Nợ xấu theo Nghị định 67 có xu hướng gia tăng
Nợ xấu cho vay theo Nghị định số 67 bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%; tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nợ xấu cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển.
Cụ thể, nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%; tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.
Tàu cá được đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/NĐ-CP. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 – 2020 với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến việc ngư dân không trả được nợ vay thì còn do nhiều ngư dân có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, coi đây là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện một số giải pháp đồng bộ từ các Bộ, ngành trung ương đến chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội nhằm hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ ngân hàng thương mại thu hồi nợ vay, hạn chế nợ xấu gia tăng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Tài chính quy định bổ sung một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như tàu đóng mới kém chất lượng, tàu bị thiên tai, tàu bị đâm va, chủ tàu bị bệnh tật, bị tai nạn giao thông, chuyển đổi chủ tàu theo quy định tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP… thì ngư dân được các Ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 trong thời gian cơ cấu.
Hiện các Ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 33 tỷ đồng. Trường hợp chủ tàu gặp khó khăn không trả được nợ vay đến hạn không phải do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định các Ngân hàng thương mại theo thẩm quyền đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 110 tỷ đồng nhằm hỗ trợ ngư dân có thời gian thu xếp nguồn trả nợ ngân hàng.
Video đang HOT
Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt. Các Ngân hàng thương mại đã chuyển đổi cho 10 chủ tàu với dư nợ trên 58 tỷ đồng tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Tiền Giang…
Đối với trường hợp ngư dân cố tình chây ì, không trả nợ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ban Chỉ đạo 67 của tỉnh định kỳ tổ chức họp với các ngư dân để đôn đốc nhắc nhở, vận động ngư dân thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ trong quan hệ tín dụng; trường hợp cần thiết có biện pháp xử lý phù hợp như khởi kiện theo quy định.
Trong trường hợp ngư dân muốn chuyển đổi nghề khai thác do nghề khai thác hiện tại không hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan hoặc báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để thông báo cho người dân được biết.
Để chính sách tín dụng đạt hiệu quả, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động phối hợp khách hàng thu nợ, kịp thời nắm bắt và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố ven biển tham mưu cho Ban chỉ đạo 67 của tỉnh có biện pháp xử lý dứt điểm đối với ngư dân cố tình chây ì không trả nợ vay.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm xử lý khó khăn cho người dân liên quan đến chính sách bảo hiểm, bồi thường thiệt hại khi rủi ro xảy ra, hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu…/.
Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh, xử lý cách nào?
Tổng mức nợ xấu dù vẫn ở mức dưới 3% như quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng nhóm có khả năng mất vốn lại cao.
Nợ xấu đang tăng nhanh tại các ngân hàng trong khi nhiều vướng mắc chính sách lại chưa được tháo gỡ (Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại ngân hàng An Bình). Ảnh: Lã Anh
Đi cùng với lợi nhuận, nợ xấu tại nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh theo. Đáng chú ý, tổng mức nợ xấu dù vẫn ở mức dưới 3% như quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng nhóm có khả năng mất vốn lại cao.
Nợ xấu cả ngân hàng lớn lẫn nhỏ đều tăng
Kết thúc quý 3 năm nay, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đón thông tin tích cực khi lợi nhuận lũy kế từ đầu năm tăng hơn 33% lên 773,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi quy mô tín dụng giảm nhẹ thì chất lượng nợ lại đáng lo ngại. Nợ đủ chuẩn (nhóm 1) và nợ cần chú ý (nhóm 2) của ngân hàng giảm nhưng nợ ba nhóm còn lại tăng rất mạnh: Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng hơn 250% lần, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 26,3%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 56%.
Đến ngày 30/9, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng (thị trường 1) của ABBank tăng vọt lên 3,39%, so với con số đầu năm chỉ 1,89%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng cũng tăng lên 2,78%.
Tính đến cuối tháng 9, nợ xấu của Ngân hàng MTCP Nam Á (NamABank) cũng tăng tới 91% so với đầu năm lên 1.496 tỷ đồng dù lợi nhuận của ngân hàng cũng tăng nhẹ. Tương tự như ABBank, nợ xấu của ngân hàng này chủ yếu tăng cao ở nhóm 3 và nhóm 4; khiến tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,54% lên 2,37%.
