Nỗi khó xử của Mike Pence
Phó Tổng thống Mike Pence đang lâm vào thế khó xử nhất trong 4 năm nhiệm kỳ, khi Trump và đồng minh đang thúc giục ông chọn phe.
Tổng thống Donald Trump đang gây áp lực buộc Pence, người sẽ chủ trì phiên họp lưỡng viện quốc hội ngày 6/1 để kiểm phiếu đại cử tri và tuyên bố ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử, đảo ngược kết quả và trao chiến thắng cho ông.
Ngay cả khi Pence và nhiều trợ lý Nhà Trắng đã nỗ lực giải thích với Trump rằng vai trò chủ tịch Thượng viện của Phó tổng thống chủ yếu mang tính hình thức và ông không thể nào đơn phương bác bỏ kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri, Trump dường như vẫn tin vào khả năng “lật kèo” tại phiên họp quốc hội này.
Phó tổng thống Mike Pence tại mít tinh ở Bắc Carolina ngày 25/10. Ảnh: Reuters .
Ngày 28/12, các đồng minh của Trump càng gia tăng áp lực khi một nhóm nghị sĩ Cộng hòa đệ đơn kiện lên thẩm phán liên bang Jeremy Kernodle ở Texas, yêu cầu ông này tuyên bố rằng Pence là “người có thẩm quyền duy nhất và được tùy ý” quyết định kiểm đếm phiếu đại cử tri nào ở các bang. Yêu cầu của nhóm nghị sĩ Cộng hòa dường như là bước tiếp theo cho kế hoạch gửi phiếu bầu của nhóm “đại cử tri thay thế” ủng hộ Trump ở các bang chiến trường lên quốc hội để đảo ngược kết quả bầu cử.
Các chuyên gia về luật bầu cử cho rằng đơn kiện của nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ là một “nỗ lực vô vọng”, tuy nhiên, nó đặt Pence vào tình thế phải công khai chọn phe: không ủng hộ Trump và các đồng minh hay ủng hộ họ và tỏ rõ ý định lật ngược kết quả.
Đây sẽ là thời điểm Phó tổng thống Mỹ phải đưa ra quyết định, dù kể từ sau ngày bầu cử, ông không công khai ủng hộ các cáo buộc gian lận bầu cử của Trump. Pence cũng tỏ ra rất thận trọng và không tỏ dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ hành xử ra sao trong phiên họp lưỡng viện quốc hội ngày 6/1.
Pence đã thể hiện sự tận tụy với Trump trong nhiệm kỳ của mình. Ông khen ngợi Trump và các lựa chọn chính sách của Tổng thống. Một hình ảnh đã trở nên quen thuộc là Pence đứng bên cạnh Trump mỉm cười khi Tổng thống phát biểu.
Video đang HOT
Pence vốn được chọn làm ứng viên phó tổng thống vì sức hấp dẫn với cử tri Công giáo, những người cảm thấy yên tâm bởi sự hiện diện của ông, vì Pence có phong thái điềm tĩnh theo hơi hướng chính trị gia truyền thống và có quan điểm bảo thủ, trái ngược với Trump, người đã kết hôn ba lần và có tính cách bốc đồng.
Luôn là trung tâm của sự chú ý, Trump không bao giờ nhường “ánh đèn sân khấu” cho bất kỳ ai. Pence chấp nhận điều đó và giữ nguyên cam kết của mình với Trump ngay cả sau bê bối lớn nhất của Trump vào mùa bầu cử 2016, khi Trump bị lộ video cho thấy ông khoe khoang về việc sờ soạng phụ nữ năm 2005.
Thất bại của Trump lẽ ra phải báo hiệu rằng “phần thưởng” cho sự tận tụy của Pence sẽ đến – ông sẽ “rộng đường” trở thành ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2024. Tuy nhiên, “quả ngọt” không sớm đến với ông. Trang Axios đưa tin Tổng thống tức giận vì cho rằng Pence đã không nỗ lực hết mình trong việc lật ngược kết quả bầu cử. Trump cũng rất tức giận khi Dự án Lincoln đăng một video nói rằng Pence đang bỏ rơi ông.
