Nỗ lực ngăn tấn công bầu cử của đảng Dân chủ
Sau khi bị tấn công mạng năm 2016, đảng Dân chủ đã quyết tâm không để kịch bản cũ lặp lại trong cuộc bầu cử quan trọng năm nay.
“Tôi nghĩ chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch và nhân sự phù hợp”, Bob Lord, giám đốc an ninh đảng Dân chủ, nói về nỗ lực ngăn chặn nguy cơ tấn công mạng và chiến dịch thông tin sai lệch trong ngày bầu cử năm nay.
Lord chuyển sang Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) từ tháng 1/2018 sau khi rời Yahoo, nơi ông đã giúp các giám đốc điều hành khôi phục dữ liệu hai vụ tấn công mạng nghiêm trọng hàng đầu thế giới. Ông đã dành hai năm qua để xây dựng lại hệ thống an ninh mạng của DNC, đào tạo nhân viên phát hiện các mối đe dọa và cung cấp hướng dẫn bảo mật cho nhiều đối tác của đảng Dân chủ. Nỗ lực của ông đã được đền đáp trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, khi các vụ tấn công của tin tặc Nga không lặp lại như trong cuộc bầu cử 2016.
Tuy nhiên, Lord và đội của ông vẫn đối mặt nhiều thách thức lớn. “Vì các chiến dịch hay ủy ban đảng chỉ mang tính chất tạm thời, việc tạo ra một hệ thống an ninh mạng hiệu quả lâu dài luôn là nhiệm vụ rất khó khăn”, Simon Rosenberg, từng là chiến lược gia cấp cao về an ninh bầu cử và thông tin sai lệch tại Ủy ban Vận động Quốc hội đảng Cộng hòa giai đoạn 2017-2018, nói. “Hầu hết mọi người làm việc ở DNC chỉ trong vài tháng và các chiến dịch cũng biến mất sau hai năm”.
Cử tri đi bỏ phiếu sớm tại hạt Arlington, bang Virginia, Mỹ, ngày 18/9. Ảnh: Reuters.
Dù các vụ tấn công mạng bầu cử ở Mỹ năm nay không phổ biến, DNC lo lắng về nguy cơ bị tấn công mạng trong ngày bầu cử, khi có thể gây gián đoạn cuộc đua vào Nhà Trắng, cũng như cuộc đua vào Thượng viện và cơ quan lập pháp bang. Lord chia sẻ DNC đã dành hai năm qua để chuẩn bị cho việc ngăn chặn các mối đe dọa như vậy.
DNC đã nỗ lực để đảm bảo toàn bộ nhân viên tuân thủ các hướng dẫn bảo mật an ninh, suy nghĩ tới vấn đề an ninh mạng khi đưa ra các quyết định và xây dựng nền tảng công nghệ. Lord và các đồng nghiệp của ông đã thực hiện nhiều vụ tấn công mô phỏng để kiểm tra mức độ cảnh giác của nhân viên. Đồng thời, họ cũng hiện đại hóa công nghệ để tránh tạo ra các “lỗ hổng an ninh”.
“Đó là một quá trình dài để đảm bảo mọi người, mọi quy trình và công nghệ đều theo đúng quy tắc bảo vệ an ninh tốt”, Lord nói.
Ông thêm rằng quá trình này không dễ dàng nhưng những kinh nghiệm quý báu khi xử lý các vấn đề an ninh mạng ở Yahoo và Twitter đã giúp đỡ ông rất nhiều.
DNC từ chối cung cấp chi tiết những nâng cấp an ninh vì lý do bảo mật. Tuy nhiên ủy ban này thừa nhận chống tấn công an ninh mạng bầu cử là cuộc chiến “không hồi kết”.
“Chúng ta không thể hoàn toàn ngăn chặn tấn công hoặc xâm nhập”, Nellwyn Thomas, giám đốc công nghệ của DNC, nói. “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là không ngừng giảm lỗ hổng an ninh và liên tục cải thiện khả năng theo dõi, phát hiện xâm nhập”.
