Những tình huống hoảng loạn vì con nghiện ở Sài Gòn
Giám đốc trung tâm cai nghiện bị học viên xin “đểu”, chủ tịch thành phố không dám bước xuống xe khi thấy người nghiện… còn người dân thì sống trong hoảng loạn trước thực trạng người nghiện “chưa bao giờ kinh khủng như hiện nay”.
20h, chị Trần Thị Lam Giang (30 tuổi, cán bộ trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn) về nhà trên đường Kinh Dương Vương (quận 6, TP HCM). Đường khá vắng, các cửa hàng hai bên đường cũng nghỉ sớm.
Đang chạy khá nhanh, chị Giang bỗng thấy một người đàn ông chừng hơn 40 tuổi, ăn mặc khá lịch sự đi xe Air Blade biển số 67, từ phía sau vọt lên. Anh ta đi song song với Lam một đoạn ngắn rồi quay sang hỏi: “Về Long An đi đường nào hả em?”. Thấy cô gái không trả lời mà rồ ga chạy nhanh hơn, người đàn ông đuổi theo, hỏi tiếp: “Hướng về An Lạc đi thẳng hả em?”.
Lam không trả lời, chỉ gật đầu nhẹ. Ngay lập tức, hắn chửi thề và quát to: “Tao hỏi mà không trả lời hả mày” rồi nhanh chóng ép xe cô gái vào lề, đứng sát bên. “Có nhiêu tiền móc hết ra”, gã đàn ông gằn giọng.
Hình ảnh người nghiện chích ma tuý công khai ở công viên 23/9. Ảnh: Trần Duy.
Chị Lam bắt đầu hoảng loạn, vội lấy trong túi áo khoác bên trái tờ 500.000 đồng, run run đưa cho hắn. “Còn nữa, móc ra. Phía sau mày còn 2 thằng kìa. Tao kêu tụi nó xử mày bây giờ. Hay mày muốn tao chích mày một mũi”, hắn quát và nhứ nhứ bàn tay trái có kẹp ống tiêm về phía cô gái.
Đến lúc này chị Lam mới nhận thấy cách đó không xa còn có hai thanh niên chở nhau trên chiếc xe máy, dừng bên đường. Thấy không thể kêu cứu, lại bị dí kim tiêm, chị đành lôi hết 2,5 triệu đồng đưa cho hắn.
“Hắn trông không có vẻ gì là nghiện ngập, ngược lại còn khá lịch sự. Nếu có người chạy qua thấy hắn đứng cạnh tôi chắc cũng nghĩ là bạn bè. May mắn là chiếc iPhone và một điện thoại khác còn ở túi áo bên phải không bị hắn lấy mất”, chị Lam nói và cho biết sau đó đã đến Công an phường 13, quận 6 trình báo thì được cảnh sát cho hay cũng có vài người gặp cảnh tương tự.
Cũng gặp tình huống hoảng hồn vì người nghiện, song chị Thảo Nghi (25 tuổi) may mắn hơn khi không bị mất tài sản. Chị kể, tối 20/10 sau khi hết giờ làm việc ở quận 7 chị đi xe máy về và ghé vào một tiệm in ấn trên đường Lý Thái Tổ (quận 3). Khoá xe cẩn thận, chị vào trong nói chuyện với cô nhân viên cửa hàng thì bất chợt thấy một người đàn ông mặc sơ mi xám, bộ dạng luộm thuộm đang chễm chệ trên yên xe mình. Chạy vội ra, cô gái sợ đến nỗi không thở được khi hắn đưa tay chỉ vào xe và ra hiệu đưa chìa khoá cho hắn. “Tôi thất kinh hồn vía khi nhìn hắn lờ đờ, gương mặt rất dại”, chị Nghi cho hay.
“Chị ra giữ xe đi, nó nghiện đó, nó lấy xe đó”, cô nhân viên cửa hàng la toáng lên khiến chị Nghi cũng hét theo và chạy gần đến chiếc xe. Gã đàn ông bỗng nhiên chắp tay lạy và giơ 2 tay lên cho cô gái xem. “Lúc này tôi mới nhìn kỹ, 2 tay và người hắn loang lổ vết máu”, chị Nghi kể, giọng vẫn run run.
