Những toan tính của Tập Cận Bình khi thăm Hàn Quốc
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Hàn Quốc cho thấy sự lạnh nhạt đối với Triều Tiên nhưng giúp thúc đẩy mối quan hệ thương mại đang bùng nổ với Seoul và gửi một thông điệp tới Washington và Tokyo về sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh đối với Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Chủ tịch Tập Bình trong lễ đón ở Seoul hôm 3/7.
Mặc dù có những nụ cười và nghi thức đón tiếp long trọng khi ông Tập Cận Bình tới Hàn Quốc ngày 3/7, Triều Tiên đã chào đón lãnh đạo Trung Quốc bằng một loạt các vụ bắn tên lửa, mà gần nhất là vào hôm 2/7.
Các vụ phóng tên lửa, cũng như đe dọa của quân đội Triều Tiên nhằm tiếp tục các vụ thử tên lửa, được xem là nhằm chứng tỏ sự giận dữ của Bình Nhưỡng đối với đồng minh lâu đời.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần này là cuộc gặp lần thứ 5 giữa ông Tập và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye kể từ khi bà Park nhậm chức hồi đầu năm ngoái.
Video đang HOT
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã đề nghị các phóng viên không nên quá chú ý tới quyết định của ông Tập nhằm tới thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên. Nhưng nhiều người tại Trung Quốc coi chuyến thăm không chỉ là một sự chuyển hướng đáng chú ý so với quá khứ, mà còn là một dấu hiệu về một mối quan hệ đang phát triển giữa các nhà lãnh đạo. Bà Park đã tới thăm Bắc Kinh hồi năm ngoái và ông Tập đã quyết định gửi lời chúc mừng sinh nhật tới Tổng thống Hàn Quốc hồi đầu năm nay.
Quyết định của ông Tập nhằm thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên đã phá vỡ thông lệ trong quá khứ.
Tiền từ lâu đã trở thành trọng tâm trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Hai nước đang trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và Seoul cho biết thương mại hai chiều đạt 220 tỷ USD hồi năm ngoái. Con số đó lớn hơn giá trị thương mại của Hàn Quốc với Mỹ và Nhật Bản cộng lại.
Chuyến thăm của ông Tập tới Hàn Quốc đã cho thấy mối quan hệ lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên nắm quyền. Bắc Kinh muốn cảnh báo Bình Nhưỡng về các hành động khiêu khích liên tiếp trong những năm gần đây.
Những lo ngại về Triều Tiên đã giúp Seoul và Bình Nhưỡng xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, việc kiểm soát các vấn đề an ninh, đặc biệt là các tham vọng hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên, luôn đòi hỏi phải có sự khéo léo.
Các nhà phân tích không cho rằng ông Tập sẽ từ bỏ hoàn toàn Triều Tiên và Seoul vẫn trung thành với một liên minh với Washington, vốn đã giúp bảo vệ Hàn Quốc khỏi sự gây hấn của Triều Tiên và cho phép Seoul xây dựng một nền kinh tế ấn tượng.
Trung Quốc cũng lo ngại về gây quá nhiều sức ép với Bình Nhưỡng có thể khiến Triều Tiên sụp đổ, gây ra làn sóng tị nạn ở biên giới giữa hai nước.
Chuyến thăm của ông Tập nhằm để nói với Triều Tiên rằng nước này sẽ mất sự ủng hộ của Trung Quốc nếu tiếp tục các tham vọng hạt nhân.
“Họ sẽ không vui về điều này”, ông Koh Yu-hwan, giáo sư về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, nói về phản ứng của Triều Tiên đối với việc ông Tập chọn Seoul thay vì Bình Nhưỡng.
Trung Quốc mong muốn sự ổn định và một lập trường đoàn đoàn kết chống lại Nhật Bản. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân Triều Tiên bao gồm 6 bên, vốn đã rơi vào ngõ cụt từ năm 2008.
Trong khi đó, Nhật Bản và Triều Tiên đã mở cánh cửa cho mối quan hệ tốt đẹp hơn bằng một bước đột phá hồi tuần này, khi Tokyo tuyên bố sẽ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng để đổi lại thiện chí của Triều Tiên về việc mở lại cuộc điều tra các công dân Nhật bị bắt cóc vào những năm 1970 và 1980.
Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có chung lập trường là không ưa các tham vọng quân sự của Nhật và vì điều mà Bắc Kinh và Seoul xem là một nỗ lực của Tokyo nhằm bác bỏ lịch sử quân phiệt tại 2 quốc gia này trong thế kỷ trước.
Chuyến thăm của ông Tập tới Seoul còn là một phép thử đối với quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc và Nhật Bản mà Bắc Kinh tin rằng đã được sử dụng để kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Đối với Washington và khu vực, chuyến thăm đã cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với Hàn Quốc. Bắc Kinh, vốn có tranh chấp lãnh thổ với một loạt các quốc gia châu Á, có thể coi chuyến thăm của ông Tập là một cơ hội để thúc đẩy sự ảnh hưởng với một nước láng giềng vốn có quan điểm tích cực về Trung Quốc.
An Bình
Theo Dantri/AP