Niềm hối hận của bông hoa rừng nhuốm bụi
Em chưa từng biết đến cảm giác của một tình yêu đầu đời mà đã trở thành đàn bà (Hình minh họa)
Trong những ngày lạnh nhất của miền Bắc, Hoàng Thị Liên ngồi gục mặt giữa lòng bàn tay. Đôi tay cóng buốt đã không còn được sưởi lửa ở căn bếp đầy bồ hóng thân quen. Liên ngồi giữa sân Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số II, mặc cho gió bấc ào ào rít lên xung quanh. Cô bé nấc lên từng hồi nghẹn ngào: “Ai cũng bảo em còn trẻ quá, phí đời quá!”
Cô bé không có tuổi thơ
Sinh năm 1994, là con thứ hai trong gia đình 5 anh chị em. Nhà nghèo mà đông con, tuổi thơ của Liên không được đầy đủ như những đứa trẻ khác. Liên vẫn ghen tị với bạn bè cùng trang lứa và ngay cả đối với những đứa em của mình, không phải vì chúng được mặc quần áo đẹp hơn, được ăn no hơn, mà vì chúng luôn được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng. Còn Liên, từ nhỏ tới lớn, chưa từng một lần được cảm nhận tình cha con.
Mẹ Liên lấy chồng từ 17 tuổi, bà đẹp như một bông hoa giữa rừng. 18 tuổi, mẹ Liên sinh đứa con đầu tiên, cũng khi ấy, bố, bố Liên rời nhà đi làm ăn xa để lại người vợ trẻ một thân một mình giữa hoang vu núi rừng lạnh lẽo. Tuổi 18 mơn mởn, lại phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc, mẹ Liên đã không giữ nổi tiết hạnh của người vợ, bà đã có một người đàn ông khác. Mối tình vụng trộm ấy chấm dứt khi bố Liên trở về. Bỏ ngoài tai những lời ong tiếng ve, người chồng vẫn tha thứ cho vợ mình, nhưng khi đứa trẻ – kết quả của mối tình chớp nhoáng kia ra đời, ông không còn giữ nổi bình tình. Nhìn đứa con gái sinh ra không mang một nét hình hài nào của mình, tất cả những ghen tuông bấy lâu nay ông cố gắng chôn vùi lại trỗi dậy mạnh mẽ. Ông tìm đến rượu để giải sầu, và sau mỗi bữa rượu, ông lại trút tất cả hờn ghen lên người vợ lầm lỡ và đứa con mới sinh tội nghiệp. Người vợ, vì tội lỗi của mình, chỉ biết cắn răng chịu đòn roi.
Liên lớn lên mà không hiểu tại sao mình không được hưởng tình yêu thương của bố như anh trai và các em. Lúc nào cũng chỉ một mình cô bé chịu thiệt thòi. Liên luôn bị bố nhìn với ánh mắt lạnh lùng, chưa bao giờ Liên được bố ôm vào lòng, cưng nựng như những đứa em của mình, cũng chưa bao giờ cô bé nhận được một lời khen từ bố cho mỗi việc làm tốt. Liên bị những đứa trẻ hàng xóm gọi là “đồ con hoang” và chúng giữ một thái độ khinh khỉnh, không đứa nào thèm chơi với em. Người duy nhất che chở cho Liên chỉ có mẹ. Mỗi lần bị bắt nạt, Liên lại nức nở chạy về vùi mình vào lòng mẹ mà khóc, để cho mẹ dỗ dành, âu yếm. Có chuyện gì Liên cũng tìm mẹ để tâm sự. Liên kể em rất nhớ những đêm đông vùng cao rét mướt, hai mẹ con ngồi ôm nhau sưởi lửa trong bếp, dù bên ngoài lạnh căm căm, nhưng căn bếp nhỏ của mẹ luôn ấm sực, hai mẹ con thủ thỉ với nhau đủ chuyện trên đời. Tiếc rằng những ngày bình yên ấy giờ chỉ còn là một nỗi nhớ khắc khoải trong kí ức của Liên.
