Những ước vọng giản dị
Năm 2013 đã đến với nhiều cơ hội và thách thức. Với nhiều người năm mới đến cùng những mong muốn tưởng chừng bình dị nhưng rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày…
Vui tươi, ấm áp đón năm mới. Ảnh: Phú Khánh
Chị Dương Thị Thanh Huyền (Cựu sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp): Mong có việc làm ổn định
“Em vừa mới tốt nghiệp, giờ mong muốn lớn nhất của em chỉ là kiếm được một việc làm ngay. Thu nhập chỉ cần đủ sống và có dư một chút để gửi về quê đỡ đần bố mẹ là tốt lắm rồi.Và quan trọng là có việc làm ổn định chứ nhìn cảnh các anh chị giờ vất vả xin việc mà nản quá. Hi vọng có nhiều cơ hội cho những sinh viên mới ra trường như chúng em”.
Bà Nguyễn Anh Thơ (54 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội): Thực phẩm đừng lên giá nữa
“Những bà nội trợ như tôi chỉ muốn giá cả đừng lên nữa. Đi chợ hàng ngày mới biết khó thế nào, túi tiền ngày càng eo hẹp, thực phẩm ngày càng đắt đỏ, giá gas, giá xăng dầu chỉ lên ít khi xuống. Quan trọng không kém là không phải lo về thực phẩm “bẩn” nữa, chứ như bây giờ ăn uống không yên tâm. Chẳng nhẽ giữa thành phố lại nuôi lợn gà, trồng rau…”.
Anh Nguyễn Duy Hậu (37 tuổi, kiến trúc sư): Giữ vững sản xuất
“Chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi biết năm 2013 sẽ còn nhiều khó khăn không nhỏ. Bản thân tôi cũng phải chuyển hướng qua nhiều loại hình kinh doanh để thích nghi. Chúng tôi chỉ mong muốn đơn giản là giữ vững được sản xuất, không phải thu nhỏ quy mô, giảm lao động. Ngoài việc hỗ trợ của nhà nước, bản thân các doanh nghiệp phải tự tìm lối ra cho mình, hoặc chung sức cùng nhau thì mới vượt khó được. Mong rằng năm 2013, nền kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục bền vững”.
Nghệ sỹ guitar Văn Vượng: Năm 2013 sẽ có nhiều điều tốt đẹp
Đã từng có thời gian, tôi phải sống trong cảnh cơm ăn không đủ no, áo không đủ mặc. Vì thế, mỗi khi gió mùa về, trời lạnh, tôi lại nghĩ đến những ngày tháng xưa cũ và nghĩ đến những người có số phận kém may mắn. Tôi ước mong mình có thể cống hiến nhiều hơn. Văn Vượng là một nghệ sỹ khiếm thị không giàu có nhưng luôn sẵn lòng giúp đỡ những người yêu mến âm thanh của cây đàn guitar. Tôi sẽ dạy guitar miễn phí cho những ai có nhu cầu trau dồi và rèn giũa những ngón đàn guitar trở nên điêu luyện và chắp cánh cho những ước mơ trở thành nghệ sỹ guitar biểu diễn. Đứng trước ngưỡng cửa năm mới, tôi hy vọng và tin tưởng năm 2013 sẽ có nhiều thay đổi tốt đẹp. Kinh tế nước nhà mạnh lên, giao thông tốt lên và đời sống của toàn dân được yên bình, no ấm.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường: Tiếp tục một năm khởi sắc của văn hóa
Video đang HOT
Năm 2012 vừa qua là một năm nhiều biến động, thành công của Di sản Việt Nam. Biến động là ở hàng loạt những sai phạm đã bị báo chí vạch trần như việc trùng tu ở chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế,… hay các vụ hát nhép, ăn mặc phản cảm bị xử lý. Nhưng đó cũng là năm đầy ắp những sự kiện văn hóa sôi động và đáng tự hào của người Việt Nam mà nổi bật nhất là việc “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” vừa được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bước sang năm mới 2013, tôi hy vọng sẽ tiếp tục là một năm khởi sắc của văn hóa Việt Nam. Về cá nhân tôi sẽ tiếp tục đóng góp sức mình trong những lĩnh vực mà tôi đã thực hiện nhiều năm qua, đó là khảo cổ học và âm nhạc.
