Nỗi khổ khi là người của “thế giới thứ 3″
Những người có xu hướng đồng tính luyến ái (đồng tính) được xếp vào “ thế giới thứ 3″ bởi xã hội nhìn nhận họ… chẳng giống ai. Họ có xu hướng yêu thích bị cho là “quái gở”, “ngược đời”.
Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết: Người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới không chỉ bị kỳ thị của xã hội mà còn gặp phải các hình thức bạo lực về thể xác, tinh thần, kinh tế và tình dục bởi nhiều người, nhóm người. Nhưng đau xót hơn cả khi nhóm gây bạo lực phổ biến nhất cho người đồng tính lại chính là… các thành viên trong gia đình.
“Người ta nghĩ em điên”
Nhiều người do quan niệm cách sống đồng tính là “biến thái”, “hư hỏng” nên khi nhận biết con có dấu hiệu đó thì có những phản ứng khác nhau: Người kiên nhẫn thì khuyên nhủ nhẹ nhàng, người khuyên không được thì chửi mắng, lăng mạ, phá hủy đồ dùng cá nhân; lục nhật ký, thông báo với nhà trường và cơ quan; đánh, trói, xích, bỏ đói, bắt làm công việc nặng nhọc; kiểm soát, cô lập; đưa đi điều trị cưỡng bức tại viện tâm thân; bố mẹ dọa tự tử; ép kết hôn, quan hệ tình dục…, bà Tú Anh chia sẻ.
Tâm sự với chuyên gia tư vấn của CCIHP, một chàng trai 19 tuổi, ở Hà Nội thể hiện sự đau đớn và ám ảnh, tuyệt vọng đến cùng cực khi bị đưa vào trại tâm thần điều trị, sinh hoạt cùng với những người tâm thần thực thụ khác: “Nửa đêm, khi thuốc ngủ nhạt đi em mới lơ mơ mở mắt ra được. Phòng sau có một ông già đã nhờn thuốc ngủ, ông đang hành quân. Mốt hai mốt. Dừng! Giơ tay, chào! Rồi hát quốc ca. Hôm nào ông ấy cũng hành quân lúc mờ mờ sáng. Em sợ ông già ấy. Em sợ tiếng hô hành quân. Em sợ cả cái dãy nhà u ám toàn người tỉnh táo thì khuôn mặt âu sầu, và những người điên thì cười nói, la hét cả ngày. Nước mắt em chảy trong câm lặng. Em không điên, nhưng người ta nghĩ em điên”.
Một đồng tính nam, 21 tuổi, tại Hà Nội giãi bày: “Điều làm em đau nhất là khi bố bảo biết em thế này thì hồi mẹ mang thai đã phá thai rồi”. Hoặc trường hợp khác bị bố đánh, mắng thậm tệ: “Đồ biến thái, vừa dứt lời bố dang cánh tay ra và chát – lại tiếng bạt tai nữa vang lên. Toàn thân nó co rúm lại, hứng chịu… Mày có phải là thằng bệnh hoạn không mà làm như thế hả? Đáng nhẽ, bố mẹ mới là người đáng trách vì đã sinh ra chúng em ở “ thế giới thứ ba”. Nhiều lúc em đã tìm đến cái chết. Nhưng cũng chỉ vì thương bố, mẹ… mà em phải sống. Sống trong đau khổ, giấu giếm thân phận”. (Nam 16 tuổi, Hà Nội).