Video đang HOT
DNC có thể được xem là trung tâm vận hành của đảng Dân chủ, nhưng cũng chỉ là một mắt xích trong toàn bộ hệ thống của đảng Dân chủ. Mạng lưới rộng lớn của đảng Dân chủ bao gồm ủy ban, chiến dịch, đảng ở từng bang, cố vấn, chiến lược gia và các nhà thầu, nên Lord không thể kiểm soát an ninh của tất cả.
Khác những công ty ở Thung lũng Silicon mà Lord từng bảo vệ, các ủy ban và cơ quan đảng ở từng bang là những tổ chức hoạt động riêng biệt. Do đó, để có thể xây dựng hệ thống bảo vệ an ninh cho toàn đảng Dân chủ, Lord đã phải nỗ lực tìm cách phối hợp với cơ quan thành viên và trao đổi thông tin hàng tuần.
Do không thể kiểm soát các cơ quan này, đội ngũ an ninh của DNC chỉ cung cấp các lời khuyên bảo mật, đồng thời thiết lập trung tâm chuyên môn để các quan chức bầu cử địa phương có thể tìm kiếm trợ giúp khi cần. Trong hai năm qua, DNC thường xuyên cung cấp cho các cơ quan của đảng Dân chủ nhiều tài liệu, bản tin điện tử, hội thảo trực tuyến và cảnh báo về các vấn đề an ninh.
DNC cũng thường xuyên yêu cầu đối tác báo cáo các hoạt động đáng ngờ để ủy ban này hiểu rõ hơn về các mối đe dọa bên ngoài. “Chúng tôi không chỉ quan tâm tới các vấn đề mà họ gặp phải, mà còn có thể phát hiện ra nguy cơ lớn hơn. Ví dụ nếu hai, ba cơ quan địa phương báo cáo cùng một vấn đề, đó có thể là điều chúng tôi cần nghiên cứu kỹ hơn”, Lord nói.
Một trong những thành tựu đáng ghi nhận nhất của Lord chính là danh sách kiểm tra an ninh thu gọn mà DNC phân phát cho các đối tác. Nó mô tả một số biện pháp bảo vệ cơ bản, như xác thực hai lớp, mà các chuyên gia cho rằng có thể giúp ngăn chặn phần lớn các nguy cơ.
Đội của Lord cũng thực hiện “các cuộc kiểm tra đột xuất” về hoạt động an ninh mạng của đảng Dân chủ. Cho tới đầu tháng 10, nhóm của ông chưa phát hiện “mối đe dọa lớn” nào.
Giống như mọi tổ chức chống tấn công an ninh mạng khác, DNC cũng dựa vào các công ty công nghệ lớn để ngăn những kẻ xấu lợi dụng nền tảng mạng xã hội. Việc hợp tác không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Đội an ninh của DNC có “mối quan hệ tốt” với các đối tác tại Facebook, Twitter và nhiều công ty mạng xã hội khác trong vấn đề phân tích và gỡ thông tin sai lệch, hoặc chiến dịch gây ảnh hưởng từ nước ngoài, theo Lord. Tuy nhiên, họ khó có thể khiến các công ty này đưa ra thay đổi mang tính hệ thống về các quy định kiểm duyệt nội dung.
“Dù có mối quan hệ khá tốt, chúng tôi vẫn cảm thấy có nhiều vấn đề lớn hơn chưa được giải quyết”, Lord nói.
Nhân viên dùng máy quét phiếu bầu qua thư tại văn phòng bầu cử hạt King, bang Washington hôm 20/10. Ảnh: AP.
Hồi tháng 7, DNC đã chỉ trích Facebook vì không tuân thủ những cam kết bảo vệ cuộc bầu cử 2020 sau khi để “tin tặc Nga” tấn công nền tảng này năm 2016. Ủy ban này cho rằng công ty của Mark Zuckerberg “không giữ lời hứa” khi để Tổng thống Donald Trump vi phạm quy định tuyên truyền thông tin sai lệch về bầu cử, cũng như không khắc phục thuật toán để hạn chế hiển thị các thông điệp mang tính thù địch.