Sợ tên này có ống tiêm trong người, chị Nghi không dám lại gần mà chỉ đứng hô hoán. Lúc này, một nam thanh niên trong cửa hàng in cầm chiếc ghế sắt lao ra giương về phía gã đàn ông doạ nạt. Gã thanh niên không tỏ vẻ sợ sệt mà chỉ lừ đừ bước xuống xe, lẳng lặng quay đi như không có chuyện gì.
Video đang HOT
“Với tình hình nghiện ngập tràn lan ở Sài Gòn, tôi từng chuẩn bị tinh thần, cách phản ứng nếu bị người nghiện cướp xe bằng kim tiêm. Nhưng quả thật, có đụng chuyện thì mới biết không thể bình tĩnh, chỉ biết kêu cứu”, chị Nghi nói.
Tệ nạn nghiện ma túy, vô tư chích hút từ khu trung tâm cho đến các con hẻm được lãnh đạo TP HCM đánh giá là “chưa bao giờ kinh khủng như hiện nay”. Dù rất sốt ruột, song chính quyền không thể làm gì bởi vướng thủ tục. Không chỉ người dân hoảng loạn khi cứ ra đường là gặp người nghiện với kim tiêm lăm lăm trên tay mà ngay cả Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng bất an khi đối diện với người nghiện.
“Hôm đó tôi xuống quận 2 làm việc, ngay chỗ cây cầu sắt. Thấy một anh người thì xăm trổ, tay cầm ống tiêm ngồi trên cầu tôi cũng hoảng, không dám bước xuống xe”, ông Quân cho biết tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện.
Hay trước đó, cũng trong một buổi họp, vị giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thuật lại câu chuyện “giám đốc trung tâm cai nghiện bị con nghiện xin tiền” khiến nhiều người giật mình. Tình huống xảy ra khi ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa về nhà. Gặp gặp người từng là học viên cai nghiện ma túy trước cổng, ông Sơn dừng lại hỏi thăm cuộc sống của người này thì nhận được câu trả lời: “Tái nghiện hết trơn rồi. Chú cho con mượn năm chục (50.000 đồng)”.
Dân sau khi tỉnh táo tại cơ quan công an. Ảnh: H.V
Chỉ ra nguyên nhân khiến tình hình an ninh trật tự đang diễn biến phức tạp, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm nói: “TP HCM là nơi đông người nghiện nhất cả nước. Có đến 60% các vụ phạm pháp hình sự là do người nghiện gây án”.
Hồi giữa tháng 8, Kiều Công Dân (36 tuổi, ngụ Hải Phòng) sau khi phê ma tuý đá đã lững thững đi đến đi đến phòng bảo vệ của bến xe khách Hoàng Long tại phường Hiệp Bình Chánh “kiếm chuyện”. Hắn la hét, đe doạ đuổi hết bảo vệ rồi chốt cửa lại. Ít phút sau, tên này trèo lên bồn nước tầng hai của văn phòng và chui vào trong bồn nằm đến tối.
Khi thanh tra của bến xe khách trèo lên kiểm tra và yêu cầu Dân phải xuống, gã đàn ông nổi giận, chửi bới rồi bắt đầu chạy nhảy, giẫm đạp làm hư hại mái nhà. Hắn nhặt một đoạn sắt trên nóc, đập phá nhiều thiết bị của văn phòng bến xe. Nhận được tin báo, cảnh sát đã đến thuyết phục suốt nhiều giờ nhưng tên này không hợp tác, tiếp tục đập phá đồ đạc. Đến rạng sáng hôm sau, sau khi “quậy tưng” trên nóc, người đàn ông này trượt ngã và bị cảnh sát khống chế.
Tỉnh lại ở trụ sở công an, Dân khai do sử dụng ma tuý đá, gây ảo giác nên trèo lên nóc quậy phá. Cảnh sát xác định, người này từng làm bảo vệ tại đây nhưng do nghiện ngập nên bị đuổi việc. Từ đó hắn sống lang thang trên các đường phố Sài Gòn. Công an quận Thủ Đức đã cáo buộc người này về tội Huỷ hoại tài sản.
Cũng gây án trong cơn nghiện, mới đây, Đặng Văn Tuấn (44 tuổi) đã khoá cửa, đánh nhiều cái vào đầu người tình rồi siết cổ đến khi nạn nhân tắt thở. Hai ngày sau, khi thi thể cô gái bắt đầu phân huỷ, Tuấn kéo vào nhà vệ sinh, phân xác rồi bỏ vào 2 túi nylon dán kín miệng, cho vào bao tải đem vứt đầu hẻm 592 đường Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho, quận 1). Riêng phần đầu, tên này đem đến khu đất trống cỏ mọc um tùm dưới chân cầu Lò Gốm, phường 10, quận 6, để chôn giấu.
