Nỗ lực cung cấp nước sạch an toàn, ổn định
Để cung cấp nước sạch an toàn cho hơn 10 triệu người dân TP Hồ Chí Minh, những năm qua, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đồng bộ.
Trong đó, chương trình giảm thất thoát – thất thu để kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống dưới 19% được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Sawaco cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nước sạch, hướng đến cung cấp nước uống tại vòi.
Mạng lưới đường ống cấp 1 do Sawaco đầu tư lắp đặt tại tuyến đường Nguyễn Cửu Phú để tăng áp lực nước trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.
Từ cuối năm 2020 đến nay, trên công trường thi công lắp đặt tuyến ống cấp nước cấp 1 ở đường Nguyễn Cửu Phú trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân luôn nhộn nhịp từng tốp công nhân làm việc liên tục. Đây là công trình trọng điểm có nguồn vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để phát triển mạng lưới cấp nước và tăng áp lực nước cho các hộ dân một số xã của huyện Bình Chánh và phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Ông Nguyễn Văn Cơ, ngụ ấp 5, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, chia sẻ: “Mặc dù nước sạch đã về đến nơi nhưng còn rất yếu cho nên các hộ dân ở đây vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Chúng tôi mong chờ công trình sớm hoàn thành để nguồn nước đưa về mạnh hơn và bảo đảm có nước liên tục”.
Nỗ lực đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước, trong năm 2020, Sawaco đã thi công, phát triển được gần 72 km mạng lưới đường ống cấp 1 và cấp 2 với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Nhờ đó, có thêm 8.000 hộ dân được gắn mới đồng hồ nước, nâng tổng số hộ dân của thành phố sử dụng nước sạch qua đồng hồ gần 2,2 triệu hộ (tăng 10.953 hộ so với năm 2019).
Tổng Giám đốc Sawaco Trần Quang Minh cho biết: Sawaco tiếp tục duy trì chỉ tiêu 100% hộ dân thành phố được cung cấp nước sạch theo Nghị quyết của HĐND thành phố. Sawaco cùng các công ty cổ phần cấp nước đã nỗ lực thực hiện giảm thất thoát nước với tỷ lệ giảm sâu so với năm trước. Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ nước thất thoát, thất thu giảm còn 18,6%, giảm thấp hơn so kế hoạch năm 2020 đề ra (chỉ tiêu 19%) và giảm 2,53% so bình quân năm 2019. Đây được xem là nỗ lực lớn, vì thời điểm những năm 2017, 2018, tỷ lệ thất thoát nước của TP Hồ Chí Minh ở mức rất cao (hơn 26%).
Cùng với việc đẩy mạnh giảm thất thoát nước, đưa ra nhiều kịch bản ứng phó trước diễn biến của biến đổi khí hậu, ngành cấp nước thành phố cũng chủ động triển khai ứng dụng nhiều công nghệ quản lý hiện đại, xây dựng nhiều công trình hỗ trợ nhằm bảo đảm duy trì cung cấp nước ổn định cho người dân, cũng như an ninh, an toàn cho nguồn nước thành phố, hướng đến mục tiêu cấp nước an toàn. Trong hai năm gần đây, Sawaco đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để giám sát và đánh giá chất lượng nước tại một số nhà máy nước như Nhà máy nước Thủ Đức; Nhà máy nước Tân Hiệp 1, 2; Nhà máy nước BOO Thủ Đức với các phần mềm ứng dụng quản lý như: Hệ thống thông tin địa lý mạng lưới cấp nước –
SAWAGIS; hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA); hệ thống giám sát chất lượng nước liên tục (online)…
Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước của Sawaco Trần Kim Thạch chia sẻ: Hiện nay, các nhà máy cấp nước của thành phố đều thực hiện theo dõi thường xuyên, liên tục độ mặn nước sông qua hệ thống quan trắc online, cài đặt các ngưỡng cảnh báo trong hệ thống Scada của các nhà máy để ứng phó sự cố kịp thời. Sawaco cũng đã hoàn thành việc nâng công suất các bể chứa nước sạch của các nhà máy nước, tăng khả năng lưu trữ lượng nước lên từ 8 đến 10 giờ để bảo đảm duy trì cung cấp cho người dân khi có sự cố xảy ra. Về lâu dài, đối với nguồn nước sông Sài Gòn, Sawaco đang nghiên cứu và đề xuất phương án xây dựng hồ chứa theo một trong hai cách: Xây dựng một hồ chứa mới trên sông Sài Gòn, hoặc ngăn một đoạn sông để tạo thành hồ chứa nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm do xả thải ở đầu nguồn.
Theo đánh giá của Sawaco, đơn vị cũng đang gặp một số bất cập, hạn chế. Số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng, hoặc có mức tiêu thụ rất ít (người dân vẫn có thói quen sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt, sản xuất) từ 1 đến 4 m3/tháng vẫn còn ở mức khá cao, tập trung ở các khu vực vùng ven như quận 12, huyện Hóc Môn và Bình Chánh, gây ra sự lãng phí rất lớn nguồn vốn đã đầu tư. Đáng lưu ý, tình hình chuyển mặn tại sông Sài Gòn và sông Đồng Nai theo hướng ngày càng xấu hơn so với bình quân các năm, nhất là sông Sài Gòn có thời điểm trên 250mg/l độ mặn tại trạm bơm Hòa Phú…
Với mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, cấp nước an toàn, ổn định cho nhân dân TP Hồ Chí Minh, năm 2021, ngành cấp nước thành phố phấn đấu giảm tỷ lệ nước thất thoát, thất thu dưới 18,86%; tiếp tục phát triển hệ thống cấp nước thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dự báo, sản xuất nước sạch. Sawaco phối hợp với UBND các quận, huyện thực hiện khảo sát từ 1.500 đến 2.000 vị trí gồm các trường học, các khu vực công cộng để lắp đặt nước uống tại vòi.
