Nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp ở EVN
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Đảng và Chính phủ, những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tốt. Trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23-11-2012. Trong đó, tập đoàn hoàn thành thoái vốn tại 100% các doanh nghiệp (DN) không liên quan ngành, nghề kinh doanh chính của EVN. Qua đó, thu về hơn 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của chủ sở hữu Nhà nước.
Công nhân Công ty Truyền tải điện 4 kiểm tra thông số vận hành thiết bị của Trạm biến áp 220kV Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh).
EVN đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại các DN trong Tập đoàn theo hướng chuyên môn hóa trong các khâu sản xuất điện, tập trung hoạt động trong lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh chính và có liên quan của EVN. Bước sang giai đoạn 2016-2020, EVN cũng đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Cụ thể, hoàn thành việc chuyển Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ ngày 1-10-2018. Ngay sau đó, cổ phần của EVNGENCO 3 (mã chứng khoán PGV) đã được giao dịch trên sàn chứng khoán UpCom.
Tập đoàn cũng thực hiện thoái, giảm vốn tại hai DN trong tổng số sáu DN thuộc diện thoái vốn theo Quyết định số 852/QĐ-TTg, thu về hơn 296 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách gần 63 tỷ đồng. Hiện nay, EVN đang tích cực triển khai thoái vốn tại các DN còn lại, với mục tiêu sẽ cơ bản hoàn thành công tác thoái vốn trong năm 2019. Bên cạnh đó, tất cả các DN thành viên, DN liên kết trong Tập đoàn đáp ứng đủ điều kiện đều đã đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán và có vốn hóa thị trường cao hơn nhiều so với giá trị vốn đầu tư của chủ sở hữu. Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã và đang triển khai tách bạch hoạt động quản lý vận hành và dịch vụ sửa chữa. Đề án tách bạch về tổ chức khâu phân phối và khâu bán lẻ điện sẽ được hoàn thành trong năm 2019, nhằm đẩy nhanh lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tập đoàn cũng đã hoàn thành đề án chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV và đã trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN vào cuối năm 2018. Hiện nay, Ủy ban đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ, lĩnh vực quản lý lưới điện phân phối do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; lĩnh vực kinh doanh bán lẻ điện sẽ được cổ phần hóa phù hợp lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực, Nhà nước nắm giữ từ hơn 50% đến 65%. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, EVN đã hướng dẫn các tổng công ty điện lực triển khai hạch toán tách bạch chi phí khâu phân phối và khâu bán lẻ điện từ ngày 1-1-2016. Đồng thời, phê duyệt mô hình tổ chức của các công ty điện lực/điện lực cấp quận/huyện trong tập đoàn theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các bộ phận quản lý vận hành và kinh doanh điện. Qua đó, từng bước tách bạch về mặt tổ chức, tạo thuận lợi cho việc hạch toán tách bạch chi phí khâu phân phối và khâu bán lẻ điện trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới tách bạch về tổ chức giữa hai khâu này trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Từ năm 2017 đến nay, các tổng công ty điện lực cũng đã chủ động, từng bước triển khai hiệu quả nhiệm vụ này. Công tác tái cơ cấu nêu trên đều hướng tới việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. EVN cũng đang xây dựng Đề án thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm, dự kiến sẽ trình Bộ Công thương phê duyệt trong tháng 7-2019; Dự án Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện bán buôn hoàn chỉnh cũng đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
EVN cũng đã trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên ban hành bộ Quy chế quản trị áp dụng chung trong toàn tập đoàn; đồng thời, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ thông suốt từ công ty mẹ EVN tới các DN thành viên, góp phần quan trọng phòng ngừa rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác quản trị trong toàn tập đoàn. Tập đoàn cũng ban hành bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của các DN thành viên theo phương pháp thẻ điểm cân bằng trong quản trị DN, làm cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của DN và người quản lý DN; kiện toàn mô hình quản trị công ty đại chúng đối với các CTCP đại chúng và chưa đại chúng trong tập đoàn theo quy định của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Video đang HOT
Ngoài ra, EVN đã ký các hợp đồng ủy quyền Người đại diện quản lý phần vốn của EVN, tổng công ty thuộc EVN tại các DN thành viên, DN liên kết. Đây là một căn cứ pháp lý quan trọng ràng buộc các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người đại diện; qua đó gắn trách nhiệm pháp lý của người đại diện, người quản lý DN với kết quả, hiệu quả hoạt động của DN thành viên, DN liên kết; Công ty mẹ EVN và các DN thành viên đã thực hiện công bố thông tin đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định. Đặc biệt, năm 2018, EVN đã được tổ chức tư vấn quốc tế Fitch Rating đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức xếp hạng “BB”, ngang bằng với mức tín nhiệm quốc gia. Tập đoàn cũng được đánh giá là một trong các DNNN hàng đầu về minh bạch thông tin.