Người đàn ông nghiện ma tuý gây án. Ảnh: H.P
Báo cáo trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với UBND TP HCM chiều 6/10, Phó giám đốc Công an TP HCM Phan Anh Minh cho biết, thành phố hiện có hơn 19.000 người nghiện, tăng hơn 7.000 so với năm trước. Từ đầu năm đến nay, thành phố không đưa được người nào đi cai do vướng Luật xử lý vi phạm hành chính (ban hành ngày 1/1). Theo văn bản này, để đưa người nghiện đi cai phải thông qua nhiều cửa gồm: y tế, công an, lao động và cuối cùng tòa án sẽ lập hồ sơ quyết định. Cơ sở y tế chứng nhận làm chứng nhận cho người nghiện phải có chứng chỉ riêng của Chính phủ. Nhưng theo ông Minh, hiện cả TP HCM không có cơ sở y tế nào đạt tiêu chuẩn như vậy. Do không được đưa đi cai, người nghiện tụ tập thành băng nhóm, tổ chức các vụ phạm pháp hình sự.
Trước vướng mắc này, ngày 21/10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội trong kỳ họp Quốc Hội, đoàn Đại biểu TP HCM đã kiến nghị Quốc Hội giao cho thành phố quản lý cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người cai nghiện trong khi chờ thành lập hồ sơ đưa tòa án xem xét ra quyết định đưa đi cai nghiện tập trung.
Theo Vnexpress
Những chiêu trốn trung tâm của học viên cai nghiện
Tuồn hung khí, dao kiếm từ ngoài vào để uy hiếp cán bộ trung tâm hoặc leo cây, đu tường bỏ trốn là những chiêu mà các học viện cai nghiện thường làm khi có kế hoạch trốn trại.
Con nghiện liên tục đào tẩu ở Hải Phòng
Trước khi 400 học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục-Lao động-Xã hội Hải Phòng (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) trốn trại vào ngày 14/9, tại đất Cảng từng xảy ra nhiều vụ người đi cai nghiện đập phá cổng, vượt rào.
Ngày đầu tháng 4/2012, tại Trung tâm cai nghiện ma túy ở Cát Bi (Hải Phòng), học viên Trần Xuân Chiến đã lên kế hoạch bỏ trốn với nhiều người khác đang cai nghiện bắt buộc tại đây. Để đào thoát, Chiến phân công đồng bọn lấy trộm búa phá khóa cổng, tìm thanh sắt phá khóa, trộm dao của nhà bếp để khống chế cán bộ trung tâm để cùng nhau bỏ trốn sau bữa cơm chiều. Họ thống nhất ám hiệu hành động là đập khay cơm xuống sàn.
Nhóm những kẻ cầm đầu bị xét xử hành vi Chống người thi hành công vụ. Ảnh: Tiền phong.
Cuối giờ chiều, khi các học viên vừa ăn xong, đồng bọn của Chiến bê khay cơm đập xuống sân rồi hô to: "Anh em ơi, về đi". Theo đúng kế hoạch, nhóm này dùng búa phá khóa, cầm dao bầu trong bếp chạy ra cổng trung tâm đe dọa nhân viên bảo vệ và nhiều cán bộ quản lý tới khuyên can.
Phá được khóa, Chiến cùng 98 học viên khác chạy ra đường, đi thành từng đám hò hét gây mất trật tự đường phố làm nhiều người dân sống gần đó lo sợ đóng chặt cửa. Bị bắt lại và xử lý về hành vi Chống người thi hành công vụ, nhóm cầm đầu đều quê Hải Phòng bị tòa tuyên phạt từ 30 - 48 tháng tù giam.
Trung tuần tháng 5/2010 cũng tại Hải Phòng, hơn 500 học viên đang cai nghiện ma túy của Trung tâm giáo dục - lao động - xã hội số 2 cũng tự ý rời khỏi nơi điều trị.
