Niềm vui trong những ngôi nhà mới
Năm mới này, nhờ chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơicủa Báo Thanh Niên, nhiều ngư dân nghèo ở miền Trung không còn thấp thỏm đón tết trong bề bộn lo âu về một mái ấm xiêu vẹo, cũ nát.
Sang trang đời mới
Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông trao tiền hỗ trợ ngư dân trẻ Bình Định – Ảnh: Văn Lưu
Ngôi nhà nhỏ xây bằng tiền hỗ trợ của anh Đỗ Thành Xuân (29 tuổi, ở thôn Cửu Lợi Đông, xã Tam Quan Nam, H.Hoài Nhơn, Bình Định) rộn ràng tiếng cười nói hằng ngày. Chị Lý, vợ anh Xuân, một tay bồng con nhỏ, tay kia loay hoay nêm lại nồi canh cá đang chín, hớn hở cho biết: “Ảnh đi biển xa bờ với người ta được hơn 1 tháng nay rồi. Nhà còn 3 mẹ con nhưng không còn sợ nắng nóng hay mưa dột, gió bão như hồi trước”. Nói rồi, chị nhẹ tay đặt đứa nhỏ xuống võng, chỉ cho khách xem mái nhà không còn bị thủng lỗ chỗ, cái chái bếp bốn bề lá dừa khi xưa giờ cũng đã được bê tông hóa, ấm áp và vững chãi. Chị Lý kể, mấy tháng nay, từ khi xây được nhà mới, anh Xuân đã yên tâm ra khơi xa, cùng bạn bè bám biển, bám ngư trường để kiếm thêm thu nhập. Có đợt đi khoảng một tháng rưỡi, anh đem về cho chị 7 triệu đồng.
Nhiều ngư dân nghèo khác ở dọc các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa nhận được hỗ trợ từ chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi cũng đã có một cuộc sống mới tốt hơn trong ngôi nhà mới. Với họ, niềm vui ấy quá đỗi bất ngờ và to lớn. Nó là sự đồng lòng, sẻ chia của xã hội và là động lực để họ tiếp tục có những sải bước dài, vững chắc trước sóng gió và biến thiên của cuộc đời.
Ngôi nhà mới của ngư dân Tu Thanh Sơn ở làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) – Ảnh: Hiển Cừ
Video đang HOT
Chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi đã giúp 40 ngư dân gặp nạn trên biển, xây 35 căn nhà nhân ái cho ngư dân 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa trao gần 100 suất học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn…
Lẽ thường, chỉ có người trải đời mình lênh đênh theo những đợt hải hành mới hiểu từ biển rộng lớn, tươi đẹp và hiểm nguy đến dường nào. Biển mặn. Mặn mòi hạnh phúc khi cá đầy khoang nhưng cũng mặn đến đắng lòng khi không may ở lại hoặc rời xa biển mãi mãi… Niềm vui và nỗi buồn ấy của ngư dân đã được xã hội đồng cảm từ nhiều nguồn thông tin. Một nhà tài trợ cho chương trình khi đến với các hoàn cảnh ngư dân khó khăn đã tâm sự với chúng tôi: “Không ngờ lại có những người sống quá khổ cực như thế, mặc dù họ đã cố gắng tìm cách thoát khỏi cái nghèo. Mình góp tiền của, tâm sức để một phần động viên ngư dân yên tâm bám biển, phần nữa để nhiều người thấy rồi cùng làm như mình thì hay biết mấy!”.
Tại buổi giao lưu Đồng hành với ngư dân do Báo Thanh Niên phối hợp VTV Phú Yên tổ chức vào cuối năm 2012, nhà báo Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết Báo Thanh Niên đã vận động các nguồn lực xã hội để tiến hành các hoạt động theo mục tiêu đề ra, qua đó đã trao trên 2,4 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân trẻ và chương trình ngày càng lan tỏa, hiệu quả hơn.
Theo TNO
Biển "bạc" đang bị tận diệt từng ngày
Hàng nghìn tàu thuyền cùng hàng vạn ngư cụ đang ngày đêm quần thảo, khai thác nguồn lợi hải sản vùng ven biển đã khiến nguồn tài nguyên hải sản không chỉ vùng biển Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt...
