Nỗi đau của người mẹ mất 4 con trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines
17 năm sau ngày người con trai đầu tiên bị giết, tâm trí của bà Alia vẫn tràn ngập nỗi tức giận và bà vẫn đổ lỗi cho Tổng thống Rodrigo Duterte vì gây ra cái chết của 4 người con.
Bà Clarita Alia – người mất 4 con trai tại Philippines (Ảnh: DW)
Bà Clarita Alia đã mất 4 người con trai trong những vụ xử tử ngoài vòng pháp luật tại Philippines. Bà nói rằng sẽ còn nhiều những người mẹ như bà phải tự tay chôn cất những đứa con của mình chừng nào cuộc chiến chống ma túy do T ổng thống Rodrigo Duterte phát động chưa dừng lại.
Richard, 18 tuổi, là người con đầu tiên của bà Alia thiệt mạng. Richard từng bị một tay súng lạ mặt nổ súng vào người nhưng không chết. Phải tới 4 tháng sau đó, một vụ đâm dao đã đoạt mạng nam thanh niên này.
Cũng trong năm đó, Christopher, 16 tuổi, người con thứ hai của bà Alia bị đâm chết khi đang ăn tại một căng tin. Hai con trai tiếp theo của bà Alia qua đời lần lượt là Bobby, 15 tuổi và Fernando, 14 tuổi.
“Con dao họ dùng để đâm Richard và Christopher chính là con dao từng được dùng ở lò mổ. Họ dùng một con dao giết lợn để đem đi giết người”, bà Alia nói với trang tin DW từ căn nhà tồi tàn ở Davao, Philippines.
Từ tháng 7/2001 tới tháng 4/2007, 4 trong số các người con của bà Alia lần lượt bị đoạt mạng bởi những sát thủ che mặt.
Trong bài phát biểu hồi cuối tháng 7, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố chiến dịch chống ma túy của chính quyền Philippines sẽ vẫn tiếp tục.
“Chiến dịch này vẫn sẽ nghiêm khắc và khủng khiếp như thời điểm nó bắt đầu cách đây 2 năm”, ông Duterte tuyên bố.
Đối với bà Alia, 64 tuổi, cái chết của 4 người con trai đã xảy ra rất lâu trước khi ông Duterte lên làm tổng thống.
Tổng thống Duterte (Ảnh: Reuters)
Trước khi ông Duterte đắc cử tổng thống Philippines vào năm 2016, ông là thị trưởng thành phố Davao ở miền nam Philippines. Trong hơn 20 năm làm thị trưởng, ông Duterte đã tự xây dựng bản thân trở thành một nhà lãnh đạo “hét ra lửa” với “bàn tay thép”, biến Davao từ một “ổ tội phạm” vô pháp thành một khu đô thị phát triển năng động và trở thành trung tâm kinh tế lớn thứ 3 của Philippines.
Tuy nhiên cái giá phải trả cho việc “thay máu” Davao thực sự rất đắt. Những biệt đội sát thủ, những nhóm vũ trang chuyên thực hiện những vụ giết người không qua xét xử, đã sục sạo khắp các tuyến phố ở Davao để tiêu diệt những nghi phạm ma túy và những con nghiện. Được gọi với tên Biệt đội Giết chóc Davao, đây được cho là một tập hợp gồm các đối tượng từng là phần tử nổi loạn và các sĩ quan cảnh sát – những người được cho phép thực thi công lý trong chiến dịch chống ma túy của ông Duterte.
Video đang HOT
Theo báo cáo năm 2009 của Cơ quan Giám sát Nhân quyền (HRW), số người chết trong những vụ việc không qua xét xử tại Davao trong giai đoạn lãnh đạo của ông Duterte tăng từ 2 trường hợp năm 1998 lên 124 trường hợp năm 2008. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2009, đã có tới 33 người bị sát hại.
HRW cũng nghiên cứu về những vụ giết chóc do biệt đội tử thần Davao thực hiện và phát hiện ra rằng chúng đều diễn ra theo một cách thức nhất định. Từng cặp sát thủ che mặt sẽ ngồi trên xe máy không có biển số và nổ súng vào mục tiêu giữa ban ngày tại nơi công cộng. Thông thường, các nạn nhân đã được quan chức địa phương hoặc các sĩ quan cảnh sát thông báo từ trước rằng tên của họ đã nằm trong “danh sách” những người có thể bị tiêu diệt nếu họ không chấm dứt các hành vi phạm tội. Hầu hết nạn nhân là những thanh niên trẻ sống ở các cộng đồng dân cư nghèo nàn tại khu vực đô thị.
Cảnh sát luôn có mặt tại hiện trường vụ tấn công sau khi nghi phạm bị bắn chết. Tuy nhiên, rất ít cáo trạng được đưa ra và gần như không có ai chịu trách nhiệm về những vụ tấn công này.
