Những tình huống pháp lý ‘xưa nay hiếm’ trong vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC
Vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ngoài tính chất, mức độ phạm tội còn khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi những tình huống pháp lý “xưa nay hiếm”.
Ngày mai 22.5, TAND cấp cao tại Hà Nội dự kiến mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm quy định đấu thầu và đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC).
Phiên tòa được mở do 15 bị cáo hoặc người đại diện cho bị cáo kháng cáo. Ngoài ra, Công ty AIC với tư cách tố tụng là bị đơn dân sự cũng có đơn kháng cáo.
Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh AIC
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 3 thành viên, do thẩm phán Mai Anh Tài ngồi ghế chủ tọa. Hai kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện KSND cấp cao tại Hà Nội giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Có gần 30 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo. Riêng cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn có một luật sư bào chữa, giống với phiên sơ thẩm.
Vụ án này, ngoài tính chất, mức độ phạm tội, điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là những tình huống pháp lý “xưa nay hiếm”.
8 người bị truy nã nhưng vẫn bị xét xử
Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 1, 36 bị cáo hầu tòa trong vụ án nêu trên. Đáng chú ý, trong số này có tới 8 bị cáo đang bị truy nã, gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Trần Mạnh Hà, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu Kế toán trưởng Công ty AIC, và lãnh đạo một số công ty liên quan.
Khi đó, việc quyết định đưa vụ án ra xét xử đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận, bởi thông thường khi bị can bỏ trốn, cơ quan tố tụng sẽ tạm đình chỉ và tách hồ sơ vụ án để khi nào truy bắt được sẽ xử lý sau. Tình huống bà Nhàn cùng 7 người khác dù đang bị truy nã vẫn bị xét xử là rất hiếm gặp.
Video đang HOT
8 bị cáo trong vụ “đại án” AIC dù bị truy nã nhưng vẫn bị đưa ra xét xử, tuyên án. Ảnh CÔNG AN CUNG CẤP
Theo kiểm sát viên, việc 8 bị cáo xuất cảnh khỏi Việt Nam (trước hoặc sau khi vụ án bị khởi tố) nhằm trốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Cơ quan tố tụng đã phát lệnh truy nã, đồng thời kêu gọi nhóm trên ra đầu thú nhưng chưa có kết quả.
Tài liệu điều tra cho thấy, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn có vai trò chủ mưu trong hành vi vi phạm quy định đấu thầu, là người trực tiếp thực hiện hành vi đưa hối lộ. 7 bị cáo còn lại cũng đều có hành vi phạm tội liên quan đến các bị cáo khác trong vụ án.
Vì lẽ đó, nếu tạm đình chỉ đối với những người này sẽ ảnh hưởng đến vụ án. Việc cơ quan tố tụng không ra quyết định tạm đình chỉ mà tiếp tục đề nghị truy tố, truy tố và xét xử là hoàn toàn đúng quy định, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, trên tinh thần đã phạm tội thì dù bỏ trốn cũng không thể trốn tránh.
Vẫn theo đại diện viện kiểm sát, dù vắng mặt nhưng căn cứ kết quả điều tra, tài liệu hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại phiên tòa, vẫn có đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội như bản cáo trạng truy tố.
Luật sư được kháng cáo thay thân chủ
Một tình huống hy hữu khác, đó là dù đang bị truy nã nhưng nhiều bị cáo trong vụ án lại được luật sư nộp đơn kháng cáo thay. Trong số này, luật sư của cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho rằng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm chưa điều tra đầy đủ, chưa chứng minh được bị cáo là chủ mưu trong việc thông thầu.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ AIC hồi tháng 1. Ảnh PHÚC BÌNH
Trong bản án sơ thẩm, cùng việc tuyên án đối với 36 bị cáo, TAND TP.Hà Nội còn nêu rõ: các bị cáo có mặt tại phiên tòa, nguyên đơn dân sự, các luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Phán quyết này của HĐXX khi ấy cũng gây rất nhiều tranh luận. Một số ý kiến cho rằng tòa án đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, bằng việc dành quyền kháng cáo cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt. Các luật sư nộp đơn kháng cáo thay bị cáo là thực hiện đúng theo quyền đã được bản án ghi nhận.
Ngược lại, nhiều ý kiến lại viện dẫn điều 331 bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, những chủ thể có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm, gồm: bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại; người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
Đối chiếu quy định trên, một số bị cáo được luật sư kháng cáo thay không thuộc các trường hợp đã nêu trên. Vì thế, việc kháng cáo thay là không phù hợp theo quy định pháp luật.
Điều này đồng nghĩa, quyết định của tòa sơ thẩm là không phù hợp, bởi bà Nhàn và các bị cáo bị truy nã không thuộc đối tượng mà luật sư bào chữa được quyền kháng cáo thay.
