Những xe máy vang bóng một thời tại Việt Nam
Super Cub, Dream, Simson, Honda 67… là những mẫu xe mơ ước của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam những năm 80-90 của thế kỷ trước.
Super Cub
Super Cub được xem là một trong những huyền thoại của Honda nói riêng và lịch sử xe máy nói chung, nhờ vào lợi thế cực lớn về tính tiện dụng, bền bỉ và tiết kiệm xăng. Chỉ cần nhắc tới tên xe, nhiều người ở lứa tuổi ngoài 50 lại thấy nao nao bởi quá nhiều kỷ niệm với chiếc xe, vừa là người bạn, vừa là khối tài sản lớn.
Những mẫu xe Super Cub đầu tiên được nhập về Việt Nam dưới dạng xe cũ là đời 78, 79 với tay lái vểnh lên, hay cao cấp hơn là Super Cub đời 81 “kim vàng giọt lệ”, với các loại động cơ khác nhau về hình thức được gọi là “máy cối” (đầu máy tròn), “máy cánh” (đầu máy có phần nhọn ra kiểu cánh chim của Honda). Đẳng cấp hơn nữa là Honda DD, Cub 82…
Được sản xuất từ năm 1958, với số lượng sản xuất vượt 60 triệu xe vào năm 2008,Super Cub là xe máy hút khách nhất trong lịch sử thế giới. Super Cub có nhiều phiên bản khác nhau với các động cơ từ 50 đến 125 cc. Tại Việt Nam, Super Cubđược ưa chuộng là các loại động cơ 50 cc, sau đó là 70, 90 cc…
Dream
Sau Super Cub, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu biết tới một huyền thoại khác là Dream nhập từ Thái Lan. Không chỉ là phương tiện, Dream còn là khối tài sản rất lớn khi đó, nên việc sở hữu xe giúp cho chủ xe có một đẳng cấp mới.
Dream II nhập từ Thái Lan.
Dream được ưa chuộng bởi độ bền của máy móc (động cơ 4 thì làm mát bằng gió với dung tích xi-lanh 97 phân khối cùng hộp số 4 cấp), kiểu dáng sang trọng và đặc biệt đắt, hiếm. Xe có 2 phiên bản là Dream II (thường gọi Dream cao, góc cạnh, kiểu dáng như Super Dream hiện nay) và Dream lùn (có tên khác Exces, thiết kế vuốt tròn, ít góc cạnh).
Sức sống mãnh liệt của Dream thể hiện ở việc kể từ khi được lắp ráp tại Việt Nam cuối những năm 90 đến nay, chiếc xe tái hiện huyền thoại này – Super Dream – luôn có doanh số cao, đặc biệt luôn được bán cao hơn giá đề xuất hàng triệu đồng.
Video đang HOT
Khác với các dòng xe Honda về Việt Nam dưới dạng xe cũ, Minsk là một trong những mẫu xe côn tay được nhập mới nguyên chiếc từ Liên Xô cũ. Đây là mẫu xe mà dường như bất kỳ người lao động Việt Nam nào trước những năm 1990 đều tìm cách tích cóp và mua bằng được để gửi về Việt Nam.
Minsk từ Liên Xô cũ.
Tiếng nổ của xe Minsk tuy to nhưng âm thanh “phành phành” đó cũng gắn bó với cuộc đời của nhiều người dân Việt Nam, thậm chí cho tới ngày nay. Bù lại nhược điểm tiếng nổ lớn, uống xăng như nước lã, xe Minsk có khả năng “chèo đèo lội suối” tuyệt vời và trở thành phương tiện không thể thiếu cho những người dân ở những vùng địa hình khó khăn, hay những tay lái buôn luôn cần chuyên chở hàng nặng…
Simson
Cùng thời với Minsk, mẫu xe côn tay khác cũng được người dân rất ưa chuộng, chủ yếu có được do những người lao động Việt Nam từ Đức gửi về – Simson (còn gọi là mô kích). Đây được xem là sự bù đắp những phần còn lại của Minsk: xe nhỏ gọn, bền bỉ, thích hợp lưu thông trên phố. Tiếng nổ “èn èn” của Simson cũng là “đặc sản” của mẫu xe này.
Simson từ Đức.
Simson đời đầu dùng động cơ 50cc, hai thì, chạy xăng pha nhớt, hộp số 3 cấp, với bốn màu phổ biến là đỏ, xanh đu đủ, xanh nõn chuối, và trắng. Nhược điểm của xe thường được nhớ tới là chìa khóa điện có thể dùng chung, một chìa có thể mở được vài xe nên người chủ phải mua thêm khóa dây.
