Nỗi khổ thiếu nữ con nhà giàu
Hai nữ sinh thuộc diện con nhà giàu với cuộc sống đầy đủ vật chất nhưng luôn thiếu thốn tình yêu thương, sự sẻ chia của cha mẹ. Nỗi buồn của nữ sinh học giỏi, chăm ngoan chỉ biết trút lên trang nhật ký.
“Con ghét mẹ”
Có lẽ thốt lên câu nói này là bồng bột nhưng thực sự mình không chịu được nữa rồi. Hồi còn bé thấy anh trai vô lễ với mẹ, mình đã chạy lại thủ thỉ: “Con sẽ chẳng bao giờ như anh đâu. Con yêu mẹ lắm” – T.V. nữ sinh lớp 11 trường chuyên tại Hà Nội chia sẻ. Mẹ V. là sếp nữ khá hiếm trong một cơ quan nhà nước. Bố cô là doanh nhân thành đạt.
Nhưng giờ mình lớn rồi, suy nghĩ kỹ và hiểu vì sao anh mình lại như thế. Mình chưa bao giờ dám cãi mẹ, mỗi lẫn bị mẹ chửi, chỉ lẳng lặng lên phòng gặm nhấm nỗi buồn, nhiều lúc ức chế mình chỉ khóc. Bây giờ lớn hơn, cho dù không cãi lại nhưng mình thể hiện rõ thái độ. Mình thường trả lời nhát gừng, mặt xị ra, nhiều lúc mẹ hỏi không thèm nói lời nào. Lúc đó mình chỉ muốn mẹ biết là mình đang rất buồn và giận mẹ nhưng mẹ đâu có hiểu. Khi mình lên lớp 9 ôn thi vào trường chuyên, mình bắt đầu khó tính hơn bởi áp lực học tập và do mẹ luôn mắng chửi. Người ta thì lo bồi bổ cho con cái, động viên con học tốt hơn nhưng mẹ chỉ nấu ăn qua loa, thức ăn để từ hôm này sang hôm khác. “Mẹ nói không có thời gian nhưng mẹ lại ngồi xem tivi. Mình thường trốn sang nhà bác Oanh hàng xóm để ăn chực, sao mà ngon và vui thế. Nhưng khi về nhà, nhìn thấy mẹ là niềm vui của mình vụt tắt”.
Giới trẻ cần được cha mẹ lắng nghe và chia sẻ (ảnh mang tính minh họa) Ảnh: Hồng Vĩnh.
Khi mình lớn, đáng lẽ mẹ là người dạy cho mình cách chăm sóc bản thân, biết lo toan việc nhà; nhưng bác Oanh lại là người dạy mình. Mình trở thành thiếu nữ lúc nào mẹ cũng không hay. Khi ba về rất ngạc nhiên vì mình thay đổi quá nhanh.
Từ con bé nghịch ngợm giờ mình ra dáng thiếu nữ. Việc nội trợ cơm nước, V. một mình lo toan hết. Thấy ba tự hào, cô rất vui. Nhưng V. buồn bởi những điều ấy không phải là mẹ dạy. Càng buồn hơn khi người cô hay tâm sự nhất là bác Oanh và ba. Tuy nhiên, thời gian ba ở nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Mỗi khi nhìn thấy mẹ, V. chỉ thấy khó chịu và bỏ lên phòng riêng. Những lời mẹ đay nghiến luôn khiến V. ấm ức. Khoảng thời gian V. căng thẳng ôn vào trường chuyên, mẹ luôn mắng chửi, chì chiết để so sánh cô với bạn bè và theo dõi con như cai ngục. Ngay cả khi V. đỗ vào trường chuyên, mẹ vẫn không thôi so sánh con với bạn khác.
“Con ngày càng gầy đi. Hôm nay con không ăn sáng. Trưa ăn được một bát cơm, tối ăn một bát miến. Tất cả đều ăn ở nhà bác Oanh. Con thấy nét mặt mẹ buồn bực, con hiểu mẹ đang rất buồn. Con cố tình làm thế, thật không phải khi nói thế này nhưng thực sự khi thấy mẹ tức giận, buồn bực con nghĩ “Cho đáng đời, mẹ thấy chưa, tức chưa, ức chế chưa?” nhưng thực sự con rất buồn. Con luôn đến lớp tâm sự và khóc với các bạn “Tớ bất hiếu quá. Tớ thương mẹ lắm nhưng không tài nào chịu nổi cách dạy của mẹ. Tớ không thể dừng việc tỏ thái độ chống đối với mẹ”.