Cuộc chiến gây tranh cãi
Nghi phạm buôn bán ma túy bị bắn chết trên đường phố Philippines (Ảnh: Mirror)
Theo DW, những gì từng diễn ra tại Davao đang được tái diễn trong cuộc chiến chống ma túy hiện tại ở Philippines. Có điều lần này ông Duterte đã lên làm tổng thống và quy mô của cuộc chiến đã nhân rộng ra phạm vi toàn quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với DW, Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes đã chỉ trích Tổng thống Duterte vì áp dụng “mô hình Davao” vào cuộc chiến chống ma túy hiện tại. Ước tính cho đến nay đã có hơn 20.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến đẫm máu này.
Vào ngày cảnh sát tới tìm con trai Richard, bà Alia đã có thái độ thách thức. Richard bị cáo buộc hiếp dâm và có thể bị bắt giữ. Bà Alia đòi cảnh sát cung cấp lệnh bắt giữ. Tuy nhiên cảnh sát không đưa ra lệnh này và bà Alia nhất quyết không giao nộp con trai của bà.
“Tôi nghĩ viên sĩ quan cảnh sát đó cảm thấy bị bẽ mặt vì lúc đó có nhiều người nhìn thấy tôi gào thét vào mặt anh ta”, bà Alia nhớ lại.
Sau đó, Richard đã bị những kẻ lạ mặt sát hại không rõ lý do. Bà Alia đã viết lại tất cả những chuyện đã xảy ra, kể cả danh tính của những người mà bà nghi là đứng sau cái chết của con trai bà, trong cuốn nhật ký đặt tại góc nhà cùng với ảnh của họ.
Khi ông Duterte đắc cử tổng thống năm 2016, cảm giác sợ hãi lại bủa vây trái tim của bà Alia. Người phụ nữ này chắc chắn rằng nhiều người mẹ như bà có thể sẽ mất đi con trai của họ. 17 năm sau ngày người con trai đầu tiên bị giết, tâm trí của bà Alia vẫn tràn ngập sự tức giận và bà vẫn đổ lỗi cho Tổng thống Duterte.
“Ông ấy phải chịu trách nhiệm vì tất cả những người đã chết. Hãy nghe ông ấy nói trên tivi: “Hãy coi chừng cách con quý vị hành xử, nếu không chúng sẽ bị giết chết”", bà Alia nói.
Bà Mimi Garcia cầm ảnh của con trai và con dâu – hai người bị những đối tượng lạ mặt bắn chết tại thành phố Caloocan năm 2016 (Ảnh: Raffy Lerma)
Tuần trước, các nhà hoạt động xã hội và gia đình của 8 người bị giết trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines đã đệ trình đơn kiện dài 50 trang lên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). Họ kêu gọi truy tố Tổng thống Duterte vì hàng nghìn vụ giết người không qua xét xử.
Đây là đơn kiện thứ hai nhằm vào ông Duterte tại ICC. Hồi tháng 4 năm ngoái, một luật sư Philippines cũng đã nộp đơn kiện tương tự lên ICC. Tuy nhiên Tổng thống Duterte hồi tháng 3 đã đơn phương rút Philippines khỏi ICC vì cho rằng tòa này đã vi phạm thủ tục tố tụng. Một số nghị sĩ Philippines đã đệ đơn kiện ông Duterte vì cho rằng ông rút Philippines khỏi ICC mà không sự chấp thuận của thượng viện.
Cảnh sát Philippines nói rằng hơn 4.000 người thiệt mạng trong chiến dịch chống ma túy tại Philippines đều là những nghi phạm buôn bán ma túy có hành vi chống cự khi bị bắt giữ. Cảnh sát cũng phủ nhận các cáo buộc cho rằng họ đã che giấu và xử tử các nghi phạm ma túy khi chưa đưa ra xét xử.
Thành Đạt
Theo Dantri/DW
Tranh cãi về cái chết của thị trưởng Philippines bị nghi buôn ma túy
Những người chỉ trích chính phủ cho rằng cảnh sát đã coi thường nhân quyền và pháp luật khi bắn chết thị trưởng.
Thị trưởng Reynaldo Parojinog và con gái. Ảnh: Inquirer
Reynaldo Parojinog, thị trưởng thành phố Ozamiz ở miền nam Philippines, bị cảnh sát bắn chết tại nhà vào ngày 30/7 cùng với vợ và 5 người khác. Cảnh sát nói họ phải nổ súng tự vệ vì bị vệ sĩ của Parojinog tấn công.
Một cuộc đột kích khác tại ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình Parojinog cũng khiến 8 người thiệt mạng. Một số người bị bắt, bao gồm con gái của thị trưởng, Nova Princess Parojinog-Echavez. Cô bị buộc tội tàng trữ ma túy và sở hữu vũ khí bất hợp pháp.
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, người chỉ trích cuộc chiến ma túy của ông Duterte, mô tả các vụ giết người là "thảm sát". "Đây là bằng chứng cho thấy chính sách của ông Duterte đã coi thường nhân quyền, thủ tục pháp lý và thượng tôn pháp luật. Đây là bằng chứng cho các vụ kiện về nhân quyền chống lại ông ta", Trillanes nói.
Parojinog và con gái ông là một trong số 150 quan chức Philippines bị ông Duterte cáo buộc liên quan đến ma túy. Danh tính của họ bị công khai trên truyền hình trực tiếp.
