Nợ đọng chất chồng, ai chịu?
Trong phiên chất vấn hôm nay (5-6), cử tri mong chờ Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải trình một cách thuyết phục phương án trả nợ và bố trí nguồn cho xây dựng các dự án giao thông – “mạch máu” của nền kinh tế
Trong hơn 9.600 dự án đang triển khai trên cả nước, có 8.000 dự án chuyển tiếp và chỉ 400 dự án khởi công mới, nguồn lực còn lại dành trả nợ và thanh toán. Riêng ngành giao thông vận tải (GTVT) tồn đọng nợ trên 20.000 tỉ đồng. Nợ đọng xây dựng cơ bản gây áp lực trả nợ lớn, làm mất cơ hội đầu tư dự án cấp bách mới.
Ứng trước, trả sau
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính thuộc Học viện Tài chính, nhận diện khoản nợ trên 20.000 tỉ đồng của ngành giao thông là do tình trạng xây dựng các dự án thời kỳ trước một cách ồ ạt nhưng không bố trí được vốn từ kế hoạch quyết toán ngân sách thu chi hằng năm mà phải chuyển qua quyết toán các năm sau. Tình trạng này kéo dài qua nhiều năm dẫn đến nợ đọng ngày càng tăng và khó xử lý. “Tuy khoản nợ này sẽ được bố trí xử lý dần thông qua cân đối dòng tiền các năm, không phải là nợ công nhưng đã gây áp lực lên cân đối ngân sách. Theo đó, ngân sách phải trả nợ các dự án cũ trong thời gian dài khiến cạn kiệt nguồn xây dựng dự án mới, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội bởi dự án giao thông được coi là “mạch máu” của nền kinh tế” – ông Độ phân tích.
Đầu tư hạ tầng giao thông vẫn là vấn đề cấp thiết hiện nay Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Dù vậy, ông Độ cho rằng đầu tư cho hạ tầng giao thông là vấn đề cấp thiết nhằm phục vụ nhu cầu tăng trưởng của các ngành kinh tế nên không thể đòi hỏi ngành này không có nợ đọng cơ bản, song cần cân đối hài hòa giữa phần dành cho trả nợ và phần đầu tư mới. “Nợ đọng là hậu quả của giai đoạn đầu tư trước, phải phân bổ trả dần. Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải thể hiện được sự hài hòa giữa giải quyết nợ đọng và đầu tư dự án cấp bách mới” – ông Độ nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh, quốc gia nào trong quá trình phát triển đều đầu tư mạnh vào GTVT. Việt Nam nợ đọng lớn tại ngành này trong thời kỳ trước thực chất là hệ quả của đòi hỏi phát triển hạ tầng phục vụ nền kinh tế. Thế nên, con số nợ đọng 20.000 tỉ đồng sẽ không “quá nghiêm trọng” nếu các phương án phân bổ, quyết toán ngân sách, đầu tư công trung hạn giải quyết được vấn đề trả nợ song hành với đầu tư. “Vấn đề tồn tại ở nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, không riêng ngành giao thông, là mức độ hiệu quả kém, không chỉ ra được nguồn vốn dành để giải quyết. Chúng ta chấp nhận làm trước trả nợ sau nhưng phải có nguồn để trả. Đầu tư kém hiệu quả, khó xử lý nợ đọng sẽ là gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế. Trung Quốc đầu tư thiếu tính toán vào GTVT khiến số nợ của chính phủ nước này lên đến 256% GDP. Đây là bài học lớn cho Việt Nam soi xét” – TS Lê Đăng Doanh chỉ ra và góp ý bất cứ dự án nào sau này, trước khi quyết định phê duyệt, cần thuyết minh đầy đủ hiệu quả kinh tế và nguồn lực.