Honda 67
Honda 67 là một trong những mẫu xe côn tay đầu tiên hội tụ đủ các ưu điểm như thiết kế nhỏ gọn, bền bỉ và tiết kiệm nhiên liệu, phù hợp với nhiều địa hình. Xe sinh ra cùng thời với Super Cub 50, khi Super Cub dành cho nữ, còn Honda 67 dành cho nam. Mẫu xe này được du nhập vào Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước, là niềm mơ ước của nhiều thế hệ thanh niên và là mẫu xe máy ấn tượng nhất qua những bộ phim chiến tranh nổi tiếng của Việt Nam.
Honda 67.
Khi nhắc tới xe côn tay cũ, sẽ là thiếu sót nếu không kể tới Win 100 của Honda. Mẫu xe này được đánh giá cao nhờ sự dung hòa giữa sự mạnh mẽ của Minsk, sự mềm yếu của Simson, và độ bền đã được khẳng định của thương hiệu Honda.
Win 100.
Ở những năm 80-90 của thế kỷ trước, những gia đình có điều kiện sẽ mua sắm xe máy Nhật, hay của Đức, Liên Xô, còn một số khác sẽ chọn Babetta tới từ Tiệp Khắc. Đây là một trong những mẫu xe rất được ưa chuộng ở Việt Nam và cũng thể hiện đẳng cấp ở những năm 80 khi phương tiện chủ yếu lúc đó là xe đạp. Xe dễ sử dụng, nhỏ gọn và thậm chí có thể đạp được nếu chẳng may hết xăng dọc đường.
Babetta.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ, xe Babetta đã trở nên lỗi thời và mất an toàn nên không còn được sử dụng.
Sở hữu xe Vespa đã thể hiện đẳng cấp khác của người dùng, và sở hữu Vespa PX vào những năm 70 của thế kỷ trước tại Việt Nam lại càng đặc biệt. Vespa là một thương hiệu thành công trong lịch sử thương mại, với hơn 15 triệu xe đã được bán trong 50 năm. Đây là một trong những niềm tự hào, là biểu tượng của Italy, biểu tượng của giới trẻ và biểu tượng của sự lãng mạn Âu châu.
Vespa PX.
Theo VnMedia
Ông chủ trạm xăng sưu tập 100 xe máy
Gần 17 năm theo đuổi niềm đam mê xe mô tô, đến nay anh Ngô Thanh Liêm (48 tuổi, ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã có trong tay bộ sưu tập gần 100 xe.
Bán 3 ha mì để bù tiền mua xe
Anh Ngô Thanh Liêm kể: "Tôi ấp ủ niềm đam mê sưu tập mô tô từ nhỏ. Mỗi lần ra đường, thấy mọi người chạy những 'con' xe đẹp và lạ là tôi đứng nhìn theo cho đến khi xe khuất hẳn. Năm 18 tuổi, được ba mua cho chiếc Lambretta, tôi coi nó như bạn thân, ngày nào không nghe tiếng xe nổ là không chịu được. Tôi càng ngày càng 'thèm' mô tô, thấy 'con' nào cũng có cái hay riêng và dự định sẽ mua thêm nhiều 'con' nữa, nhưng 2 năm sau, do kinh tế khó khăn, không có tiền cưới vợ nên tôi đành bán chiếc Lambretta trong tiếc nuối".
Có lẽ cuộc chia tay bất đắc dĩ với chiếc Lambretta đã thôi thúc anh Liêm quyết đoán hơn trong hành trình theo đuổi đam mê của mình. Năm 1996, nghe tin có người bạn muốn bán chiếc Honda 67, là loại xe anh Liêm muốn sở hữu từ lâu vì nhìn tính năng động và mạnh mẽ, anh rất háo hức và muốn có ngay 'con' xe này. Chủ nhân chiếc xe định giá tương đương 1,5 cây vàng, số tiền không nhỏ so với điều kiện kinh tế của anh Liêm lúc bấy giờ. Thấy Liêm thu hoạch 3 ha mì đem bán để có thêm tiền mua xe nhưng vẫn không đủ, người bạn nể tình để lại chiếc xe và cho anh nợ một khoản tiền. Chiếc Honda 67 này được anh Liêm coi là "đứa con cưng" đầu tiên trong bộ sưu tập xe đồ sộ của anh sau này.
Sống với đam mê
Mới chỉ có trong tay "con" 67 chưa thể khiến anh chàng mê mô tô thỏa mãn. Anh Liêm bắt đầu mua thêm các loại xe mà anh thấy thích. Khi nghe nói ở TP.HCM có chiếc Lambretta đang được chủ nhân "đại tu" để bán cho một khách nước ngoài, nhưng đợi lâu quá nên vị khách này không mua nữa, Liêm lập tức vào cuộc và mất nhiều ngày lần tìm để mua lại "con" xe này về tặng vợ. Theo anh Liêm, đây là "con" xe rất ý nghĩa, vì trước đây anh phải bán một chiếc cùng dòng xe này để lấy tiền cưới vợ. Chính sự quan tâm vợ theo cách rất riêng này khiến bà xã Liêm thấu hiểu niềm đam mê tốn kém của chồng.
