Ninh Bình: Cả làng ăn nên làm ra, giàu lên nhờ trồng ổi lê Đài Loan
Nằm bên dòng sông Đáy trù phú, làng trồng ổi Cờ Thượng (xã Khánh Khánh, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) được thiên nhiên ưu đãi cho dải đất màu mỡ.
Ngày xưa, trồng ổi chỉ để lấy bóng mát và quả ăn vặt nhưng mấy năm trở lại đây, cây ổi, nhất là giống ổi lê Đài Loan là nguồn thu chính. Nhiều gia đình làng Cờ Thượng đã giàu lên nhờ cây ổi.
Hiện nay, hàng chục hộ dân tại làng Cờ Thượng, xã Khánh Thành (Yên Khánh) tập trung vào phát triển cây ổi lê Đài Loan. Nhiều hộ không có vườn, đất ruộng đã chủ động bỏ tiền thuê đất trồng ổi. Nhờ sự chịu khó của người nông dân đã đưa vùng đất của xã Khánh Thành trở thành nơi cung cấp ổi lê Đài Loan hàng đầu của tỉnh Ninh Bình.
Nhờ trồng giống ổi lê Đài Loan ăn vừa ngọt vừa giòn mà nhiều gia đình ở làng Cờ Thượng có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Mô hình trồng cây ổi lê Đài Loan ở xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh đang phát triển mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân có thu nhập ổn định, thậm chí nhiều hộ đổi đời nhờ trồng ổi.
Gia đình nhà ông Nguyễn Văn Dũng ở làng Cờ Thượng, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh hiện đang trồng gần 1 mẫu (gần 3.600m2) giống ổi lê Đài Loan. Nhờ kinh nghiệm trồng ổi, nắm vững kỹ thuật trồng ổi và bán ổi đắt hàng mà mỗi tháng gia đình ông có thu nhập lên đến 18 triệu đồng.
Giống ổi lê Đài Loan mà dân làng Cờ Thượng và một số nơi khác trồng là giống ổi ăn giòn, ngọt, mẫu mã đẹp, nhiều thịt, ít hạt và cho trái quanh năm.
Ông Dũng cho biết, trồng ổi lê Đài Loan tuy tốn nhiều công sức, nhưng lợi nhuận cao hơn 3-4 lần so với trồng lúa. Cây ổi sau khi trồng khoảng 1 năm là bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch diễn ra quanh năm và cho thu hoạch liên tục khoảng 7 năm liền sau đó mới phải trồng lại.
Video đang HOT
“Từ lúc chuyển sang trồng ổi, cuộc sống không còn khó khăn như trước nữa. Với hơn 200 gốc ổi lê Đài Loan, mỗi năm tôi cũng kiếm được hơn 200 triệu đồng. Giả dụ gia đình tôi vẫn trồng 1 mẫu đất lúa, quanh năm đầu tắt mặt tối, trừ tiền phân tro, giống má đi thì chẳng được mấy đồng bạc, gặp năm thời tiết bất lợi, dịch bệnh tràn lan thì coi như mất trắng…”, ông Dũng bộc bạch và phân tích.
Trung bình mỗi ngày gia đình ông Dũng thu hái được từ 60kg ổi lê Đài Loan giao bán cho thương lái, thu về từ 500- 700 ngàn đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng cho hay, mấy năm nay, ngày nào gia đình ông cũng có ổi để bán. Trung bình mỗi ngày gia đình ông thu hái được từ 60kg quả, hiện giá thu mua tận vườn khoảng 18.000 đồng/kg.
“Nhờ vườn ổi này mà bình quân mỗi ngày gia đình tôi kiếm được từ 500- 700 ngàn đồng, tính ra mỗi tháng thu nhập được 18 triệu đồng. Mà không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ trong làng cũng có của ăn của để, tiêu pha thoải mái hơn nhờ ổi lê Đài Loan”
Cũng theo ông Dũng, sau nhiều lần “thí nghiệm”, người dân địa phương nhận thấy cây ổi mang lại thu nhập ổn định nên nhiều hộ quyết định gắn bó lâu dài với cây trồng này.
Hiện tại ở làng Cờ Thượng có khoảng 25 hộ trồng ổi với tổng diện tích khoảng hơn 7 ha. Hộ ít cũng trồng vài sào còn hộ nhiều lên tới cả mẫu. Cũng chính nhờ cây ổi lê Đài Loan này, nhiều hộ dân ở đây cuộc sống trở lên khấm khá hơn và có nhiều hộ còn giàu lên từ cây ổi.