Học lên cấp hai, Liên giao du với đám bạn xấu, đua đòi chơi bời. Những cuộc đàn đúm cùng các bạn, những mối tình ảo với những lời phỉnh phờ ngọt lịm trên mạng Internet đã kéo Liên mỗi lúc một xa vòng tay của mẹ. Liên không còn gắn bó với mẹ, với gia đình như trước nữa. Vì vậy mà bố Liên, người vẫn luôn lạnh lùng và khắc nghiệt với em lại càng thêm ghét bỏ đứa con không phải máu mủ của mình. Một ngày, sau bữa rượu bí tỉ, bố Liên trở về tìm mẹ em để trút cơn giận dữ. Liên đi học về và bắt gặp hình ảnh mẹ đang khóc lóc van xin trước những trận đòn nhẫn tâm của bố. Thân hình mẹ lam lũ khổ sở run lên bần bật dưới cơn mưa roi mây đang xối xả trút xuống. Vừa đánh, bố Liên vừa chửi rủa mẹ bằng những lời thậm tệ, dường như nỗi đau của người chồng bị bội bạc mười mấy năm về trước vẫn chưa hề nguôi ngoai. Đứa con gái không thể chịu nổi khi thấy thanh mây cứa vào da thịt người mẹ thân yêu đến tứa máu, cô bé đẩy bố ra và ôm lấy mẹ, cùng hứng chịu những trận đòn oan nghiệt. Liên bị bố đuổi ra khỏi nhà: “Tao không chứa chấp đồ con hoang” – từng lời như những mũi dao đâm vào trái tim non nớt của đứa trẻ mới 16 tuổi, và vết thương ấy, cho tới tận bây giờ vẫn nhức nhối trong Liên. Cô bé vùng bỏ chạy khỏi căn nhà thân thuộc mà không kịp mang theo mình bất cứ thứ gì, mẹ Liên thì nước mắt ngắn dài đuổi theo, bà giúi cho con gái 500.000 đồng, bảo em đi đâu đó vài ngày, đợi bố nguôi giận sẽ đón về.
Đường về xa ngái
Video đang HOT
Nhưng ngày trở về của Liên không gần đến thế. Giận bố, Liên bắt xe khách xuống Hà Nội. “Lúc đó trong đầu em chỉ có một ý nghĩ là phải đi đâu đó thật xa, để không ai tìm được” – Liên nói. Cô bé không hề muốn trở lại với gia đình. Trong ý nghĩ ngây thơ của mình, Liên cho rằng em có thể sống tự lập mà không cần tới bố mẹ. Nhưng cuộc sống không hề dễ dàng đến thế, nhất là ở một thành phố lớn và đắt đỏ như Hà Nội. Chỉ ba ngày sau khi đặt chân xuống Hà Nội, Liên đã tiêu hết sạch số tiền mẹ cho. Không tiền, không nhà, không người thân thích, Liên lang thang ngoài đường, đói lả và mệt nhoài, sợ hãi và hối hận. Em cứ thất thểu đi như thế cho đến khi gặp một tay xe ôm. Tay này có ý giới thiệu cho em một công việc. Không cần biết đó là việc gì, Liên nhận lời ngay: “Lúc đó miễn có việc là tốt lắm rồi” – Liên bảo. Tay xe ôm chở em đến khu vực bến xe Giáp Bát, tới một quán café đèn mờ, và Liên bắt đầu công việc bán thân nuôi miệng.
Lúc đầu, vì không còn cách nào khác nên Liên nhận lời, về sau, thấy công việc có “thu nhập khá” nên dù có tiền, Liên cũng chẳng muốn về nhà nữa. Em chỉ gọi điện về báo với mẹ đã xuống Hà Nội và đã kiếm được việc, Liên nói dối rằng đang rửa bát thuê cho quán phở nhưng nhất định giấu địa chỉ và bảo mẹ đừng đi tìm, mặc cho mẹ khóc hết nước mắt và hết lời khuyên bảo đứa con trở về. Vài tháng sau thì Liên bị bắt khi đang đứng “đón khách” trên đường và đưa lên phục hồi nhân phẩm tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số II. Ở đây, Liên mới thấy nhớ gia đình, nhớ mẹ, nhớ cái bếp lửa ấm mà em đã quyết rời xa còn bây giờ thì mong ngóng từng ngày để trở về.
