Những tình tiết cần làm rõ trong vụ án đại gia Trịnh Sướng
Phiên tòa xét xử đại gia Trịnh Sướng và 38 đồng phạm về tội sản xuất hàng giả xuất hiện nhiều tình tiết mới nên HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra làm rõ.
Sau 11 ngày xét xử, chiều 20/4, TAND tỉnh Đắk Nông trả hồ sơ đề nghị VKSND cùng cấp điều tra làm rõ khối lượng xăng giả cũng như số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo trong đường dây của đại gia Trịnh Sướng (quê Sóc Trăng).
Số tiền hưởng lợi bao nhiêu?
Theo cáo trạng, ông Sướng bị cáo buộc cầm đầu đường dây sản xuất hơn 137 triệu lít xăng giả, tương đương số hàng thật trị giá 2.400 tỷ đồng. Bị cáo này đã bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 102 tỷ đồng.
Sau đó, theo VKSND, số tiền Trịnh Sướng là hơn 106 tỷ đồng. Theo giải thích của kiểm sát viền, số liệu có sự chênh lệnh do lỗi đánh máy.
Bị cáo Trịnh Sướng và đồng phạm được đưa đến tòa. Ảnh: T.N.
Bào chữa cho Trịnh Sướng, các luật sư cho rằng hơn 137 triệu lít xăng giả mà VKSND cáo buộc đối Trịnh Sướng liên quan là không chính xác. Theo luật sư, tổng lượng dung môi Trịnh Sướng mua vào là hơn 134 triệu lít.
Tổng số xăng giả mà ông Sướng phải chịu trách nhiệm gồm số dung môi kể trên cộng thêm gần 900.000 lít xăng thật đã pha lẫn, tổng cộng là hơn 135 triệu lít xăng giả.
Một tình tiết khác phát sinh trong quá trình xét xử, đó là cáo trạng xác định Trịnh Sướng thu lợi 800 đồng/lít xăng giả. Tuy nhiên, tại tòa, ông Sướng khai mức lợi nhuận 800 đồng/lít là đối với xăng A95. Còn mỗi lít xăng A92 và E5, bị cáo hưởng lợi 300 đồng. Với mức thu lợi trung bình là 520 đồng/lít xăng giả, luật sư cho rằng tổng số tiền ông Sướng được hưởng nhỏ hơn con số bị truy tố.
Bị ép cung?
Video đang HOT
Trong phần xét hỏi, Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Sơn, thừa nhận là đầu mối cung cấp nguyên liệu cho Trịnh Sướng sản xuất xăng giả nhưng không nhớ chính xác số lượng.
Bà Hòa xác nhận đã bán dung môi cho 291 tổ chức, cá nhân với tổng khối lượng gần 156 triệu lít với số tiền 1.960 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo liên tục thay đổi lời khai, cho rằng bản thân không biết việc đối tác mua hóa chất để pha chế xăng giả. Đáng chú ý, bà Hòa nhiều lần khẳng định những nội dung khai với cơ quan điều tra là bị ép cung.
Nữ bị cáo khai rằng bị điều tra viên đe dọa nếu khai không đàng hoàng sẽ không cho về với con. Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Sơn, điều tra viên đọc từ đầu đến cuối để bị cáo ghi vào biên bản và ký xác nhận.
“Khi nhận được kết luận điều tra thấy không đúng, bị cáo nhiều lần làm đơn ý kiến nhưng không được cơ quan điều tra chấp nhận. Bị cáo cam kết lời khai trên là sự thật”, bà Hòa khẳng định.
Ngoài ra, một số bị cáo khác cũng không đồng tình với cáo trạng truy tố. Những người này khai rằng bị điều tra viên ép cung.
Bị cáo Lưu Văn Nguyện được VKSND rút một phần nội dung truy tố. Ảnh: T.N
Rút một phần nội dung truy tố
Trong phần xét hỏi đối với Lưu Văn Nguyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần dầu khí Bình Minh, đại diện VKSND bất ngờ rút một phần truy tố đối với bị cáo này.
Trước những luận cứ mà luật sư Nguyễn Thành Công (người bào chữa cho ông Nguyện), đưa ra để chứng minh cơ quan điều tra đã cản trở quyền được bào chữa của bị cáo và quyền bào chữa của luật sư trong quá trình điều tra vụ án, đại diện VKSND thừa nhận có việc vi phạm tố tụng.
Trên cơ sở nội dung bào chữa của luật sư và những chứng cứ liên quan, đại diện VKSND quyết định rút lại việc Nguyện giúp sức Trịnh Sướng sản xuất 33 triệu lít xăng giả.
