Những vụ án gây tranh cãi năm 2018
Trong năm 2018, cả nước xảy ra một số vụ án gây tranh cãi nảy lửa giữa các chuyên gia pháp lý và trên diễn đàn mạng xã hội.
Chém trộm vào nhà, người đàn ông lĩnh án 9 năm tù về tội “ Giết người”
Ngày 1/1/2018, TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Lê Minh Phương (SN 1967, trú tại phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Giết người”.
Theo cáo trạng, vào khoảng 0h15 ngày 23/11/2017, bị hại là Nguyễn Đăng T. do không được bố mẹ cho ăn cơm nên trèo qua ô gió, đột nhập vào cửa hàng tạp hóa của gia đình ông Phương để tìm đồ ăn và trộm cắp tài sản.
Lúc này, bà Liên (vợ ông Phương) nghe thấy tiếng động, ngó xuống quan sát thì phát hiện T. đang lục lọi đồ đạc nên đánh thức chồng dậy và báo cho ông Phương biết trong nhà đang có trộm.
Khi T. tiến đến gần liền bị ông Phương xông ra dùng kiếm chém liên tiếp 2 nhát vào đầu, tay khiến T. đau đớn vụt chạy ra phía cửa và cầu xin ông Phương không đánh nữa.
Bị cáo Lê Minh Phương tại tòa.
Sau đó, thấy T. bị chảy nhiều máu, bà Liên vội gọi xe cứu thương đưa thiếu niên này tới bệnh viện, đồng thời trình báo cơ quan công an.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, tổng tỷ lệ tổn hại sức khỏe tương ứng với nhiều vết thương của T. lên đến 95%. Thậm chí, T. còn bị liệt nửa người bên trái.
Quá trình xét xử, nhận thấy hành vi của bị cáo đã thỏa mãn tội “Giết người”, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo này mức án 9 năm tù giam.
Nhiều người cho rằng, bản án của tòa với hành vi của ông Phương là quá nặng, bởi hành vi của ông là để bảo vệ gia đình.
Xe khách tông xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ
Vào khoảng 16h30 ngày 18/3/2018, xe khách mang BKS 29B – 078.43 chạy đúng chiều trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (TP Hà Nội) tông trúng xe cứu hỏa đang làm nhiệm vụ chạy ngược chiều từ đường nhánh lên đường Vành đai 3.
Cú tông mạnh khiến 5 hành khách và 6 cảnh sát PCCC thương vong. Trong đó, một chiến sĩ cảnh sát PCCC là Trung sĩ Chử Văn Khánh (25 tuổi) hy sinh.
Video đang HOT
Hiện trường cơ quan chức năng tổ chức thực nghiệm lại vụ việc.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, xe khách trong vụ tai nạn chạy khoảng 87km/h, ở điều kiện thời tiết có mưa nhỏ, mặt đường ướt, trơn trượt. Trong khi đó, tuyến đường này các phương tiện được lưu thông với tốc độ tối đa là 100km/h.
Trong khi đó, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc xe cứu hoả chạy ngược chiều trên cao tốc khi thực hiện nhiệm vụ là đúng quy định.
Vụ tai nạn trên khiến dư luận đặc biệt quan tâm và nổi lên những luồng ý kiến khác nhau gây tranh cãi “nảy lửa” giữa cơ quan chức năng, giới luật sư và trên các diễn đàn mạng xã hội.
Các luật sư và chuyên gia giao thông đều khẳng định cần xem xét trách nhiệm của cả 2 bên trong vụ tai nạn này.
Đổi 100 USD tại tiệm vàng, anh thợ điện bị phạt 90 triệu đồng
Vào lúc 11h15 ngày 30/1/2018, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực (Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, tiệm vàng Thảo Lực, Ninh Kiều) đang thu mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê (thợ điện, ngụ quận Ninh Kiều) với giá 2.260.000 đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Ngày 4/9/2018, UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt anh Rê số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” và tịch thu tang vật là số tiền 2.260.000 đồng.
Anh Rê cho biết: “Bạn tôi tặng 100 USD. Tôi không đến ngân hàng đổi sang tiền Việt mà ra tiệm vàng. Vì không biết nơi đổi tiền không được phép mua bán ngoại tệ mà bị xử phạt đến 90 triệu đồng. Mức phạt này cao quá trong khi thu nhập từ công việc sửa điện của tôi chỉ hơn 3 triệu/tháng”.
Anh Nguyễn Cà Rê vì đổi 100 USD tại tiệm vàng bị phạt 90 triệu đồng.
