Những tiền vệ nội đáng xem nhất V-League 2020
Những tiền vệ đáng xem nhất V-League 2020, Tuấn Anh, Hùng Dũng và Phi Sơn góp mặt.
PV
Tiền vệ Trần Phi Sơn: "Tâm nguyện của bố giúp tôi mạnh mẽ hơn"
Từng là một trong những ngôi sao trẻ sáng giá nhất bóng đá Việt Nam nhưng Trần Phi Sơn đã phải trải qua nhiều thăng trầm.
Trần Phi Sơn trong màu áo CLB TP HCM
Anh chia sẻ, tâm nguyện cuối đời của bố khiến anh nhiều khi nản lòng nhưng không cho phép mình gục ngã trên con đường sự nghiệp.
Con đường không có hoa hồng
Trong trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2019 giữa TP HCM và Hà Nội FC, dù đội bóng phía Nam phải nhận thất bại nhưng Trần Phi Sơn vẫn để lại ấn tượng với những pha khuấy đảo ở biên. Trước đó, cầu thủ quê Hà Tĩnh cũng chơi cực hay với 4 lần kiến tạo thành bàn sau hai trận tại AFC Cup 2020. Phong độ xuất sắc của tiền vệ sinh năm 1992 có thể sẽ là tiền đề giúp anh trở lại đội tuyển quốc gia sau 4 năm chờ đợi. Nhưng đáng tiếc, anh lại dính chấn thương ở ngay vòng 1 V-League 2020 và chưa hẹn ngày trở lại.
Phi Sơn nổi lên trước lứa Công Phượng, Xuân Trường (HAGL), được ví von là "Ronaldo Việt Nam" nhờ tốc độ, những pha leo biên nhanh như chớp cùng sự quyết liệt trong cách chơi. Tuy nhiên, không giống như nhiều đồng nghiệp nổi tiếng, năm 21 tuổi anh mới được đôn lên đội 1 SLNA. Thời điểm đó, đội bóng xứ Nghệ quy tụ quá nhiều cái tên xuất sắc ở cả ba tuyến nên Sơn phải ngậm ngùi chờ đợi.
Trong màu áo đội tuyển, năm 2015, cầu thủ sinh ra ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) mới được HLV Toshiya Miura trao cơ hội. Khi nhà cầm quân người Nhật Bản rời nhiệm, HLV Nguyễn Hữu Thắng tiếp tục tin tưởng cậu học trò đồng hương. Dẫu vậy, từ cuối năm 2016, những chấn thương liên tiếp khiến anh đánh mất phong độ, bị lãng quên ở đội tuyển Việt Nam.
Nỗi ám ảnh chấn thương tiếp tục đeo bám "Ronaldo Việt Nam" khi anh chuyển tới CLB TP HCM vào năm 2018. Mùa giải 2019, thậm chí anh phải dành phần lớn thời gian làm bạn cùng bác sĩ, thuốc men. "Đây thực sự là giai đoạn đen tối nhất sự nghiệp của tôi. Không được ra sân giống như một cơn ác mộng, nó kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Nhưng khi đã trải qua nhiều cay đắng, tôi tự nhủ phải bước tiếp", Phi Sơn chia sẻ.
Ít người biết, quãng đường chập chững đến với sự nghiệp sân cỏ của cầu thủ đang thuộc biên chế TP HCM cũng đầy gập ghềnh. Khi còn là cậu bé chưa trổ giò, gia đình cậu có một quán ăn nhỏ. Ngoài thời gian đi học, làm bài tập, Sơn phải phụ giúp bố mẹ. Dù ham đá bóng, Sơn cũng chỉ có một lúc buổi tối để chơi. Tối nào cũng vậy, cứ dọn dẹp xong quán cho bố, Sơn lại cầm quả bóng ra góc sân đá một mình. Bạn bè của ông Hải thấy vậy khuyên ông nên cho con đi thi tuyển vào bóng đá chuyên nghiệp.
Năm 12 tuổi, ông Hải đưa con trai đến thi tuyển ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Văn Sỹ Thủy (chi nhánh của CLB Hà Nội). Sơn đỗ với điểm số cao nhưng gia đình không đủ điều kiện để nộp học phí. Sau đó, ông Hải xin cho con vào lò SLNA nhưng không còn chỗ nên cậu bé chỉ được tập ở lớp phong trào. Một năm sau, Sơn chơi tốt, lọt đội hình tiêu biểu ở Giải U13 toàn quốc nên được chuyển vào lớp chuyên nghiệp và không ngừng thăng tiến.
Tuy nhiên, tài năng của cậu chưa đủ lớn để đánh bật các đàn anh ở đội 1. Năm 18 tuổi, Sơn vào Quảng Ngãi thi đấu giải hạng Nhì Quốc gia theo dạng cho mượn. Cũng trong khoảng thời gian này, ông Hải lâm bệnh nặng nhưng gia đình không cho Sơn biết bởi sợ cậu phân tâm. Lúc Sơn trở về Vinh cũng là lúc cậu biết bố đang nguy kịch. Sơn vừa chăm sóc bố, vừa chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12. Nhưng khi đang thi môn thứ hai thì cậu nhận tin bố qua đời, đó là một chiều trời mưa như trút, cậu bắt xe về nhà chịu tang giữa hai hàng nước mắt...