Bị cáo này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với lô hàng cuối cùng bán vào ngày 29/5/2019 cho Cửa hàng Sơn Gia Hưng Phát (đơn vị đứng ra mua dung môi cho Trịnh Sướng) với số lượng 164.300 lít, tương đương giá trị hàng là 2,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng giảm mức án đề nghị đối với 3 bị cáo Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Hướng và Nguyễn Mạnh Tiến từ 6-7 năm tù xuống còn 5-6 năm tù. Nhóm này bị cáo buộc chung tiền mua xe bồn để nhập dung môi của bị cáo Hòa về pha trộn với xăng rồi mang đi tiêu thụ.
Nhiều người trong gia đình vướng vào lao lý trong vụ mua bán, sản xuất xăng giả
Liên quan đến vụ sản xuất, mua bán xăng giả do Trịnh Sướng cùng 38 đồng phạm gây ra, quá trình điều tra cho thấy, chỉ vì hám lợi mà nhiều cặp vợ chồng, người thân bất chấp pháp luật để giờ đây phải dẫn nhau vào con đường lao lý.
Theo kết luận điều tra, vào khoảng cuối năm 2018, Bùi Thị Duyên (trú tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), là chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) xăng dầu Lam Duyên ở Đắk Nông cùng chồng là Nguyễn Văn Lam có quen biết Nguyễn Mạnh Tiến (chủ DNTN thương mại xăng dầu Vân Nam).
Đến giữa tháng 1/2019, Tiến gọi điện cho vợ chồng Duyên chào bán mặt hàng xăng không có hóa đơn chứng từ với giá rẻ, có mức chiết khấu cao hơn những đơn vị khác. Vì lợi nhuận, vợ chồng Duyên đã đồng ý mua hàng của Tiến mà không quan tâm đến chất lượng hàng hóa như thế nào. Sau khi thoả thuận về giá cả, vợ chồng Duyên đã đặt mua 10.000 lít xăng của Tiến với mức chiết khấu 4.000đ/lít và đang vận chuyển dung môi Solmix và hợp chất màu Azo đến nhập cho cửa hàng xăng dầu Lam Duyên bị bắt quả tang.
Hàng triệu lít dung môi phục vụ việc sản xuất xăng giả được cơ quan điều tra thu giữ trong vụ án.
Cùng "dắt tay" vào con đường lao lý là cặp vợ chồng bị can Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1985, trú tại tỉnh Đồng Nai) và Hoàng Thụy Minh Việt (SN 1976). Theo đó, Loan và Việt là chủ DNTN xăng dầu Hoàng Minh Việt. Để tăng thêm lợi nhuận, từ tháng 11/2016, Việt liên hệ, gặp gỡ Nguyễn Thị Thu Hòa (Phó Giám đốc Công ty TNNH MTV Phạm Sơn) để thỏa thuận mua dung môi pha trộn vào xăng tại các cửa hàng xăng dầu của gia đình và bán lại cho chủ các cửa hàng xăng dầu khác pha trộn với xăng A95 để bán ra thị trường.
Từ ngày 8/9/2017 đến ngày 1/2/2019, vợ chồng Loan - Việt đã mua dung môi của Hòa với tổng khối lượng hơn 48 triệu lít, trị giá hơn 661 tỷ đồng. Số lượng dung môi này vợ chồng Loan Việt bán lại cho nhiều đối tượng sử dụng vào mục đích pha chế, sản xuất xăng giả bán ra thị trường.
Không chỉ có các cặp vợ chồng, nhiều bị can là anh em, con cái, họ hàng trong gia đình cùng tham gia vào đường dây "Sản xuất, mua bán hàng giả" này để giờ đây phải đối mặt với tù tội. Điển hình như bị can Đinh Chí Dũng (SN 1969, Giám đốc Công ty TNHH Đinh Chí Dũng, trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Quốc Thi (SN 1994, con rể của Dũng và được Dũng giao làm Giám đốc Công ty TNHH thương mại Quốc Thi AG - Vĩnh Long), được xác định là người kinh doanh dung môi kiêm tổ chức sản xuất xăng dầu giả để thu lợi bất chính.
Theo đó, Công ty Đinh Chí Dũng và Công ty Quốc Thi AG được cấp phép kinh doanh hóa chất sản xuất, dung môi các loại và đều do Dũng trực tiếp điều hành. Ngoài việc kinh doanh dung môi, hóa chất, Dũng còn sử dụng dung môi, hóa chất đã mua để pha trộn với xăng nền và hợp chất màu Azo để tạo thành xăng giả bán ra thị trường thu lợi bất chính. Từ ngày 11/1/2017 đến ngày 28/5/2019, thông qua các pháp nhân là Công ty Đinh Chí Dũng và Công ty Quốc Thi, Dũng đã mua hơn 55,7 triệu lít dung môi, hóa chất của nhiều doanh nghiệp, với tổng giá trị hơn 766,4 tỷ đồng.