Cây ổi lê Đài Loan đã mang lại sự đổi thay cho nhiều hộ dân ở làng Cờ Thượng, cuộc sống trở lên khấm khá hơn trước.
Không chỉ riêng hộ ông Dũng, hộ nhà ông Lại Văn Độ (58 tuổi, ở làng Cờ Thượng) từ lúc trồng ổi gia đình ông giàu lên trông thấy. Chia sẻ với phóng viên báo điện tử DANVIET.VN, ông Lại Văn Độ không giấu được niềm vui mừng cho biết, nhờ vườn ổi lê Đài Loan này mà ngày nào gia đình ông cũng có thu nhập, ngày ít thì cũng được vài trăm ngàn đồng, ngày nhiều kiếm được tiền triệu.
Ông Lại Văn Độ chia sẻ, hiện tại nhà ông có gần 120 gốc ổi lê Đài Loan đang vào năm thứ 3 nên sản lượng tương đối cao. Do thổ nhưỡng ở địa phương phù hợp với cây ổi và được chăm sóc bài bản nên vườn ổi của gia đình ông phát triển tốt, cho trái quanh năm và đặc biệt chất lượng quả được thương lái đánh giá cao.
“So với trồng lúa thì thu nhập từ cây ổi cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhờ cây ổi này mà gia đình tôi ngày nào cũng có thu nhập, thỏa mái chi tiêu sinh hoạt hàng ngày mà không phải lo nghĩ gì”, ông Độ tâm sự.
“Lúc quả ổi còn non bằng ngón tay cái người lớn, người trồng bắt đầu dùng bao nilon PP và bao xốp để bọc trái ổi lại. Làm việc này giúp cho quả ổi đẹp, tránh bị ruồi vàng tấn công”, ông Độ chia sẻ.
Theo kinh nghiệm trồng ổi của ông Độ, ổi ngon hay không còn phụ thuộc vào quá trình chăm bón. Nếu không sử dụng các loại phân bón thì ổi càng ngon nhưng năng suất sẽ thấp.
“Có nhà bón từ lúc quả nhỏ để chuẩn bị cho lứa sau hoa ra nhanh, mà trên cây có cả quả đang chuẩn bị thu hoạch, thì lúc ấy quả lại không ngon”, ông Độ lý giải với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Những năm gần đây, đặc sản ổi lê của làng Cờ Thượng rất được ưa chuộng. Các lái buôn ở khắp nơi đều đổ về đây lấy hàng, nên hầu như hàng ra đến đâu, hết đến đó. Vì thế, cây ổi lê Đài Loan không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn giúp người nông dân ở đây làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhiều người trong làng đã chuyển đổi đất lúa sang trồng ổi, bởi dễ chăm sóc mà thu nhập lại cao hơn gấp nhiều lần cây lúa.
Theo Danviet
Kiên Giang: Thấy giống ổi lạ, mua về trồng, không ngờ lại bán chạy
Anh Nguyễn Thành Luận (ngụ ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) thấy giống ổi lạ ở Đồng Tháp, khi hỏi ra thì biết đó là giống ổi lê Đài Loan. Anh mua giống ổi này về trồng kín khắp vườn nhà và giờ đây thu nhập chính của gia đình là từ vườn ổi. Ổi lê Đài Loan ra trái đều, mã đẹp, bán chạy, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong 2 năm qua, nhiều nông dân ở Kiên Giang đã tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trên các cánh đồng, nhiều giống lúa, rau màu, cây trái mới được đưa vào sản xuất, góp phần cải thiện thu nhập, giúp người dân vươn lên khá, giàu.
Trái ngọt đầu mùa
Đưa chúng tôi thăm vườn ổi của gia đình, anh Nguyễn Thành Luận (ngụ ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp) chia sẻ: "Mảnh vườn này trước đây là đất ruộng, cho thu nhập rất thấp. Năm 2016, trong một lần qua Đồng Tháp thăm người thân, tôi thấy trong vườn có một giống ổi rất sai quả, hỏi ra mới biết đó là ổi lê Đài Loan. Về quê, tôi bàn với gia đình cải tạo toàn bộ đất vườn và nhờ người gửi về vài chục cây ổi giống để trồng".
