Nợ xấu của FE Credit vẫn chưa ‘hạ nhiệt’ trước thềm IPO
Khi nhiều nhà băng đang đẩy mạnh thị trường cho vay tiêu dùng thì mới đây, VPBank lại lên kế hoạch với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn FE Credit.
Cuối tháng 2/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 762/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận chuyển đổi FE Credit (công ty con của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank) từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần. Bên cạnh đó, quy mô vốn điều lệ của FE Credit cũng được điều chỉnh tăng lên ở mức 7.333 tỷ đồng.
Việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần là một bước đi cần thiết để FE Credit có thể đẩy nhanh thực hiện IPO.
Quả thực như vậy, trong đại hội cổ đông thường niên năm 2020 mới đây, một trong những nội dung được VPBank đưa ra lấy ý kiến ĐHCĐ hôm nay là bán cổ phần tại FE Credit, vấn đề này được các cổ đông của FE Credit đặc biệt quan tâm, bởi đây là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank.
Về vấn đề này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay, thời gian qua HĐQT VPBank đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn FE Credit. Mặc dù việc đàm phán đang tạm gián đoạn do dịch bệnh, song Chủ tịch HĐQT VPBank tin rằng, quá trình đàm phán sẽ tiếp diễn và mang lại kết quả tích cực, bởi FE Credit là công ty tài chính hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Video đang HOT
Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) nhiều năm liền được ví như “con gà đẻ trứng vàng” cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Song, trong vài năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của FE Credit có dấu hiệu chững lại, tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì quanh mức 6%.
FE Credit chiếm từ 22 – 23% trong tỷ trọng tín dụng và đóng góp lớn trong kết quả kinh doanh hợp nhất của VPBank. Theo số liệu từ báo cáo kiểm toán của Công ty, lãi sau thuế năm 2019 đạt 3.590 tỷ đồng, cao hơn năm 2017 và 2018 lần lượt là 6,9% và 8,9%. Điều đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Công ty (phụ trách mảng tài chính tiêu dùng của VPBank) có xu hướng chững lại so với giai đoạn 2015 – 2017 (tốc độ tăng trưởng bình quân 108%).
Hơn nữa, trong giai đoạn 2017 – 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của FE Credit tăng từ 8.435,8 tỷ đồng lên mức hơn 12.519,6 tỷ đồng. Điều này khiến chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của FE Credit năm 2019 giảm xuống chỉ còn 28,68%, thấp hơn so với con số 32,67% của năm 2018 và 49,71% của năm 2017.
Cùng với hiệu quả kinh doanh giảm sút, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit cũng có nhiều diễn biến đáng chú ý. Tỷ lệ này tăng từ 5% trong năm 2017 lên 6% trong năm 2018, sau đó bất ngờ giảm mạnh xuống mức 5,35% vào cuối tháng 6/2019, nhưng bật tăng trở lại mức 6% vào cuối năm 2019.
Được biết, dư nợ cho vay của FE Credit vào cuối năm 2019 đạt 60.594 tỷ đồng. Như vậy, quy mô nợ xấu của doanh nghiệp này vào cuối năm ngoái tạm tính lên tới 3.636 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu cao của FE Credit cũng góp phần đẩy chỉ số này của VPBank lên mức 2,95%, dù vẫn dưới mức 3% theo quy định của NHNN, nhưng cũng đủ khiến VPBank lọt top những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống.
FE Credit dù đang dẫn đầu cuộc chơi nhưng rất dễ bị “tụt” lại nếu không có sự thay đổi cần thiết, mà nguồn lực tài chính là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng. Bởi, các công ty tài chính không được phép huy động tiền trực tiếp từ cá nhân, mà phải vay vốn từ các tổ chức khác. Do đó doanh nghiệp vay càng rẻ thì lợi nhuận càng cao.
Giãn nợ, cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân
Trong cơn "khủng hoảng" của đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với nỗi lo nợ xấu gia tăng, không chỉ đến từ khối khách hàng doanh nghiệp, mà các khách hàng cá nhân trong tín dụng tiêu dùng cũng đang là nguy cơ rất lớn.
Tín dụng tiêu dùng đã phát triển mạnh tại Việt Nam thời gian qua. Ảnh minh họa
Nhiều đơn xin giãn, hoãn nợ
Cách đây mấy ngày, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cho biết đang xem xét việc hạ bậc tín nhiệm của 3 công ty tài chính và 2 ngân hàng Việt Nam. 3 công ty tài chính này bao gồm FE Credit, Home Credit Việt Nam, SHB Financel 2 ngân hàng là VPBank (sở hữu FE Credit) và SHB (sở hữu SHB Finance).
