Nỗ lực giữ song thai cho sản phụ mắc K vú
13 năm hiếm muộn, nhiều lần làm IVF thất bại và mới phát hiện ung thư vú cách đây 3 năm, chị Nguyễn Thị T. (38 tuổi) không thể tin có ngày mình được làm mẹ. Các bác sĩ Bệnh viện K đã nỗ lực đồng hành với sản phụ trong quá trình giữ thai và chào đón song thai chào đời an toàn.
Song thai chào đời thành công từ sản phụ mắc ung thư vú.
Chị T. có chồng ảnh hưởng chất độc da cam, chị T. và chồng chờ đợi 13 năm chạy chữa khắp nơi những vẫn không có hy vọng. Tháng 10/ 2020, chị T. được chẩn đoán ung thư vú trái giai đoạn cT3N2M0, chị T. được điều trị hóa chất bổ trợ trước AC x 6 chu kỳ, đáp ứng một phần, sau đó được phẫu thuật, kết quả giải phẫu bệnh sau mổ: ung thư biểu mô tuyến vú xâm nhập, NST độ 3, 9/11 hạch.
Chị T. được bác sĩ chỉ định xạ trị bổ trợ ra viện vào tháng 6/2021. Do hoàn cảnh khó khăn và nguyện vọng của chị T. vì vậy bệnh nhân không điều trị đích, theo dõi và khám định kỳ theo hẹn 3 tháng/lần.
Đầu tháng 5/2023 chị T. thực hiện chuyển phôi IVF thành công (phôi được tạo năm 2020 trước thời điểm điều trị hóa chất). Đến tháng 9/2023 khi ở tuần 20 của thai kỳ, chị T. phát hiện thấy hạch cổ, đi khám tại Thái Nguyên, Cyto hạch, cần điều trị.
Sau khi được bác sĩ tư vấn kỹ, đứng trước ranh giới lựa chọn điều trị cho mẹ, hay giữ lại 2 con thì chị T.vẫn đưa ra quyết định … “Em quyết tâm giữ con”.
Tháng 11/2023 khi hạch cổ trái tăng kích thước khá lớn, gây hạn chế trong sinh hoạt, vận động cổ kèm đau nhiều, phù nề cánh tay trái, chị được bác sĩ chuyển nhập viện Bệnh viện K vào ngày 17/11/2023.
Video đang HOT
Sức khỏe kém nhưng quyết tâm quyết định giữ lại đứa bé với mong muốn sẽ cầm cự được nhiều nhất có thể đủ để đứa bé có thể chào đời đã khiến các bác sĩ Bệnh viện K quyết định trao đổi cùng Bệnh viện Phụ sản Trung ương để theo dõi sát sự phát triển của khối u cho chị T. và mong muốn kéo dài tối đa tuần tuổi thai kỳ.
Sau 2 tuần theo dõi và điều trị tích cực, khối u tiếp tục tiến triển, các cuộc hội chẩn trong viện và liên viện diễn ra trong ngày 4/12 và 5/12 để đánh giá toàn trạng bệnh nhân.
Các chuyên gia hội chẩn trước khi tiến hành phẫu thuật lấy thai cho sản phụ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cho biết, kết quả siêu âm cổ trái có nhiều hạch tập trung thành đám đường kính 13mm; Siêu âm Doppler mạch máu: Huyết khối hoàn toàn tĩnh mạch nách và đoạn đầu tĩnh mạch cánh tay trái. Động mạch có huyết khối bán phần đoạn đầu động mạch cánh tay trái. Phù nề toàn bộ phần mềm chi trên bên trái. Huyết khối động tĩnh mạch chi trên trái.
“Bệnh nhân T.là trường hợp ung thư vú trái tái phát di căn hạch thượng đòn trái xâm lấn da/Song thai IVF sang tuần 32 tuần. Khó khăn đặt ra với ê-kíp chúng tôi điều trị đó là vừa kiểm soát sự tiến triển của khối u, vừa bảo đảm an toàn cho song thai phát triển.
Khối u hạch chèn ép gây đau đớn cho người bệnh, phải chống đông xử lý huyết khối của khối u nếu không sẽ có nguy cơ tắc nghẽn phổi.
2 tuần qua các bác sĩ Bệnh viện K phải đưa ra các phương án điều trị, chăm sóc đặc biệt từ dinh dưỡng, tim mạch, ung thư … Hiện tại u phát triển rất nhanh, nếu không mổ khối u có thể gây xâm lấn, vỡ tắc mạch, chèn ép, khó thở, vì vậy phương án đưa ra là phẫu thuật bảo đảm an toàn cho 3 mẹ con chị T.”, bác sĩ Bình cho hay.
Mọi công tác chuẩn bị được diễn ra khẩn trương và cẩn trọng nhất. Ê-kíp phẫu thuật cũng có sự tham gia của bác sĩ cả 2 bệnh viện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, ê-kíp gồm bác sĩ chuyên khoa II Đặng Quang Hùng, Phó Trưởng khoa sản, Bệnh viện Phụ sản; Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trí Chinh, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K cùng ekip gây mê Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Thọ, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện K cùng trao đổi rất kỹ trước khi tiến hành phẫu thuật về các diễn biến có thể xảy ra trong mổ. Cuộc mổ được cân nhắc, tính toán kỹ càng để bảo đảm an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Chỉ ít phút sau ca mổ diễn ra, đúng 12 giờ 10 phút, 2 bé gái Nghiêm Thị L.; Nghiêm Thị H. đều nặng 1.800 gram chào đời, tiếng khóc của em như khiến niềm vui vỡ òa của người mẹ. Ê-kíp mổ cũng rất xúc động, em bé được các bác sỹ chăm sóc tận tình và chuyển về chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Ca mổ tiếp tục được thực hiện phối hợp nhịp nhàng dù còn nhiều khó khăn nguy cơ chảy máu. Sau gần 1 giờ đồng hồ, cuộc mổ kết thúc thành công nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của ê-kíp phẫu thuật liên viện. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Hai em bé được đưa sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc.