Mùa đông không lạnh
Những ngày cuối đông, qua làn sóng đài phát thanh, lão ngư Nguyễn Văn Lưa (62 tuổi, trú xã Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa), cùng hai người con trai đang rong ruổi trên con tàu (30CV) vừa mới được sửa lại, biết được sắp có bão tràn vào biển Đông. Ông Lưa cùng hai người con nhanh tay cất lưới, điều khiển con tàu nhỏ như chiếc lá tre nhằm hướng cảng cá Vĩnh Lương.
Biển động. Những con sóng nối tiếp nhau chồm lên dữ dội như muốn nuốt lấy thân tàu của cha con ông. Sau nhiều giờ bị sóng nhồi lên nhồi xuống, chiếc tàu của cha con ông cũng đã về tới đất liền an toàn. Thế nhưng, khi niềm vui chưa kịp đến với lão ngư với thâm niên 54 năm bám biển thì những lo toan lại tràn về. Sau 3 ngày ra khơi, vật lộn với sóng dữ, cha con ông Lưa trần mình trong giá rét với biết bao giọt mồ hôi, công sức cũng chỉ đánh được hơn 4 tạ cá tạp cùng vài chục kg tôm, mực và bạch tuộc. "Chuyến đi này chắc không đủ chi phí rồi" - ông Lưa chỉ xuống khoang tàu nói khẽ trong tiếng sóng.
Loài bạch tuộc sống dưới đáy biển vẫn không thể thoát khỏi miệng lưới giã cào.
Trong ảnh, một tư thương buôn bán hải sản ở cảng cá Vĩnh Lương, Nha Trang
Với cả chục miệng ăn, lại phải lo cho hai người con đang tuổi ăn học, thế nên chuyến ra khơi kế tiếp, gia đình ông Lưa chắc chắn lại phải chạy vạy, vay mượn để có tiền cho tàu "ăn dầu", mua đá cây và thực phẩm cho chuyến đi. "Mỗi chuyến đi biển thường kéo dài 3-4 ngày. Chi phí tiền dầu, tiền đá cây, tiền thực phẩm cũng ngót nghét 6 triệu đồng. Vậy mà chuyến đi này chắc bán hết chỗ cá tôm cũng chỉ nhỉnh hơn 5 triệu bạc", ông Lưa buồn rầu nói.
Cùng chung với cảnh ra khơi của ông Lưa là vợ chồng ông Nguyễn Văn Thịnh (41 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lệ Xuân hành nghề lưới hai ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng (Nha Trang). Cũng bữa đói, bữa no, bà Xuân tâm sự: "Cả nhà có đến 5 miệng ăn. Hai đứa con lớn thì đang đi học. Tất cả đều trông cả vào chiếc tàu nhỏ với công suất chỉ 24CV của gia đình. Vậy mà, những năm gần đây, việc đánh bắt cá chẳng được là bao đã khiến cuộc sống gia đình đã khó khăn lại càng thêm lận đận. Không đủ trang trải cho các con ăn học, tôi lại chạy đôn, chạy đáo đi vay tiền của bà con, họ hàng. Vất vả là thế, khổ là thế nhưng không đi biển thì chẳng biết làm nghề gì khác. Chúng tôi không bỏ được nghề".
Đây cũng là trăn trở của hàng nghìn ngư dân đang ngày đêm bám biển ở Khánh Hòa hiện nay.
Đánh bắt theo kiểu tận diệt
Hàng nghìn tàu thuyền công suất nhỏ ở Khánh Hòa chỉ có thể đánh bắt được ven bờ
Ra khơi, nhưng việc đánh bắt hải sản gần bờ hiện nay của các ngư dân lại chẳng được là bao, khiến cuộc sống của hàng nghìn gia đình hành nghề đi biển vẫn không thể thoát được cái đói, cái nghèo. Họ cho rằng, giờ đây có quá nhiều tàu thuyền, ngư cụ mà cứ đánh bắt loanh quanh ở gần bờ đã khiến sinh vật biển không kịp sinh trưởng. Đó là chưa kể việc nhiều tàu thuyền sử dụng lưới giã cào để đánh bắt hải sản, hay thậm chí nhiều người còn lén lút sử dụng xung điện, thuốc nổ, thuốc độc (xyanua) để đánh bắt cá tôm theo kiểu tận diệt.
