Những thử thách đằng sau màn “vũ điệu” của cô trò vùng cao Quảng Bình
Chứng kiến màn “vũ điệu” vô cùng ấn tượng của 2 cô giáo cùng hàng trăm học sinh vùng cao thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, ít ai biết được đằng sau đó là vô vàn khó khăn, thử thách của những giáo viên cắm bản.
Chính sự quan tâm, tình thương yêu xuất phát từ tấm lòng của các giáo viên nơi đây đã níu giữ những đôi bàn chân “hoang dã” lúc nào cũng muốn chạy vào núi rừng, quay ngược ra tìm con chữ…
Ảnh minh họa.
Màn “vũ điệu” ấn tượng giữa núi rừng
Một chiều cuối thu, nước vào hồi đầu tháng đã rút hết, mọi hoạt động của đồng bào xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã trở lại bình thường. Sau đó ít lâu, thầy trò trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa vui mừng đón một đoàn thiện nguyện chở theo nhiều phần quà đến cho các em học sinh ở đây.
Một cô giáo công tác tại trường cho biết: “Ngay khi nghe tin có đoàn từ thiện dưới xuôi sẽ lên trao quà, các em vui lắm, ngày nào cũng mong ngóng đoàn. Một số học sinh lém lỉnh thi thoảng chạy tới hỏi: Khi nào người xuôi về cho quà cô ơi?.
Đúng ngày hẹn, nghe tin đoàn thiện nguyện lên, hàng trăm học sinh đã có mặt đông đủ tại sân trường. Trong số đó, có em được bố mẹ đưa đi, nhưng cũng có nhiều em tự băng rừng, lội suối đến trường.
Đến giờ trao quà, để tạo không khí vui tươi và sôi động, 2 cô giáo của trường đã không ngừng “pha trò” cho các em học sinh; đồng thời cùng các em thực hiện màn “vũ điệu” vô cùng ấn tượng.
Khi tiếng nhạc vang lên, hàng trăm học sinh hào hứng nhảy theo 2 cô giáo. Tất cả những người có mặt khi ấy đều ngỡ ngàng, xúc động, không thể rời mắt trước màn biểu diễn đẹp mắt của cô trò nơi vùng rừng núi heo hút này.
Xung quanh đó, nhiều bà mẹ người dân tộc Khùa, trên miệng luôn ngậm điếu thuốc lá tự quấn, đưa mắt dõi theo con mình, rồi tủm tỉm cười.
Cô Kim Thuyên, giáo viên công tác tại trường cho biết, do địa bàn khó khăn nên các em học sinh ở đây còn chịu nhiều thiệt thòi so với học sinh miền xuôi. Vì vậy, các thầy cô thường xuyên làm công tác tư tưởng, động viên tinh thần để các em có thêm hứng khởi tới trường, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học.
Video đang HOT
“Mỗi lần có đoàn thiện nguyện đến, không chỉ trò mà thầy cô cũng mừng lắm. Bởi các em luôn thiếu thốn, thiệt thòi đủ thứ, đơn giản như cái áo mưa để mặc đi học lúc trời mưa gió, các em cũng không có được. Đoàn thiện nguyện lên, các em được nhận những phần quà có ý nghĩa, điều này đã giúp các em có thêm động lực, niềm vui tới trường”, một thầy giáo công tác trường xúc động chia sẻ.
Chính vì vậy, nhìn màn “vũ điệu” vô cùng ấn tượng của cô trò tại trường, ít ai biết được đằng sau đó là vô vàn khó khăn, thử thách của những giáo viên cắm bản. Vất vả, gian nan, cuộc sống và điều kiện dạy học thiếu thốn trăm bề, nhưng với tấm lòng yêu trẻ, vì học sinh thân yêu, muốn các em được học cái chữ, thầy cô đã không quản ngại, sẵn sàng chia sẻ với trò từ những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua.
“Vận động” học sinh đến trường
Được biết, xã Trọng Hóa là địa bàn có đường biên giới kéo dài, giáp với nước bạn Lào. Đồng bào chủ yếu là người Khùa, sinh sống rải rác ở các bản làng giáp biên giới, đời sống còn nhiều khó khăn. Trận mưa lũ kéo dài đầu tháng Chín đã gây thiệt hại nặng cho bà con trong xã.