Gia đình chị T. rất vui mừng vì ca mổ thành công tốt đẹp, chị T. cũng chia sẻ với những giọt nước mắt hạnh phúc: “Nhìn thấy 2 con khỏe mạnh là ước nguyện lớn nhất của cả gia đình, cảm ơn các bác sĩ 2 bệnh viện rất nhiều, em sẽ quyết tâm điều trị để sớm được gặp và chăm sóc các con”.
Trường hợp của chị T. là câu chuyện đầy xúc động về tình mẫu tử, nhưng dưới góc nhìn chuyên môn, các bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo với chị em đã điều trị ung thư, trong thời gian sau điều trị nên theo dõi sức khỏe của bản thân, tái khám đúng hẹn và đặc biệt là trao đổi với bác sĩ chuyên khoa ung bướu về nguyện vọng của bản thân để từ từng cá thể bác sĩ sẽ thăm khám, tư vấn và phối hợp các chuyên khoa khác đưa ra cho bạn lời khuyên hữu ích nhất bảo đảm về khoa học và ý nghĩa nhân văn.
Cấp cứu thành công thai phụ suy gan - thận - hô hấp nặng do sản giật
Ngày 14-11, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh) thông thin về 10 ngày can thiệp ECMO tích cực, cứu sống sản phụ bị nguy hiểm đến tính mạng do sản giật.
Sản phụ hồi sinh ngoạn mục sau 10 ngày điều trị tích cực.
Theo đó, sản phụ L.T.K.A, ngụ tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang mang thai lần thứ 2 ở tuần thứ 31. Nhưng từ tháng thứ 3 của thai kỳ, chị bị phù 2 chân, phù mặt và diễn tiến ngày càng tăng dần; đến tuần thứ 30, phù toàn thân, huyết áp khó kiểm soát. Ngày 30-10, sản phụ nhập viện tại địa phương với chẩn đoán sản giật, tổn thương đa cơ quan (tổn thương gan, thận cấp), chuyển dạ sinh non ở thai kỳ 31 tuần 4 ngày.
Tình trạng nguy kịch vượt quá khả năng điều trị tại địa phương, chị K.A được chuyển viện khẩn đến Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) lúc 2h30 sáng 1-11, được mổ lấy thai cấp cứu trong vòng 1 giờ sau nhập viện. Bé trai, cân nặng 1.600g, khỏe mạnh. Sau mổ lấy thai, sản phụ suy hô hấp nặng, suy thận cấp tiến triển nhanh, tổn thương gan cấp tiến triển. Sản phụ được hội chẩn liên bệnh viện với các chuyên gia hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân Gia Định và chuyển viện vào ngày 05-11.
Thạc sĩ, bác sĩ Giang Minh Nhật, Trưởng đơn vị Hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: "Nhận định đây là một trường hợp bệnh rất nặng, sản phụ được hội chẩn cấp bệnh viện ngay trong đêm và tiến hành can thiệp VV ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể chỉ định trong trường hợp suy hô hấp nặng)".
Sau can thiệp VV-ECMO 8 ngày kết hợp lọc máu liên tục, kiểm soát huyết áp, chức năng gan và thận bệnh nhân cải thiện, đồng thời, tổn thương phổi phục hồi ngoạn mục. Sản phụ được rút nội khí quản và tự thở ngày 13-11 và ngưng VV ECMO ngày 14-11.
Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: "Sản giật là một biến chứng nặng của sản khoa, có thể gây xuất huyết não, suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong nếu không được xử trí kịp thời và phối hợp đa chuyên khoa phù hợp. Điều may mắn trong trường hợp này là người bệnh đã được hội chẩn liên bệnh viện kịp thời và can thiệp bằng phương tiện hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu bởi các chuyên gia nhiều kinh nghiệm nên sức khỏe đã phục hồi ngoạn mục".
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Sản giật thường đi sau tiền sản giật, được đặc trưng bởi huyết áp cao xảy ra trong thai kỳ và hiếm khi xảy ra sau khi sinh.
Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến sản giật trong thai kỳ bao gồm: Tăng huyết áp thai kỳ hoặc mạn tính (huyết áp cao), bệnh đái tháo đường hoặc một tình trạng khác ảnh hưởng đến mạch máu, bệnh thận...
Các bác sĩ có thể phát hiện ra các dấu hiệu bất thường thông qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm trong thai kỳ có bất thường, như chỉ số protein trong nước tiểu. Chính vì vậy, để phòng ngừa sản giật cũng như các biểu hiện bất thường khác, các bà mẹ hãy đi khám thai định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Loại cây quen thuộc ở Việt Nam, được mệnh danh là 'nhân sâm của người nghèo' Đinh lăng là loại cây quen thuộc của người Việt, được trồng ở nhiều nơi. Đặc biệt, toàn bộ cây đinh lăng từ lá, thân, rễ, củ đều có tác dụng tốt cho sức khỏe. Dưới đây là chia sẻ của lương y Bùi Đắc Sáng - Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội về...