Những tích tắc quyết định trong vụ cá độ – cho vay nặng lãi – xiết nợ
Câu hỏi mà PV ANTĐ đặt ra với Đại tá Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục CSHS ngay khi chứng kiến hình ảnh “kho” vũ khí của các đối tượng trong đường dây cá độ, xiết nợ, cho vay nặng lãi của Phạm Văn Cường bị Cục CSHS bắt giữ, đó là: “Các đối tượng có kịp dùng vũ khí để phản kháng hòng tìm cách trốn chạy?”. Người chỉ huy lực lượng CSHS – Bộ Công an trả lời nhẹ nhàng: “Kế hoạch phục bắt được chúng tôi đặt hệ số an toàn, hiệu quả lên hàng đầu. Và điều đó đã thành công”.
Phạm Văn Cường và phương tiện tổ chức cá độ bóng đá
Trước “mùa” Euro 2012, quán triệt chỉ đạo của Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, hơn ai hết, những người lính CSHS đặt mục tiêu phải rà soát, bóc gỡ những đường dây cá độ quy mô. Bởi, đây chính là những mầm họa đối với nhiều gia đình, cá nhân. “Dấu hiệu hoạt động tổ chức cá độ của đường dây do Phạm Văn Cường cầm đầu bị chúng tôi phát giác từ khoảng tháng 5. Tài liệu trinh sát cùng với thông tin từ Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao ngày càng có thêm cứ liệu để nhận diện về đường dây phạm pháp này”, chỉ huy Cục CSHS nhớ lại.
Sau nhiều ngày rà tìm, lực lượng công an đã khoanh được đầu mối chính “hút” các con bạc cá độ qua mạng internet tại nhà riêng của Phạm Văn Cường, 33 tuổi, địa chỉ phố Lý Đạo Thành, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cường có 1 tiền án, 2 tiền sự, ngoại hình rất dữ dằn. Có lẽ vì vậy mà đối tượng chọn nghề cầm đồ để “mưu sinh”. Cùng với em trai, Cường điều hành 4 hiệu cầm đồ tại Bắc Ninh. Ngôi nhà 6 tầng tại phố Lý Đạo Thành được Cường thiết kế hết sức kiên cố, có cả cầu thang máy và nó luôn đóng chặt cửa mỗi khi vợ chồng Cường ở trong nhà hay ra ngoài. Tại thị xã Từ Sơn, Cường không chỉ “nổi” bởi làm ông chủ 4 hiệu cầm đồ, dưới trướng có nhiều đàn em đầy mình tiền án, tiền sự, hết sức hung hãn, mà còn sở hữu 2 chiếc xe ô tô bạc tỷ.
Hoạt động tổ chức đánh bạc của Phạm Văn Cường lọt vào tầm ngắm của lực lượng công an. Sau khi nhận địa chỉ cá độ trên mạng internet từ “nhà cái” ở nước ngoài, Cường chia cho các đối tượng để tiếp tục phân phối, bán cho các đại lý cấp 3 khác. Cơ quan công an xác định được 6 “đại lý” của Cường, rải rác tại Hà Nội và Bắc Ninh. Khách tham gia đánh bạc trong đường dây của Phạm Văn Cường thường có điều kiện kinh tế và được chọn lọc qua các đại lý “ chân rết”. Đến thời điểm này, cơ quan công an xác định, đường dây này còn lan tới Hòa Bình, Điện Biên, Thái Bình…
Video đang HOT
Phương án đột kích vào “tổng hành dinh” điều hành đường dây cá độ, bắt giữ Phạm Văn Cường được Cục CSHS xây dựng với 3 yêu cầu: phải thu giữ được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Cường; tránh “rút dây, động rừng”; và nhất là phải đảm bảo cho lực lượng vây bắt. Nguồn tin trinh sát cho thấy, ngoài đám đàn em côn đồ, Cường luôn trữ sẵn “hàng nóng”. “Ông trùm” Cường được ban chuyên án chọn để bắt đầu tiên.