Cũng vì ảnh hưởng của mưa lũ, thầy trò trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa không thể tiến hành khai giảng đúng lịch (ngày 5/9) mà phải khai giảng muộn hơn ít ngày.
Ngoài điểm chính, trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa còn có 5 điểm trường lẻ nằm ở các bản xa trung tâm. Tổng số học sinh toàn trường là 379 em; đa số các em là con em dân tộc Khùa thuộc gia đình khó khăn, hộ nghèo. Hầu hết các thầy cô giáo trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa đều thuộc diện luân chuyển; trong đó, có những người đã lên công tác cả chục năm trời ròng rã.
Nếu kể về những khó khăn của thầy trò tại các xã miền núi nói chung, xã biên giới Trọng Hóa nói riêng, có lẽ không gì có thể đo đếm được.
Đầu năm học, nếu ở miền xuôi, các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho con em có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo… thì ở những bản làng xa xôi nơi miền biên viễn này, cha mẹ các em vẫn còn mải mê trên nương rẫy, tất bật với những chuyến đi rừng tìm cái ăn.
Có lẽ vì điều kiện còn nhiều khó khăn, chưa ý thức được sự quan trọng của việc tới trường nên phụ huynh người Khùa để con cái mình lớn lên một cách tự nhiên.
“Cha mẹ nó có đi học đâu mà giờ bắt nó phải đi học”, hay “Lên nương làm rẫy, vào rừng đi bẫy thú còn có cái ăn, chứ đi học thì lấy gì mà ăn”, là những câu nói quen thuộc đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Khùa; chính điều này đã gây ra không ít khó khăn trong việc vận động các em tới lớp đi học.
Thầy cô ở đây đã quen thuộc từng nhà của các em học sinh, dù ngôi nhà đó ở gần hay sâu hun hút giữa rừng. Đi lại vốn khó khăn, nhưng nói làm sao, vận động như thế nào để các em “nhận lời” quay lại lớp lại càng khó khăn hơn nữa.
“Cứ vào đầu năm học, thầy cô trong trường phải chia nhau đi sâu vào bản tìm cách vận động các em tới trường. Có những em học sinh đi một lần là vận động được, nhưng có những em thì thầy cô phải đi tới 5 – 7 lần, kiên trì thuyết phục, các em mới “ậm ừ” hứa quay lại lớp học”, cô Kim Thuyên tâm sự.
Thầy Nguyễn Cảnh Trai, Hiệu trưởng trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa cho biết, trường nằm ở địa bàn miền biên giới khó khăn, mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước và một số tổ chức từ thiện, nhưng cuộc sống của các em vẫn còn rất nhiều thiếu thốn.
Các thầy cô giáo công tác tại trường luôn tâm huyết, nỗ lực hết mình không chỉ trong việc giảng dạy mà còn chăm lo đến đời sống của các em; để làm thế nào, các em giảm dần sự thiếu thốn, tự ti về bản thân.
“Thay mặt thầy trò trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa, tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người đã không ngại đường xa cách trở, trực tiếp đến trường trao những phần quà hết sức ý nghĩa cho các em học sinh. Hy vọng tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước về chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của học sinh miền biên viễn”, thầy Nguyễn Cảnh Trai chia sẻ.
Ngô Huyền
Theo ĐSPL
"Rốn lũ" ở Quảng Bình bao giờ hết ngập lụt?
"Rốn lũ" xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình năm nào cũng bị ngập lụt. Cần có giải pháp nào để giúp người dân ổn định cuộc sống?
Phương án đục hang đá ở hệ thống hang Rục Làn đã được tính tới, làm tăng khả năng thoát lũ nhưng dự báo sẽ gây hậu quả nặng nề cho nhân dân vùng hạ du.
Nạn phá rừng đầu nguồn làm Tân Hoá trở thành rốn lũ.