Video đang HOT
Cần quy trách nhiệm rõ
Sốt ruột khi các khoản nợ có thể ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia, ông Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh cần chỉ rõ trách nhiệm gây nợ đọng thuộc về ai. “Nhiều dự án, công trình đầu tư công có nhiều vấn đề thất thoát, lãng phí, đội vốn, kéo dài thời gian. Nếu cứ đầu tư để đạt mục đích rồi dồn nợ lại thì cuối cùng nền kinh tế chưa kịp hưởng lợi từ hạ tầng phát triển đã phải xử lý gánh nặng nợ. Không thể không đầu tư nhưng không vì thế mà đầu tư bất chấp hiệu quả, không tính toán. Hiện nay, bên cạnh đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công thông qua thực hiện tốt pháp luật đầu tư thì cần nêu rõ trách nhiệm của người trình, phê duyệt dự án gây nợ đọng khó xử lý. Chỉ khi chỉ rõ trách nhiệm cá nhân thì mới có tính răn đe về sau, tránh được tình trạng đầu tư sai, không đúng mục tiêu, bắt ngân sách gánh chịu như hàng loạt dự án giao thông hoặc các dự án thua lỗ của ngành công thương” – ông Đào nêu quan điểm.
Theo TS Lê Đăng Doanh, con số nợ đọng 20.000 tỉ đồng của ngành GTVT không hề nhỏ, liên quan đến trách nhiệm của nhiệm kỳ trước khi phê duyệt cho xây dựng các dự án này. Nhưng dù là trách nhiệm của nhiệm kỳ trước thì bộ trưởng Bộ GTVT, bộ trưởng Bộ Tài chính giai đoạn này bắt buộc phải xử lý, giải quyết một cách phù hợp. “Tôi rất mong đợi các bộ trưởng giải trình phương án tài chính, hoàn vốn, trả nợ sao cho thuyết phục; sau đó mới tính đến đầu tư hiệu quả, có trọng điểm vào dự án mới theo tinh thần liệu cơm gắp mắm, có xếp thứ tự ưu tiên” – ông Doanh nói.
Phải xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ
Một trong những lý do dẫn đến nợ đọng của nền kinh tế trở nên nặng nề như hiện nay là việc đầu tư tràn lan, dàn trải, dẫn đến lãng phí nguồn vốn. Nhiều dự án quá nhỏ, chỉ khoảng 50 tỉ đồng, không mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhưng cũng không bố trí được nguồn để xử lý nợ. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng ngoài tiết kiệm chi, siết chặt sử dụng vốn thì cần xác định rõ khu vực cần ưu tiên đầu tư phát triển.
Ông Phạm Phú Quốc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ ra hiện nay có rất ít dự án có quy mô mang tính trọng tâm, trọng điểm vùng, có ý nghĩa vực cả khu vực kinh tế lên. Đây là những dự án cần được ưu tiên và quyết liệt thực hiện. “Hầu hết những nước trong khu vực hoặc trên thế giới đã phát triển đều đã hoàn thành hạ tầng cơ sở liên quan đến đường sá, cầu cống, cấp thoát nước từ vài chục năm hay hàng trăm năm trước. Đó là vì họ đầu tư có trọng điểm. Ngân sách nhà nước cần ưu tiên cho rất nhiều vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, nước biển dâng… nhưng không thể từ chối nhu cầu về hạ tầng giao thông. Nguồn lực đầu tư vào các công trình lớn này tuy nặng nhưng đầu tư được thì kinh tế sẽ đi lên” – ông Quốc nói.
Phân tích thêm về nhu cầu vốn cho phát triển, ông Phạm Phú Quốc cho rằng điều kiện của quốc gia hiện nay bắt buộc phải vay nợ. Tuy nhiên, khi tính chiến lược trung – dài hạn thì cần chỉ ra được nguồn lực để cân đối. Khi khớp được nguồn cần đầu tư với nguồn chi trả thì dù nợ đọng nhiều hơn con số hiện tại cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng với nền kinh tế. “Việc tạm chuyển từ dự án này sang dự án khác theo cách cấn trừ lẫn nhau hoặc dùng dự phòng để phân bổ là không trái quy định. Nhưng nếu dòng tiền được định hình rõ ràng, cụ thể thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn, tiết kiệm được đồng vốn và hạn chế nợ đọng. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa làm rõ được từng dự án cần chi bao nhiêu, có thể cắt giảm từ dự án nào sang nên doanh nghiệp cũng như nhà nước dễ gặp rủi ro về dòng tiền” – ông Quốc nhìn nhận.
Cũng theo ông Phạm Phú Quốc, cần đánh giá tổng thể để chấn chỉnh vấn đề sử dụng ngân sách. Đồng thời, khi các nguồn cũ đang cạn dần, cần có phương án tận dụng hiệu quả hơn một số nguồn chưa tận dụng hết, chẳng hạn như nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và vốn hóa tài sản công.
