Những xu hướng mới của thị trường BĐS du lịch Việt Nam sẽ xuất hiện trong năm 2020
Trong bối cảnh thị trường bất động sản có xu hướng giảm nhiệt ở một số phân khúc, thì bất động sản du lịch lại đang là phân khúc hấp dẫn bậc nhất trên thị trường bất động sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết tháng 10/2019, ngành du lịch Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục từ trước đến nay, đạt gần 1,62 triệu lượt, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2018. Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp không khói đã thúc đẩy nguồn cung bất động sản du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Lượng khách du lịch gia tăng mạnh mẽ với những con số ấn tượng chính là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc bất động sản du lịch trong dài hạn. Ghi nhận từ nửa cuối năm 2018 cho đến nay, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp tập trung phát triển các dự án bất động sản du lịch theo mô hình phức hợp, gắn đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, mua sắm, thể thao, giải trí trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả (All – in – one) của du khách.
Chia sẻ tại Tọa đàm và giao lưu trực tuyến: Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức chiều 19/11, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định: Bất động sản du lịch hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh các bộ, ngành và địa phương đang tích cực.
Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng là chúng ta đã có những “sếu đầu đàn” về du lịch… Từ đó, hạ tầng du lịch ở nhiều địa phương được đầu tư quy mô, xuất hiện nhiều công trình tầm cỡ quốc tế. Du lịch “thăng hoa” sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Ông Nam cho rằng, trong trung và dài hạn, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là điểm sáng của thị trường. Dù sở hữu dư địa phát triển lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch “rất ngon”, nhưng không phải ai cũng “ăn” được.
Chủ tịch Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, hiện nay các nhà đầu tư cũng đã dần biết cách “chọn mặt gửi vàng”, đặt niềm tin “đúng chỗ”, nhìn nhận được đâu là sản phẩm bất động sản có tiềm năng sinh lời. Đó phải là những sản phẩm được thiết kế đẳng cấp, khác biệt, mang dấu ấn riêng, nằm trong khu vực du lịch phát triển, có nhiều dự án xung quanh bổ trợ để cùng thu hút khách du lịch…
“Ngành du lịch trong nước và quốc tế đang có sự thay đổi rất nhanh, với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn. Một dự án cần tạo dựng hệ sinh thái tiện ích – dịch vụ đa dạng mới có thể trở thành điểm đến hấp dẫn. Thị trường bất động sản Việt Nam hiện cũng rất tiềm năng cho những loại hình sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn, nắm bắt các xu hướng đang thay đổi trên toàn cầu”, ông Nam nhận định.
Video đang HOT
Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, giai đoạn vừa rồi thị trường Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, mức tăng trưởng đó vẫn ở giai đoạn đầu, còn nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn nữa. Nhưng để làm được điều đó thì các nhà đầu tư cũng cần giải quyết nhiều thách thức.
Theo GS. Võ, chúng ta tăng trưởng từ mức thấp lên trung bình thì có thể dễ, nhưng từ trung bình lên cao hẳn thì không đơn giản. So sánh với thị trường du lịch và bất động sản du lịch Việt Nam, thời gian vừa rồi, du lịch của chúng ta đã đi qua con đường từ nước có ngành du lịch kém đạt được mức trung bình. Con đường này cũng có nhiều khó khăn, chúng ta đã làm được. Nhưng để phát triển tiếp chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
“Cụ thể hơn với thị trường bất động sản du lịch, để vượt qua khó khăn về vốn trong bối cảnh dòng vốn vào thị trường khá eo hẹp, chúng ta đã làm được rất tốt, bán các bất động sản du lịch hình thành trong tương lai là một giải pháp rất tốt để giải quyết bài toán về vốn. Chúng ta cũng đã có nhiều dự án bất động sản du lịch đảm bảo chất lượng tốt, có quy hoạch được một số công trình vui chơi giải trí. Thị trường cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của nhiều phân khúc sản phẩm mới thu hút được lượng lớn nhà đầu tư”, vị chuyên gia này cho biết thêm.
Các chuyên gia nhận định, thay vì lướt sóng, nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội dài hạn tại những tổ hợp bất động sản du lịch lớn, sở hữu hệ sinh thái tiện ích hoàn thiện, có lợi thế phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững, nhằm đảm bảo cho khoản đầu tư gia tăng giá trị trong tương lai. Có một nguyên tắc là, chỉ khi dự án vận hành tốt, tỷ lệ lấp đầy phòng cao, các nhà đầu tư mới có cơ sở kỳ vọng về dòng lợi nhuận thu về.
Theo ông Đính, để đầu tư thành công, khách hàng cần chú ý: Thứ nhất phải xem xét tính hợp lý của dự án bất động sản, có khai thác tốt hay không, đặc biệt là vị trí.
