Nơi an giấc nghìn thu của vị vua sáng lập triều Nguyễn
Tọa lạc tại xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), quần thể lăng vua Gia Long được cho có vị trí phong thủy đẹp nhất trong những lăng vua triều Nguyễn.
Lăng Gia Long hay Thiên Thọ Lăng, là lăng mộ của Gia Long hoàng đế (1762-1820), vị vua sáng lập nên triều Nguyễn. Lăng được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất.
Sử cũ cho hay, thầy địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”.
Nằm bên phải khu lăng mộ vua Gia Long là Minh Thành điện. Hai bên Minh Thành điện là hai dãy nhà Đông – Tây phối điện được lợp bằng ngói lưu ly. Hiện nay, hai dãy nhà này được dùng làm nơi nghỉ ngơi của tổ bảo vệ lăng vua Gia Long.
Khu vực tẩm điện Minh Thành là nơi thờ Hoàng đế Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Bên trong điện Minh Thành, ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân đai, mũ, yên ngựa.
Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”. Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực.
Video đang HOT
Mộ phần vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu được bao bọc bởi hệ thống bửu thành.
Trước khu vực lăng mộ có sân chầu. Hai bên sân chầu là tượng các vị quan cùng với chiến mã, voi được khắc tinh xảo bằng đá. Đây là đặc trưng của lăng mộ vua triều Nguyễn, lăng mộ nào của vua triều Nguyễn cũng có tượng đá chân dung bá quan văn võ.
Phần mộ của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu nằm chính giữa bên trong của bửu thành. Hai ngôi mộ được làm bằng đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức”, một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung.
Khu lăng mộ vua Gia Long là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng.
Quần thể lăng vua Gia Long được quy hoạch trong diện tích rộng hơn 28 km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch – một hợp lưu của Hương Giang.
Bên phải Minh Thành điện là Gia Thành điện. Đây là nơi thờ tự Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, mẹ vua Minh Mạng. Kiến trúc của Gia Thành điện có nét tương đồng với Minh Thành điện.
Lăng Thiên Thọ Hữu có khung cảnh rất thơ mộng với hệ thống rừng thông già vây quanh, hồ sen án ngữ phía trước. Đây là mộ phần của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu. Bà và Thừa Thiên Cao Hoàng là hai người phụ nữ đồng kham cộng khổ với vua Gia Long từ những ngày đầu khởi nghiệp.
Võ Thạnh
Theo VNE
Điện Voi Ré tôn thờ lòng trung thành
Nhiều du khách đến Huế không biết rằng nơi đây có một điện thờ voi, suy tôn lòng trung thành của một con vật dũng cảm trong các trận chiến.
Điện Voi Ré được xây dựng trên một diện tích chừng 2.000 m2 tại đồi Thọ Cương, thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP Huế, dưới thời vua Gia Long.
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết, điện Voi Ré không phải là di tích có kiến trúc nổi trội so với nhiều nơi khác ở Huế, tuy nhiên điện mang ý nghĩa đặc biệt bởi đây là nơi suy tôn lòng trung thành của những con voi chiến triều Nguyễn. Công trình độc đáo này không chỉ mang tính lịch sử mà còn đề cao tinh thần trọng tình, trọng nghĩa, mang đậm tính nhân văn của con người Việt Nam xưa.
Trước cổng tam quan có 17 bậc. Ảnh: Võ Thạnh.
Điện được xây dựng theo kiến trúc chữ "môn", bên ngoài có vòng la thành xây bằng gạch. Phía trước cổng tam quan có hệ thống đi lên gồm 17 bậc; bên trên chính giữa ở lối chính có ba chữ Hán bằng sành "Nghiễm Nhược Lâm".
Thẳng theo lối chính, trước khi vào đến sân miếu, là bức bình phong Long Mã. Miếu Long Châu nằm ở trung tâm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, gồm năm gian hai chái, mái lợp ngói liệt, tiền đường kiểu vỏ cua. Bên trong trang trí bằng hệ thống liên ba bằng gỗ với 104 ô hộc chủ yếu là chữ Thọ theo lối triện và hoa lá chim muông. Chính giữa ngôi miếu là một bức hoành phi khắc nổi ba chữ Hán màu vàng "Long Châu Miếu".
