Nỗi kinh hoàng của người đồng tính trong tay IS
Nhiều người Hồi giáo có quan niệm không tốt về đồng tính, nhưng cách tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) “ hành quyết” người đồng tính còn kinh khủng hơn.
Những người đồng tính tại vùng chịu sự kiểm soát của IS luôn đối mặt với cái chết – Ảnh: Reuters
Tháng 3.2015, một đoạn băng gắn logo của Trung tâm Truyền thông al-Hayat, một tạp chí của IS, cho thấy cảnh tổ chức này đẩy một thanh niên rơi xuống từ một tòa nhà ở thành phố Raqqa, Syria. Giống các vụ tương tự trước đó, thanh niên kể trên bị xử tử vì tội quan hệ tình dục với người đồng giới. Theo luật Sharia, bộ luật Hồi giáo mà IS muốn áp dụng nghiêm ngặt trong khu vực họ nắm quyền kiểm soát, những người đồng tính bị xem là có tội.
Ngày 2.12, hãng tin AP dẫn lời nhân chứng của một vụ hành quyết hồi tháng 7.2015 kể lại những điều ông chứng kiến.
Trước khi chuẩn bị hành quyết, “quan tòa” hỏi một người đàn ông rằng liệu ông ta có chấp nhận bản án hay không. Sau đó, “quan tòa” này khẳng định rằng chỉ có cái chết mới giúp người đàn ông đồng tính kia rửa sạch tội lỗi (?).
Việc hành quyết bắt đầu bằng màn trói người, bịt mắt và sau đó đẩy nạn nhân rơi xuống từ một tòa nhà cao tầng. Bất chấp khi ấy Hawas Mallah, 32 tuổi, đã trả lời trong vô vọng rằng ông ta muốn bị bắn vào đầu còn hơn bị xử kiểu này; còn một nạn nhân khác thề sẽ không bao giờ quan hệ tình dục đồng giới nữa, một giọng nói lạnh lùng vang lên và không còn kết cục nào khác hơn là cái chết cho cả hai, AP tả lời kể của nhân chứng.
Video đang HOT
Trong số nhiều điểm hà khắc của luật Sharia, IS tỏ ra mạnh tay đặc biệt với các trường hợp đồng tính. Ít nhất 36 người tại Syria và Iraq đã bị IS hành quyết vì tội quan hệ tình dục đồng tính, theo tổ chức OutRight Action International, trụ sở ở New York (Mỹ), mặc dù các điều phối viên của tổ chức này tại Bắc Phi và Trung Đông cho biết không thể xác định khuynh hướng tình dục của các nạn nhân.
Màn xử tử dã man của IS với người đồng tính, phát trên video Trung tâm Truyền thông al-Hayat của tổ chức này – Ảnh chụp màn hình
Nỗi ám ảnh của người đồng tính còn lớn hơn khi không chỉ IS mà nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan nói chung đều hà khắc với người đồng tính, chưa kể định kiến nói chung của người Hồi giáo bình thường.
Trong kinh Koran, việc quan hệ đồng tính sẽ bị trừng phạt, nhưng không hề nói rõ trừng phạt như thế nào và cũng nói thêm rằng các “tội nhân” nên được để yên nếu họ biết ăn năn hối lỗi. Song chỉ bấy nhiêu là đủ để các tổ chức cực đoan đưa người đồng tính đến cái chết. AP nhắc lại các hành động của nhóm Taliban ở Afghanistan những năm 1990: các nạn nhân bị đẩy xuống một cái hố và hứng gạch đá cho tới chết.
Những hình phạt như vậy tạo ra tâm lý vô cùng sợ hãi cho người đồng tính, vì khi xã hội không công nhận họ, họ sẽ nghi ngờ cả những người xung quanh mình vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị lộ hành vi đồng tính.
Subhi Nahas, một người đồng tính 28 tuổi ở Syria và hiện sống tại San Francisco (Mỹ) cho biết anh đã trốn chạy vì sợ cha mình sẽ đẩy anh vào tổ chức al-Qaeda.