Vụ này xuất phát từ việc hai học viên mâu thuẫn, đánh nhau và bị cán bộ trung tâm yêu cầu viết kiểm điểm. Không hài lòng, họ tỏ thái độ chống đối đồng thời xúi giục các học viên khác bỏ trốn. Quá trình tự ý rời khỏi nơi điều trị, 500 học viên đã đánh trả các cán bộ trung tâm và công an, rồi nối nhau đi bộ chừng 10 km về đến trung tâm huyện An Lão sau đó giải tán.
Công an Hải Phòng đã huy động các lực lượng để phòng ngừa, ngăn chặn việc gây rối, đồng thời vận động các gia đình có người tham gia cuộc đào thoát đưa con em trở lại trung tâm tiếp tục cai nghiện.
Gần một tháng trước khi xảy ra vụ việc trên (ngày 16/4) cũng tại Hải Phòng, 36 học viên của trung tâm Giáo dục, Lao động, Xã hội (xã Gia Minh, huyện Thuỷ Nguyên) đã đồng loạt bỏ trốn khi mới điều trị cắt cơn được 3 ngày. Ngay trong đêm, cơ quan công an đã đưa được 27 người trở lại trung tâm, những người khác được gia đình đưa trở lại sau đó.
Côn đồ vác kiếm, mã tấu chém bảo vệ trốn khỏi trung tâm
Vụ con nghiện vượt rào được cho là liều lĩnh, manh động thời gian gần đây có biệt danh "Long rồng đỏ" cùng đồng bọn thực hiện ở Bình Thuận, cuối năm 2013. Tháng 10/2012, Nguyễn Ngọc Long (ở Cam Ranh, Khánh Hòa) bị đưa vào tập trung cai nghiện, chữa bệnh tại trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động xã hội Bình Thuận.
Chưa đầy 5 ngày, Long hai lần được đàn em phá trại để giải thoát khỏi nơi điều trị. Để chuẩn bị cho kế hoạch đào tẩu, bọn chúng đã tuồn hung khí vào trại để Long tự giải thoát. Bằng thủ đoạn trong, ngoài tiếp ứng, hắn cùng đám đàn em dùng kiếm, mã tấu, bình xịt hơi cay... truy đuổi, chém trọng thương bảo vệ trung tâm rồi ung dung tẩu thoát. Sau ba ngày trốn khỏi nơi điều trị, Long bị cảnh sát bắt giữ.
Khu nhà biệt giam Long cùng đàn em phá khóa và hung khí bỏ lai hiện trường.
Cuối tháng 2/2010, hơn 100 học viên cai nghiện của Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 2 (TP.HCM) cũng phá cửa, leo dây trốn ra ngoài trong đêm tối. Vờ dàn cảnh cãi nhau, những học viên này gây náo loạn ở hội trường trung tâm, một số người dùng thanh sắt tập tạ phá bung cửa sổ. Nhóm này lôi kéo những học viên khác dùng quần áo, mùng mền bện thành dây leo vượt bờ tường cao gần 5 m chằng chịt dây gai để trốn ra ngoài. Trốn được, nhiều người hướng cánh rừng cao su ẩn mình trong bụi cây để trốn. Nhà chức trách đã phải trắng đêm vây bắt các học viên đào thoát khỏi trung tâm này. Đầu tháng 5/2014, 45 học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục, Lao động, Xã hội tỉnh Đắk Lắk (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cũng phá trại. Sáng sớm hôm đó, một số học viên cố tình bỏ bữa sáng nên cán bộ trung tâm vào từng phòng nhắc nhở. Lợi dụng sơ hở, một số tên dùng kéo sắt khống chế cán bộ trực gác rồi cướp chìa khóa, mở cửa bỏ trốn.
Chiều 14/9, khoảng 400 học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục, Lao động, Xã hội Hải Phòng (tại xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) tổ chức đập phá, trốn trại. Hàng trăm công an đã có mặt tại hiện trường phong tỏa các tuyến đường, vận động học viên về lại trung tâm, bảo đảm an toàn cho người dân. Đến chiều 15/9, 50 học viên đã tự nguyện quay trở lại và cam kết chấp hành tốt nội quy, quy định của trung tâm cai nghiện.
Theo Hà Linh - Việt Đức (Zing.vn)
300 người nghiện diễu phố: Hơn 50 người đã quay lại Lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng vừa cho biết, đến chiều nay (15/9), đã có hơn 50 học viên cai nghiện quay trở lại Trung tâm Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Hải Phòng. ảnh minh họa Trước đó, hôm qua (14/9), hơn 300 học viên của Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Hải Phòng tự ý...