Những vụ cháy nhà cao tầng kinh hoàng ở VN
Vài năm trở lại đây, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM đã có hàng chục vụ cháy nhà cao tầng xảy ra. Không chỉ gây thiệt hại về người và của, cháy nhà cao tầng đang là nỗi lo thường trực của nhiều người.
Cùng điểm lại những vụ cháy kinh điển tại các toà nhà văn phòng, toà nhà chung cư xảy ra ở Hà Nội và TP.HCM trong những năm qua.
Cháy ITC, 60 người thiệt mạng
Vụ hoả hoạn xảy ra vào ngày 29/10/2002 đã làm thiêu rụi phần lớn toà nhà ITC, một toà nhà văn phòng và trung tâm mua sắm, toạ lạc trên trục đường Lý Tự Trọng, Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhân chứng có mặt đều thấy ngọn lửa phát ra từ tầng hai và nhanh chóng bao trùm cả toà nhà.
Có nhiều người để thoát ra khỏi đám cháy đã trèo xuống bằng đường ống nước, thậm chí nhảy xuống từ tầng 3, tầng 4, dẫn đến chấn thương. Đến 14 giờ, cột khói to đã bùng lên, cao hàng trăm mét.
Nhiều gia đình, cửa hàng nằm trên đường Lý Tự Trọng, Lê Lợi vội vàng di dời đồ đạc ra khỏi nhà.
TP.HCM đã huy động toàn bộ lực lượng phòng cháy chữa cháy của công an, quân đội cùng sân bay Tân Sơn Nhất gồm hơn 50 xe cứu hỏa tham gia dập lửa. Lãnh đạo thành phố đã trực tiếp chỉ đạo và yêu cầu phải cứu người bằng mọi giá.
Đến 17h30″ ngọn lửa bắt đầu được khống chế. Nguyên nhân được xác định là chập điện, và toàn bộ tầng 4 của toà nhà đã bị thiêu rụi. Khoảng 18h30″, lửa chỉ còn ở các tầng trên cao.
Vụ hỏa hoạn cướp đi sinh mạng 60 người, làm 70 người khác bị thương. Thiệt hại tài sản hơn 32 tỷ đồng. 11 bị cáo phải hầu toà.
Cháy tòa nhà 32 tầng ở trung tâm Sài Gòn
17h ngày 24/5/2009 một đám cháy lớn kèm theo nhiều tiếng nổ xảy ra tại tòa nhà 32 tầng trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP HCM. Cột khói bốc cao hơn 100m khiến nhiều người dân hoảng hốt.
8 xe chữa cháy và gần 100 cảnh sát cứu hỏa của quận 1 và quận 3 được huy động. Nơi cháy là ở cao ốc căn hộ cho thuê của khu phức hợp cao cấp Kumho Asiana Plaza. Khu này đang trong quá trình hoàn thiện với 260 hộ.
Các nhân viên cứu hỏa phải dùng xe thang chuyên dụng để dập tắt ngọn lửa.
Video đang HOT
Trung tá Nguyễn Văn Nhứt, Phó Phòng Cảnh sát PCCC quận 1, cho biết, ngọn lửa bùng phát từ khu vực tầng trệt. Nguyên nhân ban đầu gây cháy là do khí gas của hệ thống dàn lạnh bên hông phải của tòa nhà bị xì.
Đến 17h45 phút, ngọn lửa đã được dập tắt. Theo thống kê, ít nhất 35 cục nóng lạnh của hệ thống dàn lạnh đã bị thiêu rụi. Rất may không có thương vong nào xảy ra.
Cháy lớn chung cư 18 tầng ở Thanh Xuân, 2 người chết
Vụ cháy xảy ra vào hồi 18h ngày 10/3/2010 tòa nhà chung cư JSC, thuộc Công ty công trình 34 (34, ngõ 164, đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 2 người chết và nhiều người khác bị thương.
Khói bốc nghi ngút từ tầng 17 và 18 của tòa nhà. (Ảnh Đất Việt)
Nhiều người dân đã òa khóc khi biết trong gia đình vẫn còn có nhiều người bị mắc kẹt lại. (Ảnh Đất Việt)
Nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do lửa bùng phát tại tầng 1, sau đó lan theo hệ thống đường rác bốc lên tầng 2, khiến cả tòa nhà chìm trong khói mù.
