Nín thở đoán động thái tiếp theo của Putin
Crimea (Crưm) đã trở thành một phần của Nga, và thế giới đang chờ đợi xem những hành động tiếp theo của Tổng thống Vladimir Putin.
Vượt ra ngoài phạm vi bán đảo giá trị ở Biển Đen, một bức tranh đang nổi lên từ những gì mà lãnh đạo Nga thực sự mong muốn trong cuộc chơi quyền lực của mình: quyền tự trị rộng hơn cho các khu vực nói tiếng Nga của Ukraina, đảm bảo rằng, Ukraina sẽ không bao giờ thực hiện được cái gọi là “cơn ác mộng” của Kremlin – gia nhập NATO.
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu ông Putin có sẵn sàng tiến vào những vùng khác tại đông Ukraina để đạt được những mục tiêu ấy.
Trong một bài phát biểu trước quốc hội, ông Putin khẳng định, Nga không muốn một Ukraina chia cắt. Cùng lúc đó, bài phát biểu của ông chuyển tải thông điệp rõ ràng rằng, ông muốn phương Tây công nhận những lợi ích Nga tại Ukraina.
Tổng thống Nga V.Putin. Ảnh: Rian
Phương Tây lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì cam kết với Moscow tránh xung đột quân sự, vì áp lực lập trường cứng rắn hơn hay đối đầu với rủi ro Nga kiểm soát Ukraina. Ông Putin đã gửi đi tín hiệu rõ ràng là có thể áp dụng những biện pháp cực đoan nếu ông không giữ được Ukraina khỏi NATO và đảm bảo nước này vẫn nằm trong quỹ đạo chính trị, kinh tế Nga.
Cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm với kết quả đa số ủng hộ gia nhập Nga cũng làm dấy lên quan ngại rằng, các tỉnh phía đông Ukraina có thể sẽ nỗ lực tổ chức các cuộc bỏ phiếu độc lập. Người biểu tình đã chiếm giữ một số toà nhà chính phủ ở vài thành phố phía đông và treo cờ Nga. Một số cuộc đụng độ đã xảy ra với phe ủng hộ Kiev khiến nhiều người đồn đoán Kremlin có thể điều quân can thiệp và ngăn chặn bạo lực.
Tình hình bất ổn tạo lý do để Putin can thiệp quân sự tại Ukraina để bảo vệ người Nga. Quân đội Nga cũng đã tiến hành tập trận quy mô lớn dọc đường biên giới 2.000km giữa hai nước.
“Putin đã chuẩn bị để tiến bước”, Fiona Hill, một chuyên gia Nga tại Viện Brookings, Washington nói. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ông ấy di chuyển vào các vùng khác ở đông Ukraina”.
Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Đối ngoại và Chính sách quốc phòng Mỹ nói rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU không cản được bước Putin.
Video đang HOT
Tổng thống Nga đã thường xuyên trao đổi với người đồng cấp Mỹ Obama và những nhà lãnh đạo phương Tây khác. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã gặp gỡ với người đồng cấp John Kerry tới 6 giờ đồng hồ tại London tuần trước, nhưng không có kết quả nào rõ rệt.
Bế tắc
Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra phác thảo của họ cho một thoả thuận gồm:
Quyền tự chủ rộng hơn cho các khu vực của Ukraina để đưa quốc gia này thành một liên bang và sẽ được phê chuẩn bằng cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.
Đề xuất vị trí trung lập của Ukraina cần phải được đảm bảo bởi Nga, Mỹ, EU và do Hội đồng Bảo an LHQ chấp nhận.
Oleksandr Chalyi, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Ukraina cho hay, nguyên nhân ẩn sau cuộc khủng hoảng là Nga lo ngại Ukraina gia nhập NATO. Ông thúc giục Mỹ chấp thuận đề xuất của Nga để đảm bảo tính trung lập cho Ukraina.
Trong một cuộc thảo luận do Trung tâm Wilson tổ chức ở Washington, Chalyi coi kịch bản này là để tháo gỡ xung đột. “Vài ngày tới, vài giờ tới, Nga sẽ nhận được thông điệp rất rõ ràng từ Washington và Brussels cho đề xuất tương lai Ukraina: vĩnh viễn là quốc gia trung lập với những bảo đảm mang tính ràng buộc quốc tế”.
Theo chuyên gia Hill của Viện Brookings, NATO sẽ không huỷ bỏ quyết định mở cửa ngỏ cho tư cách thành viên của Ukraina trong tương lai. Rất nhiều người tin rằng, điều đó có nghĩa là hai bên đang bắt đầu một bế tắc có khả năng bùng nổ thành bạo lực.