Mẹ Liên nghe tin con gái bị bắt, đưa vào trung tâm thì lặn lội đường xá xa xôi xuống thăm con. Hai mẹ con Liên vừa nhìn thấy nhau đã khóc nức nở. Mẹ Liên không ngừng nhận lỗi về mình, bà cho rằng Liên ra nông nỗi này là do bà đã không chăm lo cho con, bà đã không làm được một người mẹ tốt. Nhưng trong thâm tâm Liên, em biết rằng lỗi là ở chính mình, những đồng tiền và cách kiếm tiền dễ dàng đã làm cô gái quê như Liên mờ mắt. Nhưng đến giờ mới nhận ra những điều ấy, đến giờ mới thấy hối hận thì đã quá muộn mằn. Ngay đến những học viên trong trung tâm nhìn thấy Liên cũng phải lắc đầu tiếc nuối vì em còn quá trẻ.
16 tuổi, cái tuổi hồn nhiên trong trắng của đời người con gái, Liên đã mãi mãi không được trải qua. Khi các bạn cùng trang lứa còn đang cắp sách tới trường và ước mơ những điều lãng mạn, tràn ngập hi vọng vào những điều tươi sáng trong tương lai, thì Liên lại vô cùng tuyệt vọng. Làm sao em có thể trở về nhà trước những lời đàm tiếu đầy ác ý và ánh mắt không hề thiện cảm của hàng xóm láng giềng, của họ hàng và bạn bè? Làm sao em có thể trở về gia đình với người bố luôn ghét bỏ em, và giờ chắc ông còn ghét bỏ và hổ thẹn vì em hơn nữa?
Liên khóc rất nhiều, khóc như một đứa trẻ bị người lớn đánh đòn. “Em mới 16 tuổi. Em còn chưa biết yêu” – Liên nghẹn ngào. Em chưa từng biết được cảm giác của một tình yêu đầu đời thánh thiện và vô tư của người con gái mà đã trở thành đàn bà. Tương lai của em còn chưa rộng mở mà quá khứ đã mang đầy tội lỗi. Làm sao em có thể tự tin đến với một người con trai nếu anh ta biết quá khứ của em? Liệu còn có người đàn ông tử tế nào mở lòng ra với em? “Đáng ra em đã có thể sống rất khác…”
Cái Tết đầu tiên xa nhà cũng là cái Tết lạnh lẽo nhất, đau khổ nhất trong cuộc đời Liên từ trước tới giờ. Càng gần Tết, Liên càng thấy cô đơn. Không khí xuân càng rộn ràng thì tâm trạng em càng ảm đạm. Thêm một tuổi nữa, Liên đã thêm một chút chín chắn để biết rằng chính em và những việc em làm, đã khiến cho con đường về nhà trở về nên gập ghềnh xa ngái… Lá thư gửi về nhà của Liên nhòe đi vì nước mắt. Trong thư là những lời ăn năn, hối lỗi và cả sự tiếc nuối khôn nguôi của cô gái đã bán đi cả tuổi xuân và tương lai của mình với cái giá rẻ mạt.
Theo Pháp luật & Cuộc sống
Hành trình tội ác của sơn nữ
Một bị cáo nữ can tội giết người trước vành móng ngựa.
Họ là những phụ nữ dân tộc thiểu số hiền lành chất phác, chỉ biết quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời cũng chẳng kiếm đủ cái ăn nuôi gia đình, lại phải chịu đòn roi, bạo hành của gã chồng cục cằn gia trưởng. Tức nước vỡ bờ, trong một phút thiếu kiềm chế, họ đã phạm vào tội ác, bỏ lại đàn con nhỏ bơ vơ để vào bóc lịch tại trại giam.
Nỗi ám ảnh của người đàn bà tội lỗi
Lý Thị Điềm (SN 1973, trú tại thôn Phiêng Un, xã Thái Cường, huyện Thạch An, Cao Bằng) tại phân trại 1 Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) không khác xưa lắm, dù sau gần 4 năm kể từ phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Cao Bằng xử Điềm về tội " Giết người".
Vẫn dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt tròn, làn da trắng và cách nói chuyện mộc mạc của người sơn nữ dân tộc Nùng, Điềm khiến người ta không ngờ được chính cô ta lại can án giết chồng. 15 năm trước, Điềm nên duyên với anh Hứa Văn Cung, một chàng trai ở bản Nà Luông hơn cô một tuổi. Nhiều người ghen tỵ với hạnh phúc của vợ chồng Điềm khi anh chị khỏe mạnh, yêu thương nhau, hai đứa con ngoan; kinh tế gia đình lại khá giả, sắm được máy xay sát thóc gạo phục vụ bà con dân bản.