Hai bên miếu Long Châu là Đông Phối Điện và Tây Phối Điện, đây là nơi thờ những con voi lập được nhiều chiến công trận mạc vào thời kỳ xây đế nghiệp của triều Nguyễn, cũng là nơi khoản đãi quan khách sau khi tế lễ. Trước hai ngôi nhà này, còn có hai tòa miếu phụ còn được gọi là miếu Tượng.
Trong cuốn Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế do Tiến sĩ Đỗ Bang chủ biên xuất bản năm 2000, điện Voi Ré trước đây thờ 15 bài vị các vị thần bảo hộ lính nhưng hiện nay, trong miếu chỉ còn lại bài vị của 4 vị thần là: thần Thiên Sư, thần Chúa Động, thần Hồng Nương, thần Tiền Hậu Khai Khẩn. Mỗi bài vị được đặt trong một cái khám giống nhau như một cái ngai cách điệu trông rất uy nghiêm. Nguyên thủy, điện Voi Ré còn có bài vị của các vị thần trong tín ngưỡng dân gian như tần Hà Bá, Thổ Công, Ngũ Hành, Thủy Long, Ngọc Nữ...
Trước đây, hai miếu hai bên Long Châu miếu có 4 bài vị đề tên là Đô Đốc Hùng Tượng Ré, Đô Đốc Hùng Tượng Bích, Đô Đốc Hùng Tượng Nhĩ, Đô Đốc Hùng Tượng Bôn, đây là 4 con voi lập nhiều công trạng dưới triều Nguyễn trong các trận chiến.
Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, điện Voi Ré được xây dựng do vua Gia Long và người dân thời đó rất kính phục lòng trung thành của con voi chết vì chủ. Theo truyền thuyết, dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, voi của một dũng tướng Đàng Trong đau buồn trước cái chết của chủ mình giữa trận tiền đã chạy trên một quãng đường dài từ chiến địa về tận thủ phủ Phú Xuân, đến địa điểm điện Voi Ré ngày nay rống lên một tiếng vang trời rồi trút hơi thở cuối cùng. Cảm động trước sự trung thành của con voi chiến, người dân địa phương đã làm lễ an táng, xây mộ và gọi một cách mộc mạc là mộ Voi Ré.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho xây dựng Long Châu Miếu kế bên mộ voi, vừa để làm nơi thờ các vị thần bảo vệ voi và thờ bốn con voi dũng cảm nhất trong các cuộc chiến của triều Nguyễn. Sau khi điện Voi Ré xây xong, hàng năm nhà Nguyễn đều tổ chức tế lễ hai lần vào mùa thu và mùa xuân.
Voi được điêu khắc từ đá nằm trong miếu Tượng vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Võ Thạnh
Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, sau chiến tranh, điện Voi Ré từng được sử dụng làm kho thuốc nổ của hợp tác xã Long Thọ, trường mầm non nên nhiều công trình đã xuống cấp. Vừa qua, Trung tâm đã tiến hành trùng tu xong hệ thống tường thành, dùng các thanh gỗ gia cố trạm Tây Phối Điện, Đông Phối Điện để tránh đổ sập.
Di tích điện Voi Ré. Ảnh: Võ Thạnh.
Hiện điện Voi Ré có tổ bảo vệ trực hàng ngày để hướng dẫn khách tham quan. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, điện Voi Ré sẽ được trùng tu, đặc biệt là Long Châu Miếu.
Võ Thạnh
Theo VNE
Khám phá lăng mộ cực kỳ hoành tráng của vua Gia Long Nằm ở địa phận xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, lăng mộ vua Gia Long hay Thiên Thọ Lăng là lăng mộ của Nguyễn Thế Tổ Cao Hoàng đế (1762-1820), vị vua sáng lập triều Nguyễn. Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ...