Nợ xấu tăng “song hành” với lợi nhuận ngân hàng
Các ngân hàng đang dồn dập báo cáo số lãi rất tích cực trong 9 tháng đầu năm, nhưng nhìn sâu vào các bản báo cáo tài chính, có thể thấy một thực tế nữa: Nợ xấu của các ngân hàng đang tăng lên, dù tỷ lệ nợ vẫn ở mức khá thấp.
Nhiều ngân hàng báo lãi tích cực
Thông tin từ VPBank cho biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đã tăng từ mức 4.376 tỷ đồng thời điểm giữa năm lên 6.125 tỷ đồng vào thời điểm 30/9/2018, trên cơ sở kết quả tích cực từ sự chuyển đổi của Ngân hàng ở doanh thu mảng dịch vụ phí.
Cụ thể, tính tới cuối quý III, nguồn thu từ phí của VPBank đã tăng 38% so với kết quả của quý III. Nỗ lực và sự đầu tư của VPBank trong lĩnh vực ngân hàng số và tự động hóa hệ thống vận hành đã và đang giúp Ngân hàng tối ưu hóa chi phí hoạt động và duy trì tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 35% và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 21,2%.
VIB cũng vừa báo lãi trước thuế 1.720 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước và đạt 86% kế hoạch cả năm.
Được biết, 2 năm qua, VIB chuyển đổi mạnh chiến lược hoạt động theo hướng tập trung vào khối ngân hàng bán lẻ. Theo đó, dư nợ tín dụng bán lẻ của VIB đến cuối tháng 9/2018 đạt trên 67.400 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2017, đưa VIB trở thành một trong những ngân hàng cho vay bán lẻ lớn nhất thị trường.
VIB tiếp tục giữ vững thị phần cho vay ô tô hàng đầu, với thị phần trên 25% trên toàn quốc. Mô hình tích hợp trong phát triển hoạt động phân phối bảo hiểm cũng đưa thị phần bảo hiểm của VIB lên Top 3 toàn thị trường, với doanh số bán mới bảo hiểm tăng 202% so với cùng kỳ năm 2017.
“Mô hình phát triển thẻ tín dụng đa kênh với sự kết hợp của ngân hàng số, kênh mạng lưới chi nhánh, kênh bán hàng trực tiếp và kênh telesales đã giúp VIB đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ về thẻ tín dụng, với số lượng thẻ tín dụng tăng 84% so với cùng kỳ và tổng chi tiêu thẻ tín dụng quý III/2018 tăng 214% so với cùng kỳ năm 2017. Sự tăng trưởng tích cực về quy mô và chất lượng đã đưa doanh thu bán lẻ của VIB trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng 92% so với cùng kỳ năm ngoái”, lãnh đạo VIB thông tin.
Thêm một ngân hàng báo lãi rất tích cực trong 9 tháng là Techcombank, với con số lợi nhuận trước thuế hơn 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ 2017.
Theo lãnh đạo Techcombank, chủ trương của Ngân hàng là tăng tỷ trọng doanh thu từ hoạt động phi tín dụng, nhằm giảm thiểu rủi ro từ mảng tín dụng. Mục tiêu của Ngân hàng là giữ tỷ trọng này ở mức 50% và thực tế, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng tại Techcombank đã giảm từ 53% xuống còn 48% ở thời điểm cuối quý III/2018.
Video đang HOT
“Trong phần doanh thu phi tín dụng, chúng tôi tập trung nhiều vào hoạt động thanh toán của khách hàng (thẻ visa, debit…) phục vụ nhu cầu thường ngày trong đời sống. Ngoài ra, Techcombank cũng tập trung phát triển mảng bảo hiểm nhân thọ”, lãnh đạo Techcombank cho biết.
9 tháng đầu năm, các chỉ tiêu kinh doanh của MBB cũng tăng trưởng mạnh. Thu nhập lãi thuần của MBB trong 9 tháng đạt hơn 10.429 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ 2017 do thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 33%, trong khi chi phí hoạt động dịch vụ chỉ tăng 12%.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MBB trong 3 quý tăng 63% (đạt 1.688 tỷ đồng), lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 1,2 lần (đạt 302 tỷ đồng), lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư tăng 70% (đạt 281 tỷ đồng). Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 68%, đạt hơn 1.079 tỷ đồng; đồng thời, chi phí hoạt động cũng tăng 35%, chiếm hơn 5.517 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt hơn 6.014 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và thực hiện được 88% kế hoạch năm 2018.
Nợ xấu cũng tăng mạnh
Tuy vậy, báo cáo tài chính của MBB cũng cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng đầu năm của Ngân hàng tăng 18% so với cùng kỳ, lên tới hơn 2.290 tỷ đồng.
Nợ xấu của Ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng đến 45% so với hồi đầu năm, trong đó nợ nghi ngờ tăng 67% và nợ có khả năng mất vốn tăng tới 62%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của MBB đã tăng lên 1,57% so với mức 1,2% hồi đầu năm.
Còn tại VPBank, chi phí cho dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng đã tăng vọt 46% so với cùng 2017, lên 8.194 tỷ đồng (chiếm đến 57% lợi nhuận trước dự phòng). Nợ xấu tuyệt đối tại Ngân hàng (hợp nhất) đến cuối tháng 9 đã lên tới 9.401 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm.
Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của VPBank tăng chậm hơn với mức 9,5% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 3,39% lên 4,70%.
Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh nhất với 61% lên 5.102 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 cũng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất (54%) trong cơ cấu nợ xấu của VPBank. Với ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng khá mạnh.
