã vài lần gặp thượng đỉnh, Trung Quốc không hài lòng với Kim Jong-un vì ông nhiều lần cho thử vũ khí. Nhưng họ mong muốn ông Kim tiếp tục cầm quyền và giữ cho Triều Tiên ổn định hơn là xảy ra tranh giành quyền lực, dẫn đến nguy cơ vũ khí hạt nhân của đất nước bị phân tán hay tuồn ra ngoài nếu mọi thứ mất kiểm soát, Kazianis nói.
Trong kịch bản ông Kim mất khả năng lãnh đạo đất nước, không rõ ai là người có thể thay thế ông. Con của Kim Jong-un chưa đủ trưởng thành để kế nhiệm cha. Kim Yo-jong, em gái đã tháp tùng Kim Jong-un trong các cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ là một ứng viên sáng giá, nhưng các chuyên gia đánh giá giới tinh anh ở Bình Nhưỡng sẽ khó chấp nhận một nữ lãnh đạo trẻ thiếu kinh nghiệm. Một lựa chọn khác là có quan chức “nhiếp chính” cho đến khi một trong ba người con của ông Kim trưởng thành.
Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, “điều đặc biệt quan trọng” với Bắc Kinh là lãnh đạo Triều Tiên là người họ có thể tin tưởng. “Bắc Kinh muốn một người mà họ biết và có mối quan hệ tốt”, Yun nói.
Thực tế, rất ít người biết về tình trạng sức khỏe thực sự của ông Kim. Ông Kim từng nhiều lần vắng bóng và sau đó tái xuất. “Triều Tiên là ‘hố đen’ về thông tin tình báo, trước đây đã có nhiều lần những tin tức giật gân về nội tình đất nước, nhưng rốt cuộc hóa ra không đúng sự thật”, Kazianis nói.
Phương Vũ
Em gái Kim Jong Un được chọn vào vị trí quyền lực trong Bộ Chính trị
Bà Kim Yo Jong, ngày 12/4, được bầu chọn làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, em gái của Chủ tịch Kim Jong Un đã được bầu chọn trở lại vị trí kể trên trong một cuộc họp cải tổ nhân sự cấp cao...
Kim Yo Jong cùng anh trai Kim Jong Un tại một cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hồi tháng 4/2018. (Ảnh: Reuters)
Cùng với Kim Yo Jong, Ri Son-gwon - người mới được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Triều Tiên hồi tháng 1 - cũng được bầu làm ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị.
Loạt ảnh mới nhất được KCNA đăng tải cho thấy khoảng 30 ủy viên và ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị Triều Tiên tham gia cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Kim Jong Un.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết, Kim Yo Jong đã mất vị trí tại Bộ Chính trị trong phiên họp toàn thể của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 4/2019.
Bà đã đóng vai trò như đặc phái viên của ông Kim Jong Un tới Hàn Quốc trong kỳ Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang năm 2018, mở ra một loạt các hoạt động ngoại giao giữa hai nước sau đó. Kim Yo Jong thường xuyên xuất hiện bên anh trai tại các hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và Hàn - Triều.
Tuy nhiên, nữ quan chức trẻ tuổi này mới bắt đầu ra các thông báo thể hiện tầm quan trọng chính trị trực tiếp dưới cái tên của bà từ tháng 3 vừa qua. Theo giới phân tích, điều này cho thấy vai trò của Kim Yo Jong đang được đề cao trong hàng ngũ chính trị ở Bình Nhưỡng.
Ngoài vấn đề nhân sự, cuộc họp do ông Kim Jong Un chủ trì còn bàn về nhiều vấn đề khác của đất nước.
Thanh Hảo
Tổng thống Mỹ lần đầu điện đàm với lãnh đạo Taliban về hòa bình Afghanistan Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với trưởng đoàn đàm phán của Taliban Mullah Baradar Akhund. Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Mỹ và quan chức hàng đầu của Taliban khi nảy sinh các vấn đề về việc phóng thích tù binh đang đe dọa các nỗ lực của Mỹ nhằm đem lại hòa bình cho...