Lúc này vào cuối buổi chiều, nên tòa chung cư đã có rất nhiều người trở về nhà, nhiều gia đình đang ăn tối. Lửa bốc cháy to nên khói tràn ngập toàn bộ hệ thống cầu thang đi bộ, tê liệt hệ thống điện của tòa nhà, người dân sống từ tầng 15 trở lên đã không thể xuống dưới.
Hệ thống cửa kín, khói không thông thoát ra ngoài khiến nhiều người dân đang cư trú tại đây bị ngạt khói, bất tỉnh. Do bị ngạt khói, hai mẹ con chị Vương Lan Phương, sinh năm 1967 và con trai Lưu Gia Minh sinh năm 2000, sống tại căn hộ 1810, đã tử vong.
Cháy tòa nhà văn phòng giữa phố Kim Mã
Vụ cháy trên xảy ra vào khoảng 14h chiều 16/7/2011, tại tòa nhà Toserco số 273 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.
Vào thời điểm bắt đầu xảy ra vụ cháy, một số người sống gần tòa nhà cho biết, ban đầu mới chỉ phát hiện một ít khói bốc ra từ các tầng giữa của tòa nhà. Một lúc sau hàng chục nhân viên đang làm việc trong tòa nhà hốt hoảng chạy ra ngoài kêu cháy.
Toàn bộ khu vực đường Kim Mã bị khói bao trùm dày đặc (Ảnh VTC)
Ngọn khói lớn bao trùm khắp tòa nhà đã khiến nhiều người tham gia giao thông bị sặc. Phía trong tòa nhà, nhiều nhân viên bảo vệ nhanh chóng dùng các bình bọt, vòi nước chữa cháy triển khai dập cháy.
Khoảng 15 phút sau khi đám cháy xảy ra, đã có 3 xe chữa cháy và 1 xe thang của lực lượng PCCC Công an TP Hà Nội có mặt. Sau gần 1 tiếng đồng hồ, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn.
Một chiến sĩ cảnh sát cứu hỏa nhận định, do mặt tiền tòa nhà được thiết kế bằng kính, khói độc không thể thoát ra ngoài khiến công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng PCCC phải sử dụng quạt hút khói để hút bớt khói độc ra ngoài.
Nguyên nhân chính của vụ cháy được xác định là do chập điện.
Cháy lớn tại tòa nhà 26 tầng 57 Láng Hạ
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 15h45 chiều 2/6/2011 được xác định ở tầng 15 của tòa nhà này. Khi chuông báo cháy kêu, hàng trăm người đang sinh sống và làm việc tại đây, trong đó có nhiều trẻ nhỏ đã hốt hoảng chen chân tháo chạy theo thang bộ xuống đất.
Ảnh Hà Nội Mới.
Phòng Cảnh sát PCCC CATP.Hà Nội đã điều xe cứu hỏa và xe tiếp nước tới hiện trường. Vị trí phát hỏa được xác định nhanh chóng là từ cục điều hòa nóng của phòng 1505 do đó lửa nhanh chóng bị khống chế.
Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người. Song do thời điểm xảy ra đám cháy có rất đông người dân đứng lại chứng kiến nên đã khiến cho giao thông khu vực này rơi vào ùn ứ cục bộ.
Cháy lớn ở tầng 7 tòa nhà Keangnam
Khoảng 14h ngày 27/8, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại tòa nhà Keangnam nằm trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) khiến nhiều người hoảng loạn. Giao thông trên đường Phạm Hùng tắc nghẽn nghiêm trọng suốt nhiều giờ.
Khu vực cháy được xác định là tại tầng 7, tòa nhà phụ cao 25 tầng thuộc khu nhà Keangnam.
Lửa và khói bùng lên dữ dội trên tầng thượng của khu nhà phụ (Ảnh HNM).