Gây thiệt hại hơn 152 tỉ đồng; đưa, nhận hối lộ gần 44 tỉ đồng
Theo bản án sơ thẩm, dù biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực, nhưng để trúng thầu tại dự án xây dựng BV đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập quan hệ với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để được ưu ái khi tham gia đấu thầu.
Cựu Chủ tịch Công ty AIC còn chỉ đạo nhân viên câu kết, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá để thực hiện hàng loạt hành vi gian lận, qua đó trúng liên tiếp 16 gói thầu, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 152 tỉ đồng.
Bà Nhàn cùng cấp dưới tại Công ty AIC còn nhiều lần đưa hối lộ tổng số tiền 43,8 tỉ đồng cho nhiều quan chức Đồng Nai. Trong số này, ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nhận 14,5 tỉ đồng; ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhận 14,5 tỉ đồng; ông Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cựu Giám đốc BV đa khoa tỉnh Đồng Nai, nhận 14,8 tỉ đồng.
Căn cứ hành vi sai phạm, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bà Nhàn 14 năm tù về tội đưa hối lộ và 16 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hình phạt chung là 30 năm tù. Cùng 2 tội danh, bị cáo Trần Mạnh Hà bị tuyên 25 năm tù.
Một nhân vật quen mặt khác là Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC, bị tuyên 12 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Về phía nhóm cựu lãnh đạo Đồng Nai, ông Trần Đình Thành bị tuyên 11 năm tù, Đinh Quốc Thái 9 năm tù, Phan Huy Anh Vũ 9 năm tù, cùng về tội nhận hối lộ.
Riêng bị cáo Vũ còn bị phạt 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là 19 năm tù.
Chuyển hồ sơ dự án của nhà thầu Công ty AIC sang cơ quan điều tra
Thanh tra tỉnh Kiên Giang kết luận Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) có dấu hiệu phạm tội khi thực hiện dự án tại tỉnh này nên chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Cống Kênh Nhánh ở TP Rạch Giá, Kiên Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG
Ngày 18-5, Thanh tra tỉnh Kiên Giang cho biết chánh Thanh tra tỉnh đã có thông báo kết luận thanh tra dự án hệ thống quan trắc môi trường nước tự động phục vụ nuôi trồng thủy sản kết hợp với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh và dự án công trình kiểm soát mặn ven biển Tây do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh làm chủ đầu tư.
Theo Thanh tra tỉnh Kiên Giang, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang không thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với dự án hệ thống quan trắc môi trường nước tự động phục vụ nuôi trồng thủy sản kết hợp với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Sở cũng không ký kết hợp đồng tư vấn với Công ty cổ phần Mopha (tư vấn dự án) và Công ty TNHH tư vấn xây dựng Trường Thịnh, không trình thẩm định hồ sơ thiết kế, tư vấn kiểm định chưa đúng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Ban quản lý dự án đầu tư thuộc Sở NN&PTNT tỉnh chưa nghiệm thu, thanh toán, thanh lý hợp đồng tư vấn kiểm tra kế hoạch mua sắm, thẩm định giá thiết bị.
Đặc biệt, nhà thầu Công ty AIC có dấu hiệu bất thường về giá nhập khẩu (giá mua) cao hơn giá dự thầu khoảng 5,5 tỉ đồng, khai tăng khối lượng thanh toán hơn 1,1 tỉ đồng.
Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng công trình kiểm soát mặn ven biển Tây trên địa bàn TP Rạch Giá, Châu Thành, Kiên Lương, Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE dùng thông tin thị trường không có thật để tư vấn ban hành chứng thư thẩm định giá của 270 loại vật tư và hệ thống thiết bị xi lanh vận hành cửa cống Kênh Nhánh, cống rạch Tà Niên, dẫn đến không chính xác.
Thanh tra tỉnh đề nghị xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan và thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 1,1 tỉ đồng.
Riêng dự án hệ thống quan trắc môi trường nước tự động phục vụ nuôi trồng thủy sản kết hợp với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về đấu thầu, đồng thời Công ty AIC có bất thường về giá nhập khẩu và giá trúng thầu, có dấu hiệu phạm tội nên chuyển toàn bộ hồ sơ sang Công an tỉnh Kiên Giang để điều tra, xử lý.
Phó trưởng ban Nội chính T.Ư: Không có chuyện bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn rồi giấu Liên quan tới "đại án" AIC, lãnh đạo Ban Nội chính T.Ư khẳng định, cho đến nay các cơ quan đang tích cực áp dụng các biện pháp, cố gắng truy bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC); không có chuyện "đã bắt được nhưng giấu ở đâu"....