Mọi người bảo mẹ may mắn lắm đấy. Nhà mình giàu, khá giả, đáng lẽ chúng con phá gia chi tử. Nhưng con và anh thì không, vẫn học giỏi, không phá phách như nhiều gia đình giàu có khác.
T.V. chỉ tâm sự với mẹ qua nhật ký: “Có lần mẹ chửi anh thậm tệ khiến anh bỏ nhà đi. Mẹ đuổi theo, anh nhìn thấy và bỏ chạy luôn. Con thấy mẹ rất buồn, khóc nhiều đến sưng cả mắt. Đêm ấy mẹ không ngủ được. Mẹ yêu anh lắm phải không? Nhưng mẹ biết không, mỗi lần chửi rủa, anh xa lánh mẹ dần. Mẹ chửi tục, mắng thậm tệ khiến nhiều lần con chỉ muốn bỏ nhà đi. Con nghĩ, nếu đi và trở về, mẹ lại tiếp tục chửi, mắng thậm tệ, con chỉ muốn tự tử. Mỗi lần con nghĩ đến cái chết, bác Oanh đã can ngăn kịp thời. Bác phân tích dù mẹ có sai thì cũng không nên tìm đến cái chết. Bác là hàng xóm mà luôn an ủi, động viên con. Con học là vì gia đình, vì con là niềm tự hào của ba chứ không học vì bản thân con.
Nếu muốn con có thể bỏ học, cố tình học dốt, nhưng con thương ba. Con muốn sau này được tài giỏi như ba. Thật may khi con giống ba biết lắng nghe và sửa đổi rất nhanh. Khi lớn lên con sẽ không bao giờ dạy con, đối xử với con như cách của mẹ”.
Không thể tự hào về cha mẹ
L.T.T., 16 tuổi, lớp 10, trường THPT Cao Lãnh (Đồng Tháp) luôn ao ước có được gia đình ấm cúng thực sự. “Đúng hơn tôi cần sự thấu hiểu. Mỗi lần nhắc đến hai chữ gia đình, tôi lại cảm thấy hụt hẫng. Cha cũng như mẹ chẳng ai chịu hiểu tôi. Ai cũng thích áp đặt. Ai cũng bắt tôi làm cái này cái kia mà chẳng biết tôi nghĩ gì. 16 tuổi rồi mà từ thời gian học, trang phục, đến cả bạn bè tôi đều không được quyền lựa chọn. Dường như tôi chẳng có chút tự do nào”, T. tâm sự.
Video đang HOT
Với T., có bạn bè là để cùng sẻ chia buồn, vui. Vậy mà cha mẹ ép: “Con chỉ được phép quen và chơi với bạn giỏi hơn mình để học hỏi. Với những đứa chẳng giúp ích gì thì đừng quen!”. “Dạy con kiểu gì mà vô lý thế? Tình bạn thiêng liêng của tôi lại bị cha mẹ biến thành thứ để lợi dụng”.
Tại sao họ không để tôi có quyền tự hào vì có cha, mẹ mẫu mực? Cha hay đi chơi khuya. Mẹ luôn kể lể những thói xấu của cha cho tôi nghe. Họ có biết những lúc đó tôi buồn đến thế nào không? Sao không ai chịu lắng nghe tôi? Sao không chịu nhìn và nói chuyện với tôi? Tôi cần sự thấu hiểu và quan tâm thật sự.
Đôi lúc tôi cảm thấy chơi vơi buồn bã và chỗ dựa của tôi lúc ấy lại là bạn bè chứ không phải gia đình. Người ta nói gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất những lúc chơi vơi. Vậy mà…
Có lúc, tôi nói những suy nghĩ của mình cho cha mẹ. Cha bảo: “Con cái thì phải tròn bổn phận con cái. Dù cha mẹ có nói sai cũng không được giận hờn, trách móc”. Từ đó tôi chẳng còn muốn quan tâm cha mẹ mình nữa…
T. buồn bã: “Có lẽ ước nguyện của tôi sẽ chẳng thành sự thật. Các bậc cha mẹ có thể biết những gì là tốt cho con cái nhưng liệu họ có thể hiểu con khi chúng muốn nói chuyện? Những đứa con cần được giáo dục từ bé và cha mẹ là những người ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí lực của chúng. Nếu để chúng phát triển không tốt rồi mới cải tạo thì đã quá muộn màng”.