Bất hạnh ập xuống khi chồng Điềm bị "con ma rừng ám" bỗng dưng bị mắc bệnh tâm thần. Gia đình đã đưa anh Cung đi điều trị ở Khoa tâm thần, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng nhưng bệnh tình thuyên giảm không đáng kể. Từ một người đàn ông trụ cột gia đình, Cung trở thành kẻ lúc tỉnh lúc mê, tâm trạng thường bồn chồn lo sợ có người đến bắt, lảng tránh cả vợ con. Thỉnh thoảng "lên cơn" Cung lại bỏ nhà lên rừng ở vài ngày mới trở về nhà. Có một điều nữa mà Điềm không dễ tâm sự với ai, đó là tuy thần kinh không ổn định nhưng Cung vẫn rất khỏe mạnh và đòi hỏi "chuyện ấy"; bất cứ lúc nào chồng muốn, Điềm cũng phải chiều.
Khoảng 6 giờ sáng 11/11/2006, khi Điềm đang bế đứa con nhỏ ở nhà, Cung bảo Điềm: "Đi ngủ với nhau một cái" (ý nói làm chuyện vợ chồng). Điềm trả lời: "Anh mệt, không đi đâu", nhưng Cung vẫn nài nỉ nên Điềm đành chiều chồng và đi vào buồng riêng. Sau giây phút mặn nồng, Cung kêu mệt và dặn "hai mẹ con không đi đâu nhé".
Nói đoạn, Cung lịm dần trên bụng của Điềm. Lúc này, đứa con nhỏ đòi đi vệ sinh nên Điềm nghiêng người đẩy chồng nằm xuống giường, rồi đưa con ra ngoài. Khi quay trở lại buồng ngủ, Điềm gọi chồng nhưng không thấy thưa. Điềm áp má mình vào mũi, vào ngực chồng để nghe hơi thở, nhịp tim nhưng không thấy gì. Điềm hoảng hốt gọi vẫn không thấy Cung trả lời. Hoang mang, lo sợ cực điểm nhưng Điềm không dám gọi ai giúp đỡ vì xấu hổ nếu mọi người phát hiện ra chuyện vợ chồng vừa quan hệ nên Cung mới bị "chết giấc" như vậy. Trong cơn bấn loạn, Điềm bế chồng ra giữa nhà, gần lối ra vào cửa chính, đặt chồng nằm ngửa xuống đất, lấy dây thít cổ, dùng mũi kéo nhọn đâm 1 nhát vào cổ chồng rồi tạo hiện trường giả một vụ giết người.
Sau đó, cô ta bế đứa con nhỏ đến nhà một ông thầy bói để xem như không có chuyện gì xảy ra. Lúc trở về nhà, Điềm vờ cất tiếng gọi chồng và nhờ mọi người giúp đỡ để vào trong nhà. Lúc này, mọi người phát hiện ra anh Cung bị sát hại. Điềm đứng ra lo ma chay chu đáo cho chồng. Nhưng rồi nghi vấn về cái chết bất thường của con trai, gia đình anh Cung đã yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân. Kết quả giám định pháp y kết luận: anh Cung bị ngoại lực tác động vào vùng cổ dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn, gây tử vong. Với hành vi trên, Lý Thị Điềm bị TAND tỉnh Cao Bằng tuyên phạt mức án 6 năm tù về tội " Giết người".
Sau khi thành án, Điềm được di lý về cải tạo ở Trại giam Phú Sơn 4, phân trại 1. Gần 4 năm qua, Điềm luôn chấp hành tốt nội quy, chăm chỉ lao động và khấp khởi chờ được xét giảm án để sớm trở về với các con. Cứ nhắc đến những đứa con ở bản Nà Luông, Điềm lại khóc như mưa.
Cô ta vô cùng ân hận vì một phút nông nổi mà cướp đi sinh mạng của chồng, khiến các con thành trẻ mồ côi, bơ vơ. Điềm khát khao được trở về nhà, tự tay may cho các con manh áo ấm, nấu cho con ăn bữa cơm gạo mới với rau cải nương... Những công việc bình dị, thân thương nhất tưởng như bất cứ người mẹ nào cũng có thể làm cho các con mình giờ đây với Điềm đã trở thành ước mơ xa lắc...
