Những trận chiến trên bộ đẫm máu nhất thế kỷ 20
Hàng loạt trận chiến khốc liệt diễn ra trên bộ trong thế kỷ 20 với sức tàn phá nằm ngoài sức tưởng tượng của con người.
Lính Đức mở cuộc tấn công trong trận Verdun. Ảnh: Wikipedia.
Thế kỷ 20 chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt được coi là ác mộng không bao giờ dứt với những người lính bộ binh trực tiếp tham chiến. Trong đó có những trận đánh đẫm máu, gây ra thương vong tới hàng trăm nghìn người cho cả hai phe, theo Business Insider.
Trận Verdun (1916)
Trận Verdun diễn ra từ ngày 21.2 đến 18.12.1916 giữa Pháp và Đế quốc Đức. Đây là trận chiến lớn nhất và kéo dài lâu nhất trong Thế chiến I ở Mặt trận phía Tây. Ban đầu, 30.000 quân Pháp giao tranh với 130.000 lính Đức ở đông bắc nước Pháp. Tuy nhiên, nhận thấy lực lượng quá mỏng, Pháp quyết định tăng quân số tham chiến lên 1,1 triệu binh sĩ, động thái khiến Đức triển khai thêm 1,25 triệu quân.
Thế chiến I là nơi công nghệ vượt mặt mọi chiến thuật và chiến lược. Cuộc chiến gần như không có hồi kết khi binh sĩ hai bên liên tục bị thảm sát bởi súng máy và pháo binh trong các cuộc giao tranh diễn ra hàng ngày.
Cuộc sống của những người lính cố thủ trong hệ thống hầm hào chằng chịt cũng không khá hơn. “Chỉ có thể dùng từ khủng khiếp để mô tả về Verdun, nơi rất nhiều người lính còn rất trẻ và đầy hy vọng phải ngã xuống, thi thể của họ đang phân hủy ở đâu đó trong các chiến hào, nấm mồ tập thể và nghĩa trang”, một lính Đức viết trong bức thư gửi về gia đình.
Pháp cuối cùng cũng giành chiến thắng nhưng phải trả giá rất đắt khi mất 500.000 quân, trong khi tổn thất của Đức là hơn 400.000 người. Tổng cộng hai phe mất gần một triệu người trong trận đánh kéo dài 10 tháng này.
Trận bao vây Leningrad (1941-1944)
Trận đánh kéo dài 872 ngày này được coi là một trong những trận vây hãm kéo dài, có thương vong và mức hủy diệt lớn nhất lịch sử. Phát xít Đức huy động 725.000 quân bao vây Leningrad, trước khi bắt đầu chiến dịch oanh tạc và tấn công thành phố được bảo vệ bởi 930.000 lính Hồng quân Liên Xô.
Video đang HOT
Lính Hồng quân tổ chức phòng thủ ở ngoại ô Leningrad. Ảnh: Wikipedia.
Quân Đức không thể tiến công vào Leningrad mà chỉ có thể bao vây thành phố từ khu vực ngoại ô. Chiến thuật vây hãm này cắt đứt gần như toàn bộ nguồn cung cấp nhu yếu phẩm với cư dân trong thành phố, tuy nhiên Liên Xô vẫn có thể bổ sung binh sĩ và tiếp tế lương thực cho Leningrad thông qua hồ Ladoga.
Cả hai phe đều tổn thất nặng trong gần 900 ngày chiến đấu. Khi cuộc bao vây chấm dứt, khoảng 579.985 lính Đức bị tiêu diệt, trong khi Hồng quân Liên Xô tổn thất hơn một triệu binh sĩ, cùng hơn một triệu dân thường Leningrad thiệt mạng.
Trận Stalingrad (1942-1943)
Trận Stalingrad diễn ra từ ngày 23.8.1942 đến 2.2.1943. Đức triển khai 270.000 quân bao vây thành phố, nhưng sau đó tăng cường quân số lên hơn một triệu người. Về phía Liên Xô, từ 187.000 lính Hồng quân bảo vệ Stalingrad ban đầu, quân số đã tăng lên hơn 1,1 triệu quân ở thời điểm tiến hành phản công.
Giao tranh ác liệt diễn ra trên từng con phố và tòa nhà ở Stalingrad với sự khủng khiếp không thể diễn tả của những người lính tham chiến ở hai chiến tuyến. “Rác và phân người cùng những thứ khác chồng chất, cao ngang thắt lưng và bốc mùi không thể tưởng tượng nổi”, thiếu tá Hồng quân Liên Xô Anatloy Zoldatov hồi tưởng lại.
Tổng cộng 734.000 lính Đức chết, bị thương và mất tích, trong khi Liên Xô có 478.741 người thiệt mạng và mất tích, cùng 650.878 người bị thương hoặc ốm bệnh trong trận đánh này.
Trận Berlin (1945)
Trận đánh diễn ra từ ngày 16.4 đến 2.5/.945. Đức chỉ có 766.750 lính phòng thủ trước cuộc tấn công của 2,5 triệu binh sĩ Hồng quân. Liên Xô giành chiến thắng quyết định, buộc Đức đầu hàng vô điều kiện vào ngày 7.5.1945.
