Nói không với khai thác hải sản trái phép hoặc nhận “thẻ đỏ” của EC
Chỉ còn vài tháng nữa là đến thời điểm đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam làm việc về vấn đề thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) nhưng đến thời điểm này, vấn đề khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn phức tạp.
Còn nhiều việc phải làm
Báo cáo tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, ông Nguyễn Ngọc Oai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, đề ra các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC bằng một hệ thống văn bản rất đầy đủ. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, không còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các nước quốc đảo Thái Bình Dương.
Bộ NNPTNT cũng triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển cho 31.500 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên. Hiện, Bộ NNPTNT đang sử dụng Hệ thống giám sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movimar (được triển khai từ năm 2012). Để triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và do thiết bị lâu ngày không được bảo dưỡng, sửa chữa, Bộ đã hướng dẫn các địa phương thu hồi thiết bị của tàu cá dưới 24 mét để lắp đặt cho tàu cá có chiều dài trên 24 mét, tàu lưới kéo và tàu câu cá ngừ đại dương.
Việc ghi chép nhật ký khai thác, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa được kiểm soát. Ảnh: I.T
Đến nay, sau khi sửa chữa đã phân bổ, lắp đặt lại 2.048 thiết bị, trong đó có 1.622 thiết bị lắp cho tàu cá từ 24 mét trở lên và 426 thiết bị lắp cho tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24 mét làm nghề câu cá ngừ và tàu lưới kéo. Đồng thời đang thí điểm phần mềm hệ thống giám sát tàu cá của VNPT để kết nối dữ liệu giám sát hành trình tàu cá từ các nhà cung cấp gồm Viettel, VNPT, Zunibal, Vishipel, Bình Anh, ELcom tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang với khoảng hơn 1.500 tàu cá.
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, năm 2018 ngành chức năng đã cấp 4.589 giấy chứng nhận nguyên liệu thủy sản và 75.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào EU; quý I/2019 cấp 856 giấy chứng nhận 12.000 tấn thủy sản xuất khẩu vào EU.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, nhiều địa phương chưa xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng để tập trung chỉ đạo, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Công tác kiểm tra thực thi trong thực tiễn chưa sâu sát; chưa nghiêm túc kiểm điểm, xử lý kỷ luật trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Video đang HOT
Điều đáng lo ngại là việc kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài – điều kiện tiên quyết để gỡ “thẻ vàng” hoặc nguy cơ cao bị “thẻ đỏ” trong đợt kiểm tra của Đoàn thanh tra EC vào tháng 10/2019 tại Việt Nam chưa chấm dứt. Năm 2018 số vụ vi phạm tiếp tục tăng so với 2017 (năm 2018 xảy ra 85 vụ/137 tàu/1162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017) và trong 05 tháng đầu năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp ( đã xảy ra 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm).
Hệ thống giám sát tàu cá hoạt động trên biển là nội dung quan trọng thứ hai để gỡ “thẻ vàng” hoặc nguy cơ cao bị “thẻ đỏ” nhưng đến nay chưa triển khai kịp tiến độ. Một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ thông tin đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản vào cơ sở dữ liệu quản lý tàu cá (VNFISHBASE); danh sách tàu cá khai thác IUU tại địa phương chưa được chia sẻ với cảng cá để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Phải chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: I.T
Hồ sơ kiểm soát tàu cá rời cảng còn bị thiếu, chưa kiểm tra được toàn bộ các tiêu chí theo quy định, đặc biệt là việc thu, nộp nhật ký khai thác; tình trạng tàu không có số đăng ký vẫn được phép cập cảng, rời cảng; chưa giám sát được 100% sản lượng cập cảng; hồ sơ ghi chép sản lượng qua cảng chưa đầy đủ.