Trong vụ án này còn có hai chị em ruột là Hồ Thị Nhẫn (SN 1993, trú tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Trường Phước) và Hồ Văn Hùng (SN 1995, trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk RLấp, tỉnh Đắk Nông, em trai của Nhẫn) cũng bị đề nghị truy tố về tội "Sản xuất, mua bán hàng giả"...
Cũng theo kết luận điều tra, Công ty Mỹ Hưng do Trịnh Sướng làm giám đốc, sở hữu 8 Cửa hàng xăng dầu trực thuộc, 12 xe ôtô xi téc, 9 tàu thủy. Ngoài ra, Trịnh Sướng còn chỉ đạo, điều hành hoạt động của Công ty TNHH Gia Thành và sở hữu 75% cổ phần (do con trai là Trịnh Thành Hưng đứng tên) của Công ty cổ phần Thương mại hóa dầu Ressol.
Quá trình kinh doanh xăng dầu, Trịnh Sướng biết được cách sản xuất xăng bằng cách pha chế dung môi với xăng nền, hóa chất tăng RON và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5 RON 92 giả bán ra thị trường. Vì vậy, từ ngày 9/1/2017, Trịnh Sướng đã tổ chức mua dung môi, hóa chất để phục vụ cho việc sản xuất xăng giả.
Theo đó, từ ngày 9/1/2017 đến ngày 30/5/
2019, Trịnh Sướng đã thông qua Mai Trung Hậu, Nhà phân phối Thành Long, Công ty TNHH Tấn Phúc - Chi nhánh Vĩnh Long... đã mua hàng trăm triệu lít dung môi, hóa chất các loại với tổng số tiền thanh toán hơn 2.000 tỷ đồng.
Quá trình hoạt động, Trịnh Sướng cùng đồng bọn đã tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 137 triệu lít xăng giả, gần 1,6 triệu lít dầu DO giả, tổng số lượng hàng giả tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.500 tỷ đồng. Sau đó, Trịnh Sướng đã bán ra thị trường gần hết số xăng, dầu giả thông qua 337 cửa hàng thuộc đại lý bán hàng của Công ty Mỹ Hưng, Công ty Gia Thành và Công ty Ressol, thu lợi bất chính với tổng số tiền hơn 107 tỷ đồng.
Để che giấu doanh số bán ra khi bán xăng qua hệ thống các cửa hàng xăng dầu trực thuộc sở hữu, Trịnh Sướng thuê người chỉnh đồng hồ đếm tổng của trụ bơm nhằm cân đối đầu vào, đầu ra. Đối với hệ thống đại lý phân phối, Trịnh Sướng bán hàng nhưng không xuất hóa đơn và thanh toán tiền bằng hình thức trả tiền mặt hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Điều tra bổ sung nhiều doanh nghiệp trốn thuế
Theo Cơ quan điều tra, trong vụ án này có hơn 10 doanh nghiệp mua xăng từ đường dây "Sản xuất, mua bán hàng giả" nhưng không biết là xăng giả, chỉ biết xăng không có hóa đơn, chứng từ nên không phải là đồng phạm. Tuy nhiên, sau đó các cá nhân, đơn vị đã bán xăng giả ra thị trường qua các cửa hàng xăng dầu nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai báo cáo thuế nên có dấu hiệu của tội "trốn thuế". Do đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Trốn thuế" và ra quyết định tách vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Đối với Công ty TNHH Petro Ram Co (có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh) do Nguyễn Văn Cường làm giám đốc có hành vi xuất hóa đơn quay vòng, xuất hóa đơn nhưng không có hàng, giúp Trịnh Sướng tăng doanh thu nhằm thuận lợi cho việc vay vốn, đáo hạn ngân hàng.
Quá trình điều tra, không có căn cứ xác định Cường biết Trịnh Sướng pha chế xăng giả và xuất hóa đơn để hợp thức hóa mặt hàng xăng để giúp cho Trịnh Sướng buôn bán xăng giả. Do đó, hành vi trên của Cường không đồng phạm với Trịnh Sướng. Tuy nhiên, hành vi xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống để hưởng lợi của Cường có dấu hiệu của tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước". Vì vậy, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông tách riêng, tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý sau.
Xét xử ông Vũ Huy Hoàng: Triệu tập cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải Ông Nguyễn Nam Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục được triệu tập tới phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với tư cách là người liên quan đến vụ án. TAND TP Hà Nội cho biết, sáng 22/4, cựu Bộ trưởng Công Thương sẽ tiếp tục hầu tòa trong vụ án "Vi phạm quy định về quản...