Thứ hai là tính bền vững, phải xác định mục tiêu của nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng là gì? Bán để thu lợi hay đầu tư để kinh doanh dài hạn, phát triển bền vững. Thứ ba là khả năng vận hành của chủ đầu tư hay đối tác của chủ đầu tư.
“Nhiều nhà phát triển bất động sản trong nước thiếu, yếu kinh nghiệm nên phải hợp tác với thương hiệu quốc tế, nên nếu phải hợp tác thì sẽ mất chi phí, như vậy rõ ràng lợi nhuận sẽ giảm đi. Thế nhưng, nếu là doanh nghiệp nội địa có thể tự quản lý thì sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đó. Đó là cơ hội cho nhà đầu tư khi tham gia vào dự án”, ông Đính nói.
Ví dụ như khi đầu tư vào Vingroup, Sungroup… là các chủ đầu tư có kinh nghiệm, không mất chi phí thuê doanh nghiệp nước ngoài quản lý. Yếu tố cam kết về chính sách, lợi nhuận của chủ đầu tư cũng là một lợi thế. Nhưng quan trọng vẫn là hiệu quả kinh doanh. Cuối cùng là giá bán, nếu có giá bán hợp lý thì nhà đầu tư sẽ tạo ra sản phẩm có tính thanh khoản tốt hơn trên thị trường.
Đình Tú
Theo Trí thức trẻ
Cả nước mới thực hiện được khoảng 33% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM, có 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000. Hầu hết các nhóm đối tượng đều có xu hướng chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.
Tuy vậy, theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay cả nước mới thực hiện được khoảng 33% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã đề ra và đã có hơn 80.000 hộ gia đình tạo lập được nhà ở xã hội.
Riêng Tp.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể hoàn thành 20.000 căn. Nhưng trên thực tế, do nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa nên vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của xã hội, nhất là tại Hà Nội, Tp.HCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao, mà cần phải có lộ trình, kế hoạch và các giải pháp thực hiện đồng bộ.
Trong 14 năm qua (2004-2019) tại Tp.HCM đã hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho khoảng 4.600 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang được vay ưu đãi để mua nhà ở, và đã giải ngân khoảng 1.960 tỷ đồng (Giai đoạn đầu, suất vay là 400 triệu đồng, hiện nay suất vay là 900 triệu đồng với lãi suất vay 4,7%/năm trong 15 năm).
Đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân tại Tp.HCM tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, điển hình như các công ty Nam Long, Lê Thành, Đầu tư Thủ Thiêm, Thuận Kiều, Thiên Phát, Sài Gòn Res, Hoàng Quân...
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, Tp.HCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn.
Nhu cầu nhà ở của đối tượng thu nhập thấp đô thị còn rất lớn
Cũng theo thống kê của Sở Xây dựng năm 2018, toàn thành phố có gần 500.000 hộ chưa có sở hữu nhà ở, ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình đông người trong những căn nhà nhỏ có diện tích ở bình quân thấp hơn 10m2/người.
Theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Tp.HCM, khi thị trường BĐS bị khủng hoảng đóng băng giai đoạn 2011-2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP ngày 07/01/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng áp dụng từ 2013-2016, trong đó 70% tương đương 21.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng; và 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương với 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Áp dụng lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013; và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2019.
Sau 3 năm thực hiện gói 30.000 tỷ đồng, đến hết năm 2016, đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở, trong đó có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội. Riêng tại Tp.HCM, đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032 tỷ đồng, trong đó, có 10.308 cá nhân (chiếm tỷ lệ 18,3% đối tượng được vay ưu đãi cả nước), đã vay 5.575 tỷ đồng và 8 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay 1.456 tỷ đồng, tổng cộng đã giải ngân trên địa bàn thành phố được 8.488 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,5% gói tín dụng ưu đãi cả nước).
Tuy nhiên, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (ngày 30/06/2016 đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ngày 31/12/2016 đối với cá nhân), đã có tác động tiêu cực, gây khó khăn rất lớn đối với 2 đối tượng là chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở xã hội.
"Hiệp hội kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung "Danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội" vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ tùy theo điều kiện ngân sách nhà nước để bố trí khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách nhà ở xã hội", đại diện Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhấn mạnh.
Hạ Vy
Theo Nhịp sống kinh tế
Báo quốc tế đưa tin bất động sản TPHCM đứng đầu châu Á về triển vọng phát triển trong năm 2020 Thị trường BĐS tại TPHCM được đánh giá có triển vọng mạnh mẽ ở tất cả các phân khúc bán lẻ, văn phòng, khách sạn, căn hộ, BĐS công nghiệp. Ngày 12/11, Tờ Business Insider đưa tin, theo báo cáo khảo sát Emerging Trends mới công bố của Viện Đất đai Đô thị Mỹ (ULI) và PwC, Tp.HCM vượt Singapore để đứng đầu...