Nợ công sẽ được kiểm soát không quá 65% GDP
Trả lời câu hỏi của báo chí về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, mọi phương án xây dựng đều đảm giới hạn nợ công đã được Quốc hội thông qua…
Người phát ngôn Chính phủ khẳng định nợ công sẽ được kiểm soát không quá 65% GDP
Trong phiên thảo luận tại Tổ vừa qua ở Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình ngân sách năm 2016 rất căng thẳng. Mặc dù theo báo cáo của Chính phủ, chi đầu tư phát triển năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng, song con số thực để phân bổ hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng, trả nợ xong là không còn tiền để chi tiêu. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ về thông tin này?
Người phát ngôn Chính phủ: Về thu ngân sách nhà nước (NSNN), Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến tổng thu năm 2016 là 1.014 nghìn tỷ đồng, tăng 103 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2015.
Về dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN: năm 2016 là 255,75 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức bội chi NSNN (254 nghìn tỷ đồng). Tính cả chi đầu tư từ nguồn Trái phiếu Chính phủ 60 nghìn tỷ đồng; từ nguồn thu Xổ số kiến thiết 26 nghìn tỷ đồng thì tổng chi ĐTPT năm 2016 là 341,75 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng chi NSNN. Con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập là vốn ngân sách Trung ương trong nước và chỉ là một phần trong tổng chi đầu tư phát triển nêu trên.
Ngoài ra, dự kiến còn sử dụng nguồn bán một phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp để thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho Chương trình chống ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh.
Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 2020, tổng nhu cầu vay của Chính phủ giai đoạn 2016 2020 từ 3,02 đến 3,09 triệu tỷ đồng. Trong đó vay bù đắp bội chi là 1,36 triệu tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 280 nghìn tỷ đồng, phần còn lại để trả nợ gốc đến hạn theo quy định. Xin ông cho biết con số này đã được Chính phủ tính toán kỹ lưỡng chưa và với nguồn kinh phí này có bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2016 2020 cao hơn những năm trước?
Căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 2015, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong 5 năm tới, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 2020 khoảng 6,5% 7%/năm, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng khá thận trọng trên cơ sở các phương án vay trả nợ khác nhau cho giai đoạn 2016 2020 và đang trình Quốc hội cho ý kiến. Các phương án xây dựng đều bảo đảm giới hạn nợ công đã được Quốc hội thông qua, theo đó, đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Video đang HOT
Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, đại biểu đoàn Lai Châu cho biết: “Dù tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực tăng nợ công”. Xin Người phát ngôn cho biết lộ trình giải quyết nợ công của Chính phủ cũng như việc kiểm soát tăng bội chi?
Theo định hướng kế hoạch ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 2020, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân (tính theo quy định của Luật NSNN hiện hành) sẽ ở khoảng 4,9% GDP, trong khi bình quân 5 năm giai đoạn 2011 2015 khoảng 5,4% (số tạm tính, chưa quyết toán). Như vậy, dự kiến giai đoạn 2016 2020 bội chi thấp hơn giai đoạn 2011 2015.
Để đạt được mục tiêu về bội chi NSNN như trên, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, chính sách về thu, chi NSNN, cụ thể:
Đối với thu NSNN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh qua đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN; hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế góp phần bảo đảm nguồn thu.
Đối với chi NSNN, đổi mới chính sách phân phối tài chính thông qua lập và thực hiện kế hoạch tài chính NSNN trung hạn. Bố trí cho đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý; rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu lại chi NSNN trong từng lĩnh vực để dành nguồn cải cách tiền lương.
Với mức bội chi NSNN dự kiến như trên, nợ công sẽ được kiểm soát không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP.
Để tăng cường quản lý nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/02/2015, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, bảo đảm trong giới hạn cho phép;
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí;
Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng cường thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ;
Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay bảo lãnh Chính phủ; tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.
Theo NTD
Canh cánh nỗi lo túi tiền quốc gia
Thực tế, túi tiền quốc gia đã luôn là nỗi lo canh cánh của nền kinh tế Việt Nam, khi tình hình bội chi ngân sách luôn thường trực, với khoảng 5% GDP trong năm 2015 này, thậm chí là cao hơn. Câu chuyện càng trở nên nóng hơn khi tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ, sau khi cân đối ngân sách địa phương, thì ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng để chi, trong khi vẫn còn phải dành tiền để trả nợ.