Thậm chí, hình thức đánh đập, tra tấn được cho là để “hết cái thói ẻo lả đi” còn khủng khiếp hơn. “Mắng chửi một cách thậm tệ và sai người lôi lên căn phòng trên tầng 4 nhốt lại cùng chiếc xích sắt vào chân. Sáng nào em cũng bị chửi mắng, đánh đập. Mỗi ngày được 1 bát cơm cùng với nước mắm và 1 can nước lọc… Tất cả việc ăn ở và vệ sinh đều ở trong căn phòng nhỏ chỉ có nến, không điện nước, ngoài cái bô, ít giấy vệ sinh và đĩa cơm thỉnh thoảng bác mang vào cùng tiếng xích cọ sát dưới chân”, có phải bố mẹ chỉ nghĩ đến họ mà không nghĩ đến chúng em. Những đứa trẻ sinh ra bị tật nguyền còn được chăm sóc. Nếu thay đổi được, ngàn lần chúng em mong muốn được trở về thế giới bình thường. Điều chúng em muốn là nếu bố mẹ đã không bỏ rơi, thì hãy chia sẻ với chúng em, khi sinh ra, chúng em đâu có quyền được lựa chọn thế giới thứ nhất, thứ hai”. Một nam thanh niên, 24 tuổi ở Hải Phòng giãi bày.
Ảnh minh họa
Người đồng tính không được nhắc đến trong Luật
Tất cả những phản ứng, cách hành xử kiểu này thường không mang lại kết quả như mong muốn mà ngược lại khiến cuộc sống của người đồng tính vốn đã không “xuôi chèo mát mái” như mọi người càng trở nên bế tắc. Nhiều người rơi vào trầm cảm, tự hành xác, học hành sa sút, bỏ nhà đi lang thang, tự tử. Trong khi đó, hiện tượng ngược đãi người đồng tính vẫn bị coi là chuyện riêng của gia đình hơn là sự vi phạm quyền của những người đồng tính và chuyển giới.
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường (iSEE) cho biết, Việt Nam đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), tuy nhiên người đồng tính, lưỡng tính và người chuyển giới hiện không được nhắc đến trong Luật như một nhóm cụ thể. Bản chất của nhiều loại hình bạo lực với những người này chính là bạo lực trên cơ sở giới và BLGĐ. Các truyền thông và hướng dẫn hiện nay về triển khai Luật PCBLGĐ vẫn chưa nhắc đến nhóm những người tình dục đồng giới và chuyển giới.
Ông Bình cho rằng, cần tăng cường nhận thức của gia đình, nhà trường và xã hội về vấn đề này. Bản thân người đồng tính, lưỡng tính… cũng phải ý thức được quyền của mình được bảo vệ khỏi BLGĐ. Các chương trình PCBLGĐ và bảo vệ trẻ em cần đưa cộng đồng này vào một nhóm có biện pháp can thiệp…
Video đang HOT
Theo PLXH
Tuổi thơ cay đắng của Miss đồng tính Việt
Có cơ thể là nam nhưng từ nhỏ Ngọc đã "ăn sâu tiềm thức mình là một cô gái", học đến lớp 5 thì ba bắt nghỉ học đi bán vé số, mới đây cô đã đăng quang trong cuộc thi Miss đồng tính.
Bảo Ngọc trong đêm chung kết cuộc thi Miss Angle.
Mỗi năm một lần, thegioithu3 - diễn đàn lớn nhất của giới đồng tính Việt lại tổ chức một cuộc thi người đẹp dành cho các thành viên.
Đây được xem như là một sân chơi của những người thuộc thế giới thứ 3, khi họ cũng có nhu cầu được thể hiện bản thân, được tỏa sáng và giao lưu với nhau.
Vào tháng 10 vừa qua, cuộc thi Miss Angel 2010 đã chính thức vinh danh thí sinh có tên Bảo Ngọc (tên thật là Phan Hữu Lộc, sinh năm 1988) đến từ TP HCM với vương miện người đẹp đồng tính (những chàng trai có vẻ đẹp nữ tính).
Trong cuộc trò chuyện với tôi, Bảo Ngọc nói rất nhỏ nhẹ, ngữ điệu và tâm lý của Ngọc cũng như "gió thoảng mây trôi". Nhiều người trong giới khi nói về Ngọc cũng với giọng yêu thương và cảm thông chứ không một chút lãnh cảm.
