Nỗi cô đơn mà người thầy thuốc lựa chọn
Sáng dậy sớm 6h để chạy vào bệnh viện mổ hai ca thay khớp gối cho hai bệnh nhân bị hư khớp gối nặng không đi lại. Trời vẫn còn tối. Hai đứa con vẫn còn ngủ say.
Ảnh minh họa
Một đồng nghiệp trẻ nhắn tin “Anh ơi bệnh nhân đã vào phòng mổ và hơi lo lắng vì chưa thấy anh xuất hiện”.
Ba chân bốn cẳng phóng xe vào bệnh viện và chạy thẳng lên phòng mổ để trấn an bệnh nhân trước khi gây tê.
Kết thúc hai ca mổ kết quả tốt đẹp, ngoài sân nắng đã lên.
Lại tiếp tục đi thăm bệnh nhân, tiếp tục các cuộc mổ.
17h, về phòng mạch. Nhìn những bệnh nhân đang chờ đợi khám bệnh cảm thấy như mình có lỗi vì không thể khám sớm hơn.
21h, kết thúc một ngày làm việc và nhận được hai bài thơ của hai đứa con gởi qua Viber. Chỉ kịp cám ơn hai đứa nhỏ về món quà bất ngờ này. Những vần thơ con trẻ không khỏi làm người bố – người thầy thuốc lặng lòng.
Ngày rồi đêm vất vả
Tận tụy với bệnh nhân
Con yêu bố muôn phần
Xen chút lòng ghen giận
Bố đi hoài bố bận
Con lủi thủi cực thân
Bố ơi, con thèm bố
Thèm bên bố vậy thôi
Thèm nụ hôn thật vội
Thèm xiết tay thật lâu
Video đang HOT
Thèm một cái châu đầu
Thèm mùi hương của bố.
Con gái Tăng Hà Mai Anh
Người bác sĩ cô đơn trong cuộc sống của mình vì lẽ đơn giản họ đắm chìm trong công việc.
Ở bệnh viện, trong những ca mổ, phẫu thuật viên chính chịu toàn bộ trách nhiệm về cuộc mổ, phải đưa ra những quyết định cuối cùng trong tích tắc.
Trước những ca cấp cứu, bác sĩ cần phải tỉnh táo ra quyết định và ít khi nào họ nghĩ nếu thất bại thì hậu quả họ sẽ gánh ra sao. Và khi thất bại xảy ra, họ sẽ cô đơn trong cuộc chiến pháp lý.
Trong cuộc sống hàng ngày, công việc cuốn họ đi theo dòng xoáy khám bệnh, mổ xẻ, đọc sách rồi lại khám bệnh, mổ xẻ.
Thời gian bên người thân gần như thật ít vì bệnh nặng hay xảy ra vào những thời điểm mà mọi người đang nghỉ ngơi.
Một tin nhắn hay một cú điện thoại, bác sĩ lại vội vã chạy vào bệnh viện, nơi mà bệnh nhân và người nhà đang nóng long chờ đợi.
Những cuộc vui bên gia đình hiếm hoi đến mức những đứa trẻ cảm giác bố hay mẹ nó thuộc về một thế giới khác.
Với bạn bè hay đồng nghiệp, thời gian bù khú bên nhau quá ít ỏi. Vội vã đến và vội vã đi vì công việc vẫn còn, những buổi trực bệnh viện 24h lấy đi nhiều sức lực đến mức họ không còn hứng thú tham gia những cuộc vui mà chỉ muốn được… ngủ.
Với bệnh nhân, người bác sĩ như vị cứu tinh để bệnh nhân bám víu, hy vọng được giải thoát khỏi bệnh tật. Thường thì bác sĩ phải cố hiểu bệnh nhân để tìm ra bệnh và điều trị. Khi khỏi bệnh, người nhà và bệnh nhân vui vẻ cám ơn và đi về.
Khi bệnh nhân không qua khỏi, người nhà ra về trong buồn bã, đôi khi là sự tức giận trút lên đầu bác sĩ và nhân viên y tế.