Chấm dứt ngay tình trạng khai thác trái phép
Theo kế hoạch, cuối tháng 10/2019, đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đợt kiểm tra này đặc biệt quan trọng, đây là thời điểm EC đánh giá kết quả sau 02 năm Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC để có đủ luận chứng đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “Thẻ vàng” hoặc áp dụng biện pháp cảnh báo “Thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Vì vậy, cần xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần tập trung nguồn lực (nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất) phục vụ cho hoạt động chống khai thác IUU, cụ thể:
Theo đó, Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng trên biển, đặc biệt tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Khẩn trương triển khai vận hành, khai thác, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu tàu cá (VNFISHBASE) giữa các cơ quan, đơn vị để quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU ngày 21/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại hạn chế chậm khắc phục trong công tác chống khai thác IUU của các bộ, ban, ngành có liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong thời gian qua.
Nghiêm túc đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chống khai thác IUU của các bộ, ban, ngành có liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, chỉ rõ những yếu kém, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Tập trung thảo luận, xác định từng nhiệm vụ cụ thể gắn liền với trách nhiệm của từng bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển; từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể mang tính thực tiễn về công tác chỉ đạo, điều hành, đầu tư nguồn lực về vật chất, con người, cách thức tổ chức triển khai thực hiện để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo ‘Thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam.
Theo Danviet
PTT Trương Hòa Bình : Khai thác nước ngầm quá mức gây ô nhiễm, xâm thực
Chiều 18/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính Phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đến dự còn có Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thành Mẫn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, khách quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao việc 2 Bộ TNMT và Bộ NNPTNT tổ chức tốt 4 diễn đàn chuyên đề trong sáng 18/6, gồm: Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL và diễn đàn Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút đầu tư cho vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình: "Thủy điện làm biến đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa". Ảnh: H.V
Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt là BĐKH, nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó việc phát triển các đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Việc phát triển kinh tế với cường độ cao ở các địa phương trong vùng gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề cùng với việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở.
"Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng chiều nay trình bày tập trung vào tồn tại hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp về BĐKH và phát triển bền vững cho ĐBSCL. Dành thời gian cho các chuyên gia, khách quốc tế, doanh nghiệp phát biểu ý kiến, nhất là đánh giá thực trạng tình hình và các nhiệm vụ giải pháp thích ứng với BĐKH", Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu.
Theo Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà, cái lớn nhất là cơ chế chính sách tập trung phát triển nông nghiệp hiện đại và cụ thể hoá các cơ chế đó; thúc đẩy liên kết vùng, liên kết nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà nông...; sản xuất nông nghiệp phải giảm lúa, tăng trái cây, thúc đẩy nông sản chế biến... Đồng thời, tìm đường xuất khẩu vào các thị trường khó tính, ;ồng ghép cơ chế chính sách với mô hình tăng trưởng, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: H.V
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tổng thể quy hoạch tầm nhìn xây dựng khu vực đến năm 2030, năm 2050. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện các quy hoạch, chính sách cho khu vực ĐBSCL phát triển bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, cần có cơ chế điều phối liên kết vùng, tập trung và tạo điều kiện bố trí vốn, thu hút vốn đầu tư cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất của BĐKH và vùng ĐBSCL là vùng chịu tổn thương lớn nhất, chịu tác động trực tiếp của BĐKH. Ứng phó BĐKH, phát triển bền vững không những cấp bách mà còn là chiến lược. Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ thể hiện tầm nhìn mới, chiến lược mới, quy hoạch tổng thể... nhằm giúp khu vực ĐBSCL thích ứng với BĐKH. "Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với BĐKH sau 2 năm triển khai, kết quả nổi bật rõ nhất là sự chuyển biến nhận thức đồng bộ. Từ đó kết quả đạt được không chỉ về mặt kinh tế mà còn là sự chủ động của các địa phương và người dân trong việc ứng phó và thích ứng với BĐKH", Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Theo Danviet
Vaccine dịch tả lợn châu Phi: Thế giới bó tay, Việt Nam không bi quan Chia sẻ thông tin về quá trình nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi, GS - TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sau 4 tháng nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời loại vaccine vô hoạt, thử nghiệm bước đầu trên đàn lợn nghiên cứu cho kết quả khả quan. Khó...