"Giờ đây một số tàu lớn cỡ 600CV sử dụng giã cào dài hàng trăm mét càn quét vùng ven bờ khiến nguồn lợi thủy hải sản đã cạn lại càng kiệt quệ thêm. Nó cào như thế là tất cả tiệt luôn. Từ cá tôm, cua ốc lớn nhỏ đều bị bắt hết, không tha một thứ gì hết" - một ngư dân nói.
Nguồn hải sản bị cạn kiệt. Không đánh bắt được ở gần bờ, dù thuyền công suất nhỏ, nhiều tàu thuyền của ngư dân vẫn đánh liều đi khơi xa với hy vọng cải thiện được sản lượng. Vì vậy chi phí mỗi chuyến đi cũng nhiều hơn. Do vậy, việc đi đến vùng biển xa luôn tiềm ẩn những nguy hiểm rình rập, khó lường. Vì tàu thuyền của họ công suất nhỏ không cho phép đi quá xa nhưng vì không đánh được hải sản ở gần bờ nhiều khi những con thuyền với công suất nhỏ của họ vẫn phải đánh cược với biển.
Không kiểm soát được việc đánh bắt
Ông Nguyễn Văn Thịnh ở cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang) đang chuẩn bị
cho một chuyến đi biển mới nhưng không biết khi về có đủ vốn hay không?
Hiện nay toàn tỉnh Khánh Hòa có 9.780 chiếc tàu thuyền các loại, trong đó số lượng tàu có công suất từ 90CV trở lên chỉ có 1.080 chiếc, còn lại là dưới 90CV. Trong đó số lượng tàu đánh bắt gần bờ có công suất nhỏ hơn 20CV chiếm đến hơn 50% tổng số tàu thuyền toàn tỉnh này. Ông Võ Khắc Én - Trưởng Phòng quản lý khai thác nguồn lợi và môi trường thủy sản (Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa), cho biết những tàu từ 90CV mới có khả năng vươn khơi xa được. và với những chủ tàu công suất lớn thì hiện nay họ mới "sống được". Còn lại đối với những tàu thuyền công suất nhỏ thì họ chỉ đánh vùng lộng và ven bờ. Đa số chủ tàu công suất nhỏ là hộ nghèo, không có điều kiện trang bị được vật dụng cần thiết để ra khơi xa. Do đó, việc ngư dân đóng tàu công suất dưới 20CV đã bị chính quyền địa phương hạn chế. Những ai cố tình đóng mới tàu loại này sẽ xử phạt.
Lý giải về việc nguồn lợi hải sản ven bở đang bị cạn kiệt, ông Én cho rằng, "trước kia số lượng tàu thuyền ít thì cá nó có đủ thời gian sinh sản, sinh trưởng nhưng bầy giờ con cá mới nhỏ tí đã bị bắt mất rồi. Hiện nay việc đánh bắt gần bờ do số lượng tàu thuyền lớn, nhiều ngư cụ, cường lực khai thác lớn khiến cho nguồn lợi bị cạn kiệt. Mà tỉnh Khánh Hòa hiện nay chưa có cơ quan chuyên trách để lo điều này. Nhiều khả năng, đến năm 2014, sẽ có Chi cục Kiểm ngư vùng. Khi đó sẽ có đội tàu giám sát, kiểm tra việc đánh bắt hải sản của ngư dân". Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa không có một con tàu nào để đi kiểm tra việc đánh bắt, khai thác thủy sản, mà chỉ tuyên truyền cho ngư dân là chủ yếu. Vì vậy, việc người dân đánh bắt như thế nào thì cơ quan chức năng không kiểm soát được.