Theo Thái An
Vietnamnet/AP
Việt Nam giải "bài toán" rủi ro trước nước lớn
Chuyển từ ngoại giao phòng ngừa đơn thuần sang ngoại giao theo tư duy "kiến tạo phát triển" là chìa khóa tăng cường thế chủ động của Việt Nam.
LTS: Năm 2013 là một năm "được mùa" của ngoại giao Việt Nam, với việc thiết lập khái niệm "lòng tin chiến lược", duy trì được một môi trường khu vực hòa bình, ổn định đồng thời với việc triển khai ngoại giao nước lớn. Đây là cơ sở để tính toán một năm 2014 theo góc nhìn dài hơi hơn, với những xung lực mới.
Dưới góc nhìn của một "Nhà nước kiến tạo phát triển" như thông điệp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa nêu, chính sách đối ngoại phải có tầm nhìn đủ bao quát với những lựa chọn ứng xử khác nhau sẽ giúp quốc gia đối phó một cách hiệu quả với các rủi ro. Khi tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, tình hình nội bộ của các nước lớn và đối tác cũng có những thay đổi, chuyển biến liên tục thì một trong những điểm cốt lõi của ngoại giao Việt Nam 2014 chính là nhận diện và quản lý được rủi ro tiềm tàng khi nó còn chưa lộ diện.
Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu bài phân tích về thông điệp này, nhìn từ góc độ tác động tới chính sách đối ngoại.
Ngoại giao nước lớn và chiến lược lòng tin
Các nước lớn là những chủ thể đầy quyền lực trong quan hệ quốc tế, và cường quốc rõ ràng có nhiều công cụ chính sách hơn các nước nhỏ. Mối quan hệ nước lớn - nước nhỏ, hay giữa các nước lớn với nhau đều chứa đựng đầy rẫy rủi ro mà nếu không biết cách ứng xử khéo léo thì lợi ích của các nước nhỏ hơn sẽ dễ dàng bị đe dọa.
Rủi ro lớn nhất trong mối quan hệ với các nước lớn chính là hiểu sai hoặc không thể dự đoán được những bước đi chính sách của họ. Mặc dù có một số điểm chung trong cách hành xử, tuy nhiên mỗi một nước lại có những yếu tố lịch sử, dân tộc,... khác nhau ảnh hưởng tới cách thức các nước lớn nhìn nhận thế giới, dẫn đến quá trình hoạch định chính sách ngoại giao là khác nhau tùy tình hình và thời điểm cụ thể.
Với một nước nhỏ, quá cứng rắn hay quá mềm dẻo khi ứng xử với nước lớn có thể dẫn tới những hệ quả mà nước này không thể kiểm soát được, dẫn tới lợi ích chiến lược bị đe dọa nghiêm trọng. Quá trình phân tích và đánh giá rủi ro sẽ phải xác định được các yếu tố then chốt, giúp nước nhỏ hiểu đúng hơn bản chất các mối quan hệ đan xen phức tạp trong mối quan hệ với các nước lớn. Cuối cùng ngoại giao phải thiết lập được một hệ thống chính sách trong đó ứng phó được với mọi tình huống có thể xảy ra.
Rủi ro trong vấn đề biển Đông là rất lớn khi bất cứ một đánh giá chính sách sai lầm nào cũng có thể khiến cho căng thẳng leo thang. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Xây dựng "lòng tin chiến lược" chính là một trong những bước "kiến tạo" như vậy. Thiết lập lòng tin chính là một chiến lược nhằm "phòng ngừa rủi ro" về mặt dài hạn thông qua những biện pháp ngoại giao cụ thể, thông qua đối thoại và từ đó tìm kiếm tiếng nói chung. "Đoán" được ý nghĩ và hành động của các nước lớn không những là một môn khoa học, mà còn là một "nghệ thuật" mà các nước nhỏ hơn phải nắm vững để có thể bảo vệ lợi ích cho riêng mình.
Nhưng "đoán" như thế nào, và sau đó là hoạch định chiến lược đối phó với từng kịch bản tiếp cận ra sao lại là một vấn đề khác. Muốn "đoán" thì phải "hiểu", muốn "hiểu" thì phải "đối thoại", và muốn "đối thoại" thì cần có một chiến lược gây dựng lòng tin dài hạn. Phòng ngừa rủi ro chính từ bước đầu tiên, hiểu và xây dựng lòng tin với đối phương. Biển Đông có thể là một thí dụ điển hình.