Tiệm vàng anh Rê đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt 295 triệu đồng do vi phạm các hành vi như: Mua bán ngoại tệ tại nơi không được thu đổi ngoại tệ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định; sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Đồng thời, tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương và 19.910 viên đá hột nhân tạo.
Vụ việc này khiến dư luận phản ứng dữ dội, giới luật sư cho rằng xử phạt vi phạm hành chính trong vụ việc có dấu hiệu trái luật.
Sau đó, UBND TP Cần Thơ ký, ban hành quyết định miễn tiền phạt vi phạm hành chính cho anh Nguyễn Cà Rê (thợ điện, 38 tuổi, quận Ninh Kiều), theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quyết định do Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam ký, anh Rê được miễn toàn bộ tiền vi phạm hành chính 90 triệu đồng, nhưng không được trả lại tang vật vi phạm hành chính là số tiền 2.260.000 đồng (đổi từ 100 USD).
Tài xế container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc khiến 4 người thiệt mạng bị phạt 6 năm tù
Tháng 11/2018, TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm 2 bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi, ở Bắc Ninh) và Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, quê Thái Bình).
Theo bản án phúc thẩm, sáng 19/11/2016, Sơn lái Innova chở 11 người đi ăn cưới. Do đi quá lối ra khỏi cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên tại nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) nên Sơn cho ô tô đi lùi, sát hàng rào bên phải. Cùng lúc này, tài xế Hoàng lái xe container đi thuận chiều trên cao tốc.
Khi đến gần nút giao Yên Bình, tài xế Hoàng thấy chiếc xe Innova cách phía trước 70m đang bật đèn phanh đỏ. Lúc này, tài xế xe đầu kéo không phanh giảm tốc cũng không thể cho xe chuyển là vì có ô tô khác vượt lên nên đã đâm vào đuôi chiếc xe Innova.
Hiện trường vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc.
HĐXX nhận định tài xế xe đầu kéo container đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ nên khi cách chiếc Innova 30m Hoàng mới phát hiện xe đang lùi rồi nhấn phanh. Hành vi này vi phạm Thông tư liên tịch số 91 về khoảng cách an toàn giữa 2 phương tiện. Bị cáo Hoàng phạm lỗi vô ý, quá tự tin.
Tòa tuyên phạt Ngô Văn Sơn 9 năm tù, Lê Ngọc Hoàng 6 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Bản án này ngay sau đó đã khiến dư luận “dậy sóng”. Nhiều ý kiến cho rằng bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên là không thuyết phục, vội vàng.
Sau đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét theo thủ tục giám đốc, quyết định hủy 2 bản án cấp sơ thẩm, phúc thẩm vụ án xe container tông Innova lùi trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Việc hủy 2 bản án cấp sơ thẩm và phúc thẩm trên, nếu trong quá trình điều tra lại xác định tài xế container không có tội thì đình chỉ vụ án. Nếu có tội thì đưa vụ án ra xét xử và việc này phụ thuộc vào kết quả điều tra.
TÙNG LÂM
Theo VTC
28 năm án oan giết chồng: Giảm bồi thường từ 13 tỷ xuống 3 tỷ đồng
Tại buổi thương lượng lần thứ ba, TAND tỉnh Điện Biên đã giảm số tiền bồi thường cho ba mẹ con mang án oan giết chồng suốt 28 năm, từ hơn 13 tỷ đồng xuống còn hơn 3 tỷ đồng.
Ngày 25.1, luật sư (LS) Vũ Thị Nga (Đoàn LS tỉnh Quảng Ninh), cho biết vừa cùng gia đình cụ bà Đặng Thị Nga (80 tuổi, trú tại thị trấn Tuần Giáo, Điện Biên) có buổi thương lượng bồi thường oan sai lần thứ ba với đại diện TAND tỉnh Điện Biên.
Cụ Đặng Thị Nga cùng hai con trai Trịnh Công Hiến (đã mất) và Trịnh Huy Dương (49 tuổi) chính là ba mẹ con mang án oan giết cha, giết chồng suốt 28 năm, mới được minh oan và xin lỗi công khai vào tháng 10.2017 vừa qua.
Theo LS Nga, tại buổi thương lượng, số tiền bồi thường oan sai mà đại diện TAND tỉnh Điện Biên đưa ra bất ngờ thấp hơn rất nhiều so với trước đó. Cụ thể, ở lần thương lượng thứ hai, tòa tạm thống nhất bồi thường số tiền hơn 13 tỷ đồng, thế nhưng lần này giảm xuống chỉ còn hơn 3 tỷ đồng.