Không chỉ xử tử, nhiều nạn nhân bị phát hiện là người đồng tính cũng chịu sự tra tấn, buộc phải khai ra “bạn tình” của mình, AP cho biết.
Bất chấp hành vi ghê rợn của IS, nhiều nước trong thế giới Ả Rập vẫn xem đồng tính là có tội và bắt ở tù vì hành vi “trụy lạc”. Đôi khi ở Iran và Ả Rập Xê Út, những người đồng tính bị đánh bằng roi.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Người đồng tính kể về nỗi sợ hãi khi bị IS truy đuổi
Những người đàn ông đồng tính từ Iraq và Syria hôm qua nói về nỗi sợ hãi khi bị Nhà nước Hồi giáo truy đuổi, trong cuộc họp đầu tiên về quyền của người đồng tính tại Hội đồng Bảo an.
Subhi Nahas (trái) phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Ảnh:Reuters
"Đáng lẽ đó cũng là số phận của tôi", Subhi Nahas, người đồng tính ở thị trấn Idlib, Syria, hôm qua nói trong cuộc họp kín không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cuộc họp do Mỹ và Chile tổ chức, nhằm thu hút sự chú ý với "những cuộc tấn công tàn bạo" của phiến quân.
"Tôi quá sợ hãi, không dám ra khỏi nhà. Nhưng nhà tôi cũng không an toàn, bởi cha tôi, người bán tín bán nghi theo dõi từng cử chỉ của tôi, đã biết tôi là người đồng tính. Vết sẹo trên cằm tôi chính là do cơn thịnh nộ của ông mà ra", Reuters dẫn lời Nahas nói.
Theo văn bản bài phát biểu chuẩn bị trước, Nahas cho biết tại quê nhà của anh, những người đồng tính thường bị ném đá và đẩy xuống từ mái nhà. Nếu nạn nhân không chết vì rơi xuống đất, họ sẽ bị ném đá đến chết. Không chỉ có thế, người đồng tính còn bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) truy đuổi và cuối cùng là giết hại.
"Chính gia đình quay lưng lại với tôi khi IS truy đuổi tôi", Adnan nói. Anh cho biết phiến quân IS truy lùng người đồng tính thông qua điện thoại và các liên lạc qua Facebook của những người chúng bắt được. Nahas trốn khỏi Syria để tới Libăng, rồi đến Thổ Nhĩ Kỳ. "Những lời dọa giết theo tôi tới Thổ Nhĩ Kỳ. Một người bạn cùng trường ở Idlib tên là Khalil đã tham gia IS. Hắn nhắn qua một người bạn chung với tôi rằng hắn muốn giết tôi để được lên thiên đường", IBTimes dẫn lời anh kể. "Tôi đã thấy hoảng sợ".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cho biết đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an thảo luận về các vấn đề của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới.
Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố lập đế chế tại lãnh thổ chúng chiếm được ở Iraq và Syria. Chúng đã nhận trách nhiệm với ít nhất 30 vụ hành quyết người đồng tính và đăng tải ít nhất 7 video hoặc ảnh về vụ việc như một cách tuyên truyền.
Một người đàn ông Iraq tên là Adnan kể câu chuyện bản thân cho Hội đồng Bảo an qua đường dân điện thoại từ một địa điểm không được hé lộ. Anh cho biết anh vẫn chưa an toàn. "Trong xã hội của tôi, đồng tính nghĩa là chết, và khi Nhà nước Hồi giáo giết người đồng tính, hầu hết đều thấy vui vì họ nghĩ chúng tôi là quỷ dữ, và Nhà nước Hồi giáo được ca ngợi vì điều đó", anh nói.
Trọng Giáp
Theo VNE
Tâm sự của kẻ trốn khỏi nhóm khủng bố đáng sợ nhất thế giới Chứng kiến những hành động quá máu lạnh của Nhà nước Hồi giáo, một tay súng từng từng cảm thấy thỏa mãn với những gì đạt được đã phải thay đổi suy nghĩ, tìm mọi cách để trốn chạy. Các tay súng IS diễu hành trên đường phố Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters "Nghe có vẻ thuyết phục đấy", Abu Ibrahim, chàng trai 22...