Nỗi buồn phát triển game Việt Nam vẫn chưa chấm dứt
Với việc cộng đồng phát triển game không được quan tâm đúng mức, thì nỗi buồn phát triển game Việt Nam sẽ vẫn còn chưa chấm dứt.
Ở thời điểm hiện tại, với việc ra đời của văn bản Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, trong đó có phần hết sức quan trọng đề cập tới việc quản lý game online đã phần nào làm yên lòng những NPH game Việt Nam, các đơn vị đã và đang ấp ủ dự định phát hành những tựa game online được cộng đồng dành sự quan tâm đặc biệt.
Với việc phân loại những tựa game thành bốn loại khác nhau thep phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, cộng với những điều kiện dành cho mỗi loại game online, cộng đồng đang đặt kỳ vọng rất lớn rằng việc cấp phép game online từ Bộ Văn hóa, Thông tin và Truyền thông sẽ được tiếp tục trong thời gian tới đây.
Một mặt, những tựa game được cấp phép sẽ có thể yên tâm hơn trong quá trình vận hành, khi vấn đề giấy phép phát hành không còn là điều khiến các NPH lo ngại. Mặt khác, tấm giấy phép cũng chính là một trong những chìa khóa mấu chốt để đem tới thành công cho tựa game, khi game thủ luôn muốn thưởng thức hay bỏ tiền đầu tư vào những tựa game đáng tin cậy, bền vững và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cộng đồng game thủ Việt.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những chế tài quản lý của các cơ quan có thẩm quyền đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như nhà phát hành game online, từ đó giúp cho các NPH có thể nâng cao hiệu quả trong việc hoạt động tựa game online cũng như cạnh tranh tốt hơn ngay trên thị trường trong nước. Trong khi đó, những công cụ hỗ trợ dành cho những đơn vị tự phát triển game tại Việt Nam hầu như chưa cụ thể. Đó cũng chính là cái khó cho các studio game tại Việt Nam hiện nay.
Câu chuyện của chúng ta sẽ không chỉ đề cập tới game online, mà còn có cả những game offline trên khắp các nền tảng từ PC đến mobile đã và đang được người Việt phát triển.
Như đã đề cập trong một bài viết trước đây, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều những đơn vị hay những nhóm phát triển game với 100% nhân sự là người Việt. Tuy nhiên trong số đó, hầu hết đều chỉ là những nhóm làm game quy mô nhỏ, vì đam mê đối với game.
Trong đó chúng ta có thể kể tới những nhóm phát triển quy mô nhỏ như GamesVTS chẳng hạn. Về lý thuyết, đây là một trang diễn đàn dành cho những người mê game, muốn làm game. Không ít những chia sẻ và hỗ trợ từ mặt hình ảnh, lập trình đến cả âm thanh từ các thành viên của diễn đàn này được đánh giá là vô cùng hữu ích cho những nhà phát triển game mới nhập môn.
Video đang HOT
Tuy nhiên như đã đề cập, đây là một cộng đồng hoạt động phi lợi nhuận. Những kinh nghiệm hay thậm chí là những dự án game đều được các thành viên chia sẻ miễn phí, không vì mục đích tài chính.
Trong khi đó, những đơn vị làm game vì mục đích tài chính lại chỉ có thể được đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể, phần lớn những đơn vị hay studio này đều là một bộ phận được tách ra từ công ty mẹ, vốn là một nhà phát hành game online. Thành quả lao động của studio nghiễm nhiên sẽ được nhà phát hành thương mại hóa.
Ngược lại, để tựa game có thể được phát triển với tiến độ ổn định và chất lượng tốt, thì số vốn bỏ ra cũng không phải là ít. Đến bước này, một phần doanh thu phát hành game của NPH sẽ được đổ vào bộ phận phát triển game, ví dụ như VTC Studio hay Game Studio South của VNG chẳng hạn.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, hầu như chưa có bất cứ sản phẩm nào do người Việt Nam tạo ra đạt được thành công về mặt tài chính ngay trên thị trường Việt (chứ chưa nói đến thị trường quốc tế). Chất lượng chênh lệch so với các đối thủ trong khu vực cũng như trên thế giới là một phần, đây là điều hiển nhiên vì chúng ta bắt đầu cuộc chơi chậm hơn rất nhiều so với các nước láng giềng.
Lý do sâu xa cho việc game made in Việt Nam thường gặp phải thất bại, suy cho cùng, chính là việc thiếu đầu tư từ những doanh nghiệp làm game tại nước ta. Khi những tựa game online nước ngoài dần có chất lượng cao lên cả về mặt hình ảnh lẫn âm thanh, cộng thêm với chế tài Nghị định quản lý game online mới tại Việt Nam được ra đời, các nhà phát hành sẽ có thể thoải mái bỏ tiền đầu tư vào những game mà họ cho rằng có thể đem lại thành công tại làng game Việt.
