Niêm phong tài sản của chủ hiệu vàng Quang – Quyên
Ngày 12-10, CQĐT CATP Hà Nội cho biết đã khởi tố bị can, tạm giam đối với Tạ Việt Quang (SN 1975, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Quang tại cơ quan công an
Tối 16-9, cặp vợ chồng Tạ Việt Quang và Bùi Thị Quyên vay nợ với lãi suất cao của hàng chục cá nhân, tổ chức, với số tiền trên 200 tỷ đồng, vỡ nợ 2 vợ chồng này âm thầm bỏ trốn khỏi nơi cư trú trong đêm. Ngày 30-9 CQĐT CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp Tạ Việt Quang. Đối tượng này đã có hành vi dùng giấy tờ giả của xe ô tô đem thế chấp ngân hàng. Cơ quan công an đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng nhằm xác định kê biên tài sản đối với chủ hiệu vàng Quang – Quyên do Tạ Việt Quang làm chủ.
Salon ô tô của vợ chồng Quang – Quyên
Toàn bộ số xe ô tô của vợ chồng Quang – Quyên đã bị niêm phong thu giữ
Đến ngày 9-10, CQĐT đã khởi tố bị can, tạm giam đối với Tạ Việt Quang để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Ngày 11-10, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ đã phối hợp cùng lực lượng CAH Đan Phượng thu hồi tài sản của Quang – Quyên gồm 9 xe ô tô loại 12- 45 chỗ đồng thời lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số tài sản này để phục vụ điều tra.
Theo ANTD
Tín dụng đen - sóng ngầm dữ dội
Nhiều người dân huyện Đan Phượng và các vùng lân cận nhiều ngày nay đang mất ăn mất ngủ khi hay tin cặp vợ chồng Tạ Việt Quang và Bùi Thị Quyên bị vỡ nợ và bỏ trốn khỏi nơi cư trú tối 16-9. Các chủ nợ đã huy động từ các nguồn tiền đem cho cặp vợ chồng này vay với kỳ vọng nhận được lãi suất cao. Lãi đâu chưa thấy, các chủ nợ hiện phải gồng mình gánh các khoản nợ.
Salon ô tô của vợ chồng Quang - Quyên
Đánh bóng thương hiệu để... huy động vốn
Trước đây đã có thời điểm tín dụng đen chỉ phổ biến ở các thành phố lớn thì nay "vòi bạch tuộc" của nó đã vươn tới những người dân ở ngoại thành có tiền nhưng thiếu hiểu biết. Không phải ngẫu nhiên mà trong tháng 8 ở địa bàn huyện Đan Phượng xảy ra 3 nhóm côn đồ manh động đòi nợ thuê cùng đó là việc bắt giữ người đánh đập, xiết nợ chỉ vì con nợ không trả tiền gốc cùng khoản lãi cắt cổ. Anh T vay của một chủ cửa hàng cầm đồ tên Diện số tiền 130 triệu đồng với lãi suất 10 nghìn đồng/1 triệu/ngày. Vay 130 triệu đồng thực tế Diện đã cắt lại phần lãi trừ vào khoản tiền đưa cho "con nợ". Khi không đòi được tiền cùng khoản lãi, đối tượng cùng đồng bọn bắt giữ đánh đập cưỡng đoạt tài sản của anh T. 3 vụ đòi nợ xảy ra liên tiếp cùng một địa bàn chứng tỏ tín dụng đen đang âm thầm hoạt động ở những vùng quê ngoại thành và chỉ lộ ra phần chìm của tảng băng nổi khi vợ chồng doanh nhân Quang - Quyên "ôm" khoản nợ trên 200 tỷ đồng trốn chạy trong đêm.
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Trưởng CAH Đan Phượng, CATP Hà Nội, một trong những thủ đoạn để cặp vợ chồng Quang - Quyên huy động được số tiền hàng trăm tỷ đồng qua hình thức vay lãi suất cao chính là nhờ việc đánh bóng thương hiệu, trưng số tài sản "ảo" cho mọi người thấy. Cặp vợ chồng này làm chủ Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên có trụ sở ở 36 phố Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng, Đan Phượng. Thành lập năm 2003, công ty được cấp phép hoạt động trên 30 lĩnh vực, kinh doanh chủ yếu là dịch vụ du lịch lữ hành nội địa, mua bán ô tô, xe máy nguyên chiếc. Sau nhiều năm Quang - Quyên mở rộng thêm 2 salon bán xe ô tô có hơn 30 xe ô tô con và xe du lịch, cùng một cửa hàng đại lý bán xe ô tô tải ở khu vực Cầu Gáo, Đan Phượng.
Nhiều năm liền Quang tham gia và giữ chức Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đan Phượng. Ngoài ra đôi vợ chồng rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức tài trợ cho nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật ở địa phương. Chính nhờ "vỏ bọc" quá hoàn hảo từ năm 2010 đến nay, thông qua nhiều kênh cặp vợ chồng này đã thu hút vốn bằng cách vay tiền các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân. Kinh doanh thua lỗ, vay nợ lớn nhưng Quang - Quyên vẫn mở thêm cửa hàng kinh doanh vàng bạc và đá quý ở trụ sở công ty ở phố Nguyễn Thái Học. Doanh nhân trẻ, thành đạt, hào phóng, có uy tín chính là những từ được người dân từ thị trấn cho tới xã nhận xét về cặp vợ chồng này.
