Những thương vụ M&A ‘bom tấn’ của bầu Thụy
Ông Nguyễn Đức Thụy, hay còn được biết với tên gọi “ bầu Thụy”, là một đại gia đình đám với hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) bom tấn, từ việc mua lại Chứng khoán Vincom, chi hơn 1.000 tỷ mua Khách sạn Kim Liên và mới đây là dự định thâu tóm ThaiGroup với số tiền dự chi lên đến gần 3.000 tỷ đồng.
Những thương vụ M&A ‘bom tấn’ của bầu Thụy
Huy động 2.961 tỷ đồng để nắm hơn nửa cổ phần ThaiGroup
Ngày 7/7, Công ty Cổ phần Thaiholdings (HNX: THD) đã công bố thông qua phương án phát hành hơn 296 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua, tổng giá trị tính theo mệnh giá tương đương 2.961 tỷ đồng.
Tỷ lệ thực hiện quyền là 539:2.961, cổ đông sở hữu quyền mua có thể chuyển nhượng quyền mua thêm cổ phiếu cho người khác (chỉ được chuyển nhượng 1 lần duy nhất). Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III/2020, giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Động thái này diễn ra chỉ sau nửa tháng THD niêm yết trên sàn HNX. Đáng chú ý, giá cổ phiếu đã trần 13 phiên liên tiếp tính đến hiện tại. Theo đó, thị giá đã vọt lên mức 60.200 đồng/cổ phiếu (kết phiên 7/7), gấp 4 lần giá tham chiếu phiên chào sàn kể từ ngày 19/6.
Theo THD, nguồn vốn thu về sẽ được dùng đầu tư tài chính nhằm sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp tiềm năng, bổ sung nguồn vốn lưu động. Trong đó, THD dự kiến sử dụng tới 99,6% số tiền trên (2.950 tỷ đồng) để mua 147,5 triệu cổ phần (59% vốn) của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiGroup.
Năm 2020, THD đặt mục tiêu đem về 3.500 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 360 tỷ đồng. Trong quý I, THD ghi nhận doanh thu hơn 162,4 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 9,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2019, THD đạt doanh thu hơn 760 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 48 tỷ đồng, lần lượt vượt 153% kế hoạch và 25% kế hoạch.
Được biết, ThaiGroup vốn là công ty mẹ của THD, với tỷ lệ sở hữu lên đến 74% tính đến đầu năm 2019. Khi đó, bầu Thuỵ là Chủ tịch HĐQT của cả ThaiGroup và THD.
Sau đợt tăng vốn tháng 4/2019, ThaiGroup đã hoàn toàn thoái vốn tại THD, đồng thời, bầu Thụy cũng rời ghế Chủ tịch HĐQT THD. Thế nhưng hiện nay, bầu Thuỵ vẫn là cổ đông lớn duy nhất tại THD với tỷ lệ sở hữu 20%.
Vì vậy, thực tế thương vụ “thâu tóm” này chỉ là sự hoán đổi vai trò giữa các công ty mẹ – con của tập đoàn lõi, nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Đức Thuỵ. Mặc dù vậy, số tiền chi ra dự kiến sẽ không chỉ đến từ bầu Thụy mà còn đến từ cả những cổ đông tham gia mua cổ phiếu THD trong đợt phát hành sắp tới, trong đó có nhiều cổ đông mới chỉ gắn bó với THD trong thời gian ngắn.
Video đang HOT
“Bom tấn nghìn tỷ” Khách sạn Kim Liên
Cuối năm 2015, trên cương vị là ông chủ của Tập đoàn ThaiGroup, bầu Thuỵ đã “gây sốc” khi bỏ ra mức giá lên đến 274.200 đồng cho mỗi cổ phiếu của Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu Khách sạn Kim Liên) trong phiên thoái vốn của SCIC. Mức giá đấu này đã vượt tới 9 lần so với giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phiếu và bỏ xa các đối thủ khác, như GPBank, GPInvest, PTFinance, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, REE, Văn Phú Invest…
Tổng cộng, tập đoàn đến từ Ninh Bình đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để nhận 3,6 triệu cổ phần Khách sạn Kim Liên. Nhà đầu tư về nhì trong phiên đấu giá này đã bỏ giá thấp hơn ThaiGroup tới 380 tỷ đồng cho lô cổ phiếu mà SCIC rao bán.
Đây được cho là quyết định khá khó hiểu của bầu Thuỵ vào thời điểm đó, thế nhưng những diễn biến trên “mặt trận” Khách sạn Kim Liên trong năm 2020 đã làm sáng tỏ phần nào quyết định của đại gia Ninh Bình.
Theo đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Du lịch Kim diễn ra vào đầu năm 2020 đã thông qua phương án tăng vốn từ gần 70 tỷ đồng lên 2.786 tỷ đồng để triển khai dự án khu phức hợp mới trị giá gần 14.300 tỷ đồng trên khu đất hiện hữu của công ty.
