Những thứ ít ngờ có thể gây dị ứng
Quai dép, nước, ánh sáng, tinh dịch… là những thứ ít ngờ nhưng có thể khiến người tiếp xúc bị ngứa, mẩn đỏ, mọc mụn.
Phản ứng dị ứng gây ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân từ môi trường sống. Mọi thứ không thuộc cơ thể con người đều có thể gây dị ứng. Bên cạnh những tác nhân gây dị ứng thường gặp như thuốc, thức ăn, nọc côn trùng, lông chó lông mèo…, các biểu hiện này còn có thể đến từ những nguyên nhân khó ngờ như nước, ánh nắng, tinh dịch…
Dị ứng với quai dép
Người bị dị ứng do quai dép thường xuất hiện các đám ban đỏ ngứa và mụn nước nhỏ tại vùng da tiếp xúc với quai dép sau khi thay dép mới một vài ngày, thể dị ứng này thuộc loại viêm da dị ứng tiếp xúc. Nguyên nhân thường là các loại hóa chất có trong nhựa hoặc da dùng để chế tạo quai dép.
Không khó để phát hiện các trường hợp dị ứng với quai dép, do vùng tổn thương thường có ranh giới khá rõ và chỉ khu trú tại nơi tiếp xúc với quai dép. Giải pháp cho các trường hợp này là thay một loại dép mới có quai dép làm bằng một chất liệu khác hoặc mang tất mỗi khi đi dép. Sau khi thay dép, các biểu hiện ban đỏ và ngứa thường giảm dần và biến mất sau vài ngày.
Hình ảnh bàn chân một bệnh nhân bị dị ứng với quai dép. Ảnh: Nguyễn Hữu Trường.
Dị ứng với nước
Nước cần cho tất cả mọi người, nhưng có một số người lại thường bị ngứa nhiều, nổi ban đỏ, mày đay (sẩn phù) mỗi khi tiếp xúc với nước. Mày đay do dị ứng với nước rất hiếm gặp, cơ chế gây bệnh còn chưa được hiểu rõ. Sau khi ngưng tiếp xúc với nước, các biểu hiện ngứa và sẩn phù thường biến mất trong vòng 15-30 phút, nếu triệu chứng kéo dài có thể dùng các thuốc kháng histamine như diphenhydramine để giảm nhanh triệu chứng.
Dị ứng với tinh dịch
Là dạng dị ứng không quá hiếm gặp ở phụ nữ nhưng lại ít được ghi nhận. Theo thống kê ở Mỹ có khoảng 40.000 phụ nữ gặp phải dạng dị ứng này. Biểu hiện hay gặp là ngứa và sưng nề bộ phận sinh dục sau mỗi lần quan hệ. Thử test trên da với các protein trong tinh dịch là phương pháp chẩn đoán quan trọng nhất. Phương pháp điều trị tối ưu là sử dụng bao cao su hoặc điều trị giảm mẫn cảm với tinh dịch cho những phụ nữ có ý định mang thai.
Dị ứng do gắng sức
Dạng dị ứng này bắt đầu được ghi nhận trong y văn từ những năm 1970. Những trường hợp nhẹ thường có biểu hiện nổi ban đỏ, mày đay, những trường hợp nặng hơn có thể có sốc phản vệ với các triệu chứng như khó thở, thở rít, tụt huyết áp…
Có 2 dạng dị ứng do vận động, dạng thứ nhất xảy ra khi vận động trong vòng 2 giờ sau bữa ăn, dạng còn lại không liên quan đến thức ăn. Với cả 2 dạng dị ứng này, ngay khi có biểu hiện dị ứng cần ngừng vận động và dùng các thuốc chống dị ứng. Có thể dự phòng thể dị ứng do vận động liên quan đến thức ăn bằng cách hạn chế ăn trước khi vận động.
Video đang HOT
Dị ứng do ánh nắng
Dị ứng do ánh nắng có 2 dạng chính là nổi mày đay hoặc viêm da sau tiếp xúc với ánh nắng. Dạng thứ nhất tương đối hiếm gặp, biểu hiện với các đám ban sẩn, ngứa hoặc cảm giác kiến bò, xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Mày đay do ánh nắng thường giảm dần và biến mất trong vòng vài phút sau khi ngừng tiếp xúc với ánh nắng. Một số ít trường hợp triệu chứng kéo dài cần được điều trị bằng các thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamine, tuy nhiên, các thuốc này không có tác dụng dự phòng triệu chứng. Ngoài mày đay, ánh nắng còn có thể gây viêm da với các biểu hiện nổi ban đỏ, nóng rát hoặc cảm giác kim châm. Thành phần tia cực tím trong ánh nắng được cho là nguyên nhân trực tiếp gây ra các biểu hiện dị ứng.
Dị ứng với niken
Niken là một kim loại được dùng phổ biến để chế tạo nhiều vật dụng như tiền xu, đồ trang sức, bật lửa, gọng kính… Một số người có thể bị các biểu hiện viêm da dị ứng như nổi mụn nước, ban đỏ ngứa, bong tróc da tại nơi tiếp xúc với những vật dụng có chứa kim loại này.
