Những vụ bắt cóc nổi tiếng ở Việt Nam, Kỳ cuối: Hai “cặp tình nhân” đột kích nhà nghỉ để…
Trong vụ bắt cóc này, con tin được đối xử như thượng khách: Ở nhà nghỉ, sắm quần áo mới, ngày ba bữa cơm và một bao thuốc lá. Đặc biệt, con tin không bị hành hạ dù chỉ là một lời nói nặng…
Kỹ sư mất tích
Trưa ngày 2-10-2010, sau khi ăn cơm, anh Lưu Văn Vương, kỹ sư thi công công trường xây dựng tòa nhà Keangnam ra quán nước ở gần cửa số 7 công trường ngồi thì có hai thanh niên đến tự giới thiệu từng làm ở Cty cũ với anh và hỏi mua… sắt vụn. Bất ngờ, chúng ép anh Vương lên chiếc xe ôtô 7 chỗ và phóng thẳng theo hướng đại lộ Thăng Long…
Lúc này, anh Vương mới vỡ lẽ, mẹ anh là bà Thiều Thị Bản nợ đại ca của chúng một số tiền khá lớn, nên chúng bắt anh để gây sức ép buộc mẹ anh phải trả nợ. Hôm sau, anh Vương được nhóm đối tượng đưa quay lại Hà Nội. Chúng thuê nhà nghỉ Thành Đô tại khu Đô thị Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội rồi thay nhau canh phòng. Ở đó một tuần, chúng đưa anh Vương về nhà nghỉ Vũ Hùng ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.
Video đang HOT
Khoảng 20g ngày 2-10-2010, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CA TP Hà Nội nhận được đơn trình báo của ông Lưu Huy Lĩnh, trú tại ngõ 43 phố Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội về việc con trai ông là Lưu Văn Vương bị một số đối tượng bắt cóc. Ông cho biết, một đối tượng yêu cầu vợ chồng ông phải nộp cho chúng 3 tỷ đồng, nếu không tính mạng của con trai ông sẽ nguy hiểm. Qua xác minh, lực lượng điều tra nhận định đây là một vụ bắt người mang tính chất thuê mướn, do một ổ nhóm có nhiều đối tượng tham gia. Anh Vương vốn là một cựu sinh viên Trường Đại học Xây dựng. Năm 2007, anh Vương tốt nghiệp đại học và nhanh chóng tìm được một công việc trong ngành xây dựng. Vào thời điểm bị bắt cóc, anh Vương đang thuê nhà tại dốc Đốc Ngữ, quận Ba Đình, Hà Nội cùng với em gái.
Mẹ anh Vương là bà Thiều Thị Bản, Phó Giám đốc Cty CP Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc có trụ sở tại TP Thanh Hóa. Trước đó khoảng 1 năm, Cty của bà có ký hợp đồng san lấp mặt bằng với Cy CP Xuất nhập khẩu Thịnh An, do Đỗ Danh Khánh làm giám đốc. Tuy nhiên, sau này hợp đồng bị trục trặc, bà Bản đã nhận được một số lời đe dọa phải trả lại tiền nếu không thì bà và gia đình sẽ không được an toàn. Qua điều tra ban đầu, CQĐT xác định, vì bà Bản kiên quyết không trả nợ nên Khánh đã nhờ Phạm Minh Thông ở Hà Nội bắt cóc con trai bà Bản để gây sức ép, buộc bà phải trả tiền. Nhận “hợp đồng”, Thông thuê thêm một loạt đối tượng đầu gấu lên kế hoạch tổ chức bắt cóc anh Vương…
Các đối tượng trong vụ án bị bắt giữ
Hai “cặp tình nhân” là…
Khi nguyên nhân của vụ việc được làm sáng tỏ, lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CA TP Hà Nội quyết định phá án. Các trinh sát đặc nhiệm đã chia ra làm nhiều tổ, tiến hành theo dõi mật phục trong một thời gian. Ngày 12-10, một mũi tinh nhuệ nhất bao gồm cả Đại tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng và Thượng tá Đào Thanh Hải, Phó Trưởng phòng… đã có mặt tại thị trấn Xuân Mai để nắm tình hình, lên kế hoạch bảo vệ con tin.
Ngày 10-10, có ba thanh niên khoảng ngoài 20 tuổi đến thuê phòng nghỉ 304 của nhà nghỉ Vũ Hùng, trong số đó có anh Vương. Khoảng 11g30 ngày 13-10-2010, có thêm hai cặp thanh niên nam nữ đến thuê phòng theo giờ. Họ xin nghỉ tại phòng 301 và 302. Khi chủ nhà nghỉ chưa kịp mang phích nước nóng lên thì hai thanh niên mới đến đã đạp tung cửa phòng 304. Một thanh niên đã ra ngoài, hai thanh niên còn lại lập tức bị khống chế. Đó chính là anh Lưu Văn Vương và đối tượng Tạ Đình Hiệp kẻ được thuê trông giữ anh. Lúc bấy giờ, chủ nhà nghỉ mới biết hai cặp tình nhân chính là những chiến sĩ cảnh sát hình sự.