Đại diện cổ đông Công ty Tài chính Bưu điện và cổ đông Ngân hàng GPBank đều cho rằng các thông tin về dự án Khu phức hợp Kim Liên gồm qui mô, tổng mức đầu tư, kế hoạch tiến độ… không rõ ràng, cụ thể. Phương án tăng vốn dựa trên khảo sát của đơn vị tư vấn Savills là không có căn cứ để cổ đông xem xét, biểu quyết.
Do vậy nhóm cổ đông sở hữu 17,5% cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội đã phủ quyết toàn bộ nội dung liên quan tăng vốn, sửa đổi điều lệ và ủy quyền HĐQT mời gọi nhà đầu tư chiến lược, lựa chọn nhà thầu dự án. Nhưng nhóm cổ đông liên quan đến ThaiGroup với tỷ lệ biểu quyết trên 80% đã dễ dàng thông qua các quyết sách này.
“Gây sốc” với Chứng khoán Xuân Thành
Đầu tháng 4/2011, giới đầu tư “ngã ngửa” khi bầu Thuỵ quyết định lấn sân sang thị trường chứng khoán bằng việc mua lại Công ty Chứng khoán Vincom (sau đổi tên thành Công ty Chứng khoán Xuân Thành) và liên tục tăng tỷ lệ nắm giữ lại công ty này.
Chỉ một năm sau, tháng 4/2012, với quyết định mua thêm 17,3 triệu cổ phiếu Chứng khoán Xuân Thành (VIX), bầu Thụy đã nâng tổng số cổ phiếu mình nắm giữ tại công ty chứng khoán này lên tới 81,5% (tương đương 24,45 triệu cổ phiếu). Tại thời điểm đó, cổ phiếu VIX dao động trong khoảng khoảng 12.500 – 15.500 đồng/cổ phiếu.
Kể từ đó, bầu Thụy đã chính thức đứng trong top 45 người giàu nhất thị trường chứng khoán, với giá trị chứng khoán khi đó lên tới trên 300 tỷ đồng, tên tuổi cũng được nhắc đến với mật độ dày hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, sau đó, hoạt động kinh doanh của VIX khá trồi sụt, khoản thua lỗ lớn nhất rơi vào quý III/2012 ngay khi công ty này đẩy mạnh tự doanh.
Điều đó đã khiến công ty của bầu Thụy bán sạch danh mục cổ phiếu niêm yết và chỉ còn giữ lại 380 nghìn cổ phiếu trên sàn OTC trong quý IV/2012.
Tiếp đó, tháng 3/2013, bầu Thụy công bố bán sạch cổ phiếu VIX đang nắm giữ, tương đương 24,45 triệu cổ phiếu, chiếm 81,5% vốn của công ty, nhưng cuối cùng chỉ bán được 2,2 triệu cổ phiếu.
Mãi đến đầu tháng 4/2014, ông Nguyễn Đức Thụy mới có thể chuyển nhượng thành công 22,25 triệu cổ phiếu đăng ký bán trước đó (tương đương 74% cổ phần), với trị giá gần 240 tỷ đồng, đánh dấu sự thoái lui ở lĩnh vực chứng khoán, lĩnh vực mà doanh nhân này từng rất tâm đắc.
Với thương vụ huy động vốn đình đám của THD gần đây, bầu Thụy đang trở lại thị trường chứng khoán theo một phương thức khác.
Khách sạn Kim Liên tăng vốn bất thành, Bầu Thụy rời ghế Chủ tịch HĐQT
Cùng với việc không tăng vốn điều lệ lên 40 lần, ĐHĐCĐ Khách sạn Kim Liên cũng thông qua việc miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT.
Dừng kế hoạch tăng vốn lên gấp 40 lần
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vừa công bố, CTCP Du lịch Kim Liên nhất trí không thực hiện tăng vốn điều lệ để đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho việc triển khai Dự án tổ hợp công trình thương mại dịch vụ khách sạn, văn phòng và khách sạn căn hộ cho thuê tại khu đất 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội. Đây chính là khu đất mà khách sạn Kim Liên đang tọa lạc.
"Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đồng thời xem xét ý kiến của cổ đông, HĐQT nhận thấy việc tăng vốn điều lệ thời điểm hiện tại là không khả thi", tờ trình của Kim Liên viết.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, Du lịch Kim Liên đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức hiện gần 70 tỷ đồng lên 2.768 tỷ đồng để đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho việc triển khai Dự án Khu phức hợp Kim Liên.