Thông thường, các triệu chứng dị ứng xuất hiện khá muộn, 2-3 ngày sau tiếp xúc với niken. Cũng như với các trường hợp viêm da dị ứng tiếp xúc khác, biện pháp điều trị tốt nhất cho viêm da do niken là ngừng ngay việc tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, dùng thuốc kháng histamin để giảm ngứa và corticoid bôi tại chỗ, nơi có ban đỏ.
Dị ứng do cọ xát
Cọ xát có thể gây ra một dạng dị ứng khá thường gặp gọi là chứng vẽ nổi da, ghi nhận được ở khoảng 3 – 4% dân số thế giới. Những người bị chứng dị ứng này có thể dùng móng tay cào nhẹ trên da và tạo ra các nốt sẩn ngứa theo đúng đường cào của mình. Không chỉ do gãi, các nốt mày đay còn có thể xuất hiện do mặc quần áo chật hoặc kỳ cọ bằng khăn tắm. Ban đỏ thường tự biến mất trong vòng 30 phút.
Dị ứng do lạnh
Nổi mày đay đơn thuần chỉ do lạnh là dạng dị ứng khá hiếm gặp, nhưng có thể rất nặng. Người bị thể dị ứng này thường có nổi mày đay, phù mắt môi, khó thở khi đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh như khi gặp gió lạnh hoặc vào bể nước lạnh. Người bệnh có thể dự phòng bằng cách tránh để một diện rộng của cơ thể tiếp xúc với lạnh và không bao giờ đi bơi một mình.
Dị ứng do bia rượu
Không chỉ làm nặng hoặc kích phát các bệnh dị ứng có từ trước, bản thân bia rượu cũng có thể gây ra các triệu chứng như nổi ban đỏ, ngứa, đau quặn bụng, khó thở… Nguyên nhân gây dị ứng có thể đến từ các loại men, các protein trong ngũ cốc hoặc cây hoa bia dùng để nấu bia rượu, các chất bảo quản chứa gốc sulfite, phenol, các chất tạo hương vị.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường
Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai
Theo VNE
Nhận biết những thứ có độc trong nhà
Thảm trải sàn thông thường được làm từ sợi tổng hợp, sợi có nguồn gốc từ dầu mỏ. Nó có thể sản sinh ra 120 loại hóa chất nguy hiểm gây bệnh hen suyễn, dị ứng, các vấn đề về thần kinh và ung thư
Độc tố ở xung quanh chúng ta rất nhiều. Để có được sức khỏe tốt, việc giảm thiểu tiếp xúc với các hóa chất độc hại là điều thiết yếu. Fitnea mách bạn 10 mẹo nhận biết những vật có độc như sau:
1. Các loại lót sàn thông thường
Thảm trải sàn thông thường được làm từ sợi tổng hợp. Loại sợi này có nguồn gốc từ dầu mỏ, có thể sinh ra 120 loại hóa chất nguy hiểm gây bệnh hen suyễn, dị ứng, các vấn đề về thần kinh và ung thư. Nhiều hóa chất độc hại mà phần lớn được tìm thấy trong miếng nệm cao su và keo dán có thể mất nhiều năm mới bay hơi hết được.
Do đó để bảo vệ sức khỏe gia đình, mọi người nên sử dụng thảm trải sàn bằng coton, len, hoặc thảm ô vuông tái chế, không cần sử dụng keo dán. Cũng nên quan tâm đến loại gỗ có màu đẹp và có thể lau sạch như tre.
Có rất nhiều loại hóa chất độc hại xung quanh chúng ta. Do đó hãy ưu tiên dùng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hơn là công nghiệp. Ảnh minh họa: Fitnea.
2. Sơn có chữ VOC
Khi mua sơn về, phải chắc rằng đó là loại sơn không chứa VOC (chất hữu cơ dễ bay hơi). Nhiều công ty quảng cáo sơn của họ không chứa VOC, nhưng đó chỉ là lớp sơn nền trắng. Một khi sơn thêm màu lên, nó không còn là "sơn không chứa VOC" nữa. Do đó, khi mua bạn phải hỏi kỹ để được chuyên gia tư vấn rõ ràng về điểm này.
3. Đồ nội thất có lớp da bọc nguồn gốc từ dầu mỏ
Đồ nội thất được bọc da có thể chứa cao su bọt poliuretan, nguồn gốc từ dầu mỏ, chứa đầy chất hóa học và chất chống cháy. Do đó hãy tìm những loại có vải bọc làm từ cao su thiên nhiên hoặc sợi vải hữu cơ. Bên cạnh đó, không nên dùng đồ nội thất từ ván gỗ ép, trong quá trình sử dụng nó sẽ sinh ra formaldehyde, chất này có thể gây ung thư ở người.