Mấy khi người bệnh nhân tự hỏi không biết người bác sĩ trước mặt mình có tâm trạng ra sao. Bác sĩ dĩ nhiên là cũng không thể chia sẻ những khó khăn của mình vì lẽ đơn giản chưa ai làm như vậy cả.
Thời gian trôi qua, khó khăn và áp lực công việc cũng như cuộc sống chồng chất. Không biết giải tỏa vào đâu, người bác sĩ lại lao đầu vào công việc khiến sự cô đơn của họ lại càng nhiều hơn. Nỗi cô đơn ngay trong chốn đông người.
Nhưng suy cho cùng, đó là nỗi cô đơn mà người thầy thuốc đã lường trước, đã lựa chọn để nhận về mình trách nhiệm sát cánh bên sức khỏe và mạng sống của người khác – một trách nhiệm thiêng liêng.
Cám ơn con gái và con trai nhỏ đã tự hào về bố:
Bố ơi, ngày của bố
Khắp phòng khám rực hoa
Bố là của tất cả
Bố luôn luôn đon đả
Muôn bệnh nhân bố ơi
Bệnh nhân thấy bố cười
Ân tình gửi nơi nơi.
Bệnh nhân là tất cả
Bố yêu quên vất vả
Làm bố đã gầy vai
Duyên nợ một không hai
Khiến bố là duy nhất
Một mặt trời rất thật
Trong lòng con, bố ơi.
Con trai Tăng Hà Duy Anh
TS.BS TĂNG HÀ NAM ANH
Theo tuoitre
Nghị lực phi thường của bác sĩ trẻ
Là một bác sĩ trẻ tâm huyết, say mê với nghề, nhiều triển vọng trong công việc, nhưng bác sĩ Ngô Việt Hưng (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) lại bất ngờ phát hiện mắc căn bệnh ung thư quái ác. Không để bệnh tật đánh gục mình, anh biến nỗi đau trở thành động lực, hàng ngày vẫn tận tụy với công việc, vừa trị bệnh cho người, vừa chữa bệnh cho mình, lạc quan vào phía trước.
"Nghề bác sĩ, tâm huyết thôi chưa đủ"
BS Ngô Việt Hưng (SN 1983) Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu- Bệnh viện Nhi Thanh Hóa sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề y. Có lẽ chính vì thế mà ngay từ bé anh đã có ước mơ lớn lên cũng sẽ theo nghề truyền thống của gia đình, được khoác trên mình chiếc áo blu trắng.
Anh kể chuyện mình được sớm tiếp xúc với người bệnh tại cơ sở điều trị của mẹ. Ngày đó, dù còn nhỏ nhưng anh hiểu người bệnh họ cần sức khỏe như thế nào, những người nghèo khi đến bệnh viện điều trị khó khăn ra sao. Từ suy nghĩ đó, anh thấy mình càng phải cố gắng để trở thành một bác sỹ. Cái ước mơ của anh sau này đã trở thành hiện thực.
Bác sĩ Hưng luôn tự nhủ, chỉ đam mê, tâm huyết thôi chưa đủ mà phải có trách nhiệm, bản lĩnh, không ngừng học hỏi.
Năm 2007, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, anh Hưng được phân công công tác tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Ban đầu anh làm việc tại khoa hô hấp, từ năm 2012 đến nay, anh được lãnh đạo tin tưởng giao giữ chức vụ Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu - Khoa đặc biệt với nhiệm vụ liên tục tiếp nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Hơn 12 năm trong nghề, BS Hưng luôn tự nhủ, chỉ đam mê, tâm huyết thôi chưa đủ mà phải có trách nhiệm, bản lĩnh, không ngừng học hỏi. Bác sĩ luôn phải xem thời gian của bệnh nhân là thời gian vàng. Từng giờ, từng phút từng giây đều phải nỗ lực, phải tận dụng. Muốn là một bác sỹ giỏi phải quyết tâm chiến đấu tới cùng với bệnh tật của bệnh nhân, không thỏa hiệp bằng lòng với những điều chưa rõ ràng ở người bệnh.
Suốt 12 năm trong nghề, anh Hưng vẫn không quên một trường hợp đặc biệt bệnh nhân 6 tuổi ở huyện Thiệu Hóa bị rắn độc cắn. Thời điểm đó, những trường hợp như thế này Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phải chuyển tuyến trên.
