“Nín thở” trên những con đèo Hà Giang đẹp không kém Mã Pí Lèng
Con đường Hạnh Phúc trên cao nguyên đá Hà Giang có đèo dốc khiến các tay lái phải “nín thở”, vì độ hiểm trở và vì khung cảnh quá tuyệt đẹp.
Hà Giang là vùng đất cực Bắc của Tổ quốc, nơi sở hữu nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú và màu sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc bản địa Mông, Dao, Lô Lô,… Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên 4 huyện tạo nên cho Hà Giang một đặc sản riêng: những cung đường qua miền đá.
Bắt đầu “chạm ngõ” cao nguyên đá, từ xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) lên xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ), du khách đã được chào đón bằng con đèo huyền thoại – đèo Bắc Sum. Đèo mềm mại vươn lên theo sườn núi, lên tới đỉnh không khí bỗng nhiên đổi khác, thậm chí nhiều ngày từ đây nhìn xuống chỉ thấy biển mây mù.
Từ đây, những con đường uốn lượn cứ thế nối nhau kéo dài bất tận. Giữa những vách đá tai mèo xám ngắt, con đường nổi bật thách thức tay lái người lữ hành.
Dốc Thẩm Mã với những đường cong ấn tượng trên đoạn đường từ thị trấn Yên Minh lên xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn). Tương truyền tên dốc có từ câu chuyện người ta thử sức ngựa bằng cách cho thồ hàng lên đỉnh dốc, nếu còn khỏe sẽ giữ lại nuôi.
Từ Phố Cáo về Sủng Là (nơi quay phim Chuyện của Pao, Lặng yên dưới vực sâu), khách sẽ qua dốc Chín Khoanh với rất nhiều khúc cua chữ U. Xưa kia, nếu cặp đôi nào bước cùng nhau hết con dốc sẽ có duyên nên vợ nên chồng.
Một cung đường nhỏ như dải lụa vắt qua những hàng sa mộc và bản làng tại Sà Phìn. Từ đường mòn vách núi, những chàng trai người Mông sải bước dài xuống chơi chợ và gặp gỡ người yêu.
Dốc Pải Lủng tuyệt đẹp nằm lọt thỏm giữa những đỉnh núi đá cao ngất, tô điểm bởi ruộng cải vàng ươm. Những khúc cua hiểm trở tại đây như một thử thách trước khi du khách lên đến Mã Pí Lèng.
Video đang HOT
Đèo Mã Pí Lèng chỉ dài khoảng 20km nhưng vượt qua đỉnh núi ở độ cao 1200m, nối huyện Đồng Văn với Mèo Vạc. Đây là đoạn khó khăn nhất trên con đường Hạnh Phúc, tiêu tốn 2 năm xây dựng với vô vàn công sức của hàng ngàn người.
Điều tạo nên sự đặc biệt của Mã Pí Lèng chính là tầm nhìn độc nhất vô nhị, một bên là vách đá tai mèo dựng đứng, một bên là vực thẳm nhìn thẳng xuống sông Nho Quế. Hẻm vực Tu Sản khoảng 900m chính là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, và dốc Xín Cái – Săm Pun dẫn xuống vực sâu, lên đỉnh cao cổng trời cũng kỳ thú không kém.
Từ Mèo Vạc về lại Hà Giang có một cung đường hiểm trở dành cho những tay lái ưa khám phá: Mậu Duệ – Du Già – Minh Ngọc. Suốt chặng là những con đường nhỏ chênh vênh rạch ngang lưng núi, khung cảnh có phần hoang sơ hơn và không thiếu những hẻm vực hay đèo dốc mạo hiểm như Ngam La, Nậm Lang…
Như một nét vẽ trên đá, dốc Chữ M trên cung đường này có thể khiến bất cứ ai ngơ ngẩn, bởi sự kỳ diệu tưởng như sắp đặt của tự nhiên và công sức của con người miền đá.
Trong ánh nắng chiều và khói lam vấn vít, người lữ hành dễ say, say đèo và say lòng trước phong cảnh thiên nhiên tuyệt tác.
Lạc giữa rừng đá, những con đèo Hà Giang dẫn ta lên đến đỉnh cao, thỏa thích ngắm tầng tầng núi đá xanh xám xô nhau tới ngút ngàn, lác đác vài nóc nhà trầm mặc giữa thung lũng hoang sơ.