Ngoài mối lo ngại về kiểm duyệt nội dung, Lord còn quan tâm đến việc kích hoạt các tính năng bảo mật cơ bản. Các công ty công nghệ không có tiêu chuẩn thống nhất về cách tính năng bảo mật hoạt động trên nền tảng của họ. Điều này có nghĩa người dùng phải thực hiện các bước khác nhau trên mỗi trang để kích hoạt chúng.
“Mục tiêu của bạn không nên là khiến tính năng bảo mật hai lớp trở nên dễ dàng hơn với người dùng của bạn, mà phải là dễ dàng hơn với người dùng của công ty đối thủ”, Lord nói trong cuộc thảo luận tại một công ty công nghệ.
Tuy nhiên, ông phàn nàn rằng các công ty công nghệ hoàn toàn không nghĩ về vấn đề bảo mật an ninh theo cách như vậy.
Những kịch bản tranh chấp kết quả bầu cử Mỹ
Cách biệt sít sao về số phiếu bầu hay kết quả kiểm phiếu không thống nhất ở địa phương có thể dẫn tới tranh chấp trong bầu cử tổng thống Mỹ.
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố đảng Dân chủ có thể gian lận trong kỳ bầu cử tháng 11 thông qua hệ thống bỏ phiếu qua thư, song không đưa ra bằng chứng. Ông cũng liên tục ngụ ý rằng sẽ không chuyển giao quyền lực một cách hòa bình nếu kết quả kiểm phiếu cho thấy ông thất bại trước đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
Những tuyên bố trên khiến phe Dân chủ không khỏi lo lắng về việc chiến dịch tranh cử của Trump sẽ tìm cách thách thức kết quả bầu cử.
Cử tri đi bỏ phiếu sớm tại hạt Arlington, bang Virginia, Mỹ, ngày 18/9. Ảnh: Reuters.
Dữ liệu bầu cử sớm cho thấy số lượng cử tri Dân chủ bỏ phiếu qua thư lớn hơn nhiều so với cử tri Cộng hòa. Theo chuyên gia, tại các bang như Pennsylvania hay Wisconsin, nơi không kiểm phiếu bầu qua thư trước ngày bầu cử, kết quả kiểm phiếu sơ bộ có thể nghiêng về phía Trump, trong khi những nơi kiểm phiếu bầu qua thư sớm sẽ mang đến lợi thế cho Biden.
Phe Dân chủ từng bày tỏ lo ngại về khả năng Tổng thống Trump vẫn sẽ tuyên bố chiến thắng vào đêm bầu cử, rồi sau đó cáo buộc những lá phiếu gửi qua thư bị gian lận.
Một kết quả bầu cử với cách biệt sát sao tiềm ẩn khả năng dẫn đến những kiện tụng về thủ tục bỏ phiếu thông thường và bỏ phiếu qua thư tại các bang chiến trường. Những vụ kiện được trình lên ở các bang cuối cùng có thể được Tòa án Tối cao định đoạt, như cách cuộc bầu cử ở Florida diễn ra hồi năm 2000.
Lúc bấy giờ, ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa George W. Bush giành chiến thắng trước ứng viên đảng Dân chủ Al Gore chỉ với 537 phiếu bầu phổ thông tại Florida sau khi Tòa án Tối cao ra lệnh dừng việc kiểm phiếu lại.
Tổng thống Trump gần đây đã thúc đẩy Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát phê chuẩn thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao. Đây là lần thứ ba Tổng thống Trump đề cử thành công ứng viên thẩm phán vào Tòa án Tối cao và củng cố đa số ghế bảo thủ tại tòa án với tỷ lệ 6-3.
Việc bà Barret được phê chuẩn mang đến chiến thắng bước ngoặt cho Trump và thu hút được lượng cử tri bảo thủ khi cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn cách 8 ngày. Bên cạnh đó, khi tòa án phải vào cuộc định đoạt nếu xảy ra tranh chấp bầu cử, điều này chắc chắn sẽ có lợi cho Tổng thống Trump.