Thế nhưng, đằng sau gương mặt nhỏ nhắn và mái tóc dài đen nhánh, đằng sau những ngôn từ người ta thường gọi "pê đê", "bóng"... là một số phận không may mắn.
Miss Angel của giới đồng tính Việt 2010.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với Miss đồng tính:
- Bạn có thể chia sẻ nhịp sống thường ngày của mình?
- Cuộc sống của em nhẹ nhàng lắm, em làm nail tại nhà, ai có nhu cầu thì gọi và em mang đồ đến làm. Em sống như một cô gái, và khá khép kín cho nên em thường xuyên ăn cơm nhà, buổi tối em cũng chỉ quanh quẩn trong nhà chứ không đi chơi đâu cả.
- Có phải đến thời điểm dậy thì em mới phát hiện ra giới tính nữ bên trong bản thân?
- Không phải đến lúc đó mà ngay từ hồi còn nhỏ xíu em đã cho rằng mình là một cô gái rồi. Em còn nhớ mình mới chỉ 4-5 tuổi thôi, mẹ thường mặc cho em áo đầm rất đẹp (đến tận bây giờ em vẫn còn giữ tấm hình mặc đầm). Cũng từ ngày bé, em thường đòi mẹ mua cho búp bê, đồ chơi con gái, mẹ mà không cho thì em khóc lóc ầm ĩ lên nên cuối cùng...em sống như một cô gái.
- Vậy cô gái... Bảo Ngọc đi học có mối quan hệ bình thường với các bạn?
- Cũng vì em nhút nhát nên đi học em ít có bạn. Em chỉ nhớ là hồi đó đi học thì phải mặc đồ con trai thì em rất khó chịu. Các bạn thì trêu chọc nhiều, hàng xóm cũng nói nhiều, nhưng em chẳng biết phải làm sao cả, đi học lẫn về nhà đều lủi thủi thôi. Cho đến khi em học lớp 5 thì nhà không cho đi nữa. Ba bắt ở nhà nghỉ học, thế là em cũng chẳng có ai làm bạn bè.
- Nghỉ học sớm như thế thì em làm gì trong suốt thời gian qua?
- Lúc đó em mới 11 tuổi, các bạn thì được chiều chuộng, được đi học, nhưng em thì tự đi làm kiếm sống. Một thời gian rất dài em đi bán vé số và bưng bê ở quán cà phê. Khoảng 4-5 năm gì đó, mỗi ngày được vài chục ngàn. Trời nắng, trời mưa gì em cũng đi hết, hồi đó mới có mười mấy tuổi thôi, cứ lang thang hết phố này đến phố khác rồi khoảng 8h thì về nhà, ăn chút cơm sau đó đi ngủ.
Làm được bao nhiêu tiền thì em đưa cho mẹ để mẹ giữ, vì em định là toàn bộ số tiền này sẽ để cho việc đi học trở lại. Nhưng mà nhiều năm sau, nhà chẳng khá lên, rồi vì nhà em như túp lều ấy, dựng tạm vào thân cây nên xiêu vẹo hết, em bảo mẹ lấy tiền của em mà góp vào để mà làm lại. Thế là lúc em cần đi học thì số tiền trong tay cũng chẳng đáng bao nhiêu nữa.
- Nhưng cuối cùng thì em cũng đạt được nguyện vọng của mình là tốt nghiệp lớp 12?
- Vâng, thì em nghỉ học từ lớp 5, cho nên được đến trường luôn là mơ ước của em. Vào năm 2003, em biết được có lớp học dạng bổ túc văn hóa, và em xin theo học. Và mới đây thì em đã hoàn thành THPT. Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng đó là thời gian em chịu nhiều cay đắng nhất, vì em vừa đi làm vừa đi học. Mỗi ngày em chỉ cho phép mình tiêu 15.000 đồng thôi, em hầu như nhịn đói bữa sáng, để dành tiền ăn trưa và mua sách vở.