Điểm tô thêm cho cung đường qua miền đá là sắc màu váy áo rực rỡ của người dân bản địa. Với họ, những con đèo vắt vẻo trên trên lưng chừng trời chính là không gian sống thường nhật, mộc mạc và rất thân thuộc.
CTV Viễn Du/VOV.VN
Theo vov.vn
Xóm đường tàu: "Nhịp thở" bình yên bên những chuyến tàu hối hả xuôi ngược
Nhịp sống chậm rãi bên trong những căn nhà cũ kĩ, kết hợp với cảm giác mặt đất dưới chân rung lên khi đoàn tàu chạy qua khiến nhiều người tò mò muốn đến "xóm đường tàu" mục sở thị một lần.
Từ "nhịp thở" lặng lẽ...
Khi không có tàu chạy qua, nhiều hoạt động hàng ngày của người dân đều diễn ra trên đường tàu.
Xóm đường tàu nằm cạnh đường Trần Phú, Phùng Hưng, Điện Biên Phủ,.. tồn tại cùng với sự thay da đổi thịt của Hà Nội qua cả thế kỷ.
Theo lời kể của những người sống lâu nhất trên xóm đường tàu thì từ thời Pháp thuộc đã có một đường ray xe lửa nối ga Hàng Cỏ với ga Long Biên bây giờ. Cung đường sắt chạy uốn lượn quanh Hà Nội này trải dài khoảng gần 20km. Từ ga Hàng Cỏ, đường ray tàu hỏa sẽ đi qua cây cầu Long Biên rồi tỏa ra bốn phương tám hướng về các tỉnh ngoại thành như Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng,..
Người dân từ khắp nơi về xây dựng, sinh sống cạnh đường ray này từ đời này sang đời khác khiến nó trở thành một khu dân cư vô cùng đặc biệt. Ở rất nhiều đoạn trên xóm đường tàu, khoảng cách từ nhà dân đến đường ray chỉ khoảng 2-4 mét. Vì vậy mà trừ những lúc tàu chạy qua thì đường ray đã trở thành khoảng sân để các gia đình sinh hoạt, nấu nướng, phơi phóng,... thậm chí là nơi vui chơi cho trẻ em trong xóm.
Từ lâu, các gia đình sống cạnh đường tàu dần quen với những ồn ào, bất tiện xen lẫn nguy hiểm tiềm tàng khi những chuyến tàu chạy qua. Khi được hỏi tại sao sống ở xóm đường tàu nhiều bất tiện và nguy hiểm thế này mà không chuyển đi, bà Tâm (60 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Tôi sinh sống trên đường ray này từ nhỏ, ở riết cũng thành quen. Giờ đi đâu xa không nghe tiếng còi tàu lại thấy thiếu".
Dù môi trường sinh hoạt còn nhiều khó khăn, bất tiện nhưng gương mặt của những người dân nơi đây vẫn thấy toát lên sự vui vẻ, lạc quan. Có lẽ chính âm thanh, ánh sáng, những nhịp rung bần bật mỗi khi tàu chạy qua đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Theo lời người dân nơi đây, hàng chục năm qua, xóm đường tàu cắt qua đường Trần Phú chưa để xảy ra một vụ tai nạn nào, bởi từ trẻ con đến người già đều nắm trong lòng bàn tay lịch tàu chạy mỗi ngày. Khi tàu đến tất cả mọi người đều chạy vào trong nhà hoặc đứng ở 1 khoảng cách an toàn.
Hàng ngày những đoàn tàu cứ chạy đi chạy lại theo đúng lịch trình, còn người dân hai bên đường ray sẽ tiếp tục một nhịp sống vô cùng chậm rãi, lặng lẽ trái ngược hẳn với những âm thanh inh ỏi, ồn ã của tiếng còi tàu.
Xóm đường tàu có phần nhếch nhác, chật chội nhưng chính không gian ấy lại mang một màu riêng của Hà Nội không ở đâu có được.
Đến địa điểm vạn người mê check-in
Xóm đường tàu trở thành địa điểm "check-in" yêu thích của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là người nước ngoài.
Xóm đường tàu vốn yên bình, mộc mạc nhưng khoảng 1-2 năm trở lại đây đã bắt đầu lên đời thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách nước ngoài. Nhiều khách du lịch đã dánh dấu xóm đường tàu vào danh sách những địa điểm cần phải đến ở Hà Nội.
