Niềm vui của cánh diều lộng gió
Sự sống chưa bao giờ trở nên mong manh, bất định như hôm nay. Hoặc đơn giản, trò chơi đã bắt đầu. Bạn không cần chơi giỏi, mà chỉ cần biết luật chơi.
Ngày hôm nay lại lạ lùng hơn hôm qua. Mỗi ngày đều có một điều gì đó nổi lên cho chúng ta nhìn ngắm, rồi ngẫm nghĩ, rồi phát biểu, rồi phản biện hay bào chữa… Và chỉ cần bạn ngồi im, quan sát, sẽ thấy rất thú vị, cả buồn cười hoặc thậm chí, cười muốn sặc…
Những lộn xộn rất đời ấy đang được tạo ra, được thổi phồng. Tin tức càng được thổi càng trở nên nhẹ và bay lên, bay lên. Bất ngờ bóng bay giữa trời gặp một chú nhím cũng biết bay. Vậy là mặt đất đầy xác bóng bay. Một mặt đất tan tác muôn màu đang diễn tiến bởi vì có quá nhiều người đang… rảnh.
Ngoài lực lượng y bác sĩ, các tình nguyện viên phục vụ công cuộc cách ly khổng lồ của trái đất, số còn lại dường như đang rất rảnh. Ban đầu là rảnh một cách bất thường, hiện giờ thì rảnh một cách bình thường. Có lẽ hơn bao giờ hết, trạng thái bất thường chuyển qua bình thường nhanh khủng khiếp. Nhanh bằng vận tốc của giọt bắn. À. Dễ hiểu hơn, là nhanh như một cái hắt xì.
Tôi đã bắt đầu thấy chán những con số. Từ hôm nay, tôi sẽ nghĩ rằng mình đang có một ngày đặc biệt thú vị. Tôi thích cái ý tưởng cho rằng chúng ta đang ở mùng 59 rồi mùng 60 tết. Nhìn con ôm gối ngủ say sưa là cảm giác dễ chịu hơn mọi thứ. Nghỉ học cũng có sao đâu con, kiến thức đến từ nhiều phía chứ không phải chỉ riêng trường học.
Sau chục ngày không đến lớp, con gái 10 tuổi của tôi quen ngủ đến 7g mới thức dậy. Tối ngày mùng Chín, con đinh ninh là sáng mai sẽ lại đến trường như trước đây. Nhưng không, khi con ngủ rồi thì tôi được cô giáo của con nhắn tin về việc nghỉ học.
Sáng mùng Mười, tôi không đánh thức nhưng con tự dậy, nhìn đồng hồ chỉ còn 5 phút nữa là 7g, một cơn hoảng loạn bùng phát vì con sợ trễ giờ đến lớp. Tôi buông cây chổi đang quét nhà ôm chặt con vào lòng, không sao đâu con, hôm nay con được nghỉ. Phải mấy phút sau, con tôi mới hoàn hồn. Tôi thương con phút giây ấy không sao tả được. Và cũng từ hôm ấy, ngày nào cũng là ngày đặc biệt của mẹ con tôi.
Không đặc biệt sao được, khi ở ngay giữa kinh đô thời trang của thế giới, nơi một chiếc áo có thể mua được một căn hộ như nơi tôi đang sống, người ta đã phải lấy bao rác, khoét lỗ để làm trang phục bảo hộ cho mình. Điều này không hề dính dáng gì đến khái niệm phân hóa giàu nghèo.
Hơn lúc nào hết, Covid-19 đang xóa nhòa ranh giới giàu nghèo. Loài người, trần trụi và yếu đuối như nhau. Và trong lúc giằng co giữa sự sống và cái chết, các y bác sĩ ở Ý nói rằng, do tình hình máy thở thiếu, họ sẽ ưu tiên cho bệnh nhân nào có chỉ số sinh tồn cao hơn.
Đi một vòng phát triển của khoa học, loài người đang đứng trước một ngày phải chấp nhận sự sàng lọc tự nhiên. Con nào khỏe thì sống, con nào yếu thì chết. Y như trở về con số không.
Tin tức vẫn liên tục cập nhật những tin vui trong nghiên cứu về vi-rút này. Nhưng loài người đã đến đỉnh cao của phát triển y khoa chưa thì tôi không chắc, tôi bắt đầu thấy bạn bè quanh mình đang ngả dần về hướng… hên xui.
Video đang HOT
Sự sống chưa bao giờ trở nên mong manh, bất định như hôm nay. Hoặc đơn giản, trò chơi đã bắt đầu. Bạn không cần chơi giỏi, mà chỉ cần biết luật chơi.