Biển Đông và những rủi ro
Rủi ro trong vấn đề biển Đông là rất lớn khi bất cứ một đánh giá chính sách sai lầm nào cũng có thể khiến cho căng thẳng leo thang.
Trong một môi trường quốc tế mà sự tin cậy lẫn nhau vẫn chưa thể được xây dựng, cần thiết phải có những đối sách ngắn hạn để đối phỏ với rủi ro có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào. Và vì là một nước nhỏ, Việt Nam phải chấp nhận một rủi ro lớn hơn rất nhiều. Rủi ro khi các nước lớn sử dụng sức mạnh quân sự để đạt ưu thế trong tranh chấp, rủi ro khi các cường quốc bắt tay nhau để "chia chác" các lợi ích trên biển mà không cần "để ý" tới phản ứng của các nước nhỏ hơn.
Nhiệm vụ của ngoại giao và những người phân tích chính sách đối ngoại là phải xác định rõ trong từng trường hợp Việt Nam phải ứng xử ra sao, phải có chính sách ứng phó như thế nào để bảo toàn lợi ích và chủ quyền từ ngàn đời nay của quốc gia, với việc đánh đổi ít nhất.
Tranh chấp lãnh thổ không phải là chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi có những chiến lược dài hơi, với những rủi ro được nhận diện một cách rõ ràng. Một nền ngoại giao chỉ biết thụ động đối phó với tác động từ bên ngoài sẽ dễ dàng đánh mất lợi ích, vị thế và cả bản sắc của cả một quốc gia.
Trung Quốc có chiến lược riêng của họ trong tranh chấp biển Đông, và chênh lệch quyền lực là quá rõ ràng giữa Bắc Kinh và các bên còn lại trong tranh chấp. Rủi ro và thách thức trong vấn đề này lớn hơn rất nhiều lần so với cơ hội, và vì vậy cần những chiến lược rõ ràng cụ thể để giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể có.
"Thể chế hóa" hay "học thuật hóa" chính là những chiến lược như vậy. "Thể chế hóa" là việc làm sao thiết lập một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa các nước có liên quan tới tranh chấp và cố gắng tìm một đồng thuận về nội dung trong các cánh diễn dịch UNCLOS khác nhau. Làm sao để giúp Trung Quốc nhận ra được lợi ích của việc xây dựng COC, và làm thế nào giúp ASEAN trở nên đoàn kết hơn nữa trong vấn đề này chính là nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao Việt Nam 2014, thông qua việc lấy cơ chế xây dựng lòng tin chiến lược làm nền tảng.
Bên cạnh đó, "học thuật hóa" sử dụng sức mạnh của khoa học và lý lẽ như một vũ khí tuyên truyền nhằm "đánh bật" những lập luận và bằng chứng khống, thiếu sức thuyết phục từ phía Trung Quốc, vốn áp đảo trên các diễn đàn quốc tế. Một sự kết hợp giữa khoa học vốn mang đậm tính hợp lý và logic, và tuyên truyền với sức lan tỏa mạnh mẽ sẽ giúp các quan điểm của Việt Nam vừa mang sức nặng và tính thuyết phục, lại vừa được phổ biến một cách rộng rãi trên các diễn đàn, cả trong và ngoài nước.
Môi trường quốc tế đầy biến động hiện nay đi kèm với quá trình cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung khiến cho tương lai an ninh khu vực trở nên rất bấp bênh. Điều này đòi hỏi việc hoạch định sách lược ngoại giao phải có những chiến lược cụ thể, rõ ràng, nhận diện được những rủi ro có thể xảy đến trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Chuyển từ ngoại giao phòng ngừa đơn thuần sang ngoại giao theo tư duy "kiến tạo phát triển" là chìa khóa tăng cường thế chủ động của Việt Nam trong thời điểm 2014 hiện nay, lẫn tương lai trung hạn sắp tới.
Theo Nguyễn Thế Phương
Vietnamnet
Tiết lộ về "hình hài" của Ủy ban An ninh Quốc gia Trung Quốc Chiều 12/11, Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 (Hội nghị Trung ương 3) đã bế mạc và ra thông cáo liên quan. Ảnh minh họa. Nguồn: AFP Ngoài việc thành lập Tiểu tổ Lãnh đạo thúc đẩy cải cách toàn diện, một nội dung hết sức quan trọng và được...