Trong giai đoạn 2019-2020, EVN sẽ tiếp tục tập trung đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, tái cơ cấu DN, cổ phần hóa và thoái vốn theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
BẢO TÙNG
Theo nhandan.com.vn
Ngành điện minh bạch thông tin
Những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó các yếu tố liên quan đến chi phí sản xuất điện, cách tính giá điện... đều đã được công khai đến khách hàng. Nhiều chuyên gia trong nước cũng như tổ chức quốc tế đều đánh giá cao mức độ công khai, minh bạch của ngành điện trong thời gian qua.
Công thức tính giá điện rõ ràng
Là chuyên gia nhiều năm tham gia đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm do Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - có những ý kiến đáng chú ý về sự minh bạch của ngành điện.
Chia sẻ với phóng viên xoay quanh câu chuyện về giá điện thời gian qua, ông Nguyễn Minh Đức cho hay: Hiện tại, quy định về cách tính giá điện đã có, thể hiện trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện. Bộ Công Thương cũng đã có thông tư quy định tương đối rõ về cách tính giá điện. Nhưng dư luận đang có nhiều ý kiến thắc mắc, hiểu lầm về giá điện, thậm chí nhiều người không tìm hiểu các quy định ấy để thấy rằng rất nhiều vấn đề đã được giải quyết. Ví dụ, việc có tính đầu tư ngoài ngành vào giá điện không thì trong công thức tính giá điện đã rất rõ là "không".
Nhân viên EVN Hà Nội tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm
"Nói chung, công thức tính giá điện khá rõ ràng so với những gì dư luận đang có ý kiến. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều rằng, không phải ai đọc cũng hiểu công thức tính giá điện. Đó là thứ tương đối khó hiểu với quảng đại quần chúng, phải có một chút kiến thức về kế toán và phải hiểu một chút về ngành điện", đại diện VCCI khẳng định.
Nói về hoạt động của đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm, ông Nguyễn Minh Đức cho biết: Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn kiểm tra chi phí giá thành. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, VCCI, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Thành phần tham gia đoàn kiểm tra như vậy là tương đối ổn, nhưng nên có thêm đại diện của các bên mua điện lớn như Hiệp hội Xi măng, Hiệp hội Thép.
Đại diện VCCI chia sẻ: "Tôi có tham gia vào đoàn kiểm tra đó và đánh giá việc kiểm tra khá nghiêm túc. Đoàn kiểm tra yêu cầu báo cáo các số liệu, rồi kiểm tra số liệu đó có khớp không. Các số liệu đó dựa trên báo cáo của Công ty Kiểm toán Deloite - 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Đoàn kiểm tra chỉ xác định có khoản nào không phù hợp được tính vào giá điện hay không; hay các mục có chuẩn không. Những năm qua, Công ty Kiểm toán Deloite đã vào làm việc, có báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm về tính chính xác của những con số trên báo cáo. Deloite bảo đảm rằng đã làm đúng nghiệp vụ kiểm toán".
"Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra trong 2-3 tuần, kiểm tra ở Hà Nội rồi đi một vài địa phương" - ông Đức cho biết thêm - "Mỗi đợt kiểm tra, tập tài liệu đoàn kiểm tra nhận được phải dày chừng 10cm, tương đối nhiều thông tin, con số chi tiết, thậm chí chi tiết đến mức từng khoản vay một sẽ có bảng thống kê chi phí lãi vay là bao nhiêu, chi phí mua điện của từng nhà máy... Ngay cả những bảng kê chi tiết của từng công ty cũng được cung cấp như chi phí nhân công là bao nhiêu, tiền ăn ca là bao nhiêu...".