Càng khai thác kiểu tận diệt thì càng nghèo
Đứng trước nguy cơ bị khai thác cạn kiệt, cá đuôi gai - một trong những loài cá
ở quần đảo Trường Sa đang được bảo tồn nguồn gen tại Viện Hải dương học
Theo đánh giá của Chương trình môi trường Liên hiệp Quốc, việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản biển đang được coi là một trong ba vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất của biển Đông hiện nay. Biển Đông đang là nơi bị khai thác hết sức trầm trọng và Việt Nam không nằm ngoài đánh giá chung này. Lý giải về tình trạng này, PGS - TS Võ Sĩ Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho rằng việc tuân thủ pháp luật của ngư dân Việt Nam yếu hơn 1 số quốc gia trong khu vực đã dẫn đến việc khai thác quá mức như hiện nay. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng thuốc nổ trên biển, các chất gây mê (cyanua) để bắt cá sống, cá cảnh... đã khiến nhiều loài đang bị đe dọa nghiêm trọng. "Trong sách đỏ Việt Nam, hiện có rất nhiều loài ở mức độ rất nguy cấp, mức độ nguy cấp và sẽ nguy cấp thì có hàng trăm loài đang nằm trong danh sách như vậy. Chẳng hạn loài bò biển là loại quý hiếm, bị đe dọa trên toàn cầu nhưng ở nước ta vẫn bị săn bắt lén lút. Ngoài ra còn rất nhiều loài như ốc tù và, ốc xà cừ, ốc đụn... là rất nguy cấp và nguy cấp" - PGS - TS Võ Sĩ Tuấn nói.
PGS - TS Võ Sĩ Tuấn cho biết: "Hiện nay việc quản lý con người ở nước ta là không khả thi. Lâu nay chúng ta cứ đem phương tiện, con người ra ngoài biển để mà đuổi thì không được mà là những ai tiêu thụ, ai vận chuyển mà vi phạm thì cần phạt thật nặng. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng càng nhiều khu bảo tồn biển và quản lý có hiệu quả. Đừng có xây dựng khu bảo tồn trên giấy vì hiện nay có một số khu bảo tồn chúng ta chỉ "đẻ ra" chứ không quản lý được. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng các mô hình mà có sự tham gia của các thành phần khác nhau. Cái quan trọng nhất hiện nay là chúng ta chưa hiểu rõ về tài nguyên da dạng sinh học biển. Rất nhiều nhà quản lý cho rằng việc khai thác với việc bảo tồn là đối nghịch nhau, nhưng không phải như vậy. Thực ra là khai thác hợp lý nó sẽ giúp bảo tồn. Đừng lấy lý do tại dân ta nghèo. Không thể vì nghèo mà tàn phá. Đấy là lý do là rất nhiều người nói đến, thậm chí các nhà lãnh đạo cũng nói rằng chúng ta đang có nhu cầu phát triển cho nên đành phải hy sinh môi trường. Không phải, chúng ta hy sinh môi trường là không phát triển được. Mình hiện nay đang lấy nghèo đối nghịch với bảo tồn, với phát triển. Tôi cho rằng nếu không thay đổi nhận thức thì không làm bảo tồn được, mà càng khai thác theo kiểu như trên thì càng nghèo".
Việc khai thác quá mức đã dẫn đến một số loài sinh vật biển ở biển Đông gần như tuyệt diệt. Để bảo tồn một số nguồn gen, sinh vật biển quý hiếm, các nhà khoa học Viện Hải dương học đã có những công trình khoa học để bảo tồn những nguồn gen này. Một số đối tượng đã sinh sản nhân tạo thành công tại Viện Hải dương học như: cá mập, cá khoang cổ nemo hay cá đuôi gai.
Theo ANTD
Quảng Bình: Tàu cá thứ 3 bị mất tích Liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 tuần đã có 3 tàu cá của ngư dân của huyện Quảng Trạch, Quảng Bình bị nạn ngoài khơi, con số ngư dân mất tích được cơ quan chức năng địa phương xác nhận lên đến 28 người. Thông tin từ UBND xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết, xã đã nhận được...