Video này thu hút 1,3 triệu lượt xem, bắt đầu bằng dòng chữ “Ngày tàn sắp đến rồi, Donald. Ngay cả Mike Pence cũng biết điều đó”. Đoạn video kết thúc với thông điệp: “Vào ngày 6/1, Mike Pence sẽ đóng chiếc đinh vào ‘quan tài chính trị’ của Trump khi ông ấy chủ trì cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện để chứng minh Joe Biden đã thắng. Mọi chuyện đã kết thúc, và Mike Pence biết điều đó”.
Từng làm việc 12 năm trong quốc hội và giữ chức thống đốc bang Indiana 4 năm, Pence chắc chắn hiểu quy trình bầu cử diễn ra như thế nào, và cũng hiểu rằng ông và Trump đã thất bại trước Joe Biden và Kamala Harris. Tuy nhiên, 4 năm làm phó tổng thống cũng dạy cho ông rằng Tổng thống đang rất quan tâm đến việc ai đồng hành cùng ông trong nỗ lực lật ngược kết quả, Michael D’Antonio, người từng viết tiểu sử về Trump, nhận xét.
Thực tế, Pence vẫn bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống dù không tham gia sâu vào các nỗ lực thách thức kết quả. Tại một hội nghị của nhóm bảo thủ trẻ tuổi Turning Point USA hôm 22/12, Pence nhấn mạnh rằng “cuộc tranh cử vẫn tiếp tục” và nhóm của Trump sẽ “tiếp tục chiến đấu cho đến khi mọi phiếu bầu hợp pháp được tính và mọi phiếu bầu hợp pháp bị loại bỏ”.
D’Antonio cho rằng việc thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống có thể phục vụ triển vọng chính trị của Pence. Điều đó cũng cho thấy Pence không muốn làm mất lòng nhóm cử tri trung thành với Trump, khi Trump đã giành được hơn 74 triệu phổ thông trong cuộc bầu cử.
Mặc dù Trump đã gợi ý sẽ tranh cử năm 2024, ông cũng nói rằng ông có thể từ bỏ ý tưởng này. Điều đó sẽ khiến Pence trở thành ứng viên nhiều khả năng giành được đề cử của đảng Cộng hòa nếu tranh cử năm 2024. Với lợi ích đó, “giờ không phải là lúc để ông phá bỏ mối quan hệ giữa hai người”, D’Antonio viết.
Sự tận tụy của Pence với Trump trong những năm qua có thể làm hài lòng một số cử tri trung thành với Tổng thống, nhưng điều đó không đồng nghĩa ông chắc chân giành được đề cử của đảng Cộng hòa hoặc Nhà Trắng. “Hãy nhìn vào biểu ngữ được trưng bày hai tháng trước tại một sự kiện ở Nevada. Nó viết: Don Jr. 2024″, D’Antonio nói, nhắc đến con trai cả của Trump.
Nghị sĩ Cộng hòa kiện Phó tổng thống Pence
Nhóm nghị sĩ Cộng hòa đệ đơn yêu cầu thẩm phán liên bang tuyên bố Phó tổng thống Pence là người duy nhất có quyền định đoạt phiếu đại cử tri.
Các nguyên đơn, gồm nghị sĩ Texas Louie Gohmert, Kelli Ward và nhiều đảng viên Cộng hòa, ngày 28/12 đệ đơn kiện lên Thẩm phán liên bang Jeremy Kernodle ở Texas. Bị đơn trong đơn kiện này là Phó tổng thống Mike Pence, người sẽ chủ trì phiên họp lưỡng viện quốc hội ngày 6/1 để kiểm phiếu đại cử tri và tuyên bố ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Trong đơn kiện, nhóm nghị sĩ Cộng hòa yêu cầm thẩm phán Kernodle, một người được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, tuyên bố rằng Pence là "người có thẩm quyền duy nhất và được tùy ý" quyết định kiểm đếm phiếu đại cử tri nào ở các bang.