Anh Luận (bên trái) trao đổi về kỹ thuật trồng ổi lê Đài Loan với người dân địa phương. Ảnh: Ngọc Quyên
Sau khi trồng thử thấy giống ổi này phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, anh Luận quyết định mua tiếp 200 gốc ổi lê về phủ kín khu vườn. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn ổi của anh Luận phát triển tốt, cho sai trái và thu hoạch quanh năm, lãi khoảng 40 triệu đồng/năm. Với mô hình này, cuộc sống của gia đình anh đã khá hơn trước.
Theo anh Luận, giống ổi lê quả to, giòn, ngọt, được thị trường ưa chuộng nên dễ tiêu thụ. Điểm đặc biệt là ổi lê có bộ rễ mạnh, chịu phèn tốt, thân cành chắc khỏe nên có khả năng chống chịu tốt với gió. Đặc biệt, để trái ổi không bị cháy nắng, có hình dáng đẹp, cũng như chống được ruồi vàng đục trái làm hư hỏng, anh Luận dùng túi nylon bọc từng quả lại từ khi còn nhỏ nhằm hạn chế sử dụng phun thuốc bảo vệ thực vật.
Chia sẻ với phóng viên, bà Phan Kim Loan - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hiệp cho biết: Để từng bước giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, các ngành, các cấp trong huyện đã vận động người dân tích cực phát triển mô hình vườn - ao - chuồng, tận dụng khai thác hiệu quả đất đai, lao động. Hiện toàn huyện có hơn 700 hộ thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng, mô hình đa canh tổng hợp có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/hộ/năm, hàng chục mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập từ 700 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm.
Với những tác động từ mọi nguồn lực, sự chủ động thay đổi tập quán canh tác, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Tân Hiệp không ngừng được cải thiện. Theo đó, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở đây đạt 40,6 triệu đồng tăng 7,6 triệu đồng so năm 2016.
Mạnh dạn thay đổi
Bên cạnh những mô hình trồng trọt mới cho hiệu quả cao, con tôm càng xanh cũng đang trở thành một trong những vật nuôi chủ lực ở Kiên Giang, giúp nhiều hộ gia đình có đời sống khấm khá.
Từ năm 2005, ông Phạm Văn Tư ở ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận) cùng vài nông dân khác nuôi thử nghiệm loài tôm càng xanh. Trước đó, thấy trồng lúa không hiệu quả, ông Tư đã quyết định chuyển qua nuôi tôm sú. Vụ tôm đầu tiên thành công, vụ thứ hai ông Tư tiến hành thử nghiệm nuôi ghép tôm sú cùng tôm càng xanh. Tôm sú nuôi khoảng 4 tháng thì thu hoạch, còn tôm càng xanh 5-6 tháng. Tuy nhiên, điều ông Tư rút ra được là khi 2 loại tôm này được nuôi chung thì lại không nhiễm bệnh cho nhau.
Theo ông Tư, muốn nuôi tôm càng xanh phải "nuôi" nước trước mới thả tôm. Vụ nuôi vừa thu hoạch xong, tát cạn rồi phơi vuông 10-15 ngày, sau đó cho nước vào, tạt vôi và gây màu nước bằng chế phẩm sinh học. Định kỳ 10 ngày thay nước một lần để kích thích tôm lột vỏ, mau lớn. Ông Tư tính toán, mỗi năm nuôi 2 vụ tôm có thể thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Được biết, thức ăn cho tôm càng xanh có thể dùng thức ăn công nghiệp, song từ tháng thứ 4 trở đi nông dân có thể cho tôm ăn độn, từ gạo lứt, ốc, cá vụn, khoai mì... Dù tỷ lệ hao hụt khoảng 50%, song tôm càng xanh nuôi ở ấp Đồng Tranh cho sản lượng và năng suất khá cao, đạt từ 500-600kg/ha.
Theo Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Thuận, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến năm 2017, huyện đã chuyển dịch được hơn 1.300ha đất trồng cây sang nuôi trồng thủy sản, nâng diện tích tôm nuôi lên gần 24.000ha, tăng hơn 1.300ha; sản lượng tôm nuôi tăng từ 9.350 tấn lên hơn 12.800 tấn so năm 2015.
Theo Danviet
Ninh Bình: Thầy giáo bỏ nghề về quê "nghịch đất" trồng thanh long Gác lại những năm tháng của một người thầy giáo trẻ, anh Mai Văn Công (sn 1987) ở xóm 6, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã quyết định xin thôi việc. Anh về quê nhà chuyên tâm thực hiện giấc mơ làm giàu từ trồng thanh long. Hiện, anh đã gây dựng được vườn thanh long ruột đỏ lên tới...