Trưởng nhóm nhảy Big Toe, Viết Thành: Đưa hình ảnh của các nhóm nhảy Việt Nam ra thế giới
Với Viết Thành, 2012 thật sự là một năm thành công vượt bậc. Chưa có năm nào, phong trào khiêu vũ lại lên cao như năm 2012 với hàng loạt các chương trình truyền hình ra mắt gắn liền với các cuộc thi. Sang năm 2013, Viết Thành và các thành viên của nhóm nhảy Big Toe sẽ tiếp tục tham gia các giải đấu quốc tế và cố gắng hết mình để mang lại những giải thưởng cho đất nước, ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các sân chơi cho trẻ em nhảy Hip-Hop để khích lệ tinh thần tập luyện của các bạn trẻ và tạo nguồn kế cận cho các giải đấu quốc tế tiếp theo. Hy vọng, mọi dự định và kế hoạch của tôi sẽ trở thành hiện thực trong năm 2013.
Nhà văn Y Ban: Hy vọng về sự đột biến của văn hóa đọc
Theo tôi, văn đàn 2013 sẽ khó có nhiều sự đột biến khi đã xuất hiện sự trì trệ của những cây viết. Năm vừa qua cũng chứng kiến nhiều vấn đề về tác quyền. Người ta bàn nhiều về việc này, nhưng theo tôi đó là bởi luật pháp chưa đủ mạnh, ý thức người đọc chưa cao. Tôi hy vọng rằng, sang năm mới, bước sang một giai đoạn mới, chu kỳ mới sẽ đẩy lùi những cái cũ kỹ, những cái còn tồn đọng. Từ đó sẽ xuất hiện những đột biến, mang lại diện mạo mới cho văn chương Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi cũng mong văn hóa đọc được nâng cao, kéo theo ý thức của người đọc được cải thiện. Có như vậy, nhà văn mới có động lực để viết khi họ nhìn ra được sự cố gắng của mình được trân trọng, đáng giá.
Ca sỹ Thái Thùy Linh: Tiếp tục các hoạt động thiện nguyện
Trong năm 2013 tôi sẽ thực hiện một DVD mới, là tổng hợp các MV (music video) sẽ lần lượt ra mắt trong thời gian tới. DVD này sẽ đánh dấu sự thay đổi trẻ trung và mới mẻ hơn về hình ảnh. Song song với các dự án âm nhạc, tôi cũng sẽ tiếp tục những hoạt động thiện nguyện của mình. Trong đó phần lớn thời gian được dành cho các hoạt động trong chương trình “Đem âm nhạc tới bệnh viện” mà chúng tôi đã thực hiện trong suốt thời gian qua. Trong năm 2013 này, chương trình tiếp tục đều đặn mỗi tháng 3 số tại các bệnh viện lớn của Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, chúng tôi cố gắng để mỗi tháng có thể thực hiện ở một tỉnh khác. Hy vọng, chương trình sẽ nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể để có thể ngày một hoàn thiện hơn.
Theo ANTD
30 năm lặng thầm gắn bó với bệnh nhân phong
Gần 30 năm gắn bó công việc với những bệnh nhân phong, ngần nấy năm bác Đào Phi Phụng hưởng trọn niềm vui, nỗi buồn cùng những số phận thiếu may mắn này. Nói về mình, bác chỉ mỉm cười: "Toàn những chuyện bình thường cả mà!".
Bình dị mà cao cả
Mái tóc bạc phơ, thân hình hao gầy và một nụ cười "thoải mái", bác Đào Phi Phụng tận tình chăm sóc, trò chuyện với các bệnh nhân mắc bệnh phong và sau phong tại khu điều trị phong, làng Tô 1, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Bác đón tiếp chúng tôi ngay tại khu điều trị phong.