4. Chăn ga gối nệm công nghiệp
Hãy ưu tiên chọn khăn trải giường, chăn và gối bằng chất hữu cơ chưa qua xử lý, không nên dùng các loại gối nệm công nghiệp. Hiện nay phần lớn nguyên liệu công nghiệp sử dụng chất chống cháy, thuốc trừ sâu, chất tẩy và thuốc nhuộm có hại cho cơ thể.
5. Rèm cửa làm bằng nhựa vinyl
Rèm cửa buồng tắm làm bằng nhựa vinyl thải ra hơn 100 chất hữu cơ dễ bay hơi, chúng có thể tồn tại lởn vởn trong không khí hơn một tháng. Loại rèm cửa này cũng chứa phenolphthalein và chất làm rối loạn tuyến nội tiết. Do đó, hãy chọn rèm cửa buồng tắm làm từ sợi coton hữu cơ và vải lanh sẽ an toàn hơn.
6. Rèm cửa
Phần lớn rèm cửa có chứa chất chống cháy, thuốc trừ sâu, chất tẩy và thuốc nhuộm. Do đó bạn nên sử dụng các loại rèm làm từ chất hữu cơ, sợi lanh hoặc coton chưa qua xử lý, hoặc nếu có điều kiện hãy chọn rèm cửa bằng tre.
7. Nệm ngủ
Nơi bạn ngủ và thứ bạn nằm lên trên là một trong những điều quan trọng nhất bạn cần quan tâm. Chúng ta dành gần nửa thời gian cuộc đời của mình để ngủ, và phần lớn quá trình bài trừ độc tố và hồi phục cơ thể diễn ra trong khi ngủ. Những loại nệm công nghiệp thường có chứa hóa chất độc hại và chất chống cháy mà phải mất nhiều năm mới bay hơi hết. Do đó hãy chọn nệm làm từ 100% cao su tự nhiên và mặt hàng nệm làm từ sợi len hữu cơ.
8. Chất tẩy rửa
Năm 2009, tổ chức Chống bạo lực động vật Mỹ (ASPCA) đã liệt các chất tẩy rửa trong gia đình vào danh mục 10 chất độc hại nguy hiểm nhất. Chúng dễ dàng bám lên cơ thể người và động vật nuôi trong nhà.
Nghiên cứu cho thấy nồng độ chất chống cháy Brom bám trên các chú mèo nuôi trong nhà lớn hơn gấp 23 lần so với người, còn chất perfluorinated bám trên những chú chó gấp 2,4 lần so với người. Đó là những hóa chất đã được tìm thấy trong các vật dụng thường gặp như vải chống cháy và thảm trải sàn chống vết ố. Hãy thử tưởng tượng xem gia đình bạn và các loại vật nuôi đang bị hành hạ như thế nào vì những hóa chất bạn đã phun hoặc đổ lên nhà. Do đó, hãy hạn chế dùng chất tẩy rửa hóa học và ưu tiên những giải pháp tẩy rửa tự nhiên, không độc hại.
9. Không khí ô nhiễm
Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cảnh báo: "Phần lớn mọi người nhận thức rằng ô nhiễm không khí bên ngoài có thể làm tổn hại sức khỏe của họ. Tuy nhiên có thể họ không biết rằng ô nhiễm không khí trong nhà cũng có thể gây tác hại nghiêm trọng".
Nghiên cứu của EPA về tình trạng tiếp xúc của người với không khí ô nhiễm đã chỉ ra rằng nồng độ chất ô nhiễm trong không khí trong nhà ở có thể cao gấp 2 đến 5 lần, thậm chí gấp 100 lần so với nồng độ bên ngoài. Báo cáo này nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi vì theo ước tính, người ta dành đến 90% thời gian ở trong nhà. Các nghiên cứu về vấn đề rủi ro được thực hiện trong những năm gần đây của EPA và hội đồng cố vấn khoa học đã kiên quyết xếp ô nhiễm không khí vào danh sách 5 loại tác hại về môi trường ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe con người.
10. Chất tẩy rửa khô
Chất tẩy rửa khô là một trong những loại chứa nhiều hóa chất nhất, song nó lại đang ngày càng được ưa chuộng bởi tính tiện dụng. Để bảo vệ sức khỏe của mình, bạn hãy tìm loại chất tẩy rửa xanh, sạch hoặc chất tẩy rửa quần áo sinh thái. Nếu không có lựa chọn khác, bạn buộc phải sử dụng chất tẩy rửa khô truyền thống, sau đó hãy bỏ quần áo của bạn vào giỏ nhựa và mang chúng ra nơi thông gió một vài tiếng trước khi cất vào tủ đồ.
Theo VNE
Giảm đau ngày kinh nguyệt với những thứ quen thuộc Đó là các món ăn không chỉ giúp giảm đau mà còn rất tốt cho sức khỏe đấy! Ngũ cốc và các loại hạt Trong thời gian "đèn đỏ", chúng mình thường bị mất đi một lượng máu khá lớn. Vì thế, các bạn nên bổ sung magie và sắt thông qua các loại hạt và ngũ cốc. Chúng không chỉ có tác...