Theo Moody's, sự lan rộng nhanh chóng của dịch Covid-19 đã làm suy giảm triển vọng kinh tế toàn cầu đã tạo nên cú sốc tín dụng nghiêm trọng và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, khu vực. Vì thế, ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam dễ bị tổn thương trước cú sốc này.
Đây có thể được xem là một cảnh báo khá quan trọng cho lĩnh vực tiêu dùng trong nước, nhất là khi những năm qua, lĩnh vực này có sự phát triển khá nhanh chóng. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, dân số trẻ nên nhu cầu tiêu dùng sẽ ngày càng cao, là dư địa lớn để lĩnh vực này phát triển. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lại mang đến thách thức rất lớn cho lĩnh vực này, trong đó đáng lo nhất là nguy cơ gia tăng nợ xấu.
Phân tích cụ thể hơn, việc cho vay tiêu dùng thường dành cho những người có thu nhập thấp và trung bình, dòng tiền trả nợ đến từ tiền lương, tiền công. Trong khi đó, những tháng qua, đại dịch xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, giảm lương công nhân viên, thậm chí là cho người lao động nghỉ không lương. Vì thế, tình hình này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tiền trả nợ ngân hàng.
Do vậy, nhiều ngân hàng thương mại cho biết đã nhận được hàng nghìn đơn xin giãn, hoãn nợ vì thu nhập của người dân sút giảm hoặc mất việc do đại dịch Covid-19. Đại diện Ngân hàng HDBank cho hay, theo thống kê mới của ngân hàng, có khoảng 11.000 tỷ đồng tín dụng của HDBank bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có tới hơn 4.000 tỷ đồng của khách hàng cá nhân. Còn tại Sacombank, trong 22.0000 tỷ đồng dư nợ do khách hàng đề xuất cơ cấu, giãn nợ, có tới 7.000 tỷ đồng là của khách hàng cá nhân.
Cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân
Nếu như với các doanh nghiệp, nhiều chủ trương giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu lại nợ đã được đề xuất và thực hiện, thì với khách hàng cá nhân, những gói hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện đã có một số ngân hàng như BIDV, MSB, HDBank, SHB, Techcombank... đưa ra các gói tín dụng cho khách hàng cá nhân, giảm nhẹ lãi suất các khoản nợ hiện hữu và vay mới trong cho vay tiêu dùng.
Tiêu biểu như: BIDV giảm đến 1- 2% (giảm 1% cho khách vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương bị giảm thu nhập và giảm 2% lãi suất cho lao động mất việc; MSB tung ra gói tín dụng lãi suất ưu đãi 7.000 tỷ được thiết kế cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp, thủ tục vay đơn giản đổi với với các khách hàng có nguồn thu nhập từ lương, cho thuê tài sản hay hoạt động kinh doanh...
Tuy vậy, nguy cơ nợ xấu vẫn còn đó, ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam) nhận định, thu nhập giảm sút có thể đẩy nhiều gia đình vào cảnh mất khả năng trả nợ. Thậm chí, nếu dịch bệnh kéo dài, kinh tế đóng băng, thì khả năng nợ xấu hàng loạt có thể xảy ra.
Đồng tình với quan điểm này, nói về giải pháp cho các tổ chức tín dụng, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, một trong những biện pháp mà tổ chức tín dụng, ngân hàng cần làm để hạn chế nguy nợ xấu cao tín dụng tiêu dùng là gia hạn thời gian trả nợ cho người vay. Các ngân hàng, các quỹ tín dụng cần gia hạn nợ ít nhất trong vòng từ 3-6 tháng cả lãi và gốc cho những người đi vay đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán, các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính cần phải thương lượng để thống nhất giải quyết với khách hàng, như giảm lãi, giãn nợ, đưa ra một lộ trình trả nợ mới sau thời gian ân hạn...
Ngoài ra, hiểu được khó khăn của người dân, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ người lao động mất việc làm, nghỉ việc không lương. Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Hương Dịu
Thông tư 18/2019/TT-NHNN tác động thế nào đến cho vay tiêu dùng? Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đã có hiệu lực hơn 1 tháng. Điều này tác động như thế nào đến thị trường cho vay tiêu dùng? Tăng trưởng cho vay tiêu dùng của FE Credit và VPBank giai đoạn 2014-2019 Siết chặt đòi nợ khách hàng Theo Thông tư...