Một kịch bản tranh chấp kết quả bầu cử khác có thể diễn ra là bất đồng về phiếu đại cử tri mà các ứng viên giành được ở mỗi bang, dựa trên kết quả kiểm phiếu phổ thông.
Tổng thống Mỹ không được bầu bởi đa số phiếu phổ thông. Theo Hiến pháp, ứng viên nào giành được đa số trong 538 phiếu đại cử tri, được gọi là Cử tri Đoàn, sẽ trở thành tổng thống kế tiếp. Năm 2016, Trump thua ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton về số phiếu phổ thông nhưng lại giành được 304 phiếu đại cử tri, so với 227 phiếu của đối thủ.
Ứng viên giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông ở mỗi bang thường sẽ nhận được toàn bộ số phiếu đại cử tri theo quy định tương ứng tại bang đó. Năm nay, các đại cử tri sẽ nhóm họp vào ngày 14/12 để bỏ phiếu. Lưỡng viện của quốc hội sẽ họp vào ngày 6/1 để kiểm phiếu đại cử tri và nêu tên người chiến thắng.
Thông thường, các thống đốc sẽ xác nhận kết quả ở các bang của họ và thông báo danh sách đại cử tri của bang mình với quốc hội.
Nhưng các học giả đã vạch ra một kịch bản mà ở đó thống đốc và cơ quan lập pháp của một bang xảy ra tranh cãi và đệ trình hai danh sách đại cử tri khác nhau. Những bang chiến trường như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Bắc Carolina đều có thống đốc của đảng Dân chủ nhưng cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Theo các chuyên gia pháp lý, không rõ trong kịch bản này liệu quốc hội sẽ chấp nhận kết quả bầu cử do thống đốc đệ trình hay hủy công nhận toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó.
Các đảng có thể yêu cầu Tòa án Tối cao giải quyết bất kỳ bế tắc nào liên quan đến tranh cãi kết quả bầu cử, nhưng không chắc tòa án sẽ sẵn sàng phân xử cách quốc hội kiểm phiếu đại cử tri.
Kịch bản tranh chấp thứ ba là khi cả hai ứng viên đều cùng đạt 269 phiếu đại cử tri (không quá bán). Kịch bản này sẽ kích hoạt một cuộc bầu cử đặc biệt theo Tu chính án thứ 12 Hiến pháp Mỹ, đồng nghĩa Hạ viện sẽ chọn tổng thống tiếp theo vào Thượng viện chọn phó tổng thống.
Mỗi nhóm nghị sĩ của một bang tại Hạ viện có một lá phiếu duy nhất. Hiện nay, phe Cộng hòa kiểm soát 26 trên 50 nhóm nghị sĩ bang và phe Dân chủ kiểm soát 22. Trong hai nhóm còn lại, một nhóm có số đảng viện Cộng hòa và Dân chủ ngang bằng, nhóm kia gồm 7 đảng viên Dân chủ, 6 đảng viên Cộng hòa và một đảng viên Tự do.
Mọi tranh chấp bầu cử tại quốc hội đều phải được định đoạt trước thời hạn là ngày 20/1, thời điểm mà Hiến pháp Mỹ quy định nhiệm kỳ của tổng thống hiện tại kết thúc.
Theo Đạo luật Kế nhiệm Tổng thống, nếu quốc hội vẫn chưa thể tuyên bố người thắng cử tổng thống và phó tổng thống vào thời điểm nêu trên, Chủ tịch Hạ viện sẽ giữ vai trò quyền tổng thống. Nancy Pelosi, đảng viên Dân chủ bang California, hiện giữ chức chủ tịch Hạ viện.
Cử tri Cộng hòa bi quan về tương lai Mỹ dưới thời Trump Kết quả thăm dò cho thấy phần lớn người ủng hộ đảng Cộng hòa bi quan về tương lai của nước Mỹ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện tuần trước cho thấy 46% người Mỹ ủng hộ đảng Cộng hòa cho rằng đất nước đang đi đúng hướng. Đây là lần đầu tiên...