Khi việc đầu tư mua game mới, game hay từ nước ngoài sắp sửa trở nên dễ dàng, cố nhiên việc quan tâm đến việc tự phát triển game cũng sẽ bị bỏ bê. Từ đó dẫn tới hệ quả, khoảng cách chất lượng giữa game Việt Nam và game nước ngoài sẽ ngày càng bị nới rộng, đơn giản vì cộng đồng phát triển game không được quan tâm đúng mức.
Ở thời điểm hiện tại, cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong làng game khi nói đến chuyện phát triển game không gì khác chính là Emobi Games, studio đang ấp ủ tựa game nhập vai mang đề tài lịch sử mang tên Sát Thát Truyền Kỳ. Tuy nhiên ngay sau cuộc hội thảo về vấn đề quản lý trò chơi trực tuyến, Emobi Games cho biết rằng họ đang đứng trước rất nhiều khó khăn, và số phận tựa game đang rất được mong chờ này hoàn toàn phụ thuộc vào những thay đổi của thị trường game online Việt Nam.
Một nhà sử học đã từng chia sẻ: “Cách đây đã trên dưới 10 năm, khi đó trò chơi điện tử trên Internet mới thâm nhập chưa lâu mà đã sớm tỏ ra hút hồn giới trẻ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với anh em làm sử chúng tôi rằng cần quan tâm đến kênh giải trí này từ lợi thế truyền bá và tự ông đưa tôi đến một doanh nghiệp tin học khích lệ sự hợp tác giữa hai giới để thiết kế những game Việt khai thác các đề tài lịch sử…”
Đó là niềm hy vọng của bất kỳ ai trong làng game Việt Nam, tuy nhiên với việc cộng đồng phát triển game không được quan tâm đúng mức, thì nỗi buồn phát triển game Việt Nam sẽ vẫn còn chưa chấm dứt.
Theo VNE
Game Việt Nam đến bao giờ mới bước ra khỏi ao nhà?
Để game Việt có thể thực sự thăng hoa, có thể đường hoàng bước ra khỏi cái ao nhà, thì sự quan tâm và đầu tư của các nhà phát hành game Việt Nam là điều vô cùng cần thiết.
Một khi đã làm game, cố nhiên bạn sẽ muốn sản phẩm của mình được biết đến trong cộng đồnggame thủ toàn thế giới, chứ ít khi muốn danh tiếng đứa con tinh thần của mình chỉ quanh quẩn trong... cái ao nhà. Sở dĩ có nhận định như vậy là vì, một tựa game nếu đã nổi tiếng vì những tính năng vượt trội hay mới lạ, thì những lời tán dương, khen ngợi của cộng đồng game thủ trên toàn thế giới sẽ tiếp thêm động lực cho chính những người phát triển game, thôi thúc họ quyết tâm hơn, ngay cả khi sản phẩm nọ có không thành công về mặt tài chính.
Làng game Việt, hay nói cụ thể hơn là cộng đồng những người làm game Việt Nam cũng vậy. Như một lẽ tất yếu, tựa game người Việt Nam thực hiện phải tìm được tiếng nói và chỗ đứng riêng của mình ngay tại mảnh đất quê hương. Nhưng cũng không hiếm trường hợp, các nhà phát triển game Việt Nam dám mạo hiểm đem chuông đi đánh xứ người. Thật không may, cho đến thời điểm này, làng game Việt vẫn chưa có nổi một cái tên được cộng đồng thế giới đón nhận và đem lại thành công.
Vậy rốt cuộc đến bao giờ, game Việt Nam mới thoát khỏi cảnh "vùng vẫy" trong cái ao nhà vốn đã và đang ngập tràn những game đến từ Trung Quốc, và đội ngũ phát triển game Việt Nam hầu hết chỉ làm vì đam mê và chưa có một tầm nhìn chiến lược?
Game Việt đã từng xuất ngoại, cả online lẫn offline
Câu khẳng định trên đây là đúng sự thật. Làng game Việt Nam đã có những cái tên lên đường xuất ngoại, đánh chiếm những thị trường game khó tính như châu Âu hay Hàn Quốc. Dưới đây là hai tựa game (gần như) duy nhất trong bản danh sách đó.