Lính Hồng quân treo cờ sau chiến thắng tại Berlin. Ảnh: Wikipedia.
Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, trong đó nhiều người dân Berlin, gồm cả thiếu niên, bị ép phải tham gia bảo vệ thành phố. Tương tự trận Stalingrad, giao tranh diễn ra trên từng con phố và tòa nhà. Tuy nhiên, Đức lúc này đã kiệt quệ cả về nhân lực và vật lực sau nhiều năm chiến tranh, khiến Hồng quân Liên Xô chiếm được ưu thế và đè bẹp đối phương.
Tổng cộng có 92.000-100.000 quân Đức bị tiêu diệt, trong khi Liên Xô mất 81.116 binh sĩ trong trận đánh cuối cùng này.
Theo Duy Sơn (VnExpress)
Nước Đức đã thua Liên Xô chỉ vì 1 sai lầm này
Khi vạch ra chiến dịch Barborossa - kế hoạch xâm lược nhà nước Liên bang Xô-viết, các tướng lĩnh quân đội Đức nhắm tới 3 mục tiêu: phá hủy Liên Xô, bảo vệ sườn phía Đông và đảm bảo rằng nước Đức sẽ thống trị toàn bộ châu Âu. Cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 22.6.1941. Thế nhưng, người Đức không ngờ rằng mình đã phạm phải 1 sai lầm trước khi tiếng súng nổ ra.
Sai lầm nghiêm trọng
Chiến dịch Barborossa được thiết kế thành 3 mũi tiến công chính: mũi đầu tiên nhằm vào các quốc gia Baltic và rồi tới Leningrad (ngày nay là thành phố Saint Peterburg), mũi thứ 2 tiến thẳng tới thành phố Moscow còn mũi tiến công còn lại hướng tới khu vực phía Nam để chiếm đóng Ukraine, Caucasus.
Thế nhưng, cách tấn công này đã vi phạm 1 nguyên tắc rất cơ bản của chiến tranh là tập trung quân lực. Với việc tự phân tán lực lượng, nước Đức đã không thể đạt được mục tiêu nào cả: Leningrad đứng vững bất chấp việc bị phong tỏa trong hơn 2 năm, mũi tiến công thứ 2 cũng phải dừng chân ngay trước Moscow còn cuộc tấn công xuống miền Nam cũng thất bại.
Cuộc xâm lược Liên Xô của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ 2
Đánh giá thấp đối thủ
Theo Bussiness Insider, sai lầm có tính then chốt này xuất phát từ công tác tình báo. Cụ thể, Abwehr (cơ quan tình báo quân đội Đức) đã đánh giá thấp quy mô quân dự bị của Liên Xô. Chính vì những đánh giá này, Bộ tư lệnh tối cao Đức đã đánh giá thấp sức mạnh của đối thủ và cho rằng việc tập trung quân lực là không cần thiết.
Khi ấy, người Đức đã nghĩ tới viễn cảnh 1 trận chiến bao vây để "nuốt chửng" toàn bộ Hồng quân và sau đó là 1 đòn tiến công nhằm vào lực lượng dự bị yếu ớt của nhà nước Liên bang Xô-viết để kết thúc chiến tranh 1 cách toàn diện trước khi kết thúc mùa đông 1941.
Thế nhưng, chính thất bại về mặt tình báo đã khiến nước Đức phải trả giá. Moscow và Leningrad hiển nhiên đều là những mục tiêu chiến lược có giá trị lớn. Tuy nhiên, chính miền Nam và Stalingrad với là chìa khóa quyết định để hạ gục người khổng lồ Liên Xô.
Trận chiến Stalingrad
Quá tham lam và nóng vội
Nằm kẹp giữa sông Volga và sông Don, Stalingrad đóng vai trò quan trọng, là cửa ngõ để vận chuyển hàng hóa lên phía Bắc của Xô-viết. Nếu như người Đức tập trung toàn bộ lực lượng vào mũi tiến công phía nam và chiếm giữ thành phố này, dầu mỏ từ thành phố Baku (Azerbaijan) - nguồn dầu chính của Liên Xô sẽ không thể tới được các nhà máy của nước này. Với Liên Xô
Trong bối cảnh nền kinh tế và bộ máy chiến tranh đều phụ thuộc vào dầu và nguồn cung ứng không thể thay thế bị cắt, việc Hồng quân tan rã sẽ chỉ là chuyện sớm hay muộn. Thế nhưng, chỉ vì thất bại về mặt tình báo, người Đức đã huyễn tưởng rằng họ có thể đạt được cả 3 mục tiêu của mình chỉ trong năm 1941.
Lịch sử đã chứng minh: họ đã nhầm.
Chỉ vì 1 sai lầm, nước Đức đã phải lần thứ 2 chịu cay đắng thua trận
Theo Mai Đại (Bussiness Insider)
59 ngày tử thủ của trung đội Hồng quân Liên Xô ở Stalingrad Trung đội Hồng quân giữ vững tòa nhà chiến lược giữa hai chiến tuyến trong gần 2 tháng, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của phát xít Đức. "Nhà của Pavlov" ngay sau trận đánh. Ảnh: Wikipedia. Mùa đông năm 1942, thành phố Stalingrad trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức xâm lược....