Bác Đào Phi Phụng sinh ra và lớn lên tại xã Định Công, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Từ nhỏ, bác phải rời quê nghèo theo cha mẹ lên định cư ở xã Cẩm Sơn, huyện miền núi Cẩm Thủy. Năm 1972, chàng trai Phụng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu chống giặc Mỹ. Những năm trong quân ngũ, chiến sĩ Đào Phi Phụng được đơn vị cử theo học nghề y để phục vụ quân đội. Hơn mười năm phục vụ trong quân đội, năm 1983, bác chuyển ngành về khu điều trị phong và gắn bó với miền đất này từ đó đến nay.
Bác Phụng nhớ lại: "Ngày ấy, lẽ ra mình ở lại thành phố Thanh Hóa, nhưng vì chưa có vợ, lại được cấp trên động viên, khuyến khích về Cẩm Thủy, thế là xung phong về quê cho gần bố mẹ và gia đình thôi. Khi về đây làm việc thì mới hay là mình được phân công về chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân phong".
Trước kia, khu điều trị phong (thuộc bệnh viện Da liễu Thanh Hóa bây giờ) được gọi là Làng Phong, nằm gọn trong một thung lũng đá vôi, heo hút, cây cối rậm rạp của địa phận Làng Tô, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy. Hàng ngày, đều đặn có bóng dáng một người đàn ông mặc bộ blu trắng, cưỡi "con ngựa sắt" đi gần 10 cây số đến với bệnh nhân phong. Ngày nắng cũng như ngày mưa, hễ nghe thấy có bệnh nhận bị lên cơn đau hay bệnh nhân mới vào là bác sĩ Phụng lập tức đạp xe đến thăm hỏi.
"Tôi đến đây đã thấy bác sĩ Phụng có mặt. Mấy chục năm nay được bác quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ rất tân tình nên bệnh tật đã được đẩy lùi, cuộc sống cũng bớt cô quạnh. Giờ khỏi bệnh, nhưng tôi cũng không muốn về quê, vì sợ mọi người kỳ thị. Sống ở đây có bác sĩ Phụng và tình người vui lắm", bác Huấn, một bệnh nhân chia sẻ.
Bác sĩ Phụng chăm sóc ân cần cho những bệnh nhân phong
Cuộc sống của những người mắc bệnh phong trước kia vô cùng khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là sự kỳ thị của xã hội. Dường như mọi hoạt động giao lưu với thế giới bên ngoài đều không có, ngay cả người dân làng Tô cũng xa lánh, không ai dám đến gần khu điều trị. Trẻ con chăn trâu, cắt cỏ càng không dám bén mảng tới gần khu làng phong. Nhưng, bỏ qua sự kỳ thị và xa lánh đó, bác Phụng vẫn cống hiến tuổi xuân, sức lực và tâm huyết với những người bệnh nhân, đem lại tình thương và hơi ấm che chở những số phận thiếu may mắn giữa nơi "rừng thiêng nước độc" này.
Bác Phụng bộc bạch: "Ngày ấy, sự kì thị của người đời đối với bệnh nhân phong rất ghê gớm. Ban đầu khi lên làm công việc này tôi cũng sợ lắm, gia đình không đồng ý, nơi làm việc thì hẻo lánh, lạnh lẽo. Nhưng khi cùng sống, nhìn thấy nỗi đau tâm hồn lẫn thể xác của bệnh nhân, tôi càng quyết tâm làm tốt công việc của mình. Từ đó đến nay, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, khu vực này đã trở nên ấm tình người hơn".
Nhiều năm gắn bó, tận tình bên các bệnh nhận, hơn ai hết, bác Phụng hiểu được tâm tư, tình cảm, sự buồn tủi của họ nên dù cuộc sống gia đình trước kia gặp rất nhiều khó khăn, bác vẫn quyết gắn bó đời mình với nghề y. Có nhiều lúc vợ con khuyên bác nên rời khỏi cái "thung lũng đau thương" ấy, rồi xin làm ở một nơi khác, nhưng bác không đồng ý.
Nhắc đến gia đình, đôi mắt bác Phụng ánh lên cái nhìn tình cảm và trìu mến. Vợ bác là một giáo viên cấp 2, hàng ngày 2 lần tất tưởi đi đò vượt sông Mã sang xã Cẩm Giang dạy học. Hai bác tuổi cũng đã cao nhưng cũng chỉ ăn chung với nhau được bữa cơm chiều. Hai người con của bác hiện nay đều làm ăn xa, chưa ai xây dựng gia đình. Bác cười hài hước: "Bà nhà tôi cũng đang cố gắng chờ tôi thêm hai năm nữa thì cùng về hưu, lúc đó chúng tôi mới có điều kiện ăn chung với nhau ngày hai bữa cơm".