Vào năm 2010, VTC Game, nhà phát hành đã quá nổi tiếng với cộng đồng game thủ Việt Nam với sản phẩm Đột Kích quyết định tự mình phát triển một tựa game bắn súng mang tên SQUAD dựa vào đội ngũ nhân sự của VTC Studio. Quá trình phát triển diễn ra trong vài năm trời, cho đến khi game ra mắt chính thức thì đã là tháng 07/2012. Vào lúc đó, VTC đã tuyên bố rằng SQUAD sẽ không chỉ được phát hành trong phạm vi thị trường Việt Nam, mà còn trên nhiều thị trường Trung Đông, Singapore, châu Âu và thậm chí là cả Hàn Quốc.
Thế nhưng giấc mơ của VTC có vẻ như tồn tại không được lâu. Hệ thống đồ họa cũ kỹ, cùng với lối chơi bị chính game thủ Việt Nam chỉ ra là "copy Đột Kích" đã khiến SQUAD vô tình trở thành cái tên có nguy cơ "ra rìa" nhất trong số những game bắn súng dành cho game thủ tại các thị trường kể trên.
Hiện tại thì khi truy cập vào trang chủ của SQUAD, phần tin tức game, tin mới nhất của tựa game này được đề ngày 20/10/2012. Điều này có nghĩa là VTC Game đã gián tiếp công nhận đứa con đẻ của mình đã bị bỏ rơi, thay vào đó là việc tập trung vào khai thác những sản phẩm khác, trong đó có Gà Chiến, một game nền trình duyệt cũng do VTC Studio đảm nhiệm.
Trong khi đó, vào giữa khoảng thời gian SQUAD đang được phát triển và thử nghiệm, một cái tên khác lại làm làng game Việt sục sôi khí thế. Đó chính là 7554, game FPS đầu tiên của người Việt, sản phẩm đầu tay của Emobi Games.
Những hình ảnh đầu tiên của tựa game được tung ra đúng vào ngày cá tháng tư, khiến game thủ không khỏi nghi ngờ về việc đây sẽ là một tựa game, hay đơn giản chỉ là một đoạn video render của Emobi. Và rồi 7554 cũng được ra lò. Một tựa game lịch sử, với nền đồ họa xứng đáng xếp loại tốt vào lúc bấy giờ. Thế nhưng thành công của Emobi với 7554 mới chỉ dừng ở việc khơi dậy lòng tin của game thủ Việt đối với những sản phẩm nội địa.
Trong khi đó, nhiều trang web uy tin về game trên thế giới thì đưa ra những đánh giá tiêu cực về sản phẩm đầu tay của Emobi. Điều này không thể trách được studio thực hiện game, vì trong một cuộc phỏng vấn gần đây với GameK, chính ông Nguyễn Tuấn Huy cũng đã thừa nhận: "Hồi đó làm 7554, studio vừa làm vừa phải tự mày mò".
Nhà phát triển game Việt đang phải tự lực cánh sinh
Điều này là một sự thật tương đối phũ phàng. Các nhà phát hành game online Việt Nam, với thế mạnh tài chính, chỉ tập trung việc mua những tựa game online nước ngoài (nói nước ngoài cho oai chứ phần lớn đều là Trung Quốc), trong khi những NPH tự phát triển game chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Trong khi đó, những nhà phát triển game nhỏ lẻ thì thực hiện game theo kiểu "làm game vì đam mê", không có định hướng rõ ràng, cũng như không nắm rõ cả tâm lý thị trường. Đây rõ ràng là một kẽ hở rất lớn khiến cho ngành công nghiệp phát triển game tại Việt Nam khó có thể đi lên.
Trong khi Emobi Games là studio game hiếm hoi làm game trên nền PC, thì rất nhiều nhà phát triển khác lựa chọn hướng đầu tư nhân lực vào việc phát triển game mobile. Trong lúc đó, một vài đơn vị khác thì... đi xào nấu lại game mobile và kiếm tiền từ những game miễn phí nổi tiếng của nước ngoài.
Kỳ thực, với xu hướng hiện tại, game mobile, hay thậm chí là những game online đa nền tảng (Web, iOS, Android) là một lựa chọn không tồi cho các nhà phát triển game Việt. Tuy nhiên để game Việt có thể thực sự thăng hoa, có thể đường hoàng bước ra khỏi cái ao nhà, thì sự quan tâm và đầu tư của các nhà phát hành game Việt Nam là điều vô cùng cần thiết.
Theo GameK
Các NPH lớn khiêu chiến, game thủ Việt được lợi? Sự cạnh tranh trực tiếp của các nhà phát hành game online Việt Nam sẽ có thể khiến cho game thủ Việt được lợi. Bên cạnh những tin tức về game online mới ra mắt, sắp ra mắt hay chuẩn bị được đưa về thị trường Việt Nam, thì trong tuần qua, một trong những thông tin khiến cho cộng đồng game thủ...