Ám ảnh của câu nói cay nghiệt
Đòn roi không dạy trẻ nên người nhưng mình nghĩ những lời nói trong lúc tức giận cay nghiệt, thô lỗ, xúc phạm nhân phẩm con cái của cha mẹ có thể theo trẻ đến suốt cuộc đời. Không có trường lớp nào dạy chúng ta làm cha mẹ, và học làm cha mẹ là sự học hỏi lẫn nhau giữa bố mẹ và con cái!
Ngày mình học lớp 6 mải chơi và bướng bỉnh. Một lần bố mắng mình: “Tao thật sai lầm khi đẻ ra mày!”. Câu nói đó cứ ám ảnh mình và mình đã nói với bà ngoại và cậu là: “Cháu nghĩ cháu có thể sống tốt mà không cần có bố”. Đến giờ khi đã lớn khôn, mình có thể bình tâm hiểu và thông cảm cho bố lúc quá giận. Dù biết bố rất yêu mình nhưng từ đó đến tận bây giờ, mình cũng chưa một lần nhìn thẳng vào mắt bố! Bố ơi, tại sao con cảm thấy không tự tin khi nhìn vào mắt bố, con là con của bố cơ mà! Nguyễn Thị Huyền (SN 1986, Hà Nội)
Theo VietNamNet
Con nhà giàu cai nghiện
Một bệnh nhân tên H. được liệt vào hàng "bệnh nhân VIP" vì anh ta nghiện toàn "hàng khủng", nghĩa là mỗi lần gặp gỡ bạn bè, chi phí mà anh ta phải bỏ ra là hàng chục triệu, mở màn là thuốc lắc, sau là đập đá, là ke, kèm theo đó là rượu mạnh...
"Bác sĩ ơi, nhìn cháu bay cao này..." - một thanh niên trẻ măng, mặt búng ra sữa vừa nói với bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1), hai tay anh ta vừa đập phành phạch vào hông như con chim chuẩn bị cất cánh. "Khổ thế đấy! Vì nghĩ mình là chim nên lúc nào cũng muốn bay cao. Có lần cậu ta còn trèo lên nóc cổng để... vỗ cánh cho dễ" - bác sĩ Hùng nói với tôi.
"Cháu chỉ uống thuốc đau đầu thôi mà"
Trường hợp của cậu thanh niên này, theo bác sĩ Hùng, là còn "quá nhẹ" so với những trường hợp rối loạn tâm thần sau một thời gian sử dụng ma túy tổng hợp. Nếu gọi nôm na thì họ đúng là những kẻ điên, chỉ có điều, bệnh điên ấy bắt nguồn từ thói ăn chơi đàng điếm, lao theo thú chơi thời thượng của một bộ phận thanh niên hư hỏng. Ma túy đá, thuốc lắc, ke... đang là những tác nhân khiến con người ta phát điên.
Một cô bé đang là học sinh lớp 12, là học sinh giỏi, được cha mẹ đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 điều trị, sau khi thấy em có những dấu hiệu tâm thần, đang cười cô bé cũng có thể khóc ngon lành, nhưng rõ rệt nhất là dấu hiệu trầm cảm. Cô bé có thể ngồi góc nhà "ngắm" một con nhện chăng mùng từ sáng đến đêm, không ăn không uống. Sợ nhất là thỉnh thoảng cô bé lại thẽ thọt: "Mẹ ơi, con muốn chết" với khuôn mặt rất chi là nghiêm túc, khiến bố mẹ cô phát hoảng.