Sau khi đoàn đi kiểm tra, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tổ chức họp báo công bố các loại chi phí đó. Mọi phóng viên tham gia đều nắm được. Tuy nhiên, đại diện VCCI góp ý: Tại buổi họp báo, Bộ Công Thương có thể đưa ra nhiều con số hơn như báo cáo kiểm toán của Deloite, báo cáo của các tổng công ty, những con số liên quan đến giá mua điện, chi phí nhân công...
Một đại diện của Hiệp hội Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đánh giá: Ngành điện đã minh bạch rất nhiều, không có gì gọi là kém minh bạch cả. Bởi vì ngành điện đã bắt đầu thị trường hóa phần nguồn phát điện. Ai cũng biết xây dựng một nhà máy nhiệt điện hết bao nhiêu, vận hành tốn kém bao nhiêu, suy ra giá thành mỗi kWh điện là bao nhiêu, không hề "tù mù" như một số ý kiến bình luận.
WB chấp nhận báo cáo kiểm toán của EVN
Đánh giá về ngành điện Việt Nam, ông Franz Gerner - Trưởng nhóm chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - cho hay: Trong số các quốc gia đang phát triển, Việt Nam là một trong những nước có thị trường năng lượng phát triển thành công nhất trên thế giới. Trong vài thập niên qua, tiếp cận điện năng đã tăng từ mức 50% vào năm 1996 lên 99,6% vào năm 2018.
Vừa qua, WB đã hỗ trợ chiến lược tài chính bền vững cho EVN. Ban Năng lượng toàn cầu của WB cũng đã hỗ trợ quá trình xếp hạng tín dụng của EVN, giúp EVN được xếp hạng "Nhà phát hành nợ" (Issuer Default Rating, IDR) mức "BB" với "Viễn cảnh ổn định" về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ.
Đánh giá về mức độ minh bạch của EVN - một doanh nghiệp Nhà nước - đại diện WB cho biết: EVN đã cung cấp cho WB và các cổ đông khác báo cáo tài chính hằng năm được lập theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán quốc tế thuộc Big4 trước ngày 30/6 hằng năm.
"Chất lượng báo cáo này được WB chấp nhận" - ông Franz Gerner khẳng định - "EVN cũng được các tổ chức xếp hạng tín dụng đánh giá về khả năng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và những kết quả này đều đã được công bố. Chúng tôi cũng biết rằng Bộ Tài chính yêu cầu EVN công bố báo cáo tài chính được lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam hằng năm. Các ngân hàng đang hợp tác với Bộ Tài chính để các doanh nghiệp nhà nước lớn, chẳng hạn như EVN, sử dụng báo cáo tài chính quốc tế nhằm cải thiện thêm tính minh bạch của các thông tin tài chính".
Đánh giá chung về mức độ công khai minh bạch của ngành điện, ông Nguyễn Minh Đức nói: "Tôi thấy rằng, có rất nhiều điểm ngành điện đã công khai minh bạch, đặc biệt công thức tính giá điện đã công khai mà nhiều người không đọc, thậm chí đọc mà không hiểu, nhưng vẫn nói công thức tính có vấn đề. Đây là điều tôi cho rằng cần giải thích rõ. Nhưng tôi thừa nhận ngành điện vẫn còn không gian để minh bạch hơn rất nhiều. Cho nên tôi kiến nghị nên công khai thêm từ khâu tính chi phí giá điện đến việc quyết định giá điện. Bởi danh mục của ngành công thương vẫn coi phương án giá điện là mật. Vừa qua, dự thảo sửa đổi danh mục ngành công thương cũng vẫn giữ nguyên điều này".
Ông Nguyễn Minh Đức: "Tôi thừa nhận ngành điện vẫn còn không gian để minh bạch hơn rất nhiều. Cho nên tôi kiến nghị nên công khai thêm từ khâu tính chi phí giá điện đến việc quyết định giá điện. Bởi danh mục của ngành công thương vẫn coi phương án giá điện là mật. Vừa qua, dự thảo sửa đổi danh mục ngành công thương cũng vẫn giữ nguyên điều này".
Theo petrotimes.vn
Tái cơ cấu doanh nghiệp: EVN có lãi sau thoái vốn Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, EVN thoái vốn tại 100% doanh nghiệp không liên quan đến ngành có thặng dư vốn 127 tỷ đồng. EVN hoàn thành việc chuyển đổi GENCO 3 thành công ty cổ phần EVN cho biết, trong giai...