TS Nguyễn Đức Độ cho rằng việc xử lý nợ đọng cơ bản là nhiệm vụ chung của các thành viên Chính phủ khi nhận nhiệm vụ trong thời điểm nợ đọng tồn lại từ giai đoạn trước ngày càng lớn.
“Trước đây có tư duy đánh giá thành tích mỗi nhiệm kỳ qua số lượng dự án, công trình làm được. Do đó mới có tình trạng một nhiệm kỳ bộ trưởng cho đầu tư rất nhiều dự án rồi hậu quả đến thời kỳ sau là thua lỗ liên miên. Tư duy đó hiện nay không còn phù hợp. Cách đánh giá hiệu quả công việc của các thành viên Chính phủ cũng phải thay đổi theo hướng nếu góp phần đưa giải pháp bố trí trả nợ đọng hiệu quả cũng là thành tích, còn không sẽ tiếp diễn tình trạng nhiệm kỳ nào lo đầu tư dự án của nhiệm kỳ đó, nợ đọng cũ coi như không phải trách nhiệm của mình. Như thế, nợ sẽ càng chồng lên nợ” – ông Độ thẳng thắn nói.
Theo nld.com.vn
Mong các ĐBQH bớt "nể nang" trong phiên chất vấn
Sáng mai, 4-6, Quốc hội sẽ bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các thành viên Chính phủ. Bên hành lang Quốc hội chiều 3-6, một số ĐBQH đã bày tỏ kỳ vọng của mình vào phiên chất vấn này.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh)
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung được chờ đợi nhất ở mỗi kỳ họp Quốc hội vì nó phản ánh chân thực hơi thở cuộc sống, chuyển tải ý kiến, tâm tư nguyện vọng của mỗi cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ.
"Về phía các ĐBQH khi đặt câu hỏi chất vấn với các Bộ trưởng "ngồi ghế nóng", tôi mong muốn ĐBQH hãy dũng cảm hơn, bớt khen đi vì thời giờ không có nhiều, tập trung chất vấn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của Bộ ngành được chất vấn mà cử tri bức xúc, nhất là đừng nể nang, đừng ngại mất lòng vì nhiệm vụ của ĐBQH là phản biện" - ĐB Phong Lan nói.
Đối với các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, ĐB Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ: "Các Bộ trưởng cần nhận rõ tầm quan trọng của việc trả lời chất vấn, bởi đây là ý kiến trực tiếp từ cử tri chuyển đến".
Nữ ĐBQH cũng kỳ vọng các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn về những hạn chế, tồn tại của Bộ ngành mình quản lý thì đừng nhận trách nhiệm một cách chung chung.
"Nếu chịu trách nhiệm thì Bộ trưởng phải nêu rõ được các giải pháp sẽ khắc phục như thế nào?" - ĐB Phong Lan kỳ vọng.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)
Còn ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chia sẻ, trong các lĩnh vực được chọn để chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp này, ông có "tiếc nuối" khi một số vấn đề, lĩnh vực "nóng" khác không được đưa ra chất vấn. Chẳng hạn như các vấn đề về giá điện, giá xăng dầu hay gian lận thi cử...
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Anh Trí, để quyết định chất vấn lĩnh vực nào, Quốc hội đã có cách làm khá dân chủ và công khai: Từ việc tập trung hết ý kiến các cử tri trong cả nước, chia nhóm cho các ĐBQH; từ đó chọn ra 5 nhóm có nhiều ý kiến của cử tri, rồi gửi cho các ĐBQH lựa chọn 4/5 lĩnh vực để đưa ra chất vấn.
Vì thế, có thể tin rằng những vấn đề được chất vấn đều là những vấn đề mà cử tri, nhân dân rất quan tâm.
Theo ANTD
Huawei Nova 5i lộ diện trên Geekbench: Kirin 710, RAM 4GB Bộ đôi Nova 5 và Nova 5i sắp ra mắt của Huawei đã được Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) thông qua. Ngoài ra, Nova 5i còn được cấp chứng chỉ từ Hoa Kỳ cũng như cơ quan chứng nhận 3C của Trung Quốc. Mới đây, Huawei Nova 5i đã xuất hiện trên cơ sở dữ liệu Geekbench, từ đó tiết lộ một...