Nguyên nhân sau đó được xác định do công nhân nhà thầu phụ trong quá trình thi công hàn, cắt lắp đặt hệ thống máy tản nhiệt, máy làm mát cho tòa nhà 72 tầng, đặt trên nóc tòa nhà đỗ xe đã bất cẩn gây ra hỏa hoạn.
Vụ cháy may mắn không gây thiệt hại về người. Ước tính thiệt hại vật chất do vụ cháy gây ra khoảng 30.000USD.
Đây là vụ cháy thứ 3 xảy ra tại tòa nhà này (vụ cháy lần 1 xảy ra vào tháng 3/2010 và lần 2 xảy ra vào tháng 11/2010).
Keangnam hiện là tòa nhà đứng số 1 tại Việt Nam và thứ 17 trên thế giới về độ cao và đứng thứ 5 thế giới về diện tích. Trong quá trình thi công cao ốc này, đã có nhiều tai nạn lao động xảy ra khiến 6 người chết.
Theo VietNamNet
Hệ thống PCCC của tòa nhà 33 tầng không hề hoạt động
Hệ thống PCCC tại chỗ của tòa nhà 33 tầng bị cháy chiều nay (15-12) trên phố Cửa Bắc là vô hiệu, toàn bộ phải trông vào sự trợ giúp từ bên ngoài.
Đại tá Tô Xuân Thiều có mặt, chỉ đạo tại hiện trường vụ cháy (Người thứ 2 từ phải sang)
Đại tá Tô Xuân Thiều- Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho hay: Ngay khi nhận được tin báo cháy khẩn cấp, Sở đã điều 8 đội phòng cháy của các quận, huyện khẩn trương đến ngay hiện trường.
Do tòa nhà vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện, nên hệ thống PCCC tại chỗ hiện không hoạt động, toàn bộ là trông cậy vào sự cứu hộ từ bên ngoài. Ngay sau khi tới nơi, Cảnh sát PCCC đã phối hợp với nhà thầu, xác định tính chất, địa điểm cháy. Đồng thời song song với công tác chữa cháy là tập trung trọng điểm công tác cứu người.
"Điểm cháy được xác định ở tầng hầm, sau đó lan sang các hộp, đường kỹ thuật lên mãi đến tầng 30. Công tác kiểm tra cả 33 tầng của tòa nhà đang hoàn thiện này để cứu người là rất vất vả: Cầu thang bộ bị khóa từng tầng, nên phải phá cửa rất khó khăn; trong khi đó đám cháy lớn thiêu đốt mút xốp, dây điện phát ra khí độc...khiến lực lượng cảnh sát phòng cháy nhiều người bị ngạt"- Đại tá Tô Xuân Thiều nói.
Về xe thang cứu hộ, cứu nạn, Đại tá Tô Xuân Thiều cho biết: Hiện lực lượng Cảnh sát PCCC TP.HCM có hai xe vươn tới độ cao 72m; Cảnh sát PCCC Hà Nội có một xe vươn tới độ cao 52m, song rất nặng nề và dài, không phù hợp với điều kiện đường xá Việt Nam.
"Vì thế công tác PCCC không phải chỉ có ở các tòa nhà đã đưa vào sử dụng mà ngay cả các tòa nhà đang thi công cũng phải hết sức chú ý. Quá trình thi công, chủ nhà thầu phải lên công tác PCCC và khi xảy ra sự cố phải chủ động phối hợp lực lượng từ ngoài đưa vào để biết lối thoát hiểm, vị trí người mắc kẹt để chi viện, cứu hộ cứu nạn"- Đại tá Tô Xuân Thiều nhấn mạnh,.
Theo ANTD
Nhân chứng bàng hoàng kể lại vụ cháy tòa nhà 33 tầng ở Hà Nội "Khi đang làm việc tại tầng hầm, chúng tôi thấy khói bốc ra mù mịt, tất cả đều hoảng sợ và tìm đường bỏ chạy, nhiều người vấp ngã đã bị những người khác chạy vội dẫm đạp lên người, rất khổ sở", một nhân chứng bàng hoàng kể lại. Ngay khi những nạn nhân của vụ cháy được chuyển tới bệnh viện...