Tâm nguyện của bố, điểm tựa từ mẹ
Mất bố là cú sốc lớn với chàng trai tuổi mới lớn. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi cậu trở nên suy sụp, nảy sinh suy nghĩ bỏ bóng đá để ở nhà đỡ đần mẹ. "Hai anh em tôi đều chơi bóng đá, bố mất, mẹ ở nhà một mình, tôi không yên tâm nên định để em tiếp tục theo đuổi đam mê còn mình ở bên mẹ", Sơn nhớ lại. Mặc dù vậy, suy nghĩ này nhanh chóng biến mất bởi trước khi qua đời, ông Hải đã nói rằng, tâm nguyện cuối cùng của ông là Sơn phải theo nghiệp cầu thủ. "Bố là người đưa tôi tới bóng đá, tôi muốn ở bên kia thế giới bố có thể tự hào về mình nên tôi đã đứng dậy", cầu thủ sinh năm 1992 bộc bạch.
Sau 100 ngày bố mất, Phi Sơn quay trở lại tập luyện nhưng do bỏ bẵng một thời gian nên anh gần như phải cố gắng lại từ đầu. Gần một năm trời, cậu chỉ tập chay, nhiều lúc chán nản, hình ảnh bố lại hiển hiện trước mắt, như một lời động viên để anh vững vàng bước tiếp. "Bố không còn nhưng tôi có cảm giác bố luôn dõi theo tôi. Vì thế, tôi tự nhủ mình phải chơi thật tốt, thật thành công", Phi Sơn chia sẻ. Tập luyện chăm chỉ, chơi hay ở giải U21 Quốc gia nên đầu năm 2013 Sơn đã được biên chế lên đội 1.
Kể từ ngày bố rời xa gia đình, mẹ trở thành điểm tựa tinh thần cho Sơn và em trai (Trần Phi Hà, đang chơi cho Bình Dương). "Mẹ bảo tụi bây cứ khỏe mạnh, đá bóng giỏi là mẹ mừng, không cần tụi bây chăm sóc. Thi thoảng ngày nghỉ tôi tranh thủ về nhà mẹ cũng không bắt làm gì vì sợ nhỡ sứt tay, sứt chân thì đá bóng sao nổi. Ngày tôi có ý định vào TP HCM chơi bóng, lo nhất là phải xa gia đình nhưng mẹ lại động viên ngược lại rằng, bây cứ lo hão, nghiệp cầu thủ chạy theo trái banh, banh ở đâu thì người ở đó, bây cứ vào đi, thi thoảng rảnh mẹ vào thăm", Phi Sơn kể.
Vậy là từ khi khoác áo CLB TP HCM, số lần tiền vệ quê Hương Sơn về thăm nhà còn ít hơn số lần bà Tuấn vào thăm con. "May là anh em tôi cũng thi đấu gần nhau (TP HCM và Bình Dương) nên mẹ vào một lượt là thăm được cả hai. Lần nào vào mẹ cũng xách theo lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ ăn, thức uống. Mẹ bảo biết tụi bây không thiếu thứ gì nhưng mẹ vẫn cứ mang vì đó là tình cảm mẹ dành cho hai anh em", chàng tiền vệ mang áo số 10 nói.
Về phần mình, bà Tuấn chia sẻ, bản thân giờ không còn bán hàng ăn nên thời gian rảnh rỗi lại muốn đi thăm con. Điều mong mỏi lớn nhất của bà là Sơn sớm yên bề gia thất. "Bằng tuổi nó bạn bè có con cả rồi. Giờ tôi còn khỏe, muốn nó lấy vợ, sinh con thì tôi còn đỡ đần được, khỏi thuê giúp việc tốn kém", bà Tuấn nói về mong muốn của mình. Nhưng Sơn cho hay, khi sự nghiệp chưa ổn định, chưa có thành tựu nào đáng kể thì anh vẫn sẽ gác lại chuyện lập gia đình.
"Thời gian tới, tôi muốn tập trung hết sức vào tập luyện, thi đấu để cống hiến cho CLB và có cơ hội trở lại tuyển Việt Nam. Nếu được, đó sẽ là món quà ý nghĩ tôi dành tặng mẹ, cũng là thỏa tâm nguyện của bố trước khi qua đời", Phi Sơn ngậm ngùi.
Theo Baogiaothong.vn
Siêu dự bị Xuân Nam hay cỡ nào mà "chiếm sóng" của Công Phượng? Sẽ hoàn toàn hợp lý nếu nói Nguyễn Xuân Nam đang là tiền đạo đạt hiệu suất ghi bàn "khủng" nhất của bóng đá Việt Nam. Không phải Nguyễn Công Phượng hay Nguyễn Quang Hải mà chính Nguyễn Xuân Nam là cái tên nổi bật nhất của bóng đá nước nhà những ngày gần đây. Trận ra quân V-League 2020 gặp chủ nhà...