Hồi đó em được giới thiệu làm quét dọn cho một văn phòng, làm được 2 tuần, người ta thương nên cho em ra phụ việc ở canteen với tiền lương là 400.000 đồng/tháng. Làm được nửa tháng thì em thấy công việc quá nặng nề so với số tiền mình được hứa trả nên xin nghỉ. Sau em phụ việc cho một tiệm làm nail thì mới đỡ cực nhọc hơn, dù số tiền không nhiều.
- Học xong lớp 12, em đã phải lựa chọn con đường mình đi tiếp ra sao?
- Trong cuộc sống của em, thường em tự quyết định mọi việc. Khi học xong 12 thì em muốn được trở thành sinh viên lắm, em thích đi học kế toán hoặc nghề gì đó. Nhưng mà tính đi tính lại, em thấy mình không đủ tiền để theo học, lúc đó em đi làm thuê mỗi tháng cũng chỉ được mấy trăm ngàn, chỉ vừa đủ sống. Cho nên em cũng không đi học nữa, giờ em ở nhà làm nail, sống một cuộc sống yên bình.
Mái tóc đen do Ngọc tự nuôi trong nhiều năm.
- Là người sống khép kín, lại nhút nhát, tại sao em quyết định tham gia Miss Angel - một cuộc thi đình đám trong giới đồng tính?
- Nhiều khi ngồi suy nghĩ, em rất muốn thay đổi bản thân mình. Rồi có những lúc đi ra đường, nhìn thấy một vài cảnh kỳ thị người đồng tính, em lại càng muốn làm một điều gì đó để người ta thấy rằng dù ở đâu thì cũng có người tốt, kẻ xấu. Cho nên năm ngoái khi một người bạn khuyên nên đi thi Miss đồng tính thì em đã đi, em chẳng đoạt giải nào, nhưng mà sau đó em đã tự tin hơn nhiều vào bản thân mình.
Bảo Ngọc lúc được xướng tên giải nhất cuộc thi người đẹp đồng tính.
- Điều em mong muốn là thay đổi bản thân, vậy sau hai năm, đặc biệt là sau lần được trao giải nhất của Miss Angel 2010 thì em thấy mình có khác gì so với trước đây?
- Cũng có nhưng không nhiều. Em đã tham gia nhiều hơn các hoạt động, thỉnh thoảng em cùng các anh chị đi diễn show thời trang, đi hát. Nhưng mà em vẫn còn khép kín lắm, em thường hát những bài trữ tình buồn, rồi diễn xong thì lại về nhà thôi.
- Một điều khá riêng tư là chuyện tình yêu hiện tại của em như thế nào?
- Em may mắn gặp được người yêu thương và cư xử với em như một người con gái. Tuy nhiên, hiện tại chúng em đang có một vài mâu thuẫn và đang ở giai đoạn cần được yên tĩnh để suy nghĩ về chặng đường tiếp theo của cả hai.
- Vậy ba mẹ có biết và suy nghĩ gì về cuộc sống cũng như tình yêu của em?
- Tại vì từ hồi nhỏ xíu em đã là như thế này nên ba mẹ không ý kiến gì cả. Ba mẹ bảo sống thế nào là do em lựa chọn. Ngay như khi em để mái tóc dài này, em nuôi 3 năm nay rồi đấy, ở nhà cũng chẳng ai khuyên em cắt đi cả. Ba mẹ cũng không nghĩ đến việc em lập gia đình mà chỉ mong sao em có người thực sự yêu thương và sống yên ổn là được rồi.
Thủy Nguyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Nỗi lòng người đồng tính dám "sống thật" Người đồng tính luôn khao khát được hạnh phúc... (Ảnh minh họa) Rất ít người thuộc giới tính thứ 3 dám "sống thật" với gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cũng có nhiều người dám đối diện với sự thật. "Mày cút ngay, cút ra khỏi nhà tao, mày không phải là con tao. Con tao không có đứa nào lệch lạc...