Du lịch Kim Liên từng lên kế hoạch tăng vốn lên 2.768 tỷ đồng để triển khai dự án Khu phức hợp Kim Liên
Tuy vậy, các cổ đông vẫn thông qua việc hợp tác đầu tư để triển khai Dự án 5-7 Đào Duy Anh theo quy định. Các công việc bao gồm tìm kiếm và lựa chọn đối tác hợp tác kinh doanh để triển khai dự án nhưng không thành lập tổ chức kinh tế, đảm bảo lợi nhuận không thấp hơn lợi nhuận bình quân 4 năm gần nhất của Du lịch Kim Liên và/hoặc không thấp hơn 25% vốn điều lệ hiện tại; các nội dung khác (ngoại trừ tăng vốn điều lệ) vẫn được giữ nguyên.
Đầu năm 2020, HĐQT Kim Liên đã trình cổ đông thông qua việc lựa chọn các nhà đầu tư, đối tác chiến lược để triển khai, hợp tác phát triển dự án Khu phức hợp Kim Liên, dưới hình thức ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi do Savills Việt Nam thực hiện, tổng chi phí dự án khoảng 616 triệu USD (14.287 tỷ đồng). Việc tăng vốn điều lệ lên gấp 40 lần là để đáp ứng quy định tổng vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư phải tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2019, Du lịch Kim Liên đạt lợi nhuận sau thuế 12,5 tỷ đồng, giúp công ty xóa lỗ lũy kế. Tuy nhiên, do lợi nhuận chưa phân phối chỉ còn 3,8 tỷ đồng, công ty quyết định sẽ không chỉ trả cổ tức và không thực hiện trích lập các quỹ mà để bổ sung năng lực tài chính.
Dự báo dịch Covid-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch khách sạn, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu cho đến hết quý II, Du lịch Kim Liên xây dựng kế hoạch doanh thu hơn 62 tỷ đồng cho năm 2020, dự kiến lỗ trước thuế hơn 8 tỷ đồng.
Bầu Thụy rời ghế Chủ tịch nhưng quyền lực của Thaigroup tại Kim Liên không thay đổi
Cũng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ, Đại hội đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch và thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Đức Thụy theo đơn từ nhiệm, đồng thời miễn nhiệm ông Nguyễn Chí Kiên khỏi thành viên HĐQT.
Thay vào đó, Thaigroup đề cử 2 ứng viên HĐQT và được chấp thuận là ông Phan Mạnh Hùng (sinh năm 1978) và ông Trịnh Văn Thiệm (sinh năm 1978). Ông Thiệm đang là Tổng giám đốc của Bình Minh Group - cổ đông lớn nắm 11% tại Du lịch Kim Liên và cũng là người thay thế Bầu Thụy trở thành Chủ tịch HĐQT.
Trong khi đó, ông Phan Mạnh Hùng là Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc kiêm Trợ lý Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Kim Liên (trợ lý cho ông Nguyễn Đức Thụy).
Du lịch Kim Liên là doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm kể từ khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố thoái toàn bộ 52,4% vốn cổ phần thời điểm cuối năm 2015, bởi sở hữu quyền quản lý và sử dụng khu "đất vàng" Khách sạn Kim Liên có diện tích lên tới 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh.
Tháng 12/2015, Tập đoàn Thaigroup của Bầu Thụy từng chi ra khoảng 1.000 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần nói trên, tương đương mức giá 274.200 đồng/CP. Tiếp đó, tháng 4/2018, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank) bán 1,9 triệu cổ phần với giá 305.053 đồng/CP.
Trong cơ cấu cổ đông của Du lịch Kim Liên, ngoài ThaiGroup của Bầu Thụy vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 52,43% vốn, một cổ đông khác cũng được chú ý là Công ty Tài chính Bưu điện (PTFinance) nắm 6,69%.
Được biết, đứng sau PTFinance là doanh nhân quyền lực Madame Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG Group. Đầu năm 2018, SeABank của Madame Nga chi ra 710 tỷ đồng để sở hữu 100% vốn của PTFinance.
Do tỷ lệ nắm giữ gần như không có tiếng nói khi ThaiGroup và nhóm cổ được cho là thân thiết với Bầu Thụy đã nắm phần lớn cổ phần tại Du lịch Kim Liên, cuối năm 2019, PTFinance đã ngỏ ý muốn thoái phần vốn nắm giữ tại Du lịch Kim Liên, song kế hoạch này chưa thể thực hiện vì "không có nhà đầu tư nào quan tâm mua cổ phiếu".
Cổ phiếu Thaiholdings tăng trần trong ngày đầu tiên giao dịch Giá cổ phiếu đang giao dịch là 19.500 đồng/cp. Công ty có kế hoạch tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng vào tháng 8. Sở giao dịch chứng khoán TP Hà Nội (HNX) vừa tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết và đưa 53,9 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thaiholdings (HNX: THD), tương đương vốn điều lệ 539 tỷ đồng...