Thế mà khi bác sĩ hỏi chuyện, cô bé cứ nằng nặc: "Cháu không bị sao đâu, cháu chỉ uống thuốc đau đầu thôi". Sau 2-3 tháng điều trị ở bệnh viện, cô bé dần trở lại thành người bình thường, khi ấy cô mới kể, trong một buổi sinh nhật, cô được bạn bè cho uống viên thuốc gì đó, một vài lần nữa cũng vậy, cái viên thuốc chúng nó đưa mang lại cho cô một cảm giác rất lạ, vài ngày sau không được uống, cô thấy nhớ cồn cào, bứt rứt, cầm sách học bài, cô chợt thấy đầu đau như búa bổ.
Nhưng cứ được uống cái viên thuốc bé xíu kia, tức thì cô hoạt bát hẳn lên. Một thời gian dài cho đến khi gia đình phát hiện, không cho cô bé đi chơi với đám bạn kia nữa, tức thì cô chống đối dữ dội, la hét, lặp đi lặp lại một câu: "Con không có bệnh gì, con chỉ uống thuốc đau đầu thôi".
Đã từng nghiên cứu nhiều năm để sản phẩm thuốc cai nghiện Heantos 4 được ứng dụng vào việc cai nghiện ma tuý (bắt nguồn từ bài thuốc cai nghiện do lương y Trần Khuông Dẫn sưu tầm được), Tiến sỹ - bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cũng như các đồng nghiệp của ông vô cùng xót xa khi các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần do sử dụng các loại ma túy mới nhập viện ngày càng gia tăng. Những bệnh nhân này rất trẻ, thậm chí có người đang tuổi vị thành niên. Có đứa chưa đến 16 tuổi nhưng đã có thâm niên "đập đá" 2-3 năm.
Một cậu ấm con quan được gia đình cưỡng ép đưa vào đây, với lời tha thiết gần như van xin của bà mẹ: "Bác sĩ ơi, nhà tôi chỉ có mình nó, tốn bao nhiêu tiền bác sĩ cứ nói, miễn làm sao cho con tôi khỏi bệnh". Cậu ấm hồn nhiên, ngờ nghệch cười với tất cả mọi người, từ bác bảo vệ gác cổng đến một bệnh nhân tâm thần trong bệnh viện. Nó "ngoan" lắm, cả ngày ngồi một chỗ không nói một câu, nhưng bác sĩ bảo gì cũng biết, đang ở ngoài sân nắng, gọi vào chỗ râm là vào ngay, nhưng nhất định không nói năng nửa lời, thậm chí chửi nó cũng không thèm đáp lại.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đang thăm khám bệnh nhân tâm thần.
Theo dõi những biểu hiện của cậu ấm này, các y tá, bác sĩ phát hoảng khi thấy nó... đại tiện ra rồi bốc lên ăn ngay. Thói quen ưa thích của cậu ấm là vục đầu vào bồn cầu ngửi và... uống nước. Chưa hết, nếu vô tình vồ được con chuột hay con thạch sùng trên tường là cậu ấm cũng tống luôn vào mồm. Ca bệnh này phải nói là quá nặng, bác sĩ Hùng bảo, cậu ta đã bị rối loạn hành vi do sử dụng ma túy tổng hợp một thời gian dài. Nếu chụp những bộ não của các cậu ấm này bằng công nghệ mới nhất, sẽ thấy não của chúng bị biến dạng so với não người bình thường.
Những kiểu tâm thần thời hiện đại này chỉ 3-4 năm gần đây mới xuất hiện, khi trào lưu ma túy tổng hợp ào ạt cuốn một bộ phận giới trẻ vào vòng xoáy của nó. Nó đã biến những thanh niên mới lớn, khỏe mạnh, thậm chí học giỏi trở thành những con người nửa điên nửa dại, chỉ vì trót tò mò "thử cho biết". Một loại tâm thần phổ biến sau khi sử dụng ma túy tổng hợp là xuất hiện ảo thanh trong đầu. Loại này rất nguy hiểm vì bệnh nhân dễ bị kích động làm những việc xấu, có khi dám giết người khi nghe "ai đó" xúi giục trong đầu.
Bệnh nhân T., một du học sinh từng học ở Anh (nhà ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) được gia đình thuê 4 anh vệ sĩ cẩu vào viện khi anh ta liên tục khóc lóc, kể lể: "Có người cứ kể tội cháu, từ những chuyện quá khứ lâu lắm rồi cháu muốn quên đi. Ngày nào nó cũng nằm trong đầu nói: "Mày có nhớ là mày ăn cắp cái điện thoại của thằng A. không, mày có nhớ mày bắt con B. phá thai không... Cháu muốn bổ đầu, lôi cái thằng người đó ra...".