Nông dân các xã nghèo hưởng lợi từ dự án "Nước sạch và công nghệ 4.0"
Dự án "Nước sạch và công nghệ 4.0" do các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và các đối tác Việt Nam, được tài trợ bởi Chính phủ Australia, đã được khởi động thành công tại 4 xã vùng đồng bằng sông Hồng, giúp loại bỏ arsen và các tạp chất khỏi nguồn nước sinh hoạt cho nông dân.
Video đang HOT
Nước sạch cho trường mới
Nhân khai giảng năm học mới 2020 - 2021, cùng với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng ngôi trường mới khang trang, Trường Mầm non xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, lần đầu tiên được lắp đặt 2 hệ thống lọc nước hiện đại, hiệu quả, có khả năng lọc arsen và các chất ô nhiễm khác trong nước ngầm.
Hệ thống lọc này do dự án "Nước sạch và công nghệ 4.0" tài trợ nhằm ứng dụng những kết quả nghiên cứu của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và các đối tác Việt Nam về lọc nước nhiễm arsen và các chất ô nhiễm khác để cung cấp nước sạch cho người nghèo.
Là xã ngoại thành Hà Nội, từ nhiều năm nay, xã Phương Tú vẫn chưa có nước sạch để dùng. Theo các nghiên cứu của UNICEF, một số quận, huyện phía nam Hà Nội, trong đó có Ứng Hòa, cũng như ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, nước ngầm bị nhiễm arsen rất nặng, trong khi công trình nước sạch đạt chuẩn Bộ Y tế rất thấp. Người dân trong xã phải dùng nước ngầm chỉ được lọc thô qua cát cho sinh hoạt hàng ngày và mua nước đóng bình để ăn uống.
Các cô giáo Trường Mầm non xã Phương Tú kiểm tra hệ thống lọc nước cho bếp ăn của trường.
Hệ thống lọc nước sinh hoạt có công suất 5m3/h và hệ thống lọc nước uống liền công suất 250l/h sẽ cung cấp nước sạch và an toàn cho khoảng 800 em học sinh cùng hàng chục cán bộ, giáo viên của trường.
Hiệu trưởng nhà trường Bùi Thị Nhung cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi trường có nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn và tốt cho sức khỏe của các em nhỏ. Bố mẹ các em cũng sẽ yên tâm khi gửi con đến trường".
Hàng trăm hộ nông dân được cấp nước sạch
Ông Phạm Văn Đoàng - Trưởng thôn Ngọc Động, xã Phương Tú - là một trong 2 người đầu tiên được lắp thử nghiệm hệ thống lọc cho hộ gia đình từ tháng 6/2020. Sau 2 tháng sử dụng, ông cho biết: "Tôi cảm thấy rất yên tâm. Khác với trước đây, bây giờ đi làm về, hoặc khi các cháu nhà tôi đi học về, chúng tôi có thể uống nước sạch từ vòi".
Bên cạnh xã Phương Tú, dự án đang được thực hiện ở 3 xã tại tỉnh Hà Nam nhằm lắp đặt hệ thống lọc cho 300 gia đình và 3 cơ sở công cộng như trường học, trạm y tế và có thể mở rộng tiếp, đem lại nguồn nước sạch cho hàng nghìn người dân tại các địa phương này.
Tại Hà Nam, nước sông Nhuệ được sử dụng để xử lý làm nước máy cấp cho người dân. Song theo số liệu quan trắc mới đây của Tổng cục Môi trường, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có chất lượng môi trường nước từ xấu đến rất xấu với 13 điểm ô nhiễm, chiếm 62% số điểm quan trắc.
Dự án do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ thông qua Chương trình Aus4Innovation nhằm tăng cường năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam và được quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST).
Đây là bước phát triển tiếp theo từ một dự án nghiên cứu hệ thống lọc nước nhiễm arsen được thực hiện từ năm 2017, cũng do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia thông qua chương trình InnovationXChange tài trợ.
Ở đồng bằng sông Hồng, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu của Thuỵ Sĩ kết hợp với Đại học Khoa học tự nhiên xuất bản năm 2011, khoảng 1 triệu người phải dùng nước nhiễm arsen (cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới 0,01mg/l).
Trong thời gian từ năm 2017 - 2019, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Sydney (Australia) và Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo thành công một loại vật liệu lọc arsen trong nước ngầm rất hiệu quả từ các nguyên liệu địa phương có nguồn gốc từ đá ong, giá thành hợp lý, thân thiện với môi trường, đảm bảo loại bỏ được arsen trong nước xuống dưới 0,01mg/l, đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống QCVN.
Trong dự án "Nước sạch và công nghệ 4.0", UTS đã hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam, như Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) và Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và chuyển giao công nghệ cho Công ty Công nghệ Môi trường Quang Minh để chế tạo các hệ thống lọc mới, quy mô phù hợp hộ gia đình và công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa. Ngoài arsen, hệ thống lọc mới có thể xử lý các chất ô nhiễm khác như amoni, chất hữu cơ, vi khuẩn mầm bệnh, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đáp ứng tiêu chuẩn nước uống của Việt Nam.