“Ông bầu” Vũ Khắc Tiệp có vẻ chưa biết luật chơi, nên kỳ này, số đen hơn người khác. Nhiều người hẳn đã bật cười khi đọc được những dòng này:
“1. Từ Ý về, Tiệp tự cách ly 14 ngày. 2. Gần được 14 ngày thì bị bế đi cách ly tập trung vì bỗng dưng lòi ra ca 17. 3. Vừa hết cách ly tập trung về nhà được vài ngày thì cái chung cư nơi Tiệp ở có một chàng dương tính. Thế là nguyên cái chung cư bị phong tỏa. Người ta cách ly 14 ngày còn anh này loay hoay cả tháng mà chưa thoát được với đủ kiểu cách ly”.
Tiệp chơi dở quá hay do Tiệp không biết luật chơi? Và luật chơi ở đây là gì?
Tôi nói với con, là chấp nhận có trí tuệ. Số phận của mỗi người rất khác nhau, nhưng thời gian trong một ngày thì lại tuyệt đối bằng nhau. Nếu không thể chắc là mình sẽ sống gấp đôi số tuổi của người khác thì ít nhất, điều mình có thể làm được là vui gấp đôi niềm vui của ngày hôm nay.
Nào, bắt đầu nào, niềm vui của ngày hôm nay sẽ là một cánh diều lộng gió.
Trương Gia Hòa
Ta sống chết theo cách của ta
Vào một buổi sáng, nàng thắc mắc một câu hỏi siêu hình, rằng tương lai ta sẽ sống thế nào, rồi ta sẽ ra sao?
Một buổi sáng sau giấc ngủ ngon bởi đêm ân ái mặn nồng, nàng tỉnh dậy ngáp dài. Tôi hỏi nàng có chuyện gì, sao mặt mũi bần thần như hồn vía đi chơi xa thế. Nàng mới thắc mắc với tôi một câu hỏi siêu hình khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, rằng tương lai ta sẽ sống thế nào, rồi ta sẽ ra sao?
Tôi bảo nàng rằng: "Ta sẽ sống theo cách không ai có thể làm được".
Nàng bảo tôi rằng: "Nếu thế ta phải là người đặc biệt lắm, tài giỏi lắm, chẳng hạn phải hát hay như Đàm Vĩnh Hưng hoặc phải tài hoa duyên dáng như anh Trần Lực bạn anh... Họ mới là những người có thể sống theo cách không ai có thể làm được".
Tôi hỏi: "Sao em lại nghĩ thế?".
"Thì anh hình dung đi, nếu mai em nghỉ việc chẳng hạn, có hàng trăm người có thể thay thế em ngay. Nhưng anh Hưng không hát, hay anh Lực thôi không duyên dáng nữa, thì ai có thể thay thế họ đây?".
"Vẫn có thể thay thế" - tôi trấn an nàng - "Vĩnh Hưng thôi hát sẽ có Vĩnh Thịnh, anh Trần Lực thôi duyên dáng sẽ có anh Trần Lưỡng duyên dáng hơn. Thậm chí ông Trump mà thôi làm tổng thống, nước Mỹ sẽ tìm ra ông khác thay thế ngay. Mặc dù, với những người quan trọng thì sự thay thế sẽ khó khăn hơn, nhưng không ai là không thể thay thế!".
"Không ai là không thể thay thế ư?".
"Đúng vậy, bất cứ ai cũng có thể thay thế nhưng đồng thời lại không-thể-thay-thế".
"Anh nói vậy nghĩa là sao? Em chả hiểu gì cả. Bất cứ ai cũng có thể thay thế, đồng thời lại không thể thay thế. Vô lý quá, em chả hiểu!".
"Được rồi, hãy nghe anh giới thiệu ông Martin Heidegger, ông này trứ danh bởi ông ấy là triết gia về cái chết. Phát minh lớn nhất của ông được phát biểu ngắn gọn: "Tồn tại là để hướng tới cái chết", hay theo cách dịch của bác Trần Công Tiến là "hữu quy tận". Nghe thì khiếp, nhưng sự thật là như vậy, từ khi ta lọt lòng, tức là ta bắt đầu tồn tại, cũng đồng thời là sự bắt đầu của quá trình đếm ngược tới cái chết".
"Èo, sinh ra để hướng tới cái chết, thế thì sống còn ý nghĩa gì nữa?".