Anh bảo, nhớ như in ánh mắt của người mẹ trẻ, đó là một hình ảnh anh không bao giờ quên. Ánh mắt ấy khiến người bác sỹ như anh phải cố gắng hết sức để cứu đứa trẻ. Tôi và đội ngũ y bác sĩ trong khoa xin ý kiến hội chẩn từ đội ngũ bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai. Rất may, cháu bé sau đó đã được cứu chữa. Sau hai tuần thì được xuất viện về nhà. Từ đó, những bệnh nhân bị rắn cắn, chúng tôi đã có thể cứu chữa được mà không cần phải chuyển tuyến trên.
Đồng cảm với bệnh nhân để chia sẻ và yêu thương
Năm 2015, 32 tuổi đời, bao dự định, khát vọng với nghề đang ở những tháng ngày đẹp nhất thì bác sĩ Hưng phải đón nhận hung tin, đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo. Sợ ảnh hưởng đến công việc học của vợ, anh đã dấu vợ hơn 1 năm trời cho đến khi vợ anh học xong.
Bác sỹ luôn lấy công việc làm niềm vui, động lực để vượt qua bệnh tật.
Một mặt phải vượt qua nỗi khổ tâm lý, điều trị bệnh, mặt khác anh say sưa với công việc thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, cũng từ đó anh tìm thấy sự đồng cảm để sẻ chia và yêu thương.
Ngồi trò chuyện với tôi, BS Hưng vẫn giữ cho mình sự điềm tĩnh đến kỳ lạ. Ánh mắt anh vẫn đong đầy niềm lạc quan về tương lai với nụ cười chân thành và đầy khát vọng sống. Tôi cảm nhận được một nội lực sống tràn trề ẩn sâu trong cơ thể gầy gò vì bệnh tật.
"Ốm đau là bất khả kháng không ai tránh được quan trọng là mức độ thế nào thôi. Khi mình cũng là bệnh nhân mình mới thấy đồng cảm và yêu thương người bệnh của mình hơn bao giờ hết, mới thấy người ta đặt niềm tin vào y tế thế nào. Đó vừa là động lực, trách nhiệm và cố gắng tạo niềm tin cho chính mình bởi vì nếu chúng ta không lạc quan thì sẽ không vượt qua được khó khăn kể cả là bệnh tật", BS. Hưng tâm sự.
Với bác sỹ Hưng, đồng cảm với bệnh nhân để chia sẻ và yêu thương.
BS Hưng cũng thừa nhận công việc chính là niềm vui, là phương thuốc tốt nhất để anh vượt qua bệnh tật.
Nói về BS Hưng, BSLê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chia sẻ: "BS Hưng là một tấm gương mà tôi luôn lấy làm gương cho mọi người học tập. Một nhân tố đặc biệt trong một khoa rất đặc biệt. Dù bị bệnh nhưng bạn ấy vẫn làm việc như một người khỏe mạnh bình thường, cứ khuyên bạn ấy nghỉ nhưng bạn ấy rất yêu nghề, khi nào ốm nghỉ vài hôm thôi rồi lại làm bình thường".
Tạm biệt BS Hưng, vẫn chiếc áo blu trên người, anh lại ân cần trong từng cử chỉ, lời nói, chăm lo cho những số phận còn lại. Có lẽ, lúc này bác sĩ Hưng không nhận mình là bệnh nhân, cũng không ai cảm nhận được con người ấy đang mang trong mình căn bệnh quái ác.
Bình Minh
Theo Dân trí
TP Huế: Bác sĩ cả nước tập huấn phẫu thuật nội soi thần kinh sọ não Sáng nay, ngày 12/12 tai TP Huê, Khoa Ngoại Thần kinh phối hợp với Trung tâm Đào tạo & Chi đao tuyên, Bênh viên Trung ương Huê đã tổ chức khai mạc Khóa đào tạo liên tục về Phẫu thuật thần kinh sọ não, chủ đề: "Phình mạch não và ứng dụng nội soi trong phẫu thuật thần kinh". Tham gia giảng dạy...