Tổng thống khuyến khích các quan chức trong danh sách ra trình diện tại trụ sở cảnh sát quốc gia ở Manila để xóa tên nếu họ nghĩ mình vô tội. Parojinog và con gái đã làm vậy. Họ nói với các phóng viên rằng đối thủ chính trị có thể đã bịa đặt các cáo buộc chống lại họ. Thị trưởng nhấn mạnh rằng gia đình ông đã tích cực chống tội phạm ở Ozamiz, theo NYTimes.
Tuy nhiên, gia đình Parojinog chưa bao giờ phủ nhận cáo buộc họ liên quan đến tổ chức Kuratong Baleleng, đơn vị ban đầu là dân quân vũ trang do quân đội thành lập vào cuối những năm 1980. Sau này, nhóm trở thành tổ chức tội phạm.
Cesar là người giúp việc cho gia đình Parojinog sống sót sau cuộc đột kích. Anh kể rằng cảnh sát đã yêu cầu gia đình Parajinog nằm sấp xuống đất. Cảnh sát sau đó ra khỏi nhà và ném lựu đạn về phía họ.
Thượng nghị sĩ Ana Theresia "Risa" Hontiveros kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra về vụ đột kích. "Tôi kêu gọi các thượng nghị sĩ tìm hiểu sự thật đằng sau vụ việc đẫm máu này. Điều quan trọng là phải có cuộc điều tra công bằng và độc lập", Hontiveros nói.
Thượng nghị sĩ cho biết bà đưa ra lời kêu gọi vì có những cáo buộc nghiêm trọng chống lại các cảnh sát, tiêu biểu như lời kể của Cesar. "Nếu điều này chính xác thì những gì xảy ra ở Ozamiz không phải là hoạt động chính đáng của cảnh sát. Đó là một vụ thảm sát do nhà nước phê chuẩn".
Ông Duterte chưa bình luận về cuộc đột kích hôm 30/7. Các quan chức nói cảnh sát đã thực hiện độc lập, Tổng thống không liên quan trực tiếp đến chiến dịch.
Ngày 31/7, tướng Ronald dela Rosa, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines, không nao núng khi nhận được những nghi ngờ về chiến dịch. Ông nói rằng cảnh sát sẽ săn đuổi các quan chức khác trong danh sách của ông Duterte.
Không rõ danh sách nghi phạm buôn bán ma túy của ông Duterte được xây dựng như thế nào. Các quan chức cho biết Tổng thống có nguồn tin riêng. Tướng dela Rosa tuyên bố nếu các quan chức bị đưa nhầm vào danh sách thì họ không có gì phải sợ, nhưng nếu họ thật sự liên quan đến ma túy thì nên chuẩn bị tinh thần.
Năm ngoái, hai thị trưởng trong danh sách cũng bị cảnh sát bắn chết. Một người là Rolando Espinosa Sr., bị giết trrong tù. Cảnh sát nói rằng họ đột kích buồng giam vì nghi ngờ Espinosa tiếp tục chỉ đạo buôn ma túy từ đó và Espinosa đã chĩa súng vào họ. Người còn lại là thị trưởng Samsudin Dimaukom, bị giết tại một trạm kiểm soát của cảnh sát.
19 cảnh sát bị bắt vì liên quan đến cái chết của Espinosa. Họ được trả tự do vào tháng trước nhờ bảo lãnh.
Cuộc đột kích ngày 30/7 diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Duterte thề sẽ tiếp tục chiến dịch sau khi đối mặt với những chỉ trích quốc tế.
"Tôi quyết rằng dù mất bao lâu thì cuộc chiến chống ma túy cũng sẽ tiếp tục vì ma túy là gốc rễ của đau khổ. Những kẻ buôn ma túy sẽ phải đối mặt với nhà tù hoặc địa ngục", ông nói.
Các nhóm nhân quyền cho rằng lời bình luận đó khiến cảnh sát nghĩ dù họ có làm gì sai thì vẫn có thể thoát tội.
Trong trường hợp cảnh sát tuyên bố họ bắn chết nghi phạm để tự vệ, các công tố viên phải xác định liệu hành động đó có chính đáng hay không, Romel Bagares, luật sư tại Trung tâm Luật quốc tế có trụ sở tại Makati, nhấn mạnh.
"Trong thực tế, họ hiếm khi làm vậy. Điều đó đặt ra nghi ngờ về tính xác thực trong lời kể của cảnh sát về các cuộc đấu súng giữa họ và nghi phạm ma túy", ông nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Cảnh sát Philippines bắn chết thị trưởng nghi dính líu ma túy Thị trưởng thành phố Ozamiz đã bị bắn chết trong một cuộc truy quét của cảnh sát Philippines hôm nay 30/7 do có liên quan tới hoạt động buôn bán ma túy trái phép ở nước này. Thị trưởng Reynaldo Parojinog (Ảnh: Kami.com.ph) AFP dẫn thông báo của cảnh sát Philippines cho biết thị trưởng thành phố Ozamiz, ông Reynaldo Parojinog, đã bị...