Anh Vương kể lại, trong suốt thời gian bị giam lỏng ở các nhà nghỉ cứ ngày ba bữa chúng đưa anh đi ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Ăn uống xong, hoặc tìm quán trà đá ngồi uống nước hoặc kéo nhau lên nhà nghỉ xem tivi, đọc truyện… Khi bị các đối tượng ép lên xe, anh Vương chỉ có bộ quần áo trên người và chiếc điện thoại di động. Những kẻ bắt cóc đã vào siêu thị mua cho anh Vương một bộ quần áo khá đẹp. Tuy nhiên, chiếc điện thoại Iphone của anh Vương bị chúng giữ, không cho anh sử dụng. Mỗi ngày, chúng bắt anh Vương phải gọi điện cho mẹ anh để thúc ép bà trả tiền. Đôi khi chúng dùng điện thoại của anh Vương, gọi trực tiếp. Chúng dọa sẽ chặt chân, chặt tay con tin. Chúng cũng cho anh Vương biết sẽ còn bắt nốt em gái của anh đang học tại Trường Đại học Ngoại thương để làm con tin.
Trong suốt mười mấy ngày chịu sự giam lỏng của các đối tượng, anh Vương không hề có ý định bỏ trốn. Anh Vương nói, do chưa nắm được tình hình cha mẹ và em ở đâu, có bị làm sao hay không nên vẫn phải nhắm mắt đưa chân theo chúng, nhằm thu thập tình hình. Anh tâm sự: “Tôi biết bọn chúng cần tiền của mẹ tôi nên sẽ không ra tay sát hại tôi”. Với vẻ mặt lạnh lùng, anh Vương còn xin phép lực lượng CA cho Hiệp một hơi thuốc. Cả hai đều nghiện thuốc lá, trong thời gian buộc phải ở gần nhau, mỗi ngày Hiệp và anh Vương đốt hết từ 2 đến 3 bao thuốc lá.
Sau đó, lần lượt các đối tượng khác trong vụ án cũng bị bắt giữ. Đó là, Nguyễn Tài Anh, Phan Thanh Chi, Đỗ Danh Khánh, Đào Duy Phúc, Vũ Văn Hiếu, Đặng Cao Cường, Phạm Minh Thông… Chuyên án khép lại mà không tốn một viên đạn và cũng không có ai bị thương.
Theo Pháp Luật XH
Những vụ bắt cóc nổi tiếng tại Việt Nam: "Con tin" làm chùng tay súng kẻ bắt cóc
Nhận được tin bạn gái có người yêu mới, một thanh niên đã trộm súng của đơn vị để đi "rửa hận". Vụ việc diễn ra giống như một cuốn phim hành động...
Tình huống bất ngờ
Khoảng 18g chiều 16-1-2010, em Trần Thị Thu Trang, học sinh lớp 10 đang đi cùng 2 người bạn vào một tiệm may để lấy quần áo thì nghe thấy mấy tiếng súng nổ chát chúa. Chưa kịp hoàn hồn thì một thanh niên vác súng AK chạy xộc vào tiệm may. Hai người bạn nhanh chân chạy thoát còn Trang thì bị thanh niên này khống chế đưa vào nhà nghỉ Như Phước nằm trên đường Cao Xuân Dục, TP. Huế (cách tiệm may vài chục mét). Lúc đó, nhà nghỉ Như Phước không có khách, chỉ có một mình con trai ông chủ trông coi. Thấy gã thanh niên cầm súng xuất hiện, con trai chủ nhà nghỉ đã hốt hoảng trốn vào phòng kín, sau đó thoát ra ngoài an toàn. Kẻ bắt cóc đã đưa cô nữ sinh lên một phòng nghỉ trên tầng ba để cố thủ.
Gần nửa giờ sau, lực lượng CA, quân đội, đặc công đã bao vây khu vực nhà nghỉ Như Phước để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và áp sát tiếp cận đối tượng. Danh tính người bắt cóc được xác định là Nguyễn Văn Minh, trung sĩ thuộc một đơn vị đóng quân tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khi nghe tin người yêu đi lấy người khác Minh liền tức tốc vào Huế để "rửa hận". Minh đã lấy cắp của đơn vị một khẩu súng AK cùng 36 viên đạn...
Cô gái mà Minh muốn tìm từng là vợ chưa cưới của Minh, trú tại tại phường An Tây, TP Huế. Bố của cô gái cho CA biết, khoảng hơn 5g chiều ngày hôm đó, Minh tìm đến nhà cùng với khẩu súng AK. Trước khi Minh xuất hiện, bố cô gái đã được đơn vị của Minh gọi điện báo trước nên ông đã báo cho CA phường An Tây. Khi CA phường cùng lực lượng cảnh vệ quân đội xuất hiện, Minh đã bỏ chạy và sau đó bắt cóc em Trang như đã nói ở trên.
Bố của cô gái cho biết thêm, gia đình Minh đã vào dạm ngõ con gái ông vào dịp đầu năm 2010. Ban đầu vợ chồng ông nhận lời nhưng rồi thấy con gái còn đang đi học (Trường cao đẳng nghề du lịch Huế), Minh lại đang tại ngũ, nên ông chưa đồng ý. Ông cũng khẳng định, không có chuyện con gái ông đi lấy người khác, mà do Minh đã nghe thông tin không chính xác.