Trước khi vào đây, T. đã làm bạn với ma túy đá từ khi sang Anh du học, tức là lúc mà dân chơi Hà Nội chỉ mới "nghe nói" chứ chưa nhìn tận mắt những chiếc bình thủy tinh trong vắt dùng để "đập đá". Có kẻ điên dại tới mức cứ đòi húc đầu vào tường cho vỡ ra để lấy óc biếu bác sĩ. Trạng thái ảo luôn xuất hiện sau khi sử dụng ma túy, nhưng nếu dừng lại, bệnh nhân sẽ thấy bứt rứt, trầm cảm.
Bệnh nhân C. (người Hải Phòng) được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 khi cả ngày anh ta cứ đứng một chỗ, ngửa mặt nhìn trời, không ăn, chỉ uống vài ngụm nước và không nói chuyện với ai.
Chữa bệnh cho những người này, ngoài điều trị bằng thuốc thì việc điều trị tâm lý là vô cùng cần thiết. Không làm thế nào để cho anh ta ăn được, nhưng bác sĩ phát hiện ra một điểm yếu vô cùng thú vị ở anh ta là có máu buồn. Đến giờ cơm mà không ăn, tức thì anh ta bị... cù hội đồng, thành ra không muốn cũng phải cố ăn. Thế nên, lúc vào viện anh ta chỉ hơn 40kg, nhưng sau nửa năm ra viện, gia đình không thể nào nhận ra vì anh ta lên cân, béo khỏe, lanh lợi hẳn.
Con nhà giàu cai nghiện
Vì những lý do tế nhị mà trong bài viết này, chúng tôi không đưa tên thật cũng như địa chỉ của các bệnh nhân, đa phần trong số họ đều con nhà giàu, con quan cũng không ít. Chỉ muốn nói rằng, dư âm mà ma túy tổng hợp để lại là vô cùng đáng sợ. Nhưng những trường hợp được gia đình đưa vào viện điều trị đều được phát hiện kịp thời nên sau một thời gian dài nằm viện, họ dần bình thường trở lại.
Một bệnh nhân tên H. được liệt vào hàng "bệnh nhân VIP" vì anh ta nghiện toàn "hàng khủng", nghĩa là mỗi lần gặp gỡ bạn bè, chi phí mà anh ta phải bỏ ra là hàng chục triệu, mở màn là thuốc lắc, sau là đập đá, là ke, kèm theo đó là rượu mạnh... Không làm gì ra tiền, đương nhiên số tiền ấy phải do bố mẹ cung cấp, nói hài hước là tiền viện trợ.
Chính anh ta có lần đã gỡ cả chiếc đồng hồ Thụy Sỹ trị giá 20 nghìn đô để tặng một nam ca sĩ hải ngoại có chất giọng "sến tới bến" mà anh ta yêu thích trong một lần nghe hát ở bar. Mỗi tháng trung bình, H tiêu sơ sơ của bố mẹ ít nhất cũng dăm trăm triệu. Thế nên khi nằm ở viện, bố mẹ H cứ xuýt xoa: "Sao mà sướng thế, vào viện tiết kiệm được bao nhiêu tiền, chứ nó còn ở nhà thì từ hôm đấy đến nay nó cũng tiêu đến ngót tỷ rồi".
Cậu ấm này cũng quyết tâm cai lắm. Nhưng bỏ ma túy vài hôm, cậu rơi vào trạng thái lúc nào cũng muốn nhảy múa, rồi khóc lóc. Đang khóc lại cười giòn tan ngay được. Và tự mình kể lể tội tình của mình. Cậu ta cứ nằng nặc bắt mẹ dẫn đi khắp họ hàng chú bác để xin lỗi tất cả mọi người, vừa xin lỗi cậu ta vừa khóc.