Một trường hợp đáng chú ý khác là Ngân hàng MTCP Quân đội (MBBank), so với đầu năm, tổng nợ xấu tới ngày 30/9 tăng tới 29% lên 3.703 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ nhóm 5 tăng mạnh 40% lên 1.348 tỷ đồng.
Không chỉ ở các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh, ngân hàng MTCP quốc doanh lớn cũng gặp phải tình trạng tương tự. Tại ngày 30/9, nợ xấu nội bảng của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm nay. Trong khi, nợ nhóm 3 và nhóm 4 giảm thì nợ nhóm 5 của BIDV lại tăng rất mạnh 70% so với hồi đầu năm lên 12.194 tỷ đồng. Điều này đã đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng từ 1,9% hồi đầu năm nay lên 2,09% khi kết thúc quý 3.
Hay tại ngân hàng đang giữ vị trí số 1 về lợi nhuận là Vietcombank thì sự chuyển biến về chất lượng nợ cũng không lạc quan. Đến ngày 30/9 quy mô tín dụng của Vietcombank tăng 12% và nợ ở tất cả các nhóm cũng tăng theo. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 324,9%, nhóm 4 tăng 31%, nợ nhóm 5 chỉ tăng nhẹ 1,9% lên 4.860 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng từ mức dưới 1% hồi đầu năm lên 1,07% cuối tháng 9/2019.
Đừng để xử lý 1 đồng mà phát sinh 2 đồng nợ xấu
Cho đến thời điểm hiện tại, ngân hàng cho vay dự án BOT đạt 110.000 tỷ đồng, thì đến 1/2 là doanh thu không đạt như dự kiến. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT, các địa phương và Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Tuy nhiên, đến nay vấn đề vẫn không xử lý được dứt điểm. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT hiện tại để khơi thông tín dụng cho các dự án về sau. Nếu không làm được nợ xấu sẽ ngày càng tăng cao, khó có vốn cho các dự án BOT mới.
Bà Nguyễn Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước
Nợ xấu tăng đã khiến khoản trích lập dự phòng cụ thể của Vietcombank cho các khoản vay của khách hàng tăng 49%. Tại BDV, khoản trích lập dự phòng cụ thể cho các khoản vay tại thời điểm ngày 30/9 cũng tăng tới 82% so với đầu năm nay.
Tại MBBank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng mạnh 59%. Xét về cơ cấu khoản vay, bên cạnh cho vay tổ chức thì các khoản cho vay cá nhân của MBBank tăng tới 19% và chiếm hơn 40% tổng dư nợ. Ba nhóm tín dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu cho vay của MBBank là cho vay hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất và dịch vụ tiêu dùng (chiếm 31,7% dư nợ), cho vay nhóm bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác (22,8%) và cho vay nhóm công nghiệp chế biến chế tạo (16%).
Theo ông Phạm Quang Dũng Tổng giám đốc Vietcombank, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu đưa ra rất rõ nguyên tắc quyền ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ có bảo đảm của tổ chức tín dụng khi có tài sản đảm bảo liên quan đến các vụ án.
Tuy nhiên, tới nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính dẫn đến thực tế một số chi cục thuế địa phương vẫn yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện tất cả các nghĩa vụ thuế trước khi hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản. "Đây cũng chính là vướng mắc trong thực tế xử lý các khoản nợ xấu", ông Dũng nhấn mạnh.
Chỉ đạo về nợ xấu ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị ngành ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời xem lại cơ cấu tín dụng và phải có chế độ tự kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ nhất là với lĩnh vực rủi ro là bất động sản, chứng khoán và BOT.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, yêu cầu thanh tra tài chính phải có chế độ báo cáo và xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm. "Để không phát sinh nợ xấu mới. Nếu xử lý 1 đồng mà phát sinh 2 đồng thì không bao giờ đạt mục tiêu", Phó Thủ tướng nói.
Cao Sơn
Theo Baogiaothong.vn
Từ Việt Hoa đến ngân hàng "sạch" Khái niệm ngân hàng "sạch" chẳng có liên quan gì đến rau sạch, trái cây sạch hay thực phẩm sạch. Một ngân hàng "sạch" là ngân hàng minh bạch, minh bạch cả về nợ nần. Giới đầu tư đang "săn lùng" những ngân hàng như thế! Còn đó Việt Hoa Đã hơn 12 năm kể từ khi Ngân hàng TMCP Việt Hoa bị...