Nobel Hòa bình 2016 thuộc về Tổng thống Colombia
Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì những nỗ lực giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng chục năm qua ở quốc gia này.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos. Ảnh: Reuters.
Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2016 cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì những nỗ lực của ông trong việc mang lại hòa bình cho đất nước, Guardian dẫn lời bà Kaci Kullmann Five, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, phát biểu.
Tổng thống Santos và Rodrigo London, biệt danh Timoleon “Timochenko” Jimenez, đứng đầu Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), ngày 26/9 ký thỏa thuận hòa bình, chấm dứt 52 năm nội chiến. Tuy nhiên, người dân Colombia, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10, lại phản đối thỏa thuận này.
Theo Ủy ban Nobel, kết quả trưng cầu dân ý không có nghĩa là người dân Colombia từ chối hòa bình mà họ chỉ muốn phản đối nội dung trong đó. Ủy ban cảnh báo kết quả này có thể khiến xung đột bùng phát trở lại và kêu gọi ông Santos và Timochenko tôn trọng thỏa thuận, “cùng chia sẻ trách nhiệm và tham gia một cách tích cực vào các cuộc đối thoại hòa bình sắp tới”.
Video đang HOT
Ủy ban Nobel hoan nghênh Tổng thống Santos vì đã tuyên bố sẽ chiến đấu vì hòa bình cho đến ngày cuối cùng còn đương chức.
Trả lời câu hỏi tại sao giải thưởng lại không được trao cho các bên còn lại tham gia đàm phán, như Timochenko, đại diện Ủy ban Nobel cho biết vai trò tổng thống của ông Santos, là “người bảo vệ tiến trình”, rất quan trọng và ủy ban “không bao giờ bình luận về người không được trao giải”.
Tổng thống Santos chưa biết tin ông là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2016 và Ủy ban Nobel đang tìm cách liên lạc với nhà lãnh đạo Colombia. Giải thưởng, trị giá 8 triệu krona Thụy Điển (930.000 USD), sẽ được trao tại Oslo, Na Uy, vào ngày 10/12.
Giải Nobel Hòa bình năm 2015 được trao cho Nhóm trung gian Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia vì những đóng góp của họ cho quá trình chuyển đổi dân chủ ở nước này. Chủ nhân Nobel Hòa bình năm 2014 thuộc về Malala Yousafzai, người Pakistan, và Kailash Satyarthi, người Ấn Độ, hai nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ và trẻ em.
Như Tâm
Theo VNE
Những ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình 2016
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden và nhóm tình nguyện viên Mũ Bảo hiểm trắng ở Syria là ba trong số hàng trăm ứng viên tiềm năng cho giải Nobel Hòa bình 2016.
Từ trái sang, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, thành viên nhóm tình nguyện Mũ Bảo hiểm trắng và cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden. Ảnh: Reuters.
Chủ nhân Nobel Hòa bình 2016, giải thưởng thu hút nhiều sự chú ý và tạo ra nhiều đồn đoán nhất, sẽ được Ủy ban Nobel công bố vào 9h00 GMT (16h00 giờ Hà Nội) ngày 7/10, theo AFP. Danh sách ứng viên Nobel Hòa bình năm nay gồm 376 ứng viên, mức cao kỷ lục. Danh sách ứng viên được giữ bí mật trong ít nhất 50 năm.
Giới chuyên gia, bình luận viên và các trang cá cược trực tuyến từng chắc chắn Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và Rodrigo London, đứng đầu Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), là ứng viên hàng đầu sau khi hai bên ký thỏa thuận chấm dứt 52 năm nội chiến. Tuy nhiên, họ phải xem xét lại vì người dân Colombia, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10, lại phản đối thỏa thuận này.
Một số nhà theo dõi Nobel nhận định Ủy ban Nobel có thể trao giải cho người dân các đảo ở Hy Lạp vì nỗ lực trợ giúp hàng nghìn người tị nạn vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bác sĩ người Congo Denis Mukwege cũng là ứng viên tiềm năng vì giúp đỡ những phụ nữ bị bạo hành ở miền đông Congo bình phục.
Nhóm tình nguyện viên Mũ bảo hiểm Trắng ở Syria được đánh giá cao nhờ sự dũng cảm cứu giúp dân thường Syria. Hoạt động ở các khu vực phe đối lập kiểm soát, nhóm gần 3.000 tình nguyện viên này thường đào bới các đống đổ nát để tìm người sống sót.
"Những điều Mũ bảo hiểm Trắng làm mới chỉ là giọt nước giữa đại dương nhưng họ đã thể hiện rất nhiều: sự bền bỉ, dũng cảm khi đối mặt với chủ nghĩa tàn bạo", tờ Guardian của Anh cho biết.
Theo Kristian Berg Harpviken, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO), ứng viên hàng đầu là nhà hoạt động nhân quyền người Nga Svetlana Gannushkina vì bà đã hành động vì người nhập cư và tị nạn suốt hàng chục năm qua.
Một ứng viên tiềm năng khác là cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden. Nếu thành tựu ngoại giao được lựa chọn, giải Nobel Hòa bình có thể thuộc về Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đồng cấp Iran Javad Zarif, Cao ủy về chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz và Ali Akbar Salehi, đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, vì đã giúp đạt thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và 6 cường quốc.
Như Tâm
Theo VNE
Hàng chục tỉ USD Trung Quốc đổ vào Mỹ La tinh sẽ là vô ích? Trung Quốc bơm hàng tỉ USD vào Mỹ La tinh trong nỗ lực mà nhiều chuyên gia đánh giá là nhằm đối mặt với sức ảnh hưởng của Mỹ. Dù vậy, nhiều tỉ đô la đầu tư của Đại lục đã và đang ít hiệu quả. Ảnh: Shutterstock Theo CNN, chỉ riêng năm ngoái, Trung Quốc đã cấp 65 tỉ USD cho khu...