Yêu cầu của nhóm nghị sĩ Cộng hòa dường như là bước tiếp theo cho kế hoạch gửi phiếu bầu của nhóm "đại cử tri thay thế" ủng hộ Trump ở các bang chiến trường lên quốc hội để đảo ngược kết quả bầu cử.
Theo các nghị sĩ này, Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri 1887 cần được tuyên bố là vi hiến vì nó mâu thuẫn với Điều 12 trong Hiến pháp Mỹ. Điều 12 quy định "các cơ chế giải quyết tranh chấp độc quyền", trong đó nói rằng "Phó tổng thống quyết định chứng nhận phiếu đại cử tri nào được kiểm hay không được kiểm của mỗi bang".
Phó tổng thống Mike Pence tại cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 24/3. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, các chuyên gia về luật bầu cử nhanh chóng cho rằng đơn kiện của nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ là một "nỗ lực vô vọng" nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.
"Vụ kiện này sẽ không đi đến đâu", Joshua Geltzer, giám đốc Viện Bảo vệ Hiến pháp thuộc Đại học Georgetown, nhận định. "Một nghị sĩ Mỹ đang tìm cách để Phó tổng thống vượt quyền ý chí của cử tri trong phiên họp toàn thể quốc hội ngày 6/1".
"Nếu Điều 12 trong Hiến pháp bằng cách nào đó trao cho phó tổng thống quyền đơn phương bác bỏ phiếu đại cử tri của một ứng viên để chọn phiếu có lợi cho ứng viên đảng mình (thậm chí là cho chính bản thân họ), các phó tổng thống trước đây đã làm vậy rồi", Steve Vladeck, giáo sư trường Luật Texas, viết.
Phát ngôn viên của Phó tổng thống Pence chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Trước đó, nhóm "đại cử tri" ủng hộ Trump do đảng Cộng hòa đề cử ở những bang chiến trường Biden giành chiến thắng cũng tự bỏ lá phiếu của riêng mình và gửi chúng đến quốc hội. Họ hy vọng rằng Pence sẽ gạt bỏ phiếu đại cử tri được thống đốc bang chứng nhận và kiểm đếm những phiếu "đại cử tri thay thế" này, qua đó trao chiến thắng cho Trump.
Tuy nhiên, các chuyên gia luật bầu cử chỉ ra rằng các "đại cử tri thay thế" mà chiến dịch Trump đề cập chỉ là những "đại cử tri tự xưng" không được luật pháp thừa nhận và sẽ không ảnh hưởng gì tới kết quả bầu cử. Hệ thống bầu cử Mỹ không công nhận đồng thời đại cử tri chính thức và đại cử tri "thay thế".
Tổng thống Trump gần đây liên tục gây áp lực với Pence, đề nghị ông không phê chuẩn kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn trong phiên họp lưỡng viện quốc hội ngày 6/1 sắp tới.
Các nguồn tin cho hay Trump đã bày tỏ thắc mắc về việc tại sao Pence, với tư cách Chủ tịch Thượng viện chủ trì cuộc họp ngày 6/1, không thể tự đảo ngược kết quả phiếu đại cử tri và trao chiến thắng cho ông.
Pence và nhiều trợ lý Nhà Trắng đã nỗ lực giải thích với Trump rằng vai trò Chủ tịch Thượng viện của Phó Tổng thống chủ yếu mang tính hình thức và ông không thể nào đơn phương bác bỏ kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri.
Trước ngày 6/1, thay vì nhận thua, Trump cùng các đồng minh vẫn thực hiện nhiều kế hoạch nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Tổng thống Mỹ còn cảnh báo sẽ xảy ra cuộc biểu tình "rầm rộ" tại thủ đô Washington vào ngày xác nhận kết quả bầu cử.
Trump 'cáu với tất cả' Trump được cho là đang bất đồng với đội ngũ cố vấn và tức giận với bất cứ ai phản đối cáo buộc gian lận bầu cử hay nỗ lực "lật kèo". Tổng thống Donald Trump nghĩ rằng tất cả những người xung quanh ông đều "yếu đuối, kém thông minh và thiếu trung thành", Axios ngày 22/12 dẫn các nguồn thạo tin...