Trận lũ vừa qua đã nhấn chìm hơn 600 nhà dân ở xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình. Hơn 50 tấn lương thực cùng hàng trăm nhà cửa, trường học, công trình nước sạch của người dân bị hư hại. Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề đối với xã miền núi nghèo khó như Tân Hoá.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Bí thư Huyện uỷ Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình cho biết, giải quyết bài toán ngập lụt ở Tân Hoá là vấn đề nan giải. Lâu nay, Tân Hoá được ví như là "rốn lũ" hay "cái phễu chứa nước". Vì xã này được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi, thượng nguồn sông Rào Nan. Nước lũ dâng thì nước thoát rất chậm qua các hang núi đá.
Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn trong mùa mưa lũ.
Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, việc đục cửa hang để khơi thông, mở rộng khả năng thoát lũ từng được chính quyền địa phương xem xét: "Sau cơn lụt khủng khiếp năm 2010, tỉnh có chủ trương nghiên cứu khơi thông dòng chảy ở đây, nhưng rất khó vì qua hệ thống hang động sông ngầm rất dài đến mười mấy cây số. Qua một thung lũng rồi qua một cái hang sông ngầm, nên việc đó cũng khó".
Những năm gần đây, mặc dù lượng mưa thấp nhưng Tân Hoá cũng bị chìm dài ngày trong biển nước. Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn. Khi nước lũ đổ về kéo theo các loại cây gỗ, rác rưởi chèn lấp, bịt miệng các cửa hang đá.
Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa lũ ở đây thường kéo dài từ tháng 9 qua hết tháng 11, có năm vùng này bị hai, ba cơn lũ nhấn chìm.
Tân Hoá ngập nặng là do các dãy núi đá bao bọc, khó thoát lũ.
Ông Ngô Thanh Đá cho biết thêm, để hạn chế thiệt hại cho bà con, UBND xã Tân Hoá sẽ vận động di dân lên khu vực Rí Rị, là khu vực cao ráo, cách trung tâm xã chừng 3 cây số: "Xã rất mong muốn nước thoát nhanh, nghĩa là phải đục hang. Hai là phải có quy hoạch để chuyển xã lên chỗ cao. Mà chuyển đi rất khó vì có nhiều người không thích đi, họ nói đá trôi chứ làng không trôi. Còn ở Tân Hoá mùa này chủ động sản xuất cây ngắn ngày để thu hoạch trước khi lụt".
Việc mở rộng cửa hang thoát lũ thuộc hệ thống hang Rục Làn sẽ rất tốn kém.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho rằng, phương án đục hang đá mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu. Trước đây, các nhà khoa học đã tìm về Tân Hoá nghiên cứu hệ thống sông ngầm, cửa hang. Các nhà khoa học nhận định cần phải có trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại mới mở rộng hang đá được, dự tính kinh phí trên 200 tỷ đồng vẫn chưa đủ để thực hiện dự án tốn kém này. Điều đáng lo ngại là khi mở rộng khả năng thoát lũ cho Tân Hoá thì sẽ gây hệ luỵ cho nhân dân các xã vùng hạ du dọc theo sông Gianh như huyện Tuyên Hoá, thị xã Ba Đồn.
Theo ông Long, thay vì tìm cách chỉnh trị sông ngầm, phá vỡ cấu trúc tự nhiên thì phương án di dời dân có khả thi, thuận với tự nhiên hơn: "Nhờ có hệ thống hang ngầm này thì dòng chảy điều tiết từ từ, trước khi nước đổ về đập Rào Nan. Nếu chúng ta mở rộng các cửa hang thì chắc chắn tốc độ chảy, tốc độ truyền lũ rất nhanh thì lúc đó nó tác động điển hình , xói lở khu vực hạ nguồn sông Gianh, trong đó có thị xã Ba Đồn. Chúng ta nên tôn trọng nguyên trạng hệ thống của thiên nhiên. Tôi nghĩ phương án khơi thông cửa hang và di dời thì việc di dời sẽ rẻ hơn"./.
Theo Thanh Tuấn/VOV-Miền Trung
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm người dân vùng "rốn lũ" Quảng Bình Đợt mưa lũ vừa qua khiến hơn 2.000 nhà dân ở tỉnh Quảng Bình bị ngập sâu trong nước, thiệt hại nặng nhất là tại huyện Minh Hóa. Sáng nay (22/9), đoàn công tác do ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dẫn đầu đã đến thăm và tặng quà các hộ gia đình nông dân bị...