Anh Ngô Thanh Liêm bên bộ sưu tập xe mô tô của mình.
Khi vợ chồng anh Liêm thành lập doanh nghiệp tư nhân Thanh Liêm, làm chủ hai cơ sở xăng dầu ở thị trấn Cam Đức, anh có điều kiện hơn để thực hiện niềm đam mê xe. Anh bắt đầu sưu tầm những chiếc mô tô hiếm thấy, không quan trọng cũ hay mới, đắt hay rẻ. Cách đây gần chục năm, lần đầu tiên anh Liêm nhìn thấy có người chạy loại xe Honda CL 90, anh ngỏ ý mua nhưng chủ nhân chiếc xe kiên quyết không bán và cho hay ở Campuchia nhiều người đi loại xe này nên qua đó có thể dễ tìm mua hơn ở Việt Nam. Sau khi tham khảo bạn bè, anh Liêm lên đường và nhiều ngày sau trở về với "con" xe mình muốn.
Có lần, anh Liêm đi trên đường phố Nha Trang thì bị "hút hồn" bởi một "con" Peugeot sản xuất vào những năm đầu thế kỷ 20 đang dựng trên vỉa hè. Anh lập tức đi tìm chủ nhân chiếc xe rồi "trình bày hoàn cảnh", năn nỉ mãi để người ta hiểu tình yêu đặc biệt của mình và mua được. "Chơi xe khó nhất là tìm được xe cổ và xe hiếm, vì không phải cứ có tiền là mua được ngay, người sưu tập phải bỏ công sức ra để đi 'săn', nhiều khi phải có duyên mới gặp và mua được", anh Liêm tâm sự.
Không phải "con" xe nào anh Liêm mua về cũng có "sức khỏe" tốt, nhiều xe do "nhìn thấy hay hay là mua về" nhưng nó... không chịu nổ máy. Mỗi lần như thế, anh Liêm dựng xe phía trước nhà để ngắm nghía cho "đã", sau đó mới hì hục sửa cả ngày lẫn đêm. Nhiều hôm 2-3 giờ sáng thức giấc, anh vùng dậy đến bên chiếc xe săm soi từng chi tiết nhỏ. Có "con" xe suốt 3 tháng trời anh Liêm mới làm cho nó nổ máy được. "Những chiếc 'yếu' đòi hỏi phải tân trang, sau khi mua về tôi đều tự mày mò sửa chữa, trừ những chi tiết quá phức tạp hoặc không tìm được phụ tùng thay thế tôi mới phải mang vào TP.HCM để xử lý. Nhiều lần tôi vào TP.HCM chỉ để mua một cái nắp bình xăng xe do bị ai đó lấy mất", anh Liêm kể.
Đến nay, anh Liêm đã có trong tay bộ sưu tập gần 100 xe mô tô, trừ những "con" có mối lương duyên đặc biệt như Lambretta thì anh sở hữu 2 chiếc, còn lại các xe đều thuộc những dòng khác nhau như: SachsBikes-Madass 125, Babetta, 67 Benly, Mate50, CB50S, Cha-ly, Phandan, CD125T, Jonquil, Super50 và Super70, Cyrox, Simson, Civie, Vespa, Peugeot, Tomos, Custom, nhiều loại mô tô 3 bánh hay cả loại xe hiện đại như chiếc DN-01 của Nhật Bản... Trong bộ sưu tập xe, có "con" tuổi bằng cả thế kỷ, có "con" mới được sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất, nhưng anh Liêm không thiên vị bất cứ "con" nào. Quan niệm của anh là chơi xe không chỉ để trưng bày mà còn phải để xe được làm cái "bổn phận" của nó, vì thế anh thường chạy luân phiên các xe, tùy vào hành trình mà chạy xe "cao tuổi" hay xe mới ra đời. Hôm nào bận việc, anh nhờ người quen chạy xe theo "lịch" để xe được khởi động thường xuyên. Ngoài căn phòng rộng là "nơi ở" chính của các loại xe, anh Liêm còn treo lên tường, dưới cây xanh trong khuôn viên vườn nhà...
Anh Liêm tâm sự, anh đã bỏ ra cả chục tỷ đồng để có bộ sưu tập xe như hiện nay, nhưng điều quan trọng là anh được sống với đam mê của mình, và những chiếc xe đã "gia nhập" ngôi nhà của anh thì đều trở thành vật vô giá.
Theo Thanh Niên
Những xế nổ một thời gây sốc dân chơi Việt Minsk, Honda Cub, Simpson... là những chiếc xế nổ mơ ước của người dân một thời, và đến nay, vẫn khiến dân chơi 'điên đảo'. Honda 67 - niềm ao ước của thanh niên Honda 67 gắn với chiến công của đội săn bắt cướp SBC của sĩ quan công an Lý Đại Bàng sau năm 1975. Honda 67 cũng xứng đáng là...