Tại Techcombank, mặc dù chi phí dự phòng trong quý III/2018 tăng lên gần 743 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2017 là 157 tỷ đồng, nhưng chi phí dự phòng cả 3 quý lại giảm 29,6% so với cùng kỳ xuống 1.786,5 tỷ đồng.
Dẫu vậy, tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quý III là 2,05%, tăng từ 1,61% vào cuối năm 2017, sau khi xử lý 2.226,4 tỷ đồng nợ xấu trong 9 tháng đầu năm, tương đương 1,33% dư nợ.
Dư nợ xấu còn lại là 3.428,2 tỷ đồng, tăng 32,7% so với đầu năm; trong đó, nợ nhóm 4 chiếm 0,57% tổng dư nợ, tăng 108,3% so với đầu năm lên 948,7 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) chiếm 1,21% tổng dư nợ, tăng 30,5% so với đầu năm lên 2.026,8 tỷ đồng.
Tại VietinBank, mặc dù các hoạt động kinh doanh trong kỳ đều có kết quả khả quan hơn, nhưng việc tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tới 86% lên 3.378 tỷ đồng đã dẫn tới việc lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí dự phòng cả 9 tháng tăng 25% lên 8.330 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng nhẹ 6,5% lên 10.699 tỷ đồng. Trong đó, chi lương và phụ cấp cho nhân viên tăng 10,9% đạt 5.394 tỷ đồng.
Tình hình tại VIB cũng tương tự. Nợ có khả năng mất vốn tính đến hết tháng 9/2018 của Ngân hàng là hơn 2.002 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cuối 2017.
Tương tự Bac A Bank, nợ xấu cũng tăng 23% so với đầu năm, lên 431 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng 82%, chiếm 419 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tính đến hết tháng 9/2018 ở mức 0,71% tổng dư nợ cho vay, tăng so với thời điểm đầu năm.
Nhuệ Mẫn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Cạn room, nhiều ngân hàng xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Sau khi Techcombank được 'nới room' tín dụng, nhiều ngân hàng khác cũng đã nộp đơn xin thêm chỉ tiêu. Tuy nhiên, cánh cửa sẽ không rộng mở với tất cả các ngân hàng.
Chật vật vì "cạn room"
Theo báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng thì tính đến hết tháng 9/2018, tăng trưởng dư nợ tín dụng nhiều ngân hàng đã sắp chạm trần. Đơn cử như Vietcombank 15%, Vietinbank 12%, HDBank 14%; MB 10%; LienVietPostBank 13,5%, ACB, Kienlongbank 11%...
Việc sắp hết hạn mức tín dụng khiến nhiều ngân hàng khá chật vật trong việc phê duyệt các khoản vay mới và đồng loạt xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) "nới room". Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tầm trung than thở, hiện nhiều khoản vay dù chỉ vài trăm triệu nhưng vẫn phải xếp hàng vì phải chờ ngân hàng tất toán những khoản nợ cũ mới cho vay được.
Hay như trường hợp LienVietPostBank - một ngân hàng đã "ngấp nghé" room (14%) thì nhiều tháng nay phải giữ tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 13,5%. Để đảm bảo con số này, lãnh đạo LienVietPostBank cho hay, ngân hàng phải tính toán 2 phương án. Thứ nhất là chờ tất toán các khoản vay cũ thì mới giải ngân khoản vay mới. Thứ hai là cơ cấu lại các khoản vay, chuyển những khoản vay lớn được tất toán sang các khoản vay nhỏ hơn.
Hiện một số ngân hàng đã có đơn gửi NHNN để xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có duy nhất Techcombank được chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Ngoài Techcombank, HDBank được xem là trường hợp đặc biệt, nếu sớm hoàn tất kế hoạch sáp nhập thêm PGBank thì nhiều khả năng ngân hàng này cũng sẽ được nới thêm room.
Cẩn trọng khi nới room tín dụng
Báo cáo của NHNN gửi Quốc hội mới đây cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2018, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 9,89% so với cuối năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%.
Việc nới room tín dụng sẽ được NHNN xem xét thận trọng
Theo lãnh đạo NHNN, ngay từ đầu năm, Quốc hội và Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%. Trên cơ sở đó, NHNN đã xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Mục tiêu điều hành tín dụng năm nay là tăng tối đa 17% được cho là con số hài hòa với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cũng như sức hấp thụ của nền kinh tế...
Hồi tháng 8/2018, NHNN cũng đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Theo đó, NHNN cho biết sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém)...
Việc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng sẽ dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, quy mô tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ.
Theo nhiều dự đoán, có thể trong tháng 11 này, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho một số ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nới room tín dụng cần được xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vài năm trở lại đây, việc NHNN cho phép các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, ngoài mặt tích cực thì một hậu quả có thể nhìn thấy là con số nợ xấu đã tăng mạnh trong báo cáo tài chính của các ngân hàng năm nay. Không ít ngân hàng đã rất mạnh tay cho vay bất động sản, chứng khoán - vốn là 2 lĩnh vực rủi ro.
"Năm nay, NHNN đã siết lại, toàn ngành ở mức 17%, một số ngân hàng thậm chí chỉ trên dưới 10%, tôi cho là phù hợp" - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng sẽ không có nhiều ngân hàng được xem xét thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Theo Báo Mới
Có 88,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương năm 2018 Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê, Ngân hàng Nhà nước tiến hành trong tháng Chín, hầu hết các tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng cao hơn so với năm trước, mặt bằng lãi suất giữ ổn định, huy động vốn đến cuối năm nay...