Nhiều bệnh nhân tình nguyện ở lại làng phong sau khi đã lành bệnh
Hạnh phúc nơi "thung lũng đau thương"
Chúng tôi vào thăm bệnh nhân cao tuổi nhất ở làng phong là Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Nhung, năm nay đã gần 90 tuổi, bị phong ăn cụt mất một chân. Quê mẹ Nhung ở huyện Đông Sơn, có con trai độc nhất đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và mẹ đã chọn làng phong để sống những tháng ngày cuối đời của mình.
Tuy tuổi cao nhưng mẹ Nhung vẫn còn rất minh mẫn, mẹ tâm sự: "Mấy chục năm nay, mẹ được các bác sĩ ở đây chăm sóc và chữa trị rất tận tình, đặc biệt là bác sĩ Phụng. Nay, bệnh mẹ đã khỏi nhưng mẹ xin các bác sĩ cho mẹ ở lại đây cùng các bệnh nhân khác. Tuy xa quê hương, nằm giữa thung lũng heo hút nhưng tình người luôn ngập tràn".
Điều kỳ diệu đã xuất hiện nơi "thung lũng đau thương" khi tỷ lệ các cặp bệnh nhân "góp gạo thổi cơm chung" ngày càng nhiều. Mẹ Nhung là một trường hợp, mẹ được các y bác sĩ ở đây động viên nên đã về với với cụ ông Hoàng Văn Vòng, quê ở huyện Quảng Xương, cũng là một người mắc bệnh phong để đỡ đần nhau tuổi già. Hiện tại, hai cụ có tới năm người con và cháu chắt đều mạnh khỏe, không hề có biểu hiện của bệnh phong.
Bác Phụng luôn gần gũi và tận tình với bệnh nhân
Ở làng Tô những năm gần đây, hạnh phúc đã bắt đầu đơm hoa và kết trái, nhiều con em của bệnh nhân đã lấy chồng, lấy vợ và sống hạnh phúc trên mảnh đất heo hút này. Bệnh nhân Hà Văn Hiệp có con gái Hà Thị Nga không bị bệnh cũng đã lấy chồng ở xã Cẩm Phong.
Bác Mai Văn Mùi vui mừng: "Trước kia, con cháu của những bệnh nhân phong bị mặc cảm lắm, người thân, xã hội kỳ thị, xa lánh. Nhưng bây giờ, nhờ vào tâm huyết và tình thương của những người thầy thuốc, các cháu đã vững tin và tìm được hạnh phúc riêng của mình, chúng tôi mừng lắm. Phận làm cha, làm mẹ, chỉ mong các con có cuộc sống ổn định và vui vẻ".
Khi hoàng hôn đã dần buông xuống, chia tay chúng tôi trong nụ cười và ánh mắt đầy lưu luyến, bác sĩ Phụng tự hào: "Làng phong Cẩm Bình giờ không còn heo hút và buồn tủi như trước nữa rồi. Bởi, giữa thung lũng đau thương này đã sinh sôi, nảy nở những gia đình nhỏ êm ấm và hạnh phúc cùng những đứa con lành lặn. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tất cả đều cảm thấy hạnh phúc. Tôi chỉ mong sao, làng phong được xã hội quan tâm nhiều hơn, để những số phận thiệt thòi này có thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống".
Theo Dân Trí
Big Toe khuấy động Chung kết Dance4Life Màn biểu diễn cực sung của Big Toe cùng với sự xuất hiện đầy chuyên nghiệa trưởng nhóm Big Toe, đi sứ Viết Thành đã góp phần to nên thành công của chung kết Hip Hop Dance4life. Chung kết cuộc thi nhảy Hip Hop thuộc dự án Nhảy múa vì cuộc sống ti Hà Nội là sự quy tụ của 7 nhóm nhảy...