Rất đông người theo dõi vụ bắt cóc
Cuộc đấu trí
Lực lượng vây bắt Minh quyết định đưa mẹ, bạn bè và thủ trưởng của Minh từ Quảng Bình, Quảng Trị vào Huế, đến hiện trường để tìm cách thuyết phục Minh thả em Trang, đầu hàng để được hưởng khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên Minh vẫn cố thủ và thỉnh thoảng lại nổ súng chỉ thiên. Các lực lượng CA, quân đội, đặc biệt là lực lượng đặc công của tỉnh đội, lực lượng đặc nhiệm của CA tỉnh đã tiếp cận nhà nghỉ từ nhiều phía, đồng thời di tản những người dân sống gần đó đi nơi khác để bảo đảm an toàn trong những trường hợp buộc phải nổ súng.
Đến khoảng 23g45, lực lượng đặc nhiệm bắt đầu tràn vào nhà nghỉ. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Mãn đang có mặt tại hiện trường chỉ đạo phá án. Trong nhà nghỉ, Minh cứ bật đèn quan sát bên ngoài rồi tắt đèn, liên tục nhiều lần. Còn bên ngoài, những người bạn trong quân ngũ của Minh tiếp tục gọi điện thuyết phục Minh. Lúc đó, mọi động tác đều phải thận trọng vì có thông tin cho rằng Minh có cả lựu đạn.
Sau nhiều tiếng đồng hồ thuyết phục nhưng không thành, đến 5g5 sáng 17-1, lực lượng an ninh đã sử dụng lựu đạn cay ném vào nhà nghỉ. 15 phút sau lực lượng đặc công đã khống chế được Minh, đưa em Trang cùng Minh đều bị trúng hơi cay ra ngoài, đi cấp cứu. Như vậy, sau 12 tiếng đồng hồ đầy căng thẳng, các lực lượng CA và quân đội đã giải cứu được con tin khỏi sự nguy hiểm.
Chính "con tin" đã thuyết phục Minh
Em Trần Thị Thu Trang, nạn nhân vụ bắt cóc kể lại, khi lên đến phòng 314 của nhà nghỉ Như Phước, Minh tỏ ra rất hung dữ, hình như đang tức giận ai đó. Minh quát Trang: "Mi có muốn chết hay không?". Khi Trang hỏi Minh vì sao lại chọn cái chết, Minh trả lời cộc lốc: "Tao hận...".
Trang kể, lúc đó em rất sợ nhưng vẫn kịp lấy được bình tĩnh, cố khuyên Minh bỏ súng để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Lúc đầu Minh phản ứng mạnh nhưng khi Trang tâm sự với Minh là cũng có anh trai là bộ đội, Minh "hiền" dần và chuyển sang xưng hô anh - em với Trang chứ không như gọi "tao - mi" nữa. Minh hỏi Trang rất nhiều chuyện như gia đình Trang có mấy người, ba mẹ làm nghề gì, học lớp mấy... Sự ngây thơ, trong sáng của Trang đã khiến sự căng thẳng dịu dần, Minh tâm sự với Trang về nguyên nhân mình trộm súng của đơn vị vào Huế "xử" người yêu. Minh rất buồn khi chia tay với người yêu và đau khổ hơn khi nghe người tình cũ có "người mới".
Gần sáng, Minh hứa với Trang: "Anh không làm hại em đâu". Minh cũng xin lỗi Trang vì đã đưa Trang vào vụ việc. Minh nói, đến 7g sáng sẽ thả em về với gia đình còn mình sẽ tự sát. Giọng Minh nghẹn lại: "Khi chết anh sẽ phù hộ cho em học giỏi"... Tay súng của Minh chùng xuống, sự kiên quyết lúc đầu không còn trên khuôn mặt của người thanh niên si tình nữa. Hơn 5g sáng, hơi cay giăng kín căn phòng, Trang ngất đi. Lúc tỉnh lại, em đã thấy mình nằm trong bệnh viện.
Trong lễ chào cờ đầu tuần Trang được thầy hiệu trưởng tuyên dương vì đã bình tĩnh vượt qua khó khăn, cùng những tác động tình cảm khiến hung thủ chùng tay để giúp cho lực lượng an ninh cùng quân đội phá án kịp thời.
Còn nữa...
Theo Pháp Luật XH
Những vụ bắt cóc "nghẹt thở" tại Việt Nam, Kỳ 2: Bài học về kỹ năng giải cứu con tin Đôi mắt đẫm lệ, anh Phúc nghẹn ngào: "Cún ơi, bố đã về mà vẫn không cứu được con...". Con anh, cháu Hoàng Thị Vy, mới gần 2 tuổi đã bị tên cướp sát hại khi vụ cướp bất thành. Khống chế trẻ em để cướp vàng Đang làm việc ở quận Long Biên, anh Hoàng Hữu Phúc nhận được điện thoại của...