Họ hàng nhà cậu xót xa khi thấy thằng cháu đích tôn phát điên, mấy bà dì, bà thím cứ ôm nhau nước mắt sụt sùi. Thấy các bà khóc, cậu thích chí cười sằng sặc. Hôm trước, mẹ cậu gọi điện đến cho bác sĩ Hùng, khoe: "Cả ngày nó ở trong nhà, đẩy đít cũng không chịu ra ngoài đường. Gia đình em tiết kiệm được bao nhiêu tiền".
Một thanh niên con nhà giàu khác, nghiện từ cái thuở heroin tràn vào Hà Nội đầu những năm 90, sau chuyển sang các loại ma túy mới. Cứ dừng chơi ma túy hôm nào, y như rằng hôm đó trong đầu anh ta xuất hiện ảo thanh. Cái thằng người vô hình liên tục chửi rủa anh ta, mà lại cứ rủa anh ta là "đồ kém tắm" mới chết chứ. Một ngày tiêu hàng trăm triệu đồng, đâu có kém bố con thằng nào, cái bình thủy tinh dùng để "đập đá" mà anh ta mua ở tận nước ngoài, bán nhanh cũng được hơn hai trăm triệu.
Bạn bè đông không kể xiết, cái giống đập đá, thuốc lắc, phải có đông bạn mới vui, chứ chơi một mình buồn chết. Chơi chán, cả lũ rủ nhau lên sàn, nhét một lúc hàng nghìn đô vào giày cô ca sĩ nhìn thấy mến nào đó. Không cắn thuốc lắc để nhảy nhót là bên tai lại lùng bùng những tiếng nói của người vô hình.
Một hôm đang đi ôtô, anh này lại thấy hiện tượng ảo thanh. Không chịu nổi, anh ta mang cả con xe trị giá vài chục ngàn đô đi bán một phát lỗ cả gần chục ngàn để tụ tập bạn bè chiêu đãi. Chỉ có ngập trong các cuộc vui với thuốc lắc, với âm thanh, với nhảy nhót điên đảo thì ảo thanh ấy mới chấm dứt.
Cả tuần đầu tiên nhập viện, anh ta liên tục vục đầu vào xô nước, nhét chặt bông vào tai, hoặc đeo tai nghe nhạc để không phải nghe thấy ảo thanh. Có lần tâm sự với bác sĩ, anh ta bảo: "Có những sai lầm trong quá khứ em muốn quên đi rồi nhưng "người vô hình" cứ nhắc lại khiến em không sao chịu nổi. Tốn bao nhiêu tiền và biết là độc hại nhưng em vẫn phải chơi thuốc lắc vì nếu dừng là lại thấy ảo thanh".
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, ảo thanh là một trong những biểu hiện nặng của bệnh tâm thần. Đó là hiện tượng bệnh nhân thấy có tiếng người nói, thường là ở trong đầu. Tiếng nói thường không rõ là đàn ông hay đàn bà, người quen hay người lạ nhưng vẫn nghe được rất rõ ràng. "Người vô hình" thường kể tội bệnh nhân hoặc ra lệnh cho bệnh nhân phải làm việc gì đó. Điều này rất nguy hiểm khi "người vô hình" ra lệnh bắt bệnh nhân giết người, đâm chém hoặc tự sát... Ảo thanh, trầm cảm, hoang tưởng... là những hiện tượng rối loạn tâm thần xảy ra khi bệnh nhân có thời gian dài sử dụng ma túy tổng hợp. Bệnh nhân hoang tưởng thường có các ý nghĩ bất thường, không đúng sự thật, cho rằng các hành động của mình đang bị thầy cô, gia đình theo dõi hoặc ai đó đang tìm cách hại mình... Các hoang tưởng này rất nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhân tự vệ (hoang tưởng bị hại) hoặc tự sát (hoang tưởng bị chi phối). Chữa trị cho những trường hợp này thường tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên trì, kết hợp cả điều trị bằng thuốc và điều trị tâm lý.
Theo Pháp Luật XH
Nóng ran chuyện 'tút nhan sắc' ở nông thôn Tại các huyện ngoại thành Hà Nội, cơn sốt đất đã làm cuộc sống người dân thay đổi đến chóng mặt. Nhiều người trở nên giàu có nhờ tiền đền bù do các dự án và những cơn sốt đất. Không thể phủ nhận những mặt tích cực của quá trình đô thị hóa. Tuy vậy, cơn bão đô thị hóa đã kéo...