Đêm 27-6, gần 100 CBCS của Cục CSHS phối hợp với Công an Hà Nội, Công an Bắc Ninh chia thành 7 mũi trinh sát đã ém kín xung quanh nhà Phạm Văn Cường và 6 đại lý “chân rết”. Một đêm trắng trôi qua. 7h45 phút ngày 28-6, cửa cuốn nhà Cường từ từ mở. Chiếc Range Rover chầm chậm chạy ra ngoài. Cường cầm lái, vợ y ngồi cạnh. Ra cổng một quãng, chiếc xe dừng lại và vợ Cường mở cửa xuống xe, vào nhà. Đúng thời khắc ấy, phương án vây bắt chuyển thành động lệnh. Các trinh sát khống chế gọn ghẽ Phạm Văn Cường ngay trên ghế ô tô, đồng thời ập vào khám nhà.
Cùng thời điểm này, 6 mũi trinh sát ở các điểm còn lại cũng được lệnh tấn công. Cả 6 đại lý “chân rết” đều bị bắt mà không kịp phản kháng. Số vũ khí cơ quan công an thu giữ có lẽ lớn nhất trong các đường dây cá độ từ trước đến nay: gồm 8 khẩu súng, 10 dao kiếm các loại, khóa số 8, 3 côn đa năng, hàng trăm viên đạn tương ứng với các loại súng. Trong số này, có cả súng bắn tỉa với đầy đủ hệ thống ống nhòm và các phụ kiện đi kèm. Ngày 29-6, CQĐT Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt Phạm Văn Cường và 6 đàn em về hành vi tổ chức đánh bạc; đồng thời củng cố hồ sơ xử lý về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Theo ANTD
Hệ lụy từ vay nợ tiền bạc: Bài 2: Chặt tận gốc mầm mống nguy cơ
Đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CATP Hà Nội cho thấy, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây đều phát sinh từ những mâu thuẫn do vay nợ tiền bạc. Không đòi nợ được bằng biện pháp đối thoại "hòa bình", các đối tượng đã dùng vũ lực, thậm chí cả vũ khí "nóng" để thanh toán nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT.
Một đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến vay nợ tiền bạc
Nhiều thủ đoạn xiết nợ tàn bạo
Bạn đọc ANTĐ hẳn còn nhớ vụ bắn chết anh Nguyễn Minh Dương, 27 tuổi, ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, vào đêm 25-1-2011, tại trước cổng Trung tâm Thương mại Parkson, ngã tư Chùa Bộc - Thái Hà, quận Đống Đa. Qua điều tra của cơ quan công an, nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng xuất phát từ việc anh Dương nợ một phụ nữ 30 triệu đồng. Không giải quyết được những khúc mắc trong vay nợ tiền bạc, người phụ nữ này đã nhờ bạn "thanh toán" công nợ... bằng súng.
Việc bắt cóc, dùng cực hình tra tấn "con nợ" cũng đã xảy ra ngay giữa lòng Hà Nội. Nạn nhân vụ việc này là chị Bùi Thị Oanh, SN 1973, ở quận Ba Đình, đã bị Triệu Thị Nguyệt, SN 1972, trú tại xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, cùng đồng bọn giam giữ trái pháp luật trong một căn nhà ở phố Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa, để xiết nợ. Nguyên nhân là do chị Oanh vay "nóng" Nguyệt một số tiền lớn, chưa có khả năng chi trả. Tại nơi bị giam giữ, chị Oanh bị Nguyệt cùng đồng bọn tra tấn dã man bằng kìm điện, cờ lê và dao, với những "độc chiêu" mà cho đến giờ chị Oanh vẫn bị ám ảnh.
Dùng đủ cách vẫn không moi được tiền, Nguyệt cùng đồng bọn thả "con tin" ra trong tình trạng bị gãy 2 xương sườn, trên người mang đầy thương tích. Trước đó, con gái chị Oanh là cháu Đỗ Ngọc Phương Nhi (4 tuổi), cũng bị Nguyệt đến tận nhà bắt đi trong khi cháu bé đang ngủ. Bố cháu là anh Đỗ Thanh Việt đã phải đi tìm suốt đêm, mới lần ra được nơi Nguyệt giam giữ cháu Nhi và cầu xin "nữ quái" này tha cho cháu.