Bi kịch tức nước vỡ bờ
Tại Trại giam Phú Sơn 4, có một nữ tù khác cũng can án giết chồng là Triệu Thị Man (quê xã Lương Thông, huyện Thông Nông, Cao Bằng). Man là con gái thứ 5 trong một gia đình có 7 anh em, mồ côi cha từ nhỏ. Khi Man chớm bước vào thời thiếu nữ, người mẹ cô ta vì quá vất vả lao lực mà cũng qua đời. Từ đây, chị em Man bắt đầu cuộc sống địa ngục dưới sự hành hạ của người anh cả gia trưởng.
Anh cả của Man mắc nghiện nặng cả rượu và thuốc phiện, không có tiền uống rượu, đói thuốc anh ta lại hành hạ Man và lũ em. Năm Man 16 tuổi, người anh đã gán nợ Man cho con trai một chủ nợ. Chồng Man cũng là một gã đàn ông vũ phu, gia trưởng, hắn ta coi cô như con trâu con ngựa được mua về để làm nô lệ cho mình. Man thường xuyên bị chồng trói vào cột nhà rồi dùng đòn gánh và móc xích quất tới tấp vào người, nhiều lần bị chồng phạt bằng cách bỏ đói rồi nhốt vào buồng tối. Dù bị chồng đánh đập, đối xử thô bạo như thế nhưng theo Man điều khiến cô ta đau đớn ê chề nhất là lại những lần phải chung đụng với hắn ta.
Biết bao nhiêu phen đánh đập sỉ nhục cô mỏi tay, chồng Man nổi thú tính lại bắt cô ta phải cùng gã "ái ân"; nếu cô không phục vụ lại đánh đập, lại bỏ đói. Đã nhiều lần cô ta muốn tìm đến cái chết, nhưng cứ nghĩ đến hai đứa em còn nhỏ lại thôi. Không biết từ bao giờ, Man nung nấu ý định sẽ giết hắn ta để tự giải thoát cho số phận đời mình.
Man nhớ như in, hôm đó là ngày 12/4/1999, dù không có lỗi gì, Man vẫn bị chồng lột trần rồi trói vào cột nhà đánh đập. Rồi mặc cho Man vẫn đang đau đớn quằn quại vì đau đớn với những vết thương trên người, gã chồng lại lôi cô ra giữa nhà giở trò đồi bại. Man nghiến răng nuốt nước mắt và quyết ra tay đầu độc chồng bằng thuốc chuột.
Nhưng người trả giá cho hành động đê tiện của gã chồng không phải là chồng cô mà lại là đứa em trai chồng. Người thanh niên vô tội này đã ăn những miếng dạ dày luộc có tẩm thuốc chuột do Man "bẫy" và chết trước khi được đưa đi cấp cứu. Còn gã chồng của Man cũng ăn nhưng may mắn lại thoát lưỡi hái tử thần. TAND tỉnh Cao Bằng đã tuyên phạt Triệu Thị Man mức án tù chung thân về tội " Giết người".
Khát khao làm lại cuộc đời
Câu chuyện của các nữ tù trên đã trở thành nỗi ám ảnh, day dứt đối với bất cứ ai nghe kể lại. Đành rằng tội ác phải nhận trả giá, nhưng con đường dẫn họ đến bi kịch có lỗi của sự mông muội thiếu hiểu biết, của đói nghèo và có lỗi từ phía chính các nạn nhân.
Triệu Thị Man kể rằng, hồi mới vào trại, cô ta không biết tiếng Kinh, không biết đọc biết viết, lạc lõng bơ vơ giữa mọi người vì nói gì cũng không ai hiểu. Nhờ sự dạy dỗ của cán bộ trại và chị em phạm nhân cùng buồng giam, Man đã biết chữ, mở mang tầm hiểu biết và khao khát hướng thiện. Mong rằng sự cố gắng nỗ lực của họ sẽ được pháp luật mở lượng khoan hồng, để họ sớm có cơ hội làm lại cuộc đời, cứu chuộc những lầm lỗi trong quá khứ.
Theo Pháp Luật VN
Những bẫy tình của "phù thủy" gây mê Nghiêm Xuân Thảo Ly, kẻ cầm đầu Bốn "phù thủy" do Nghiêm Xuân Thảo Ly cầm đầu đã gây ra hàng chục vụ đầu độc làm dư luận hoang mang. Thủ đoạn của bọn chúng là lợi dụng sắc đẹp để dụ những người "hám của lạ" vào khách sạn rồi chuốc thuốc mê để cướp tài sản. Mặc dù 4 "phù thủy"...