Thực chất từ năm 2010, để che giấu sự thua lỗ trong kinh doanh, vợ chồng này đã nhận ký gửi nhiều xe ô tô của doanh nghiệp và cá nhân khác nhằm che đậy sự thật công ty có nguy cơ bị phá sản. Cặp vợ chồng này đã mượn nhiều "sổ đỏ" đứng tên người khác để thế chấp ngân hàng vay hàng chục tỷ đồng để quay vòng kinh doanh. Chúng tôi đến xã Tân Lập, gặp anh K chị H cho vợ chồng Quang - Quyên vay 2,25 tỷ đồng. Chị H nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Tháng 5-2011, thấy Quyên bảo cần tiền nhập ô tô loại sang từ Hải Phòng, khát vốn nên hỏi vay tôi với hứa hẹn trả lãi 2 nghìn đồng/triệu/ngày. Do quen biết tin tưởng, gia đình tôi có tiền dành dụm để sinh con chưa dùng đến nên đã đem cả cho Quyên, tôi đưa 4 lần, lần ít 150 triệu, lần nhiều 800 triệu đồng. Trong đó có hơn 1 tỷ đồng là tiền mượn từ ông ngoại bán cây cảnh đem cho vay nốt... Chị vợ tôi cũng cho Quyên vay 5,8 tỷ, tổng số huy động của bạn bè, người thân nữa cũng ngót 10 tỷ đồng đem cho vay giờ chưa biết lấy tiền đâu ra để trả... - anh K chua xót nói. Người thân của vợ chồng vỡ nợ hé lộ "mỗi ngày mở mắt ra vợ chồng nó (Quang Quyên-PV) đã mất 1,2 tỷ đồng tiền lãi, kinh doanh gì cho lại...".
Chớ tham mà rước họa
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Thảo, đối tượng huy động tín dụng đen đều có cùng một chiêu thức để hút vốn đó là lãi suất cao. Các đối tượng tạo cho mình "vỏ bọc", doanh nghiệp có nhiều dự án đầu tư lớn, làm ăn phát đạt sở hữu nhiều tài sản như đất, xe ô tô, cửa hàng kinh doanh... cần vay vốn. Đến khi vỡ nợ, hệ lụy sụp đổ dây chuyền khiến nhiều người huy động vốn mới ngã ngửa không biết kiếm đâu tiền để trả nợ, một trong số đó đã trốn khỏi nơi cư trú như vợ chồng Lê Thị Th và B; Q và C. Ngày 17-9 vừa qua, nhiều chủ nợ đã đến xiết nợ để gỡ gạc phần nào số tài sản đã mất, nhiều chủ nợ bỗng chốc trắng tay, rơi vào cảnh nợ đầm đìa. Chưa dừng lại ở đó, một số đối tượng côn đồ "đâm thuê chém mướn" do một số chủ nợ vì tiếc của đã thuê nhằm đòi nợ tiếp tục gây bất ổn về tình hình ANTT tại địa bàn.
Ông Lê Đình Khánh, Chủ tịch UBND thị trấn Phùng, Đan Phượng cho biết: "Người dân trong huyện trước nay chỉ quen mua bán, vay mượn trao tay, tin tưởng nhau là chính, không thông qua chính quyền vì thế Quang - Quyên đã lợi dụng nhằm huy động lượng vốn lớn như vậy. Khi xảy ra vỡ nợ hậu quả của nó lại càng nghiêm trọng". Hiện một bộ phận không nhỏ các bị hại chưa ra trình báo cơ quan công an vì sợ cho Quang - Quyên vay tiền lãi suất cao nếu trình báo sẽ bị khép vào tội cho vay nặng lãi. Theo quy định tại Điều 163 - BLHS lãi suất cho vay cao gấp 10 lần lãi suất cơ bản của ngân hàng tại thời điểm vay mới bị khép vào tội cho vay nặng lãi. Hệ lụy từ sự vỡ nợ của vợ chồng Quang - Quyên khiến hàng chục gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, trắng tay, từ vị thế là chủ nợ bỗng chốc biến thành con nợ.
Người dân cần cẩn trọng với lời mời gọi vay lãi suất cao, xem xét đánh giá đối tác có lượng tài sản để trả nợ hay không trước khi cho vay, mua bán vay mượn tài sản lớn cần có sự chứng kiến từ chính quyền địa phương thì khi đó hậu quả của những vụ vỡ nợ dây chuyền như vụ Quang - Quyên mới được ngăn chặn phần nào, một cán bộ điều tra CAH Đan Phượng đánh giá.
Theo ANTD
Ai có thể "gánh" 400 tỷ thay chủ tiệm vàng Quang Quyên? Hy vọng đòi nợ của các chủ nợ hiện rất mong manh bởi những người thân của cặp vợ chồng chủ tiệm vàng Quang Quyên (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) hiện gần như không còn khả năng tài chính để giúp Quang - Quyên trả nợ. Thậm chí, những người ruột thịt tưởng như có thể "gánh nợ" phần nào...