Sở dĩ xóm đường tàu ngày càng trở nên nổi tiếng khi vào cuối năm 2018, hãng thông tấn CNN bắt đầu đưa tin về trào lưu chụp ảnh selfie trên con phố này. Thậm chí, chuyên trang đánh giá du lịch vô cùng nổi tiếng Tripadvisor cũng đã nhắc đến xóm đường tàu là một địa điểm check in nổi tiếng ở Hà Nội. Độ nóng của xóm đường tàu còn được hãng thông tấn AFP của Pháp đề cập đến vài lần. AFP miêu tả dù có hơi nguy hiểm do đoạn đường sắt hiện còn hoạt động tuy nhiên nhiều du khách nước ngoài vẫn đổ về đây chụp ảnh bởi khung cảnh đẹp như tranh.
Gần đây, xóm đường tàu khoác lên mình chiếc áo mới, những quán cà phê mọc lên san sát, không gian được trang hoàng lại phù hợp với thị yếu của khách du lịch. Tuy nhiên trong suốt quãng đường sắt hơn 20 cây số chạy quanh Hà Nội, chỉ có đoạn qua phố Phùng Hưng là được nhiều du khách ghé thăm nhất. Mỗi ngày, "cái xóm đặc biệt" giữa lòng Thủ đô tiếp đón hàng trăm lượt khách tham quan. Nhất là vào cuối tuần, khách du lịch tụ tập chật cứng tại những quán cà phê san sát cả hai bên đường ray.
Du khách tìm đến đây chủ yếu là để chụp ảnh check-in đồng thời chứng kiến tận mắt khoảnh khắc đoàn tàu đi xuyên khu dân cư ở một khoảng cách rất gần. Ngoài cảm giác mạnh này ra, du khách có thể ngồi thong dong nhâm nhi cốc cà phê hoặc thưởng thức chai bia lạnh trong một không gian hiếm có khó tìm. Quan sát kỹ, du khách sẽ cảm nhận được những nét quyến rũ rất riêng chỉ có thể có tại xóm đường tàu.
Du khách háo hức đón chờ khoảnh khắc đoàn tàu chạy qua.
Mỗi ngày số lượng đoàn tàu đi qua khu phố này không nhiều tuy nhiên lượng khách đổ về đây càng ngày càng đông. Chủ cửa hàng cũng chuẩn bị sẵn 1 bảng giờ tàu chạy cho du khách tiện theo dõi.
Chị Hoa, chủ một quán cà phê trên xóm đường tàu cho biết: "Trước khi tàu đến khoảng 15 phút, chị cùng các nhân viên sẽ nhắc nhở khách hàng vào nhà và tuyệt đối giữ khoảng cách an toàn. Khi đoàn tàu đi qua các du khách đều chuẩn bị sẵn máy quay để ghi lại cảm giác mạnh khi đoàn tàu đến rất gần".
Là một trong những chủ quán cà phê đầu tiên trên xóm đường tàu, anh Khánh cho biết: "Hầu hết khách du lịch đều cảm thấy đây là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Nếu ở đất nước của họ sẽ không bao giờ có cơ hội trải nghiệm việc ngồi gần đường tàu đến như vậy. Số khác cảm thấy hơi sợ nhưng vẫn rất vui và phấn khích".
Anh Nam, một người dân sinh sống trên xóm đường tàu tâm sự: "Tàu hỏa đi vào khu dân cư thường chạy rất chậm, người dân nơi đây đã quen thì không sao nhưng nếu là khách du lịch mới đến thì phải đảm bảo giữ khoảng cách an toàn nếu không sẽ rất nguy hiểm".
Ngồi thư giãn trong những quán cà phê với không gian đặc biệt và ngắm tàu chạy qua ở khoảng cách gần khiến nhiều người cảm thấy thích thú. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho du khách cũng như sinh kế của người dân nơi đây cần có những biện pháp quy hoạch, xây dựng đảm bảo hơn nữa chứ không chỉ đơn giản là những lời nhắc nhở giữ khoảng cách an toàn của những chủ quán bên trong xóm đường tàu như hiện tại
Thanh Tùng
Theo doisongphapluat.com
Đảo Cái Chiên đẹp bình yên qua ảnh check-in của giới trẻ Không chỉ có những địa điểm du lịch nổi tiếng, Quảng Ninh còn tồn tại một hòn đảo xanh, đẹp hoang sơ, yên bình, thu hút giới trẻ đam mê khám phá. Ảnh: Ngotthang, thaoo.phuongglee. Cách Hà Nội khoảng 330 km, đảo Cái Chiên là một xã đảo của huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Nơi đây vẫn chưa phát triển về kinh tế,...