Dù Bộ Tài chính sau đó đã trấn an rằng, dự toán chi tiêu ngân sách đối với chi đầu tư từ vốn ODA năm 2016 sẽ tăng lên 50.000 tỷ đồng (tăng 30.000 tỷ đồng so với năm nay), do vậy, vốn chi cho đầu tư phát triển cho năm 2016 vẫn đảm bảo và tăng khoảng 31% so với năm 2015, song nỗi lo về túi tiền quốc gia vẫn còn đó.
Không lo sao được khi thực tế rõ ràng rằng, ngân sách Việt Nam bao lâu nay luôn trong tình trạng bội chi. Thu chỉ đủ để chi thường xuyên, còn muốn đầu tư thì đều phải đi vay. Trong khi đó, nợ công vẫn đang tăng nhanh, năm 2015 ở mức 61,3% và năm 2016 dự báo trên 63%.
Dù vẫn thấp hơn ngưỡng an toàn nợ công (65%) và thực tế thì tỷ lệ nợ công bao nhiêu không quan trọng, mà quan trọng là hiệu quả sử dụng nợ công thế nào và khả năng trả nợ ra sao, song đặt trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, túi tiền quốc gia eo hẹp, thì không thể không lo.
Không lo sao được khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua chỉ đạt 5,88%, trong khi nợ công lại tăng bình quân tới 18%/năm. Một nền kinh tế mà phải đem mọi thứ ra để cân đối thu - chi, thì rủi ro là không nhỏ.
Năm ngoái, Chính phủ đã quyết định phát hành 1 tỷ USD trái phiếu ở thị trường nước ngoài. Mới đây lại tiếp tục đề xuất việc phát hành tiếp 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Cũng đã vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng, đã yêu cầu thoái vốn nhà nước ở 10 doanh nghiệp nhà nước lớn để lấy tiền chi cho đầu tư. Rồi cũng đã đề xuất phát hành trái phiếu trong nước với cả kỳ hạn 3 năm, chứ không chỉ là 5 năm như trước...
Từng ấy động thái đã khiến nỗi lo đối với túi tiền quốc gia càng lớn hơn nữa. Ngân sách eo hẹp thì buộc phải đi vay để đầu tư. Càng vay, nợ công càng lớn.
Trong khi đó, có thể lại một lần nữa, lời hứa tăng lương trong năm nay không thể thực hiện được. Điều này đã khiến không ít đại biểu Quốc hội canh cánh, vì đã 3 năm nay hứa suông với cử tri, nói mà không thực hiện. Ngân sách eo hẹp vậy, thì lấy đâu tiền để tăng lương?
Câu chuyện nằm ở chỗ, dù ngân sách eo hẹp, nhưng chi thường xuyên lại quá lớn. Nào hội họp, lễ hội, lễ kỷ niệm, đi công tác, đi du lịch nước ngoài, mua sắm xe công... Chi cho đầu tư phát triển cũng chưa khắc phục được dàn trải, manh mún, lãng phí, tham nhũng...
Bởi vậy, vấn đề trong lúc này không phải là "lo suông" cho túi tiền của quốc gia. Thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đầu tư để tăng thu là một chuyện. Chuyện khác là phải tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó, tiết kiệm chi thường xuyên là cần thiết.
Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết thì chấp nhận phát hành trái phiếu chính phủ cả trong nước và quốc tế để cơ cấu lại nợ. Cũng cần thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước để có thêm tiền chi cho đầu tư. Nhưng quan trọng là làm sao giám sát, minh bạch được các khoản vay đó, làm sao để sử dụng thực sự hiệu quả, bởi nếu không, ngân sách càng nặng nợ thì rủi ro cho nền kinh tế càng lớn.
Một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế đang bắt đầu, bởi thế, cần những giải pháp thực sự căn cơ để không còn phải quá lo lắng về túi tiền quốc gia.
Theo Nguyên Đức
baodautu.vn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nợ công tăng cao là rủi ro lớn cho kinh tế và TTCK Việt Nam Tập đoàn đầu tư CIMB (Malaysia) cho rằng rủi ro lớn duy nhất đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán của Việt Nam là tỷ lệ nợ của chính phủ đang tăng nhanh. Hãng tin CNBC vừa có bài viết đánh giá về nỗ lực cổ phần hóa của Việt Nam, cho rằng quyết định thoái vốn khỏi một số...