"Ngược lại đấy em yêu! Cuộc sống chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi ta chết. Cũng như ta chỉ biết tự do khi bị cầm tù, ta chỉ biết sức khỏe khi ta ốm đau, và ta chỉ thật sự biết cuộc sống khi ta chết. Biết có nghĩa là nhận ra ý nghĩa của nó".
"Vậy rốt cuộc, phát minh triết học của cái nhà ông gì của anh ấy, có lợi gì chứ?".
"Lợi gì à, để anh hỏi em nhé! Rồi lúc nào đó, nhất định em sẽ chết đúng không, và có ai có thể chết thay em được không?".
"Không, tất nhiên là không!".
"Chính xác, em phải chết cái chết của mình. Tự em phải trải nghiệm nó, vậy suy ra, có ai có thể sống thay em được không, vì nếu có ai đó sống thay em, sống hộ cuộc đời của em, thì ắt họ cũng chết thay em được".
"Ồ, đúng vậy, không ai có thể sống thay và chết thay em được".
"Vậy em đã thấy em là cá nhân không thể thay thế chưa? Không ai sống hộ hoặc chết hộ em, nghĩa là, không ai có thể thay thế em sống và chết. Vậy thì rõ ràng, cuộc sống và cái chết của em, không ai có thể làm được. Nhớ lại điều anh vừa nói ở trên đi, có đúng thế không? Ta sẽ sống theo cách không ai có thể làm được".
"Vâng, nhưng em vẫn băn khoăn, rằng ý nghĩa quan trọng nhất khiến ông ấy phát minh ra khái niệm "Tồn tại là hướng tới cái chết" là gì?".
"Để anh diễn đạt lại ông ấy một cách khác nhé! Em thường nghe người ta nói thế này, nếu tôi chỉ còn một tuần nữa để sống, tôi sẽ làm gì? Vậy anh hỏi em, nếu em chỉ còn một tuần nữa để sống, em sẽ làm gì?".
"Ôi, nếu vậy em sẽ yêu anh nhiều hơn, em sẽ nói thật nhiều lời yêu thương với anh, với bố mẹ em, với chị em em, với tất cả bạn bè em nữa, em sẽ làm thật nhiều việc có ích và thật sự quan trọng, em không gây sự với ai nữa, không buôn chuyện tào lao nữa, không gato với con bé hàng xóm nữa...".
"Được rồi! Và đó chính là mục đích của ông Heidegger đấy! Ông ấy bảo rằng, ai cũng sẽ chết, có thể là một tuần, một tháng, một năm, mười năm... Không ai biết thời hạn của mình, họ chỉ biết chắc chắn mình sẽ chết. Nhưng hầu hết người ta luôn tin rằng cái chết đến với mọi người, trừ mình, hoặc khôn hơn, họ nghĩ mình cũng chết, nhưng còn lâu.
Chính vì vậy người ta phung phí cuộc đời vào những trò vô bổ, mà cuộc đời thì đầy rẫy những thứ vô bổ do ý thức tăm tối tạo ra, ý thức không biết rằng mình-đang-hướng-tới-cái-chết. Chính triết học Heidegger đã giúp ta nhận thức ra điều đó và giúp ta sống có ý nghĩa hơn".
"Thế nào là có ý nghĩa hơn? Có người nói cuộc sống chả có ý nghĩa gì sất!".
"Đấy là có người nói thế, bởi vì họ sống cuộc đời của họ, chết cái chết của họ, em có sống hộ và chết hộ họ đâu mà phải nghe họ. Ý nghĩa cuộc đời chính do em tự tìm ra cho mình".
"Nghĩa là trên đời có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu ý nghĩa cuộc đời?".
"Đúng vậy! Và lời khuyên của anh là, nếu mai anh chết thì đó là việc của anh, em không phải băn khoăn mà hãy tiếp tục sống cuộc sống của mình, và sống cho thật ý nghĩa. Còn lúc này, ta vẫn bên nhau, hãy yêu nhau theo cách chỉ chúng ta có thể làm được".
Biên kịch Đỗ Trí Hùng
Thấy cô bồ của chồng ôm bụng nhăn nhó bên vệ đường, tôi đã làm một chuyện khiến cô ta phải nhớ suốt đời Cô bồ của chồng đang ôm bụng bầu một mình ngồi bên vệ đường mà không có ai đưa đi đẻ. Tính bỏ qua nhưng rồi tôi lại đi đến trước mặt cô ta và. Tôi và chồng kết hôn sau 4 tháng tìm hiểu. Khoảng thời gian yêu và những ngày đầu hôn nhân vô cùng tuyệt vời. Chồng rất yêu thương...