Trong số hơn 3 tỷ đồng trên, tòa đồng ý bồi thường cho cụ Nga hơn 1,8 tỷ đồng, gồm: tổn hại sức khỏe trong 28 năm, thiệt hại tinh thần, chi phí thuê LS, chi phí khiếu nại và chi phí thăm nuôi.
Ngoài ra, bồi thường cho ông Trịnh Công Hiến gần 400 triệu đồng (thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, tổn hại sức khỏe, chi phí khiếu nại) và ông Trịnh Huy Dương gần 900 triệu đồng (thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại sức khỏe, tổn thất tinh thần, chi phí khiếu nại,...).
Như vậy, so với lần thương lượng thứ hai, nhiều khoản yêu cầu bồi thường đã không được chấp nhận hoặc bị giảm đi rất nhiều.
Điển hình như: tòa không chấp nhận bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất của cụ Nga với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; không chấp nhận bồi thường thiệt hại tinh thần đối với ba người con còn lại của cụ Nga với số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Cụ Đặng Thị Nga cùng con trai là ông Trịnh Huy Dương. Ảnh: TP
Cùng với đó, tòa giảm bồi thường thiệt hại thu nhập thực tế của ông Hiến từ hơn 900 triệu đồng xuống hơn 240 triệu đồng; không chấp nhận thiệt hại tinh thần của ông Hiến với số tiền hơn 850 triệu đồng; giảm thiệt hại thu nhập của ông Dương từ gần 1,2 tỷ đồng xuống hơn 240 triệu đồng; giảm thiệt hại tinh thần của ông Dương từ hơn 1,4 tỷ đồng xuống hơn 260 triệu đồng...
Đáng chú ý, theo LS Nga, do bức xúc và không đồng ý với thương lượng của TAND tỉnh Điện Biên, ngay sau buổi làm việc, cụ Nga đã phải nhập viện.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Huy Dương xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết hiện sức khỏe của cụ Nga còn rất yếu. Sau buổi thương lượng với TAND tỉnh Điện Biên, gia đình ông đều có chung cảm xúc vô cùng thất vọng.
"Những lần thương lượng trước, họ đã thống nhất các khoản bồi thường rồi, đều có chữ ký của đại diện TAND tỉnh Điện Biên, vậy mà bây giờ lại thay đổi. Bồi thường oan sai chứ không phải chuyện mua bán mà lại mặc cả lên xuống..." - ông Dương bức xúc.
3 mẹ con mang tiếng oan giết chồng, giết cha
Theo nội dung vụ án, năm 1989, thi thể ông Trịnh Huy Tùng (chồng cụ Nga) được tìm thấy dưới giếng. Cơ quan Công an huyện Tuần Giáo đã khởi tố, bắt giam ba mẹ con cụ Nga để điều tra về tội giết người.
Năm 1990, tòa sơ thẩm TAND tỉnh Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) phạt cụ Nga 36 tháng tù treo về tội che giấu tội phạm. Ông Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị buộc tội giết cha, lần lượt 18 và 12 năm tù.
"Được" hưởng án treo, cụ lặn lội đến khắp các cơ quan trung ương kêu oan cho mình và hai con. Sau đó, tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Tháng 1.1992, VKSND tỉnh Lai Châu cũ quyết định hủy bỏ việc tạm giam với ông Hiến và Dương sau 28 tháng tạm giam. Cũng kể từ đó, vụ án bị treo lơ lửng gần 30 năm mà không có bất cứ kết luận nào.
Tháng 9.2017, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị sớm giải quyết vụ án. Tháng 10.2017, cơ quan tố tụng liên ngành quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố cụ Nga và hai con trai không phạm tội.
Tuy nhiên, điều đau đớn là ông Trịnh Công Hiến đã qua đời trước khi được minh oan. Theo lời kể gia đình, khi còn trong trại giam, ông xăm lên mình ba chữ "đời oan trái", nói khi nào được minh oan sẽ tự tay xóa đi. Thế nhưng vì áp lực từ tiếng xấu của kẻ giết cha, ông suy sụp, có lần tự sát rồi qua đời vào năm 2004.
Theo Tuyến Phan (PLO)
Người phụ nữ yêu cầu bồi thường hơn 1 tỷ đồng cho chồng bị oan 17 năm Vợ ông Minh (người bị kết oan hơn 17 năm) ở Đắk Lắk gửi đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường hơn 1 tỷ đồng và tổ chức xin lỗi công khai. Sáng 6/12, bà Tống Thị Minh Tâm (33 tuổi, vợ ông Trịnh Công Minh - người bị kết án oan 17 năm ở Đắk Lắk) cho biết đã...