Ninh Thuận: Phát triển du lịch khám phá cát muối, săn bắn bán hoang dã
Giai đoạn 2022-2025, Ninh Thuận sẽ phát triển nhiều sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát-muối, du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt…
Khám phá và vui chơi giải trí cát – muối, hai sản phẩm độc đáo của Ninh Thuận là loại hình du lịch mới mà tỉnh này sẽ đưa vào khai thác. Ảnh: ninhthuan.gov.vn
Theo TTXVN, ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh việc quảng bá, xúc tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh đẩy mạnh đổi mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách.
Không chỉ liên kết, xâu chuỗi các điểm đến tiêu biểu để tạo ra những sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương như du lịch biển, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề… việc phát triển các sản phẩm du lịch mới luôn được các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch chú trọng.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng vùng, miền cũng như chia sẻ và hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của địa phương.
Một góc khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa. Ảnh: Nguyễn Phong
Theo đó, để thu hút du khách với các sản phẩm du lịch mang tính chủ đạo và mới lạ, giai đoạn 2022-2025 Ninh Thuận sẽ phát triển ba nhóm sản phẩm du lịch chính:
Video đang HOT
Nhóm 1 gồm bốn sản phẩm đặc thù đó là du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.
Nhóm 2 sẽ gồm bốn sản phẩm mới lạ là du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát-muối, hai sản phẩm độc đáo của Ninh Thuận, du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.
Nhóm 3 sẽ gồm bốn sản phẩm bổ trợ gồm du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực, du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo, thương mại du lịch.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch trong giai đoạn này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quy định hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có đăng ký hoạt động kinh doanh và kinh doanh du lịch với kinh phí thực hiện trên 21 tỉ đồng, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch.
Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển. Trong ảnh, công viên đá Ninh Thuận, một trong những điểm đến mới, thu hút du khách ghé thăm. Ảnh: Nguyễn Phong
Tỉnh hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng (hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn của đồng bào Raglai, nhà cổ của đồng bào Chăm để kinh doanh du lịch homestay, có quy mô phục vụ từ 10 khách trở lên).
Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, lắp đặt hệ thống thu gom rác thải, biển báo chỉ dẫn tại các thôn, địa điểm có hoạt động du lịch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ phát triển hoạt động, sản phẩm du lịch cộng đồng.
Ngành du lịch tỉnh đẩy mạnh việc tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đồng thời hỗ trợ duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Đồng thời, tỉnh phối hợp với các hãng hàng không, các công ty lữ hành quốc tế xây dựng phương án kết nối và tổ chức các chương trình du lịch mang tính chất trọn gói khép kín, an toàn đến địa phương.
Với lợi thế từ điều kiện tự nhiên đặc thù và tài nguyên đã mang lại các yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch của Ninh Thuận. Trong 10 tháng qua, lượng khách đến Ninh Thuận tăng mạnh, toàn tỉnh đón 2.253.800 lượt khách, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm 2021 (năm ảnh hưởng bởi Covid), vượt 18,6% kế hoạch năm.
Ninh Thuận thành lập khu kinh tế phía Nam, tạo đà phát triển du lịch biển đảo
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành kế hoạch thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong qúy 4 năm 2025.
Khu kinh tế hình thành sẽ tạo động lực thu hút đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo.
Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển đảo. Ảnh: Trần Minh Thiện
Dự kiến, ranh giới thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận có tổng diện tích khoảng 439km bao gồm chín xã, trong đó có bảy xã thuộc huyện Thuận Nam và hai xã thuộc huyện Ninh Phước.
Việc thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận góp phần khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, trong đó có du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhằm huy động tối đa nguồn lực để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Trong quá trình triển khai kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận tranh thủ tối đa các chính sách của nhà nước để tập trung thu hút đầu tư các dự án động lực, có quy mô lớn về cảng và dịch vụ cảng, logistics, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp nặng, quy mô lớn, các khu đô thị hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngay khi Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận được thành lập sẽ giúp tăng cường liên kết vùng với các khu kinh tế ven biển miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước để khai thác các thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển của vùng.
Một góc eo biển Cà Ná. Ảnh: Trần Minh Thiện
Theo báo Đầu tư, để xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Công Thương chủ trì lập Đồ án Quy hoạch phân khu Tổng kho xăng dầu và Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics; xây dựng Đề án bổ sung Trung tâm trung chuyển, tái tạo khí LNG Cà Ná với quy mô 4,8 triệu tấn/năm vào Quy hoạch quốc gia hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Cảng cạn, tham mưu điều chỉnh Quy hoạch phân khu Cảng tổng hợp Cà Ná. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp chủ trì, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch phân khu Khu Công nghiệp Cà Ná.
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải cũng sẽ phối hợp với Ban Quản lý các dự án giao thông đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình, dự án giao thông trọng điểm như hoàn thành đầu tư Cảng Tổng hợp Cà Ná, đường liên vùng từ thị trấn Tân Sơn đi Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), tuyến đường kết nối Cảng Cà Ná với cao tốc Bắc - Nam...
Khu kinh tế cũng góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Khám phá vẻ đẹp nguyên sơ tiềm ẩn của Ninh Thuận Đến với Ninh Thuận các bạn sẽ được khám phá tất tần tật từ cảnh quan thiên nhiên đa dạng hữu tình, những giá trị văn hóa tinh hoa được giữ lại từ rất lâu đời. Cùng khám phá, tìm hiểu những nét đặc trưng riêng của vùng dất nguyên sơ đầy nắng và gió này. " Ở nơi ấy, đàn dê trắng...