Nhắc đến vụ bắn chết chị Nguyễn Thị Liên, nhà ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, xảy ra tại phố Xã Đàn, quận Đống Đa vào đêm 28-4 vừa qua, dư luận xã hội rất bức xúc không chỉ bởi hành vi tàn bạo của các đối tượng gây án, mà còn vì lối hành xử theo kiểu giang hồ của những kẻ chuyên cho vay "nóng" và đối tác của chúng.
Chỉ vì bảo vệ vị thế trên "giang hồ" của mình, Đồng Cao Cường (Cường "hổ") và đám đàn em đã dùng súng tự chế sát hại chị Liên, người đứng ra vay hộ bạn 10 triệu đồng của đàn em Cường "hổ". Trước khi xảy ra vụ án mạng, nhóm đàn em Cường "hổ" đã đòi chị Liên tiền và giữa hai bên đã xảy ra va chạm, dẫn đến việc hẹn nhau ra phố Xã Đàn để giải quyết mâu thuẫn.
Minh bạch giữa kẻ cho vay, người đi mượn
Theo Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội, trong tình hình tài chính khó khăn hiện nay, hoạt động cho vay "nóng" với lãi suất cao đang diễn ra phức tạp. Trong khi các cơ quan chức năng của nhà nước chưa kiểm soát được hết các loại hình hoạt động tín dụng, thì các đối tượng bên ngoài xã hội đã lợi dụng cơ hội này để hình thành "tín dụng đen" và thường cho vay "nóng" với lãi suất lên tới 25-30%/triệu đồng/ngày.
Cũng từ đây phát sinh những khoản nợ khó đòi, dẫn đến các loại hình "dịch vụ" thu nợ nở rộ như nấm sau mưa. Ngoài những công ty thu nợ được cấp giấy phép kinh doanh hoạt động hợp pháp, còn một số ổ nhóm tội phạm lợi dụng sự phức tạp về hoạt động cho vay với lãi suất cao để ép trả nợ, dưới nhiều hình thức như bắt giữ người trái pháp luật rồi xiết nợ, nhắn tin đe dọa qua điện thoại di động, hoặc giải quyết công nợ bằng cách bắt cóc rồi dùng cực hình tra tấn "con nợ"...
Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã tổ chức đấu tranh, triệt phá nhiều ổ nhóm bảo kê, đòi nợ thuê cho các đối tượng chuyên cho vay với lãi suất cao hoạt động phạm tội. Trong những năm gần đây, một số công ty thu nợ hoạt động vi phạm pháp luật đã bị cơ quan công an phát hiện, xử lý như Công ty Thu nợ Phương Đông là ví dụ điển hình. Ngoài ra, nhiều nhóm tội phạm có dấu hiệu hoạt động phạm tội trong lĩnh vực thu hồi nợ cũng được Phòng CSHS và công an các quận, huyện trên địa bàn thành phố lần lượt bắt giữ như ổ nhóm tội phạm do các đối tượng Triệu Thị Nguyệt và Đồng Cao Cường cầm đầu, góp phần đảm bảo ANTT.
Tuy lực lượng Công an Hà Nội đã thường xuyên đấu tranh, phòng ngừa hoạt động của tội phạm liên quan đến vay nợ tiền bạc, nhưng hệ lụy của nó vẫn mang lại cho xã hội nhiều phức tạp. "Chưa có những chế tài xử lý hoạt động cho vay nặng lãi, do vậy vẫn chưa thể ngăn chặn tận gốc mầm mống tội phạm phát sinh từ dịch vụ này" - Thượng tá Đào Thanh Hải nhấn mạnh và cảnh báo hoạt động vay nợ tiền bạc phải được minh bạch giữa người cho vay và người đi mượn.
Theo ANTD
Ngăn chặn kịp thời một vụ xiết nợ Khoảng 13h ngày 9-6-2012, người dân thôn Quan Âm, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội chứng kiến nhóm côn đồ hung hãn khoảng hơn chục người đi taxi và xe tải kéo đến gia đình anh Vũ Trọng Quý đòi nợ. Sau khi đào được hai cây xanh cổ thụ đưa lên xe tải và chuẩn bị lấy tiếp cây thứ...